Bài 25: Những Nguyên Tắc Của Sự Giải Cứu

1650

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới


 

Trong khi lược khảo sách Xuất Ê-díp-tô ký, tôi xin phép được nhắc lại tên sách Xuất Ê-díp-tô ký nghĩa là “con đường ra khỏi Ê-díp-tô.” Sách Xuất Ê-díp-tô ký trình bày con đường thoát khỏi cảnh nô lệ mà người Y-sơ-ra-ên đã trải qua tại Ai-cập. Xét theo phương diện thuộc linh, sách Xuất Ê-díp-tô ký trình bày con đường giải thoát ra khỏi tội lỗi cho nhân loại ngày hôm nay.

 

Chúng ta đã xét xem bối cảnh lịch sử của sách Xuất Ê-díp-tô ký và một số những nguyên tắc dành cho những ai làm công tác cứu người. Khi nhìn cách bao quát về chủ đề sự giải cứu trong sách và để rút ra các bài học dưỡng linh, chúng ta đã phân tích về Môi-se, là một người đã được Chúa đại dụng để giải phóng dân Y-sơ-ra-ên.

 

Trong bài nầy, chúng ta sẽ tập trung vào chủ đề giải cứu được trình bày trong sách Xuất Ê-díp-tô ký. Chữ  giải phóng hay giải cứu đồng nghĩa với chữ “cứu rỗi”. Điều nầy hoàn toàn đúng trong Cựu ước. Dân Y-sơ-ra-ên đã kinh  nghiệm quyền năng của Đức Chúa Trời. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, nếu không có quyền năng của Đức Chúa Trời thì không thể có sự giải cứu. Quyền  năng của Đức Chúa Trời thể hiện qua 10 tai vạ giáng trên người Ai-cập. Pha-ra-ôn  không dễ dàng buông tha dân Y-sơ-ra-ên; nhưng khi đối diện với tai vạ chồng chất trên tai vạ, ông đành thúc thủ và buộc phải để dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Sứ điệp mà chúng ta rút ra tại đây được sứ đồ Giăng diễn tả như thế nầy: “Đấng ở trong chúng ta lớn hơn những kẻ ở trong thế gian” (I Giăng 4:4). Ý đó có thể được trình bày như sau, “Đấng đang ngự trị trong lòng chúng ta mạnh hơn mọi thế lực gian ác trong thế giới nầy.” Chân lý nầy được lặp đi lặp lại từ Sáng thế ký cho đến Khải huyền; và đó chính là bài học rút ra từ 10 tai vạ.

 

Đứng trước yêu cầu của Môi-se và các trưởng lão: hãy để cho dân Y-sơ-ra-ên được ra đi, Pha-ra-ôn đã chế nhạo và khước từ. Xét vấn đề một cách thực tế, thật là buồn cười khi một đám nô lệ lại dám đi yết kiến hoàng đế để đòi hỏi quyền tự do. Nhưng yêu cầu kỳ lạ đó dựa trên lý do rất vững chắc. Lý do nầy được Môi-se, A rôn và các trưởng lão nói với Pha-ra-ôn như sau: “Xin Vua hãy để chúng tôi ra đi; vì  Đức Chúa Trời đã hiện ra với chúng tôi và bảo chúng tôi yêu cầu Vua về điều đó.” Thật là một lời thỉnh nguyện đầy thách thức.

 

Chúng ta đang tôn thờ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật; song tôi tự hỏi, chúng ta có một thái độ mạnh dạn như vậy không? Sau những buổi thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta dám bước ra và nói với những người chung quanh rằng, “Chúng tôi đã gặp Đức Chúa Trời hằng sống, chân thật và đây là điều Ngài nói với quí vị…?” Đó là một thái độ tích cực, Môi-se và các vị trưởng lão đã yết kiến Pha-ra-ôn với thái độ đó. Và cũng như dự đoán, Pha-ra-ôn đã khẳng khái khước từ. Xuất Ê-díp-tô ký 7:3 và 4:21  cho biết rằng, Đức Chúa Trời làm cứng lòng Pha-ra-ôn; để qua đó, Ngài thi thố quyền năng lớn lao bởi các tai vạ giáng trên Ai-cập. Đây là chỗ khó hiểu đối với một số người. Điều ác đến từ đâu? Điều ác đã bành trướng như thế nào trong thế giới chúng ta đang sống? Nếu Đức Chúa Trời là thiện lành, tại sao lại có điều ác? Nếu Đức Chúa Trời là quyền năng, tại sao Ngài lại cho phép điều ác xảy ra?

 

Xuất Ê-díp-tô ký trình bày cuộc tranh chấp dữ dội giữa Môi-se và Pha-ra-ôn. Đây là biểu tượng cho sự tranh chấp giữa điều thiện và điều ác được mô tả ở những phần khác của Kinh thánh. Sách Gióp cũng đề cập về chủ đề nầy. Đức Chúa Trời cho phép điều ác hiện hữu giống như người bán nữ trang phủ một lớp nhung mỏng màu đen; qua đó, kim cương chiếu sáng vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Chúa cho phép điều ác hiện hữu trong thế giới nầy, thông qua đó Ngài bày tỏ quyền năng, tình yêu, ân sủng và lòng thương xót của Ngài. Đức Chúa Trời cho phép điều ác hiện hữu. Chúa hiểu thấu tất cả mọi sự và có quyền năng tuyệt đối. Chúa có thể chặn đứng mọi điều ác nếu Ngài muốn. Như vậy, bởi sự cho phép của Ngài mà điều ác hiện hữu trong thế giới. Xét theo một góc cạnh nào đó, điều ác lại làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Điều nầy được minh họa qua việc Ngài phán với Môi-se rằng, “Khi ngươi yết kiến, Pha-ra-ôn sẽ không cho ngươi đi. Ta sẽ khiến Pha-ra-ôn cứng lòng và Pha-ra-ôn sẽ chống đối ngươi ra mặt. Đây là cơ hội chứng tỏ rằng, ta là Đức Chúa Trời có quyền năng tối thượng là Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống.” Chân lý nầy được chứng minh qua các tai vạ giáng trên Ai-cập. Thông qua các tai vạ nầy, Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng của Ngài. Cuối cùng, Pha-ra-ôn đã để cho người Y-sơ-ra-ên ra đi.

 

Một chân lý khác, cũng được rút ra từ sách Xuất Ê-díp-tô ký, được gọi là nguyên tắc giải cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi. Môi-se và Pha-ra-ôn đã tranh chấp kịch liệt. Khi Môi-se yêu cầu hãy trả tự do cho dân sự của Đức Chúa Trời thì Pha-ra-ôn từ chối. Do đó, tai họa dồn dập đã giáng xuống và từng bước một Pha-ra-ôn phải thúc thủ trước quyền năng của Đức Chúa Trời. Nhiều người tin rằng, Môi-se là hình bóng về Chúa Giê-xu, Đấng giải cứu; còn Pha-ra-ôn là hình bóng về Sa tan, hiện thân của những điều ác. Nếu hiểu sự tranh chấp đầy căng thẳng giữa Môi-se và Pha-ra-ôn, chúng ta cũng hiểu được sự tranh chấp giữa Chúa Giê-xu và Sa tan ngày hôm nay. Chúa Giê-xu sống trong lòng những người tin Ngài và hành động qua họ. Ma quỉ cũng làm y hệt như vậy. Với nhận thức đó, sách Xuất Ê-díp-tô ký giúp chúng ta hiểu được điều gì đã xảy ra khi con người được giải cứu ra khỏi quyền lực thống trị của tội lỗi.

 

Ví dụ, khi những tai vạ bắt đầu giáng xuống trên Pha-ra-ôn, ông đành khuất phục. Nhưng khi Môi-se yêu cầu hãy để dân Y-sơ-ra-ên ra đi thờ phượng Đức Chúa Trời, Pha-ra-ôn đã trả lời trong Xuất Ê-díp-tô ký 8:25 rằng, “Các ngươi có thể đi thờ phượng Đức Chúa Trời của các ngươi nhưng hãy thờ phượng tại Ai-cập, đừng đi đâu cả.”

 

Bài học chúng ta rút ra tại đây là gì? Khi quí vị trở lại tin nhận Chúa, những người bạn của quí vị sẽ nói gì? Họ sẽ nói rằng, “Tin thì tin, nhưng vẫn hãy nhập bọn với chúng tôi, đừng vì một lý do nào mà tách ra.” Chữ hội thánh trong Tân ước nghĩa là, “những người được kêu gọi ra khỏi thế gian nầy”.  Theo lời Chúa, khi trở nên một phần tử của hội thánh, chúng ta được kêu gọi ra khỏi thế gian nầy. Chúng ta không được phép ở lại tại Ai-cập, hay không được phép đồng hóa với thế gian. Người tin Chúa ngày nay vẫn sống trong thế gian nhưng không sống với tinh thần của thế gian. Một trong những cám dỗ mà ma quỉ dùng bạn hữu để tấn công chúng ta là, “Tin là một chuyện, nhưng đừng cách ly mà hãy đồng hóa với dòng đời.”

 

Pha-ra-ôn đi từ chỗ nhân nhượng đến chỗ muốn Môi-se thỏa hiệp bằng đề nghị, “Được, các ngươi đi đâu cũng được nhưng đừng đi xa quá.”

 

Những người mới tin Chúa cũng chịu một áp lực giống như vậy. “Thôi được, nếu anh chị  quyết định tin Chúa và biệt mình ra khỏi thế gian nầy thì xin sống tà tà, đừng quá nhiệt thành với niềm tin của mình; đừng xem niềm tin là một cái gì quá quan trọng cho cuộc sống.” Trong sự giằng co với Môi-se, Pha-ra-ôn không dễ gì buông tha. Sau khi chịu thêm những tai vạ khác, Pha-ra-ôn nói với Môi-se rằng, “Các ngươi có thể đi nhưng hãy để con cái các ngươi tại đây. Hãy để chúng nó tại Ai-cập.” Satan luôn luôn cố gắng đẩy chúng ta xa khỏi đời sống đức tin, nếu nó không thể giữ chúng ta lưu lại tại Ai-cập thuộc linh. Nếu Satan không khiến chúng ta thỏa hiệp trong niềm tin, nó tìm cách tóm những đứa con của chúng ta. Nhiều người đã tin và đi theo Chúa, nhưng họ để con cái của họ đi theo con đường của thế gian. Họ sẵn sàng chịu tốn kém thật nhiều để lo cho con cái ăn học; nhưng về phần tâm linh, họ để mặc cho con cái đi theo đời. Làm như vậy, họ đã mắc bẫy của Satan.

 

Nỗ lực thứ tư của Pha-ra-ôn nhằm khiến Môi-se thỏa hiệp, đó là đồng ý cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi cùng với con cái của họ nhưng yêu cầu họ để lại gia súc. ”Gia súc ngày xưa được xem như tài sản, của cải của chúng ta ngày hôm nay. Bài học dưỡng linh tại đây là gì? Nỗ lực thứ tư của Satan nhằm khiến chúng ta đi đến chỗ thỏa hiệp, đó là “Tin là một chuyện, tiền bạc là một chuyện khác.” Khi Satan không thể khiến chúng ta thỏa hiệp về những phương diện khác, nó cám dỗ chúng ta thỏa hiệp về vấn đề tiền bạc. Nó biến chúng ta thành những người quản lý không trung tín và ngay thẳng trước mặt Chúa.

 

Mọi nỗ lực của Pha-ra-ôn nhằm khiến Môi-se nhân nhượng và thỏa hiệp, nói lên mưu kế của ma quỉ ngày hôm nay. Kẻ thù lớn nhất của điều tốt nhất là điều tốt. Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta làm Mục sư chăn bầy hội thánh thì Satan không cám dỗ chúng ta đi ăn cướp ngân hàng. Có thể, nó sẽ cám dỗ chúng ta trở thành một thầy giáo, hoặc làm một công chức, hoặc làm một thương gia. Satan muốn dùng ngay cả những điều tốt, để cám dỗ chúng ta bỏ qua điều tốt nhất mà Chúa muốn dành cho chúng ta. Satan cố gắng khiến chúng ta thỏa hiệp trong những vấn đề nho nhỏ, để rồi đến một ngày nào đó, chúng ta không còn phục vụ Chúa, đặt Ngài trước hết và đi theo ý muốn của Ngài. Phản ứng của Môi-se khi đối diện với cám dỗ thỏa hiệp của Pha-ra-ôn dạy cho chúng ta những bài học về sự giải phóng đối với tội lỗi. Trong mọi trường hợp, Môi-se cương quyết từ chối nhân nhượng Pha-ra-ôn. Ông thẳng thừng tuyên bố với Pha-ra-ôn trong Xuất Ê-díp-tô ký 10:24-26 rằng, “Chúng tôi sẽ ra đi từ già đến trẻ, cùng với con trai con gái và các bầy súc vật của chúng tôi.” Môi-se không hề thỏa hiệp chút nào cả đối với Pha-ra-ôn. Đây là nguyên tắc thứ nhất để được giải phóng ra khỏi tội lỗi.

 

Bài học trước tiên để được giải phóng ra khỏi tội lỗi là đừng nhân nhượng đối với tội lỗi ngay từ đầu. Đây là bài học quan trọng nhất để đối phó với sự kềm kẹp và thống trị của tội lỗi. Một vị Mục sư tổ chức những buổi học Kinh thánh và điểm tâm dành riêng cho nam giới vào sáng sớm, có hằng trăm người đến tham dự. Nhiều người trong họ đã phạm đủ mọi tội. Mục sư giúp họ chỉnh đốn lại đời sống của mình. Có khi Mục sư phải khuyên nhủ ngay cả những tình nhân của họ. Một lần kia, ông dành nhiều thì giờ khuyên một người đàn ông. Ông nầy hỏi, “Tôi phải làm gì bây giờ?” Mục sư trả lời, “Ông biết rõ là ông cần phải làm gì.” Ông nầy đã có vợ nhưng còn quan hệ với một người đàn bà khác. Ông phải từ bỏ người nhân tình nầy và trở về với vợ con của mình.”  Đêm đó, người đàn ông đã nói với tình nhân của mình y hệt như vậy. Thay vì giận dữ người đàn bà đã ngồi vào lòng và nói rằng, “em sẽ đi đâu bây giờ.” Tuần sau, khi đến dự bữa cơm trưa ông đã đấm mạnh tay xuống bàn mà nói rằng, “Ước gì trước đây tôi đã không dan díu với người đàn bà nầy.” Ông đã bị vướng vào và ngày càng bị quấn chặt hơn. Không dễ gì để thoát khỏi những trường hợp như vậy. Do đó, nguyên tắc thứ nhất là hãy tránh xa tội lỗi ngay từ đầu. Đừng bao giờ nhân nhượng đối với tội lỗi. Chúng ta không thể sống chung với tội lỗi cũng như một người không thể sống còn với chứng bệnh ung thư. Do đó, đừng bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi. Đây chính là nguyên tắc mà Môi-se đã vạch ra qua sách Xuất Ê-díp-tô ký.

 

Bài trướcXây Nhà Tình Thương Tại Bình Thuận.
Bài tiếp theoBài 25: Đức Chúa Trời Tái Xác Hứa Với Áp-ra-ham, Lập Phép Cắt Bì