Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sáng thế ký 17:1-27
Trong bài này chúng ta cùng đến một đoạn nữa trong hành trình đức tin của Áp-ra-ham. Có lúc nào chúng ta suy nghĩ đến đức tin theo Chúa của chính mình hay không? Từng hồi, từng lúc Chúa tỏ bày những việc xảy ra trong đời sống của mình, để gây dựng đức tin của chúng ta mạnh mẽ hơn.
Nhiều người cảm thấy đoạn 17 là một đoạn nổi bật nhất trong sách Sáng thế ký. Trong đoạn này Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ram, và xác chứng lại lời hứa của Ngài cùng Áp-ram về đứa con trai. Đức Chúa Trời nói với Áp-ram rằng, Ích-ma-ên không phải là con của lời hứa. Trong khía cạnh sự nhận thức nào đó, đoạn nầy là đoạn căn bản của sách Sáng thế ký, và nó có thể là đoạn căn bản của toàn thể Kinh Thánh. Giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ram có hai điều quan trọng: Con cháu và đất hứa. Ngài đã tỏ bày chính mình Ngài với danh xưng mới: Đức Chúa Trời toàn năng – và Ngài cũng đổi tên mới cho Áp-ram. Đến điểm nầy tên Áp-ram được đổi là Áp-ra-ham. Áp-ram có nghĩa là “cha cao quý,” và Áp-ra-ham là “cha của nhiều dân tộc.” Ích-ma-ên không phải là con của lời hứa cho Áp-ra-ham, trong đoạn nầy có nói rất rõ.
ĐỨC CHÚA TRỜI HIỆN RA VỚI DANH XƯNG MỚI VÀ ĐẶT TÊN MỚI CHO ÁP-RA-HAM.
Sáng thế ký 17:1, “Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, thì Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn.”
Hãy suy nghĩ điều này: Áp-ram đã 86 tuổi khi Ích-ma-ên được sanh ra, cho đến 14 năm sau, Y-sác mới được sanh ra.
Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ram và nói: “Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; Ngươi hãy đi ở trước mặt ta, làm một người trọn vẹn.” Đức Chúa Trời nói “Ta là Đức Chúa Trời toàn năng”- Đây là danh xưng mới của Ngài tỏ ra cho Áp-ram.
Sáng thế ký 17:2, “Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá-bội.”
Trong đoạn nầy chúng ta tìm thấy 13 lần chữ “giao ước.” Nó xuất hiện 13 lần trong 27 câu, dĩ nhiên Đức Chúa Trời nói về giao ước. Đây là lần thứ năm Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ram. Ngài không phải chỉ làm giao ước, nhưng cũng xác nhận lại lời hứa của Ngài về đứa con trai. Chắn chắc rằng đứa con trai đó không phải là Ích-ma-ên.
Phao-lô viết trong sách Rô-ma 4:19 nói rằng: Người thấy thân thể mình hao mòn, vì đã gần đầy trăm tuổi, và thấy Sa-ra không thể sanh đẻ được nữa, song đức tin chẳng kém.
Tử cung của bà Sa-rai giống như mồ mả, nó là chỗ của sự chết. Từ chỗ chết trở thành sống. Y-sác được sanh ra. Phao-lô kết luận Rô-ma 4 nói về Chúa Giê-xu: “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta” (Rô ma 4:25).
Sự sống ra từ sự chết. Đó cũng là lời hứa Đức Chúa Trời với con người ngày hôm nay. Khi Đức Chúa Trời xác hứa Áp-ra-ham lúc 99 tuổi và còn Sa-rai 89 tuổi. Khi Y-sác được sanh ra, Áp-ra-ham được 100 tuổi, còn Sa-rai 90 tuổi.
Sáng thế ký 17:3-4, “Áp-ram bèn sấp mình xuống đất; Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Nầy, phần ta đây, ta đã lập giao ước cùng ngươi; vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc.”
Đức Chúa Trời nói với Áp-ram rằng, ông sẽ là cha của nhiều dân tộc. Có thể nói rằng, đây là người đàn ông có nhiều con cái hơn những người đàn ông khác sống trên đất. Đó là điều chúng ta biết. Hãy suy nghĩ đến điều nầy, trong 4000 năm họ có hai dòng tộc lớn: Đó là dòng dõi của Ích-ma-ên và Y-sác, mỗi dòng tộc có hằng triệu người. Thêm một điều nữa là dòng dõi thuộc linh, chúng ta là những Cơ Đốc nhân, được gọi là con cháu Áp-ra-ham bởi đức tin trong danh Đấng Christ. Trong Rô-ma 4:16 Phao-lô nói về Áp-ra-ham là tổ phụ của chúng ta. Dân Do Thái cũng như dân Ả-rập đều xưng nhận Áp-ra-ham là tổ phụ của họ.
Trở lại, chúng ta chỉ suy nghĩ đến hằng triệu người! Đức Chúa Trời nói ở đây, “Ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc” và Chúa đã làm ứng nghiệm lời hứa đó.
Sáng thế ký 17:5, “Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi là Áp-ra-ham, vì ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc.”
Áp-ram có nghĩa là “cha cao quí.” Áp-ra-ham có nghĩa là cha “của nhiều dân tộc.”
Có một câu chuyện giả sử để giải thích về đức tin của Áp-ram như sau.
Một buổi sáng nọ ông Áp-ram và bà Sa-rai thức dậy, đang khi họ đang làm việc chung quanh trại của họ, thình lình họ thấy xuất hiện một nhóm người buôn bán, tại khoảng đất có cây cối ở khu sa mạc gần ngọn suối ở Hếp rôn. Áp-ra-ham đi đến để gặp họ và họ nói, họ đang tìm nước cho lạc đà của họ uống.
Áp-ra-ham vui vẻ và nói rằng: “Các ông cứ tự nhiên, tôi sẽ cho súc vật của các ông uống, các ông cứ ở lại nghỉ ngơi một chút?” Và họ nói, “Không, chúng tôi đang trên đường đi buôn bán và cần phải xuống Ê-díp-tô gấp.”
Sau đó có một người đàn ông trong bọn họ nói: “Tôi tên là A-la” và người khác nói, “Tôi tên là A-li, và xin lỗi ông tên gì?” Áp-ram nói: “Tôi tên là Cha cao quý.” Một người hỏi thêm: Ông có bao nhiêu con rồi? Áp-ra-ham trả lời, “nhưng tôi chưa có con.” Người đàn ông cười và nói: “Ông nói với chúng tôi là ông không có con, vậy mà tên ông là cha cao quý? Làm thế nào một người không có con mà làm cha cao quý.” Sau đó họ vừa đi vừa cười.
Sáu tháng sau, họ trở lại lần nữa. Áp-ram đến gặp và chào họ, họ bắt đầu cười lên và nói: “Xin chào Cha cao quý.” Nhưng Áp-ram nói: “Tên của tôi không phải là Cha cao quý nữa, nhưng là cha của nhiều dân tộc.” Người lái buôn nói, “Như vậy chắc vợ ông sanh đôi!” Và họ cười lớn tiếng khi Áp-ram nói “Không, tôi vẫn chưa có đứa con nào.” Sau đó họ nói: “Đó là chuyện vô lý.”
Đây là một người đàn ông làm cha, khi ông chưa có con nào. Áp-ra-ham là cha của nhiều dân tộc, bởi đức tin trong thời điểm đó. Nhưng bốn ngàn năm sau, khi chúng ta ngồi lại, chúng ta có thể nói Đức Chúa Trời làm điều tốt. Chúng ta vui mừng mà gọi Áp-ra-ham là cha của nhiều dân tộc.
GIAO ƯỚC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỀ DÒNG DÕI VÀ ĐẤT HỨA.
Sáng thế ký 17:6-7, “Ta sẽ làm cho ngươi sanh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra. Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời; ấy là giao ước đời đời, hầu cho ta làm Đức Chúa Trời của ngươi và của dòng dõi ngươi.”
Đức Chúa Trời có giữ lời hứa của Ngài không? Vâng, thật sự Ngài có giữ. Giao ước của Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham là gì? Giao ước đời đời. Nếu nó là đời đời, nó còn tốt cho ngày hôm nay hay không? Điều đó chắc chắn là có. Đức Chúa Trời hứa ban cho mỗi chúng ta được sự sống đời đời, nếu chúng ta tin cậy vào Chúa Cứu Thế. Đó là điều Đức Chúa Trời đã hứa. Nếu Đức Chúa Trời chưa làm những điều Ngài hứa với Áp-ra-ham, hãy nhìn lại chính mình. Chúng ta tin chắc rằng Ngài sẽ làm tốt lời hứa của Ngài với chúng ta như Ngài cũng đã giữ lời hứa Ngài với Áp-ra-ham.
Sáng thế ký 17:8, “Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đương kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời. Vậy, ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ.”
Đức Chúa Trời nói với Áp-ra-ham những gì Ngài sẽ làm. Đức Chúa Trời nói, “Ta sẽ.” “Ta sẽ làm cho ngươi sanh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước… Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời… Và Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi… toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời.”
Đức Chúa Trời lập giao ước với dân tộc này một giao ước đời đời. Từ lúc đó không có giao ước nào bị gãy đổ, cũng không có một giao ước nào hết hạn. Đức Chúa Trời không ký giao kèo ban đất cho họ 99 năm, nhưng Đức Chúa Trời cho họ đất đó đời đời.
Người Hê-bơ-rơ đã ở trên đất trong ba thời kỳ, đó là đất của họ, nhưng điều quan trọng là họ chiếm giữ nó, chắc chắn nó chỉ ở dưới một số điều kiện. Lần thứ nhất, Đức Chúa Trời đem họ xuống xứ Ê-díp-tô, tại đây họ bị làm nô lệ. Khi họ xuống đó gia đình Gia-cốp chỉ có khoảng 70 người, khi họ rời khỏi nơi đó thành một dân tộc lớn, ít nhất là một triệu đến một triệu rưỡi người. Họ đã bị đuổi ra khỏi đất hứa lần thứ hai bởi quân Ba-by-lôn, vì họ đã đi vào việc thờ lạy hình tượng và không làm chứng cho Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy họ bị đuổi ra lần thứ ba vào năm 70 S.C, sau khi họ đã từ chối Đấng Mê-si. Dĩ nhiên, họ chưa được trở lại. Đức Chúa Trời nói tiên tri trước rằng họ sẽ bị đuổi ra khỏi xứ ba lần và họ sẽ được trở về ba lần. Và họ đã trở về hai lần rồi (không kể những người hiện nay đã trở về đất hứa là sự ứng nghiệm lời tiên tri). Khi nào họ trở về lần kế tiếp (không có nghĩa là họ sẽ không bao giờ rời khỏi đất hứa lần nữa)? Đó là thời kỳ một ngàn năm bình an, khi Đức Chúa Trời gom và mang họ trở lại đất hứa.
PHÉP CẮT BÌ, DẤU HIỆU CỦA SỰ GIAO ƯỚC
Sáng thế ký 17:9-11 “Đoạn, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta. Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi. Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi.”
Phép cắt bì là dấu hiệu của sự giao ước. Họ không làm phép cắt bì để trở thành người dự phần của giao ước. Họ làm cắt bì, bởi vì họ có giao ước với Đức Chúa Trời. Phép cắt bì giống như công việc tốt cho những người tin nhận hôm nay. Chúng ta không cần làm những công việc tốt để được cứu; nhưng chúng ta làm những công việc tốt, bởi vì chúng ta được cứu. Đó là sự khác biệt của hai vấn đề.
Dấu hiệu của sự giao ước là phép cắt bì. Điều mà nó làm cho dân sự ở trong giao ước không phải là phép cắt bì, nhưng phép cắt bì là dấu hiệu của nó, bằng chứng của nó.
Sáng thế ký 17:12, “Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì.”
Việc giáng sanh của Chúa Giê xu được tường thuật như thế nào không? Tất cả luật pháp đã được ứng nghiệm trong sự liên hệ đến ngày sanh của Hài Nhi Giê-xu. Lời tường thuật cho biết, Ngài là con của Áp-ra-ham, con của Đa-vít, Ngài ở trong dòng dõi, sau tám ngày, Ngài chịu phép cắt bì. Ngài được “sanh ra dưới luật pháp” (Phao-lô nói trong Ga-la-ti 4:4).
Sáng thế ký 17:13, “Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy.”
Một lần nữa, phép cắt bì là dấu hiệu của giao ước. Họ không cần phải làm để nhận giao ước, Đức Chúa Trời đã lập giao ước với họ. Chúng ta phải hiểu điều này, bởi vì nó rất quan trọng. Ngày nay việc xảy ra cũng tương tự như vậy. Nhiều người ngày hôm nay nghĩ rằng, nếu họ đi nhà thờ hay làm lễ báp tem, họ sẽ được cứu. Không, chúng ta không cần làm để được cứu. Nhưng chúng ta làm những việc đó để bày tỏ những dấu hiệu về người đã được cứu.
Sáng thế ký 17:14, “Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.”
Chắc chắn đó là những người không vâng lời, (cụ thể là cả dân tộc không vâng lời khi họ rời khỏi Ai-cập). Họ không chống lại giao ước. Sự không vâng lời của họ có nghĩa đơn giản rằng từng cá nhân sẽ bi loại ra. Dầu vậy, mối quan tâm sâu xa nhất của dân tộc này, không là cá nhân nào hoặc nhóm nào có thể hủy bỏ giao ước. Đây là giao ước đời đời mà Đức Chúa Trời đã làm với Áp-ra-ham và dòng dõi nối tiếp sau của ông. Người nào đã phá vỡ giao ước thì bị loại ra, nhưng giao ước vẫn đứng vững. Đó là một sự rất kỳ diệu.
ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỔI TÊN CỦA SA-RAI VÀ HỨA BAN CHO CON TRAI
Sáng thế ký 17:15-16, “Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: còn Sa-rai, vợ ngươi, chớ gọi là Sa-rai nữa; nhưng Sa-ra là tên người đó. Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng ta sẽ cho ngươi một con trai, Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng mà ra.”
Tên của bà trước đây là Sa-rai, bây giờ được đổi thành Sa-ra. Áp-ra-ham sẽ thành cha của nhiều dân tộc, còn Sa-ra sẽ là mẹ của nhiều dân tộc.
Sáng thế ký 17:17 Áp-ra-ham bèn sấp mình xuống đất, cười và nói thầm rằng: Hồ dễ người đã trăm tuổi rồi, mà sanh con được chăng? Còn Sa-ra, tuổi đã chín mươi, sẽ sanh sản được sao?
Ông Áp-ra-ham chỉ cười. Ở đây không nói đến cười vì không tin. Nhưng cười vui mừng của sự việc sẽ xảy ra. Chắc chắn rằng chúng ta cũng từng có kinh nghiệm này. Trong đời sống của chúng ta, Đức Chúa Trời làm những điều rất kỳ diệu cho chúng ta, chúng ta có cảm giác vui sướng, vui cười. Chúng ta không biết làm gì hơn, nhưng chỉ biết vui cười về những điều Chúa cho xảy ra. Đây là điều chúng ta không bao giờ nghe đến. Có “sự chết trong tử cung bà Sa-ra” và Áp-ra-ham cũng gần như hết khả năng có con. Phao-lô đã diễn tả nó như sau:
“Y như lời chép rằng: Ta đã lập ngươi làm cha nhiều dân tộc, thật người là cha chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, tức là Đấng người đã tin, là Đấng ban sự sống cho kẻ chết, gọi những sự không có như có rồi. Người cậy trông khi chẳng còn lẽ trông cậy, cứ tin, và trở nên cha của nhiều dân tộc, theo lời đã phán cho người rằng: Dòng dõi ngươi sẽ như thể ấy. Người thấy thân thể mình hao mòn, vì đã gần đầy trăm tuổi, và thấy Sa-ra không thể sanh đẻ được nữa, song đức tin chẳng kém. Người chẳng có lưỡng lự hoặc hoài nghi về lời hứa Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin, và ngợi khen Đức Chúa Trời, vì tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được. Cho nên đức tin của người được kể cho là công bình.” (Rô-ma 4:17-22)
Áp-ra-ham tin cậy vào Đức Chúa Trời, ông được ở trong sự bao phủ bởi sự diệu kỳ và nhân từ của Chúa.
Nhưng sau đó, rất là đột nhiên, một ý nghĩ đến với Áp-ra-ham giống như là một mũi tên đi vào tim ông. Ông có suy nghĩ về đứa con trai của ông, đứa con trai đó tên là Ích-ma-ên.
Sáng thế ký 17:18, “Áp-ra-ham thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Chớ chi Ích-ma-ên vẫn được sống trước mặt Ngài!”
Áp-ra-ham nói rằng: “Ôi lạy Chúa, đây là đứa trẻ đã lớn lên trong nhà tôi!” Áp-ra-ham đã khắng khít với Ích-ma-ên. Mặc dầu Ích-ma-ên là con trai của Áp-ra-ham và Áp-ra-ham yêu cậu nhiều lắm nhưng ông phải đuổi cậu đi nơi khác thời gian sau đó. Điều nầy làm cho Áp-ra-ham đau lòng khi ông rời khỏi con ông.
Có thể Áp-ra-ham nhiều lần suy nghĩ: “Tôi có sự sai lầm lớn khi lấy A-ga.” Chúng ta thấy đó là một tội lỗi chứ không phải là tai vạ của ông, nhưng họ cũng có những khó khăn trong xứ đó từ lúc ban đầu, bởi vì tội lỗi của Áp-ra-ham. Đừng nói rằng tội lỗi là một việc nhỏ, hay tội lỗi là điều chúng ta có thể bỏ qua. “Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7). Con người không thể gặt những gì khác, mà chỉ gặt chính những gì mà họ gieo. Áp-ra-ham đã gặt thật sự: “Ích ma ên đã rời khỏi ông.”
Sáng thế ký 17:19, “Đức Chúa Trời bèn phán rằng: Thật vậy, Sa-ra vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, rồi ngươi đặt tên là Y-sác. Ta sẽ lập giao ước cùng nó, để làm giao ước đời đời cho dòng dõi của nó.”
Nói cách khác, Đức Chúa Trời nói: “Không, Ta không chấp nhận đứa trẻ đó. Đó là điều sai.” Xin đừng nói rằng Đức Chúa Trời chấp nhận tình trạng có nhiều vợ, đây chỉ là lời ký thuật trong Kinh Thánh. Rõ rằng Chúa hoàn toàn không chấp nhận.
ÍCH-MA-ÊN CŨNG TRỞ THÀNH MỘT DÂN TỘC LỚN
Sáng thế ký 17:20-21, “Ta cũng nhậm lời ngươi xin cho Ích-ma-ên. Nầy, ta ban phước cho người, sẽ làm cho người sanh sản và thêm nhiều quá bội; người sẽ là tổ phụ của mười hai vị công hầu, và ta làm cho người thành một dân lớn. Nhưng ta sẽ lập giao ước ta cùng Y-sác, độ khoảng nầy năm tới Sa-ra phải sanh cho ngươi.
Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài đã hứa. Đức Chúa Trời không trì hoãn hay không ngăn cản gì cả. Ngài làm đúng những gì Ngài nói. Ngài nói là Y-sác được sanh ra trong năm sau.
Sáng thế ký 17:22, “Khi Đức Chúa Trời đã phán xong, thì Ngài từ Áp-ra-ham ngự lên.”
Nói cách khác, Áp-ra-ham chỉ yên lặng. Đức Chúa Trời đã quyết định. Có những điều chúng ta không thể cầu xin với Chúa thêm chi nữa. Có khi Chúa nói đủ rồi và chúng ta không cần nói nữa. Thỉnh thoảng nhiều người làm phiền Chúa trong sự cầu nguyện, khi họ đã được trả lời. Chúa trả lời với Áp-ra-ham “không.” Đức Chúa Trời nói với Áp-ra-ham: “Bây giờ đừng đá động đến nữa. Đủ rồi, ngươi không cần đề cập điều này tới bất cứ người nào. Ta không có chấp nhận nó và ta không để ý đến.” Đức Chúa Trời đang nghe và trả lời cho sự cầu nguyện của Áp-ra-ham. Chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời lắng nghe lời cầu xin của Áp-ra-ham. Dầu vậy, trong trường hợp nầy, giao ước của Ngài, Ngài hứa với Y-sác chớ không phải Ích-ma-ên. Điều đó đã được định rồi, và Áp-ra-ham ngưng kêu cầu Chúa thay đổi ý định của Ngài. Nhiều người ngày hôm nay cầu nguyện về những điều mà Đức Chúa Trời không chú ý lắng nghe hay trả lời, bởi vì Ngài đã trả lời rồi.
Sáng thế ký 17:23-27, “Chánh ngày đó, Áp-ra-ham bắt Ích-ma-ên, con trai mình, và hết thảy các người nam trong nhà, hoặc sanh tại đó, hoặc đem tiền ra mua về, mà làm phép cắt bì cho, y như lời Đức Chúa Trời đã phải dặn. Vả, khi Áp-ra-ham chịu phép cắt bì, thì đã được chín mươi chín tuổi;còn Ích-ma-ên, con người, khi chịu phép cắt bì, thì được mười ba tuổi. Cũng trong một ngày đó, Áp-ra-ham và Ích-ma-ên chịu phép cắt bì, và mọi người nam trong nhà, hoặc sanh tại đó, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, đồng chịu phép cắt bì với người.”
Phép cắt bì là dấu hiệu của giao ước, mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham. Có người sẽ hỏi, “Tại sao Ích-ma-ên được kể vào? Có phải Đức Chúa Trời có hứa là Ích-ma-ên cũng sẽ trở thành một dân tộc lớn sao?” Ích-ma-ên sẽ được kể vào trong đây, nhưng không phải là người mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham lúc ban đầu. Ích-ma-ên không phải là cha của dân tộc mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để đưa Chúa Cứu Thế vào thế gian.
Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, những gì Chúa hứa, Ngài sẽ làm trọn. Mong ước mỗi chúng ta luôn đặt lòng tin cậy trọn vẹn nơi sự thành tín của Đức Chúa Trời.