Bài 36: Gia-Cốp Cướp Phước Lành Của Ê-Sau

4366

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 


 

Sáng thế ký 27:1-46        

                                   

Hôm nay chúng ta đến sách Sáng thế ký 27. Đề tài của đoạn này nói việc Gia-cốp và bà Rê-bê-ca đồng mưu để giành sự chúc phước của Y-sác cho Gia-cốp. Y-sác có ý định sẽ chúc phước cho Ê-sau. Nhưng Gia-cốp muốn nhận sự chúc phước từ cha ông. Ông biết rằng Đức Chúa Trời đã hứa với mẹ ông rằng, người anh sẽ phục tùng người em, cho nên phước hạnh đã có sẵn cho ông rồi. Dầu vậy, ông không tin cậy vào Đức Chúa Trời. Rê-bê-ca mẹ ông cũng không tin cậy vào Đức Chúa Trời. Sự thực Y-sác, cha của ông cũng thiếu lòng tin cậy Đức Chúa Trời, ông không hề có ý định chuyển phước hạnh của Ê-sau cho Gia-cốp. Ông theo cảm nghĩ riêng và thích món ăn riêng của mình, trái nghịch lời của Đức Chúa Trời

 

Phương cách mà Gia-cốp dùng để chiếm quyền trưởng nam không thể được biện hộ cho bất cứ lý do nào. Vì ông đã dùng sự đánh lừa và gian trá. Hành động của ông làm rất tệ. Đức Chúa Trời không chấp nhận điều nầy. Đức Chúa Trời không chấp nhận cách lừa gạt và sự khôn khéo của Gia-cốp. Chúng ta sẽ thấy, Đức Chúa Trời đối xử với ông cách rất rõ ràng. Gia-cốp phải trả giá cho tội lỗi của ông đã làm, chúng ta sẽ thấy điều nầy trong những đoạn kế tiếp.

Đoạn 26 kết thúc nói đến Ê-sau, ông được 40 tuổi cưới hai vợ là người Hê-tít. Điều nầy gây nên sự cay đắng cho Y-sác và Rê-bê-ca. Bây giờ họ nhận biết rằng, nếu không muốn cho Gia-cốp cưới con gái người Hê-tít hay người Phi-li-tin, họ phải đưa Gia-cốp tới Cha-ran, là nơi Y-sác cưới vợ trong gia đình của Áp-ra-ham.

 

Y-SÁC HỨA CHÚC PHƯỚC CHO Ê-SAU

 

Sáng thế ký 27:1-4, “Bởi Y-sác đã già, mắt làng chẳng thấy được nữa, bèn gọi Ê-sau, con trưởng nam, mà rằng: Hỡi con! Ê-sau thưa rằng: Có con đây. Người bèn nói rằng: Nầy, cha đã già rồi, chẳng biết ngày nào phải chết; vậy bây giờ, cha xin con hãy lấy khí giới, ống tên và cung con, ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết.”

 

Chúng ta thấy Y-sác là người đàn ông nổi bật, là một người rất quan trọng. Dân A-bi-mê-léc và Phi-li-tin đến xin ký hòa ước với ông vì họ sợ ông. Ông là một người nhịn nhục và thích hòa bình, nhưng cũng giữ lời hứa và có năng lực. Dầu vậy, tại đây ông được tỏ bày về sự yếu đuối của xác thịt. Trong suốt đời sống của ông, Ê-sau đã đứng về bên ông, trong khi Gia-cốp đứng về phía bà Rê-bê-ca. Ê-sau là một người con trai thường đi săn ngoài đồng, mang về những thú rừng, rồi nướng thịt đó lên cho Y-sác, ông rất thích thú khi thưởng thức những món ăn đó. Bây giờ ông rất già, nên muốn chúc phước cho đứa con mà ông yêu thích. Ông biết rất rõ rằng Đức Chúa Trời đã nói người con lớn sẽ phục tùng em nó, nhưng ông đã bỏ qua điều đó, bởi vì ông muốn chúc phước cho Ê-sau. Do đó, ông nói với Ê-sau đi săn thịt rừng về nấu cho ông ăn, rồi ông sẽ chúc phước cho. Điều gì đã bày tỏ ra trong gia đình nầy?

 

Chúng ta thấy gia đình có sự xung đột, có sự xung đột trong gia đình của Áp-ra-ham, bởi vì A-ga. Bây giờ là sự xung đột trong gia đình nầy với hai người con sanh đôi.   

 

RÊ-BÊ-CA ÂM MƯU VỚI GIA CỐP ĐÁNH LỪA Y-SÁC

 

Sáng thế ký 27:5-8, “Vả, đương khi Y-sác nói cùng Ê-sau con trai mình, thì Rê-bê-ca có nghe. Ê-sau bèn ra đồng săn thịt rừng đặng đem về cho cha. Rê-bê-ca nói cùng Gia-cốp, con trai mình, rằng: Nầy, mẹ có nghe cha nói cùng Ê-sau, anh con, và dặn rằng: Hãy đem thịt rừng về cho cha, dọn một món ngon cha ăn; đặng trước khi qua đời, cha sẽ chúc phước cho con trước mặt Đức Giê-hô-va. Vậy, con ơi! bây giờ, hãy nghe mẹ và làm theo lời mẹ biểu.”

 

Rê-bê-ca đã nghe những điều Y-sác nói. Gia cốp đứng bên bà; do đó bà suy tính đến kế hoạch để lừa gạt. Đó là việc không thể chấp nhận được trên bất cứ nền tảng nào. Đức Chúa Trời ghi nhận câu chuyện nầy trong sự ký thuật, nhưng Ngài kết án nó. Chúng ta sẽ thấy điều đó. Xin nhớ rằng tất cả những điều đó bắt đầu đã làm tại đây, và bà Rê-bê-ca sắp đặt mọi chuyện sẵn cho Gia-cốp. Bây giờ Rê-bê-ca đến nói với Gia-cốp.

 

Sáng thế ký 27:9-11, “Hãy ra ngoài bầy, bắt hai dê con tốt, rồi mẹ sẽ dọn cho cha con một món ngon, tùy theo người sở thích; con sẽ đem cho cha ăn, đặng người chúc phước con trước khi qua đời. Gia-cốp thưa lại cùng mẹ rằng: Thưa mẹ, Ê-sau, anh con, có lông, còn con lại không.”

 

Ê-sau không những là người sinh hoạt bên ngoài, da ông hồng hào, cũng là người có rất nhiều lông nữa. Điều này làm cho Gia-cốp lo ngại.

 

Sáng thế ký 27:12, “Có lẽ cha sẽ rờ mình chăng, coi con như kẻ phỉnh gạt, thì con chắc lấy cho mình sự rủa sả, chớ chẳng phải sự chúc phước đâu.”

 

Ông có vẻ giống như người không lừa dối, nhưng ông thật là người lừa dối.

 

Sáng thế ký 27:13-17, “Mẹ đáp rằng: Con ơi! xin sự rủa sả đó để cho mẹ chịu; hãy cứ nghe lời mẹ, ra bắt hai dê con. Vậy, Gia-cốp đi bắt hai dê con, đem lại cho mẹ, làm món ngon, tùy theo cha sở thích. Đoạn Rê-bê-ca lấy quần áo tốt nhứt của Ê-sau, con trưởng nam, sẵn để trong nhà, mà mặc vào cho Gia-cốp, con út mình; rồi người lấy da dê con bao hai tay và cổ, vì tay và cổ Gia-cốp không có lông. Rê-bê-ca bèn để món ngon và bánh của mình đã dọn vào tay con út mình.”

 

Rê-bê-ca đã lấy da của dê con bao vào hai tay và cổ của Gia-cốp, để khi Y-sác sờ vào thì nghĩ rằng đây là Ê-sau. Bà cũng lấy áo quần của Ê-sau mặc cho Gia-cốp để nghe được mùi của Ê-sau.

 

ÂM MƯU THÀNH CÔNG VÀ GIA-CỐP GẠT CHA CỦA MÌNH

 

Sáng thế ký 27:18-20, “Gia-cốp bưng đến cha mình và nói rằng: Thưa cha! Y-sác đáp: Có cha đây; con là đứa nào đó? Gia-cốp thưa: Tôi là Ê-sau, con trưởng nam của cha; con đã làm theo lời cha dặn biểu; xin cha dậy, ngồi ăn lấy thịt săn của con, đặng linh hồn cha sẽ chúc phước cho con. Y-sác hỏi rằng: Sao con đi săn được mau thế? Thưa rằng: Ấy nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của cha xui tôi gặp mau vậy.”

 

Giọng nói không giống như giọng nói của Ê-sau. Người con trai nầy có điểm đặc biệt, đó là sự sùng kính dối trá. Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều sự gian trá trong lãnh vực này ngày hôm nay. Họ nói về Đức Chúa Trời dẫn dắt họ. Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời hướng dẫn họ làm việc lạ thường. Thỉnh thoảng có những người Cơ Đốc làm những việc phạm pháp. Nhưng họ lại cầu nguyện cho vấn đề đó và nói đó là ý của Đức Chúa Trời.

 

Sáng thế ký 27:21-27, “Y-sác nói cùng Gia-cốp rằng: Hỡi con! hãy lại gần đặng cha rờ thử xem có phải là Ê-sau, con của cha chăng? Gia-cốp bèn lại gần Y-sác; người rờ và nói rằng: Tiếng nói thì của Gia-cốp, còn hai tay lại của Ê-sau. Người chẳng nhận biết đặng vì hai tay cũng có lông như của anh, là Ê-sau. Vậy Y-sác chúc phước cho. Người lại hỏi rằng: Ấy con thật là Ê-sau, con trai ta, phải chăng? Gia-cốp thưa: Phải, con đây. Y-sác bèn nói: Hãy dọn cho cha ăn lấy thịt săn của con, đặng linh hồn cha chúc phước cho con. Gia-cốp dọn cho người ăn, cũng có đem rượu cho người uống nữa. Rồi Y-sác cha người nói rằng: Hỡi con! hãy lại gần và hôn cha. Gia-cốp bèn lại gần và hôn người. Y-sác đánh mùi thơm của áo con, liền chúc phước cho, và nói rằng: Nầy, mùi hương của con ta, Khác nào mùi hương của cánh đồng mà Đức Giê-hô-va đã ban phước cho.”

 

Chúng ta có thể nói rằng Y-sác nghi ngờ có gì khác lạ, nhưng Rê-bê-ca biết Y-sác rất rõ và bà đã chuẩn bị rất chi tiết để Y-sác không nhận ra.

 

Sáng thế ký 27:28-29, “Cầu xin Đức Chúa Trời cho con sương móc trên trời xuống, Được màu mỡ của đất, và dư dật lúa mì cùng rượu. Muôn dân phải phục con, Các nước phải quì lạy trước mặt con! Hãy được quyền chủ các anh em, Các con trai của mẹ con phải quì lạy trước mặt con! Ai rủa sả con sẽ bị rủa sả lại, Ai cầu phước cho con, sẽ được ban phước lại!”

 

Lời chúc phước của Y-sác có tính chất thi ca, vì thốt ra trong lúc tình cảm cao quý rất phấn khởi. Về phương diện hình thức, tính chất thi ca này được đánh dấu bằng cách đối chiếu và dùng những danh từ thi ca.

 

Bắt đầu từ chỗ nhớ lại các loại cỏ thơm mà mùi hương dính chặt vào áo Ê-sau, Y-sác có lý lắm mà giải thích hương ấy là dấu hiệu do ơn phước của Đức Giê-hô-va ban cho. Quả thật hương thơm của đồng ruộng nhắc cho ông nhớ Chúa nhơn lành bày tỏ lòng nhơn lành của Ngài bằng nhiều ơn phước đẹp đẽ. Vậy, vì suy luận về ơn phước của Đức Chúa Trời, nên xưng Đức Giê-hô-va từ lúc mở đầu là hợp lý. Y-sác chúc cho các ơn phước là sương móc và phì nhiêu. Kết quả của hai phước này là mùa màng được thạnh mậu. Ấy vì sương móc dầy nặng của xứ Pha-lét-tin, hầu bù lại chỗ thiếu nước mưa trong mùa khô hạn. “Sương móc trên trời” chính là ơn tứ thiên đàng. ‘Sương móc và các chỗ phì nhiêu’ là nguyên nhân sanh ra kết quả, là lúa mì cùng rượu, là đồ ăn, đồ uống cần yếu. Bao nhiêu đó là ơn phước liên quan đến lương thực hằng ngày.

 

Phần thứ hai của lời chúc phước liên quan đến kẻ khác, cùng vấn đề cai trị và sự hùng cường. Đặc biệt khi suy luận đến mối liên quan giữa hai anh em. Khi Y-sác nói “Hãy được quyền chủ các anh em” ông có ý để cho con cháu Ê-sau cai trị con cháu Gia-cốp. Qua lời này ông toan hủy bỏ và vô hiệu hóa quyết định nguyên thủy của Đức Chúa Trời, về mối liên quan giữa hai con ấy. Vậy theo phương diện này, lời Y-sác nói đây thật táo bạo và tự thị, thậm chí thách đố Đấng Toàn năng.

 

Tóm lại, ai mà không thích những ơn phước như vậy. Chắc hẳn ơn phước này là gia tài quý báu, vì do cha sùng kính chúc cho con sùng kính và xứng đáng, đúng theo ý chỉ và ý định của Đức Chúa Trời.    

 

Y-sác ban cho sự chúc phước với những gì mà ông đã nhận – ông truyền nó lại cho con ông. Điều rất thích thú là tất cả đều này thuộc về cho Gia-cốp. Đức Chúa Trời có nói điều đó. Đức Chúa Trời đã sẵn sàng chúc phước cho Gia-cốp. Nhưng Đức Chúa Trời không chấp nhận bất cứ sự lừa dối nào.

 

ÂM MƯU BỊ BẠI LỘ KHI Ê-SAU TRỞ VỀ

 

Sáng thế ký 27:30-33, “Vừa khi Y-sác chúc phước cho Gia-cốp xong, và vừa khi Gia-cốp lùi ra khỏi nơi cha mình, thì Ê-sau, anh người, đi săn trở về. Người cũng dọn một món ngon, dâng lên cho cha và thưa rằng: Xin dậy, ngồi ăn thịt săn của con trai cha, đặng linh hồn cha chúc phước cho con. Y-sác, cha người, hỏi: Con là đứa nào? Thưa rằng: Tôi là Ê-sau, con trưởng nam của cha. Y-sác lấy làm cảm động quá đỗi mà nói rằng: Vậy, còn đứa nào đã săn thịt rừng, và đã dâng lên cho cha đó? Trước khi con về, cha đã ăn hết rồi, và chúc phước cho nó; nó lại sẽ được ban phước vậy.”

 

Chữ ‘vừa khi’ tỏ ra còn một chút nữa là bị bắt quả tang, bị bại lộ. Gia-cốp vừa mới đóng cửa, thay quần áo và da dê ngụy trang ra, thì người anh xuất hiện.

 

Hoàn toàn chẳng nghi ngờ chi hết, Ê-sau nấu nướng thịt rừng đã bắt được, đến giờ anh bước vào trước mặt cha, dùng chính những lời mà Gia-cốp đã dùng. Điểm này chứng tỏ Gia-cốp đã hoạch định vụ dối gạt cách cẩn thận dường nào, chàng biết Ê-sau nói gì khi bước vào trước mặt cha mình. “Mời cha dậy, mời cha ăn” dường như có phần cung kính, lễ phép hơn lời của Gia-cốp “hãy dậy, ngồi ăn.” Vì Gia-cốp hành động đang ở trong tình trạng căn thẳng hơn, quả thật, tình trạng ấy đã phản ảnh trong lúc cố gắng nói năng bạo dạn hơn. Không thể nào dựa vào các sự kiện này mà kết luận chính xác rằng trong hai con trai, ai thật sự tôn kính cha hơn.

 

Chúng ta có thể nghe mấy tiếng “con là đứa nào” phát ra từ Y-sác cách kinh ngạc và mạnh mẽ biết bao. Cũng có thể thấy nỗi ngạc nhiên tỏ ra trong giọng nói của Ê-sau khi anh đáp lại, có thể là: “Tại sao cha lấy làm lạ khi con bưng món ngon tới, vì chính cha bảo con dọn nó để được cha chúc phước cho?”

 

Khi nghe lời đáp của cha làm Ê-sau giật mình. Người run, một sự run rẩy quá lớn, cho tới quá độ. Thật là một cảnh tượng đáng thương thay, vì Y-sác khả kính ở dưới sức đè nén của cảm xúc kịch liệt dường ấy. Hầu không thể tin rằng, em mình giả làm anh như vậy để chiếm ơn phước vốn dành cho anh, mà lại giả bộ cách khéo léo dường ấy. Nỗi đau đớn, bối rối nổi bật trong câu hỏi của cha “Vậy còn đứa nào đã săn thịt rừng?” Nhưng chính lúc hỏi, thì cũng là lúc biết được câu trả lời. Y-sác biết chính là Gia-cốp đã giả dạng Ê-sau, đem thức ăn cho mình trước đó. Ông thấy thể nào ý chỉ của Đức Chúa Trời đã ngăn chặn mình trong công tác dại dột và sai lầm. Từ điểm này trở đi, ý định của Đức Chúa Trời về hai con trai của Y-sác được tỏ bày cách minh bạch, với lời kết thúc ngắn ngủi “Nó sẽ được phước vậy.”    

 

Có vài người sẽ hỏi, thịt nai ăn có giống thịt trừu hay là thịt dê không? Nó rất là giống. Bây giờ Y-sác đã thấy thật sự ông đã bị lường gạt thế nào.

 

Sáng thế ký 27:34-40, “Vừa nghe dứt lời cha, thì Ê-sau la lên một tiếng rất lớn, và rất thảm thiết mà thưa cùng cha rằng: Cha ơi! xin hãy chúc phước cho con luôn nữa! Nhưng Y-sác lại đáp: Em con đã dùng mưu kế đến cướp sự chúc phước của con rồi. Ê-sau liền nói rằng: Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà đó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa. Tiếp rằng: Cha chẳng có dành sự chúc phước chi cho tôi sao? Y-sác đáp rằng: Nầy, cha đã lập nó lên làm chủ con, và đã cho các anh em làm tôi nó; và đã dự bị lúa mì và rượu cho nó. Vậy, cha sẽ làm chi cho con đây? Ê-sau thưa rằng: Cha ơi! cha chỉ có sự chúc phước đó thôi sao? Hãy chúc phước cho con với, cha! Rồi Ê-sau cất tiếng lên khóc. Y-sác cha người, đáp rằng: Nầy, nơi con ở sẽ thiếu màu mỡ của đất, Cùng sương-móc trên trời sa xuống. Con sẽ nhờ gươm mới được sống. Và làm tôi tớ cho em con. Song khi con lưu lạc rày đó mai đây, Sẽ bẻ cái ách của em trên cổ con vậy.”

 

RÊ-BÊ-CA ĐƯA GIA-CỐP ĐI ĐẾN LA-BAN    

 

Sáng thế ký 27:41, “Ê-sau trở lòng ghét Gia-cốp vì cớ cha mình chúc phước cho người, bèn nói thầm trong lòng rằng: Ngày tang của cha đã hầu gần; vậy, ta sẽ giết Gia-cốp, em ta, đi.”

 

Ê-sau có sự suy nghĩ, cha ta đã già và không còn sống bao lâu nữa. Khi cha ta qua đời, ta sẽ giết Gia-cốp. Ta sẽ diệt trừ nó đi! Đó là những điều ông có từ trong lòng của ông, và cũng nói điều đó cách minh bạch với những người khác.

 

Sáng thế ký 27:42-43, “Họ đem lời Ê-sau, con lớn, thuật lại cùng Rê-bê-ca, thì người sai gọi Gia-cốp, con út mình, mà nói rằng: Nầy, Ê-sau, anh con, toan giết con để báo thù. Vậy, bây giờ, hỡi con, hãy nghe lời mẹ, đứng dậy, chạy trốn qua nhà La-ban, cậu con, tại Cha-ran.”

 

Tại đây lần nữa, chúng ta thấy Rê-bê-ca làm những điều tự bà quyết định. Bà nói với Gia-cốp, “con hãy rời khỏi gia đình.” Bà biết rằng bà phải trả giá cho những việc bà đã làm trong những thời gian qua, tội lỗi của bà. Không bao giờ bà gặp lại đứa con trai nầy nữa. Bà nói bà đưa Gia-cốp đi trong một khoảng thời gian ngắn thôi, nhưng cho đến khi bà qua đời một thời gian sau, thì Gia-cốp mới trở về.

 

Chúng ta nên nhớ rằng Gia-cốp là đứa con trai yêu quý nhất của bà. Bà muốn Gia-cốp đi đến nhà của anh mình là La-ban, đó là nơi mà bà đưa Gia-cốp đi. Đây là chỗ mà Gia-cốp sẽ học bài học. Người cậu già La-ban sẽ cho Gia-cốp một vài bài học lớn. Gia-cốp nghĩ rằng, ông là một người rất là khôn ngoan, nhưng người cậu La-ban còn khôn lanh hơn bội phần. Chúng ta thường nghe nói “vỏ quít dầy có móng tay nhọn.” Chúng ta thấy Gia-cốp khốn khổ, vì ông còn là người non kém, nhưng ông chạy đến Chúa để kêu cầu trong khi gặp thất vọng, khó khăn.

 

Sáng thế ký 27:44-45, “và hãy ở cùng người ít lâu, cho đến lúc nào cơn giận của anh con qua hết. Khi cơn giận anh con bỏ qua rồi, và nó quên việc con đã gây nên với nó, thì mẹ sẽ biểu con về. Có lẽ đâu mẹ phải chịu mất cả hai đứa trong một ngày ư?”

 

Bà Rê-bê-ca nói sẽ đưa Gia-cốp đi trong vòng vài ngày thôi. Nhưng vài ngày đó là 20 năm, trong khoảng thời gian đó thì bà qua đời. Bà không bao giờ gặp lại con trai của bà, đứa con bà yêu quí.

 

Chúng ta có thể nhìn thấy được hình ảnh trong đời sống của Rê-bê-ca, sau những năm khi sự việc đó xảy ra, thì Ê-sau không để ý nhiều đến mẹ mình.

 

Sáng thế ký 27:46, “Rê-bê-ca nói cùng Y-sác rằng: Tôi đã chán, không muốn sống nữa, vì cớ mấy con gái họ Hếch. Nếu Gia-cốp cưới một trong mấy con gái họ Hếch mà làm vợ, tức một người con gái trong xứ như các dân đó; thôi, tôi còn sống mà chi?”

 

Chúng ta nhớ rằng Ê-sau cưới vợ là những người ngoại giáo, không thờ Chúa. Trong gia đình của bà tràn ngập sự đau buồn. Bây giờ bà nói với Y-sác rằng nếu Gia-cốp ở lại đây, có thể ông cũng cưới con gái trong xứ làm vợ. Bà có lý do tốt nhất, bà có thể nói để đưa Gia-cốp đi, hầu bảo vệ khỏi tay Ê-sau. Bà có sự thảo luận nhỏ với Y-sác để thúc bách Gia-cốp trở về bên gia đình của bà, đến nhà anh bà là La-ban, cậu của Gia-cốp. Xin nhớ rằng, đầy tớ của Áp-ra-ham đã đi đến đó để rước bà thế nào. Do đó, đây là điểm mà Gia-cốp trở về đó để tìm một người vợ, nhưng thật ra chỉ là tránh sự nguy hiểm cho Gia-cốp mà thôi.

 

Khi chúng ta có lòng tìm kiếm phước hạnh, cả phước hạnh vật chất lẫn phước hạnh thiêng liêng, đó là một mong ước tốt. Nhưng chúng ta phải tìm kiếm cách phải lẽ, không được phép dùng sự lường gạt hay các phương tiện bất chánh để tìm kiếm lợi lộc và phước hạnh.

 

 

Bài trướcBài 36: Khi Đức Chúa Trời Quyết Định (tt)
Bài tiếp theoBài thứ 140: Khoảng Cách