Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sáng thế ký 15:1-21
Trong những bài vừa qua, chúng ta đã biết về đời sống của Áp-ram và sau này tên của ông được Chúa đổi thành Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời chọn lựa và kêu gọi Áp-ram theo Ngài và ông đã đáp lại. Trong bài này chúng ta tiếp tục tìm hiểu về diễn tiến đức tin Áp-ram trong Sáng thế ký 15.
Đây là một đoạn Kinh Thánh quan trọng vì nó làm chứng về chân lý cứu rỗi, và chính vì cớ đó mà sứ đồ Phao-lô trong thời Tân ước ngụ ý đến lời của đoạn này lúc ông đặt vững chân lý sự cứu rỗi.
ĐỨC CHÚA TRỜI KHẢI THỊ CHÍNH NGÀI LÀ THUẪN ĐỠ VÀ PHẦN THƯỞNG
Sáng thế ký 15:1, “Sau các việc đó, trong sự hiện thấy có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hỡi Áp-ram! ngươi chớ sợ chi; ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.”
Chúng ta đến một trong những cao điểm của Kinh Thánh. Đây là lần thứ tư mà Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ram. Đức Chúa Trời đang gây dựng đức tin cho Áp-ram mạnh mẽ và đi xa hơn. Thật là tốt lành cho Áp-ram trong lúc này, vì Áp-ram gia tăng đức tin sau khi giải cứu Lót cháu mình, và khước từ tặng phẩm của vua Sô-đôm ban cho.
Áp-ram ở trong sự hiện thấy, đây là một trạng thái xuất thần làm cho tâm trí nhận được sự tỏ mình của Đức Chúa Trời, để cho Áp-ram thấy sự khải tượng, nghe sự phán dạy của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời nói cùng Áp-ram rằng: “Hỡi Áp-ram! ngươi chớ sợ chi; ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi.” Đây là lời hứa hết sức tốt lành. Có lẽ Áp-ram vẫn còn sợ các vua phương đông, mà ông đã giao tranh với họ để cứu Lót. Rất có thể là lúc Áp-ram ở trong hoàn cảnh nguy hiểm khi giải cứu Lót, cháu mình và ông được sống còn, về bình an. Đức Chúa Trời nói lời nhỏ nhẹ, nhắc cho Áp-ram nhớ “Chúa là một cái thuẫn đỡ.” Khi ở trong sự che chở của Đức Chúa Trời sẽ được bình an vô sự.
Đức Chúa Trời cũng nói với Áp-ram “phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” Chúa nói cùng Áp-ram rằng, con đã khước từ của cải chiếm được trong chiến trận, nên Chúa ban phần thưởng cho con. Con người ngày nay chỉ cần tin cậy và nhìn lên Đức Chúa Trời, có Chúa trong đời sống chúng ta là điều quý hơn hết trong mọi sự.
Sáng thế ký 15:2-3, “Áp-ram thưa rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va, Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết không con, kẻ nối nghiệp nhà tôi là Ê-li-ê-se, người Đa-mách. Áp-ram lại nói rằng: Nầy, Chúa làm cho tôi tuyệt-tự; một kẻ tôi tớ sanh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi.”
Áp-ram đã nói với Chúa: “Con không muốn giàu có thêm nữa, điều con mong muốn nhất hiện nay là một đứa con trai, Chúa đã hứa với con là sẽ cho con làm tổ phụ của một dân tộc lớn, và con cháu của con sẽ nhiều như cát bờ biển. Nhưng giờ đây tôi chưa có đứa con trai nào.” Theo luật lệ của Hammurabi thì Ê-li-ê-se, người quản gia của Áp-ram sẽ trở thành người kế nghiệp, nếu Áp-ram không có con nối dòng.
Sáng thế ký 15:4, “Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Áp-ram rằng: Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra, sẽ là người kế nghiệp ngươi.”
Đức Chúa Trời rất thực tế đối với những ai thực tế cùng Ngài. Chúa nói là Ngài sẽ ban cho Áp-ram một con trai.
Sáng thế ký 15:5, “Đoạn, Ngài dẫn người ra ngoài và phán rằng: Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy.
Thật rất kỳ lạ. Trước đây Chúa nói, con cháu của Áp-ram sẽ đông như cát bờ biển, rồi bây giờ Ngài lại nói là con cháu của Áp-ram sẽ đông như sao trên trời. Có lẽ Áp-ram cố gắng đếm số ngôi sao, mà ông thấy trong khu vực đó được bốn năm ngàn. Nhưng Áp-ram không thể nào đếm được có bao nhiêu vì sao, ngay cả hiện nay chúng ta cũng không đếm được.
Áp-ram có hai dòng dõi. Một là dòng dõi thuộc thể, tức là dân nước Y-sơ-ra-ên, mà chúng ta gọi là Do Thái; hai là dòng dõi thuộc linh, tức là Hội Thánh. Làm cách nào mà Hội Thánh trở thành con cháu thuộc linh của Áp-ram. Chỉ bởi đức tin. Như sứ đồ Phao-lô nói trong Ga-la-ti 3:29 “Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa.”
Mục sư Vernon McGee kể lại, ông có dịp nói chuyện cùng với một số thanh niên người Do Thái nhiều năm trước đây mà ông quen biết. Ông nói về sự tốt lành của luật pháp Môi-se, đã được ứng nghiệm hoàn tất trong Đấng Christ. Ông nói rằng, ông rất vui mừng, khi các bạn Do Thái của ông là con cháu của Áp-ra-ham. Và ông nói tiếp, chính ông cũng là con cháu của Áp-ra-ham nữa. Các bạn ông ngạc nhiên lắm nhìn nhau và nhìn ông. Ông giải bày cho các bạn của mình, ông cũng được bao gồm trong lời hứa với Áp-ra-ham, khi tin nhận Đấng Christ.
Ấy là điều kỳ diệu phải không? Chúng ta có thể trở thành con cháu Áp-ra-ham qua lòng thành tin nhận Đấng Christ ngay hôm nay.
ĐỨC TIN CỦA ÁP-RAM
Sáng thế ký 15:6, “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người.”
Đây là một trong những lời công bố quan trọng nhất trong Thánh Kinh, Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, Ngài kể sự đó là công bình cho người.
Đây là chữ lớn lao nhất trong đoạn này và một trong những chữ quan trọng của Cựu ước đó là chữ “tin.” Theo nguyên văn, tác giả tỏ ra sự nhấn mạnh vào thái độ vĩnh viễn, không phải Áp-ram chỉ tin một lần, song đã tỏ ra bền vững trong đức tin. Nhưng nhờ cách nào mà khám phá ra rằng Áp-ram thật sự đã tin, và có dấu hiệu nào tỏ rõ đức tin của ông được kể là công bình cho ông? Chân lý lớn lao này đã được khải thị cho tác giả viết Sáng thế ký là Môi-se, bởi Đức Thánh Linh hà hơi vào, ấy vì chẳng có ai tự khám phá ra một việc như vậy. Nhưng mặt khác, những sự khải thị như thế chẳng hề được thực hiện một cách trừu tượng. Nó phát sinh từ những hoàn cảnh chứng minh nó. Vậy ở đây nhờ những việc theo sau tỏ rõ, khi Đức Chúa Trời đòi hỏi Áp-ram thi hành những mạng lịnh nào, ông vâng theo chẳng chút ngần ngại. Thái độ ấy bày tỏ đức tin của ông. Lại nữa, sự hưởng ứng của Đức Chúa Trời đối với sự vâng lời tuyệt đối của Áp-ram tỏ ra rằng, ông được ân huệ trước mặt Ngài, tức là sự xưng công bình. Đức tin của Áp-ram được kể là công bình cho ông.
Sứ đồ Phao-lô giải bày ý nghĩa điều này trong thư tín Rô-ma 4:1-5, “Vậy, chúng ta sẽ nói Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, theo xác thịt đã được ích gì? Thật thế nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy. Vì Kinh Thánh có dạy chi? Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người. Vả, đối với kẻ nào làm việc, thì tiền công không kể là ơn, nhưng kể như là nợ, 5 còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình.”
Phao-lô cũng tái xác chứng là bởi đức tin, mà Áp-ra-ham được kể là công bình. Xin nhắc lại, ý nghĩa của chữ công bình không phải là biết đối xử công minh, công bằng, biết điều phải hay trái. Nhưng theo Thánh Kinh, chữ ‘công bình’có nghĩa là ‘vô tội.’
Chúng ta không thể tự làm việc gì để được sự cứu rỗi, hay được kể là vô tội trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể tự làm bất cứ phương cách nào để có sự cứu rỗi cho mình, chỉ có một cách duy nhất, tin nhận ân điển cứu chuộc của Giê-xu Christ là Chúa Cứu Thế. Đó là điều Đức Chúa Trời ban cho các chúng ta.
Áp-ra-ham chỉ tin vào Đức Chúa Trời. Ông tiếp nhận những gì Đức Chúa Trời phán và tin Ngài. Đó là phương cách mà chúng ta có sự cứu rỗi, vì tin nhận những gì Đức Chúa Trời làm cho chúng ta. Đấng Christ đã chết cho tội lỗi chúng ta và Ngài đã sống lại. Khi tin nhận Đấng Christ, Đức Chúa Trời tuyên bố chúng ta là người công bình.
Trong sách Ga-la-ti 3:6-9 cũng giải bày lẽ thật này: “Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người, vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham. Kinh Thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước. Ấy vậy, ai tin thì nấy được phước với Áp-ra-ham, là người có lòng tin.
Áp-ra-ham có đức tin, tin nhận Đức Chúa Trời và Ngài kể Áp-ra-ham là người công bình. Nếu muốn hưởng được phước hạnh như Áp-ra-ham, chúng ta phải tin nhận Chúa Giê-xu.
GIAO ƯỚC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỚI ÁP-RA-HAM
Sáng thế ký 15:7-8, “Đức Giê-hô-va lại phán cùng Áp-ram rằng: Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng đã dẫn ngươi ra khỏi U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, để ban cho ngươi xứ nầy làm sản nghiệp. Áp-ram thưa rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va, bởi cớ chi tôi biết rằng tôi sẽ được xứ nầy làm sản nghiệp?”
Tiếp tục trong sự khải thị, Đức Chúa Trời nhắc cho Áp-ram, Ngài là Đấng kêu gọi ông ra khỏi U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê. Như vậy Ngài nhắc lại tất cả kế hoạch của Đức Chúa Trời liên quan đến Áp-ram và dòng dõi của ông, kế hoạch này bắt đầu lúc ra khỏi U-rơ. Bây giờ Ngài tỏ cho Áp-ram biết sẽ có những gì xảy ra trước khi thực hiện đầy đủ kế hoạch này.
Áp-ram là người rất thực tế. Ông tin tưởng và nói chuyện về hiện trạng cụ thể. Chúng ta cũng cần làm như vậy. Ngày nay chúng ta cần một đời sống thực tế của Cơ Đốc nhân. Nếu chúng ta không sống thực tế, chúng ta không có gì cả. Áp-ram rất là thực thế. Ông muốn biết một điều nào đó được viết xuống. Muốn có một dấu hiệu cụ thể.
Cho nên Đức Chúa Trời bảo ông làm điều kế tiếp: Sáng thế ký 15:9-10, “Đức Giê-hô-va đáp rằng: Ngươi hãy bắt đem cho ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con chiên đực ba tuổi, một con cu rừng và một con bò câu con. Áp-ram bắt đủ các loài vật đó, mổ làm hai, để mỗi nửa con mỗi bên đối với nhau, nhưng không mổ các loài chim ra làm hai.”
Đức Chúa Trời bảo Áp-ram chuẩn bị một của lễ. Và Áp-ram làm y như điều Chúa chỉ dạy.
Con người trong xã hội thời bấy giờ khi làm một giao kèo, họ phải làm như vầy. Chẳng hạn như khi một người đồng ý mua một con bò từ nơi người kia. Hai người phải nắm tay nhau và đi đến một chỗ dâng tế lễ, rồi sau đó ký vào tờ giấy có mặt của nhân chứng. Chúng ta thấy đó là cách mà Đức Chúa Trời dùng với Áp-ram.
Trong thời của tiên tri Giê-rê-mi, cũng nói đến phong tục tương tự như vậy. Đó là họ dùng sinh vật mổ ra làm hai để làm dấu hiệu của giao ước. Ta sẽ phó những người nam đã phạm giao ước ta, không làm theo những lời giao ước đã lập trước mặt ta, khi chúng nó mổ bò con làm đôi, và đi qua giữa hai phần nửa nó. (Giê-rê-mi 34:18)
Sáng thế ký 15:11, “Có những chim ăn mồi bay đáp trên mấy con thú chết đó, song Áp-ram đuổi nó đi.”
Đây là bối cảnh của thế gian. Sau khi Áp-ram chuẩn bị hết mọi thứ sẵn sàng, chim bay xuống đậu trên mấy con thú bị giết làm của lễ. Nhưng Áp-ram đuổi chúng nó đi, không cho nó làm ô-uế của lễ dâng cho Chúa.
Nếu chúng ta ở đó và thấy các của lễ Áp-ram đã sẵn sàng, chúng ta có thể nói rằng: sao mà Chúa chưa đến, sao mà trễ quá. Áp-ram có thể sẽ nói: “Không, Chúa không chậm trễ đâu. Chúa bảo tôi chuẩn bị sẵn sàng và Ngài sẽ đến lập giao ước.”
Nhưng có điều lạ xảy ra trong khi chờ đợi, Sáng thế ký 15:12, “Vả, khi mặt trời vừa lặn, thì Áp-ram ngủ mê; nầy một cơn kinh hãi, tối tăm nhập vào mình người.”
Áp-ram bị làm cho ngủ mê và bị để qua một bên. Đó là điều lạ, vì sao Chúa lại làm cho Áp-ram ngủ mê, trong khi ông sắp làm giao ước với Chúa. Nhưng đây là một giao ước khác lạ. Đức Chúa Trời sẽ đi qua những của lễ này bởi vì Đức Chúa Trời sẽ lập lời hứa, còn Áp-ram không cần đi qua các của lễ này, bởi vì Áp-ram không có hứa điều gì. Áp-ram chỉ tin Đức Chúa Trời mà thôi.
Đó chính là những gì đã xảy ra gần hai ngàn năm trước đây: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)
Chúng ta không có ở đó trong hai ngàn năm trước để làm giao ước này, nhưng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã ở đó, và Con Ngài chết trên thập tự giá cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đã ngủ trong tội lỗi, không hứa được điều gì.
Áp-ram không có hứa điều gì. Giả sử là Đức Chúa Trời nói với Áp-ram rằng nếu Áp-ram hứa cầu nguyện mỗi buổi tối với Chúa, thì Chúa sẽ làm thành lời hứa của Ngài. Và sau đó giả sử Áp-ram quên cầu nguyện một buổi tối. Như thế giao ước bị gẫy đổ, và Chúa không cần thực hiện phần của Ngài. Nhưng Chúa nói rằng Ngài sẽ làm phần của Ngài, và Ngài muốn con người chỉ làm một điều mà thôi, đó là nói “đồng ý, tôi tin nơi Chúa.” Khi chúng ta tin vào những gì mà Đức Chúa Trời đã làm, chúng ta được sự cứu rỗi.
Có câu chuyện xảy ra cách đây mấy năm, có cậu con trai đi học ở trường đại học về nhà thăm mẹ, cậu ta là người không tin Chúa. Mẹ cậu nói cho cậu nhiều điều tốt lành mà Đức Chúa Trời đã làm cho bà, và sự cứu rỗi chắc chắn mà bà có được. Nhưng cậu con trai cứng cỏi không muốn nghe, sau đó cậu nói: Làm sao mẹ biết mẹ được cứu, linh hồn nhỏ nhoi của mẹ đâu có đáng giá bao nhiêu. Cậu trai tiếp tục nói về sự lớn lao của cả vũ trụ, và Chúa sẽ quên linh hồn nhỏ bé của mẹ, và mẹ sẽ không được cứu. Bà mẹ không nói chi và tiếp tục làm đồ ăn sáng cho cậu con trai bà. Cuối cùng bà ngồi cạnh cậu con trai và nói: con nói nghe có lý, linh hồn của mẹ rất nhỏ, nhưng nó rất là quý báu trước mặt Đức Chúa Trời, cũng như chính bản thân con, khi con rời nhà bước vào cuộc sống, với biết bao nhiêu người chung quanh trong xã hội, con không ra chi so với họ, nhưng chính con rất là quý báu đối với mẹ, và suốt đời mẹ không bao giờ quên con. Cũng như Đức Chúa Trời không bao giờ quên mẹ.
Trở lại, chúng ta xem tiếp Sáng thế ký 15:13, “Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Phải biết rằng, dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm.”
Trong Thánh Kinh nói trước là dân tộc Do Thái bị đẩy ra khỏi xứ sở ba lần. Đây là lần đầu tiên nói là dân Do Thái qua xứ Ai-cập, lần thứ nhì dân Do Thái bị lưu đày sang Ba-by-lôn 70 năm, và lần thứ ba dân Do Thái bị tản lạc khắp nơi trên thế giới từ năm 70 S.C. Hiện nay có một số đông người đã trở về lập quốc.
Sáng thế ký 15:14-16, “Nhưng, ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó; rồi khi ra khỏi xứ, thì sẽ được của cải rất nhiều. Còn ngươi sẽ bình yên về nơi tổ phụ, hưởng lộc già sung sướng, rồi qua đời. Đến đời thứ tư, dòng dõi ngươi sẽ trở lại đây, vì tội lỗi của dân A-mô-rít chưa được đầy dẫy.”
Con cháu của Áp-ram sẽ qua Ai-cập và trở nên giàu có, nhưng Áp-ram sẽ không còn sống để thấy ngày đó.
Đức Chúa Trời nói cùng Áp-ram “Ta chưa cho ngươi đất này bây giờ, bởi vì Ta vẫn còn thương yêu người A-mô-rít, Ta muốn cho họ cơ hội để quay về cùng Ta.” Đức Chúa Trời cho người A-mô-rít thời gian 400 năm, đó là thời gian khá dài, để họ có đủ cơ hội. Cuối cùng chỉ có một người nữ Ca-na-an trở về cùng Chúa, bà tin Đức Chúa Trời. Ngày hôm nay Chúa vẫn còn ban cho chúng ta cơ hội và thời gian để quay về với Ngài, hãy tận dụng thời kỳ ân điển này.
Từ ngữ “về nơi tổ phụ” chắc gồm nhiều ý hơn là chính thi hài Áp-ram được an táng bên cạnh thi hài tổ tiên ông. Vậy đây, chúng ta thấy lời chứng rõ rằng đương thời các tộc trưởng đã có niềm tin sự sống đời đời. Kèm theo sự khải thị của Đức Chúa Trời còn có lời cam đoan cho sự an táng tử tế lúc tuổi cao, đây là một mong ước của hầu hết những người già.
Sáng thế ký 15:17-21, “Khi mặt trời đã lặn, thình lình sự tối mịt giáng xuống; kìa có một lò lớn khói lên, và một ngọn lửa lòe ngang qua các xác thịt đã mổ. Ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước cùng Áp-ram, mà phán rằng: Ta cho dòng dõi ngươi xứ nầy, từ sông Ê-díp-tô cho đến sông lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát, là xứ của các dân Kê-nít, Kê-nê-sít, Cát-mô-nít, Hê-tít, Phê-rê-sít, Rê-pha-im, A-mô-nít, Ca-na-an, Ghi-ê-ga-sít và Giê-bu-sít.
Đức Chúa Trời làm một dấu hiệu lập giao ước với Áp-ram, qua việc giáng lửa xuống đốt của lễ. Ngọn lửa và khói cho thấy sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, đó là lòng sốt sắng vì sự công bình và sự phán xét của Ngài trên mọi dân tộc. Đức Chúa Trời ban lời hứa trước, ban sự xác hứa làm trọn mọi lời Ngài đã hứa. Việc Đức Chúa Trời đi ngang qua các xác thịt đã mổ, là sự bảo đảm rõ rệt với Áp-ram rằng, giao ước đã lập với Đức Chúa Trời là chân thật. Ngài xác hứa và định ranh giới đất hứa ban cho Áp-ram. Phần của Áp-ram chỉ làm một điều mà thôi, ấy là tin vào giao ước của Đức Chúa Trời.
Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. (Giăng 3:16)