Bài 35: Khi Đức Chúa Trời Quyết Định

1672

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Trong phần lược khảo Cựu ước, chúng ta đã đi qua các sách Sáng thế ký, Xuất Ê díp tô ký và Lê vi ký. Hôm nay, chúng ta bước sang sách Dân số ký. Sách nầy ghi lại những diễn biến lịch sử tiếp nối với sách Xuất Ê díp tô ký . Một cách tổng quát, lịch sử nhân loại nói chung và của dân Y-sơ-ra-ên nói riêng bắt đầu với Sáng thế ký, và tiếp tục đến hai phần ba của sách Xuất Ê díp tô ký. Khi đến các chi tiết kỹ thuật về đền tạm trong sách Xuất Ê díp tô ký, sách không còn đề cập đến các dữ kiện lịch sử nữa. 

 

Ý nghĩa hình bóng về sự cứu chuộc bắt đầu với Sáng thế ký, và xuyên suốt các sách lịch sử. Sách Sáng thế ký đề cập về nguồn gốc của sự cứu rỗi. Sách cho biết sự sa ngã xuất phát từ bản chất của con người. Sáng thế ký chương 3 đã ghi lại việc loài người sa ngã như thế nào. Sáng thế ký cũng cho biết sự cứu rỗi của chúng ta bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Chữ Sáng thế ký chỉ về những điều khởi đầu. Sách nói đến sự khởi đầu hay nguồn gốc sự cứu rỗi của chúng ta. Xuất Ê díp tô ký cho biết, sự cứu rỗi mà chúng ta kinh nghiệm  ngày nay giống như sự giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xiềng xích của nô lệ ngày xưa. Mỗi chúng ta đều có thể được giải phóng ra khỏi xiềng xích của tội lỗi.

 

Phần lớn, chúng ta không thể làm điều mình muốn làm. Điều nầy có nghĩa là chúng ta không được tự do. Rất ít người kinh nghiệm sự tự do thật. Chúa Jêsus khẳng định rằng, nếu còn tiếp tục miệt mài trong tội thì chúng ta là nô lệ cho tội lỗi. Nhưng Ngài giảng dạy rằng, ơn cứu rỗi có thể giải phóng chúng ta; và khi đó, chúng ta được tự do thật. Xuất Ê díp tô ký ghi lại việc dân Y-sơ-ra-ên được giải phóng ra khỏi Ai-cập – đây là hình bóng về sự cứu rỗi của chúng ta. Theo chương trình của Đức Chúa Trời, sau khi  được giải cứu ra khỏi Ai-cập, họ tiến vào Ca-na-an. Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia cốp rằng, Ngài chuẩn bị vùng đất đặc biệt nầy cho họ. Chúng ta gọi đây là vùng đất hứa. Đó là vùng đất “đượm sữa và mật”, một vùng đất màu mỡ và phì nhiêu. Được giải cứu ra khỏi Ai-cập chưa phải là kết thúc. Một mặt, chúng ta được cứu ra khỏi tội lỗi; nhưng mặt kia, chúng ta được cứu để có một đời sống sung mãn. Chúa Jêsus phán rằng, “Ta đến để chiên được sự sống và sự sống dư dật.” Nói một cách hình bóng, đây chính là vùng đất hứa thuộc linh của chúng ta. Chúng ta cần bước vào vùng đất hứa hay lớn lên trong một đời sống sung mãn.

 

Sách Dân số ký ghi lại khoảng thời gian nằm giữa hai giai đoạn giải phóng ra khỏi Ai-cập và tiến chiếm đất hứa. Dân Y-sơ-ra-ên không tiến thẳng từ Ai-cập vào Canaan, nhưng họ đã đi lòng vòng trong sa mạc suốt 40 năm trường. Thật đáng buồn, vì đây là hình ảnh của nhiều Cơ đốc nhân ngày hôm nay. Họ đã được giải cứu ra khỏi hình phạt và quyền lực của tội lỗi do lòng tin nơi Chúa Jêsus Christ. Nhưng, họ không kinh nghiệm  đời sống phong phú. Họ sống trong buồn chán và không thỏa lòng. Vùng đất hứa thuộc linh hay đời sống phong phú hãy còn xa vời đối với họ. Họ đi lòng vòng trong quĩ đạo của mập mờ, vô tín và ảo vọng. Ước gì những điều nầy không xảy ra; nhưng sự thật là nó đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa và cũng xảy ra cho con dân Chúa ngày nay. Những sách đầu tiên của Kinh thánh đề cập đến vấn đề nầy.

 

Khi lược khảo về sách Dân số ký, chúng ta nhắc lại một số các nguyên tắc để học Kinh thánh đã nói đến trong phần dẫn nhập lược khảo Cựu ước.  Chúa Jêsus dạy trong Giăng 17:17 rằng: “Lời Cha là lẽ thật.”.  Vì thế, điều quan trọng Chúa  muốn chúng ta đến với lời Chúa  là cần biết cách học Kinh thánh để tìm ra lẽ thật .

 

Khi  đến với Kinh thánh, chúng ta không nên bị chi phối bởi thể văn. Nhiều người khi đến với Kinh thánh đã bị vấn đề nầy chi phối quá nhiều. Thay vì vậy, chúng ta cần đặt những câu hỏi như:

–        Kinh thánh nói điều gì?

–        Điều đó có nghĩa gì?

–        Điều đó có nghĩa gì cho tôi?

 

Nói cách khác, tôi không đến với lời Chúa để tranh luận về thể văn; nhưng tôi đến với lời Chúa để tìm kiếm lẽ thật mà không bị ảnh hưởng bởi thể văn đã được dùng để chuyển tải lẽ thật. Nắm được điều Chúa dạy về vấn đề nầy sẽ giúp chúng ta khi học lời Chúa.

 

Một nguyên tắc khác áp dụng cho việc học lời Chúa được ghi trong Giăng 7:17

 

“Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.”

 

Nếu đến với Kinh thánh để tìm kiếm lẽ thật; nếu quyết định thực hành lẽ thật; nếu trân trọng và áp dụng lẽ thật thì chúng ta sẽ biết lẽ thật.  Có hai động từ ở câu Kinh thánh trên, đó là “làm” và “biết”. Nếu LÀM chúng ta sẽ BIẾT; hay nói cách khác, nếu THỰC HÀNH LẼ THẬT chúng ta sẽ BIẾT LẼ THẬT. Nếu làm theo những gì Kinh thánh dạy, chúng ta sẽ biết Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời; và lẽ thật đến từ Đức Chúa Trời nhằm dạy chúng ta biết phải sống như thế nào. Phối hợp hai câu trong sách Giăng 17:17 và 7:17 lại với nhau, sẽ cung cấp cho chúng ta nguyên tắc để học Kinh thánh: Hãy đến với lời Chúa để tìm kiếm lẽ thật. Một khi Đức Chúa Trời dạy dỗ cho chúng ta lẽ thật của Ngài, thì chúng ta phải áp dụng lẽ thật cho đời sống của mình.

 

Tác giả thi thiên 119:160 nói rằng, “Toàn bộ Lời của Ngài là lẽ thật.” Điều nầy giúp chúng ta hiểu một nguyên tắc khác nữa khi học lời Chúa: Đến với lời Chúa để tìm kiếm lẽ thật, đừng bị lạc hướng bởi những việc phụ thuộc, những điều thứ yếu. Đến với lời Chúa để học lẽ thật và sẵn sàng tuân giữ lẽ thật nầy khi Đức Chúa Trời chỉ dạy cho chúng ta.

 

Một nguyên tắc quan trọng khác dành cho việc học sách Dân số ký, đó là nhớ rằng mọi câu chuyện nầy đã thực sự xảy ra. Đây không phải là những câu chuyện thần thoại. Những điều được ghi trong sách Dân số ký đã thực sự xảy ra và được ghi lại nhằm làm gương cho chúng ta.  Vậy, khi học về những sách lịch sử, chúng ta cần tìm những gương tốt để noi theo và những gương xấu để tránh đi. Những câu chuyện mang tính chất lịch sử còn gói ghém ý nghĩa hình bóng. Galati 4:24 nói lên điều nầy. Phaolô cho biết, Áp-ra-ham có hai người con trai và hai người con đó có ý nghĩa hình bóng. Hiển nhiên, hai người con của Áp-ra-ham là một sự kiện lịch sử; tuy nhiên, nó còn mang ý nghĩa hình bóng như điều Phaolô khẳng định.

 

Đây là  các nguyên tắc rất quan trọng khi chúng ta lược khảo sách Dân số ký. Điều tối cần thiết là áp dụng các lẽ thật chúng ta học được vào đời sống hằng ngày. Khi khảo sát các biến cố trong sách Dân số ký, chúng ta cùng tìm kiếm lẽ thật trọng yếu được trình bày tại đây. Các lẽ thật nầy được rút ra từ các gương tốt cũng như từ những bài học cảnh cáo. Những gương tốt và những gương xấu có giá  trị không những về phương diện lịch sử, mà còn có ý nghĩa hình bóng về phương diện thuộc linh.

 

Khi nói đến ý nghĩa hình bóng là muốn nói đến ‘một câu chuyện mà các nhân vật, nơi chốn, sự việc có thêm nghĩa khác về phương diện tâm linh’. Với định nghĩa đó, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều ý nghĩa hình bóng trong sách Dân số ký. Vì Dân số ký là một trong những sách có những ý nghĩa hình bóng; đồng thời cũng là sách rất đáng lưu tâm.

 

Vì sao có tên sách là Dân số ký?

Nó xuất phát từ việc người Y-sơ-ra-ên được kiểm tra dân số hai lần. Cuộc kiểm tra dân số lần thứ nhất được ghi lại trong ba chương đầu; và lần thứ hai được ghi trong 26. Giữa hai đợt kiểm tra dân số nầy có những sự kiện đáng lưu ý, đó là  việc cả một thế hệ bị chết trong đồng vắng. Có 625 550 người đàn ông trong cuộc kiểm tra lần thứ nhất. Dĩ nhiên, bên cạnh đó còn có đàn bà, con nít; và do đó, con số có thể lên đến hai hoặc ba triệu người.  Chỉ có những người trên 20 tuổi mới được ghi danh trong cuộc kiểm tra dân số. Bao nhiêu tuổi thì được gọi là trưởng thành và phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình? Một số người cho rằng, 12 tuổi là đủ để chịu trách nhiệm. Lập luận nầy dựa trên sự kiện là Chúa Jêsus lên đền thờ vào năm Ngài 12 tuổi. Tuy nhiên, đây là một lần duy nhất số tuổi 12 được đề cập đến trong Kinh thánh. Tuổi 12 chưa bao giờ được nhắc đến trong Kinh thánh như là một độ tuổi trưởng thành, nhưng tuổi từ 20 trở lên được đề cập nhiều lần. Có khoảng 13 lần mức tuổi nầy được nhắc đến để nói lên tinh thần trách nhiệm. Mỗi lần như vậy, chỉ có những người trên 20 tuổi mới được liệt kê.

 

Cuộc kiểm tra dân số lần thứ hai diễn ra 40 năm sau đó. Có cả thảy 624 730 người trên 20 tuổi. Có một sự kiện đáng lưu ý tại đây. Khi tiến hành cuộc kiểm tra dân số lần thứ hai, mọi người nằm trong danh sách của cuộc kiểm tra dân số lần thứ nhất đều đã qua đời, ngoại trừ hai người là Ca-lép va Giô-suê. Những người đàn ông và vợ của họ đều đã qua đời khi diễn ra cuộc kiểm tra dân số lần thứ hai. Đó là một sự kiện đáng lưu ý trong sách Dân số ký. Sách cho biết lý do họ phải chết; họ đã chết như thế nào. Sách trình bày một lẽ thật rất quan trọng, đó là: “Vì họ thiếu lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời là Đấng có quyền làm trọn điều Ngài đã hứa,” Chúa phán:

“những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Các ngươi mà người ta đã tu bộ, hết thảy bao nhiêu cũng vậy, từ hai mươi tuổi sắp lên, là những kẻ đã lằm bằm cùng ta, thì chẳng hề được vào xứ mà ta đã thề cho các ngươi ở, ngoại trừ Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê, và Giô-suê, con trai của Nun. Nhưng ta sẽ đem vào xứ những con trẻ của các ngươi mà các ngươi có nói rằng: Chúng nó sẽ bị làm một miếng mồi; rồi chúng nó sẽ biết xứ các ngươi đã chê bai. Còn những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy.”

 

Chúng ta đã nói về sự chết của cả một thế hệ người Y-sơ-ra-ên bởi vì vô tín. Đây là một sự cảnh cáo nghiêm trọng để chúng ta phải suy nghĩ. Khi học sách Dân số ký hãy đặt các câu hỏi sau: “Phần Kinh thánh nầy nói điều gì?” “Điều đó có nghĩa gì?” và “Điều đó có nghĩa gì cho tôi?”  Tôi có tin nơi Đức Chúa Trời không? Tôi có tin nơi những lời Ngài hứa không? Thật là điều kinh hoàng, khi chúng ta cũng như người Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu ước không chịu tin Đức Chúa Trời.

 

 

Bài trướcThông Công Thanh Thiếu Niên Tại Tỉnh Sóc Trăng
Bài tiếp theoLễ Khởi Công Xây Dựng Nhà Thờ Kalkill – Đơn Dương – Lâm Đồng