Bài 23: Bốn Bí Quyết Thuộc Linh

1465

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Khi lược khảo sách Xuất Ê díp tô ký, chúng ta thấy sự phát triển của dân sự Đức Chúa Trời và những nan đề lớn lao mà họ phải đối diện: nô lệ, ách thống trị đắng cay tại Ai cập. Trong chương 2 và 3, chúng ta tìm hiểu về Môi se, một người vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời. Ông là tiên tri được kêu gọi bởi Đức Chúa Trời để trở nên người giải phóng dân tộc. Ông là khí cụ Đức Chúa Trời dùng để giải cứu dân sự của Ngài ra khỏi vòng nô lệ tại Ai cập. Như chúng ta nói nhiều lần, sự nô lệ tại Ai cập là hình bóng về sự nô lệ tội lỗi. Sự giải cứu ra khỏi ách nô lệ tại Ai cập là hình bóng về sự cứu rỗi. Trong ý nghĩa đó, Môi se, người giải phóng dân Y sơ ra ên là hình bóng về những người mà qua họ Đức Chúa Trời giải phóng tội nhân ra khỏi xiềng xích của tội lỗi. Ngày nay, những người như vậy chính là những người đang làm công tác truyền giảng Tin lành; hay nói theo cách khác, họ chính là những người chinh phục linh hồn tội nhân.

 

Trong chương 2 và 3 của sách Xuất Ê díp tô ký, chúng ta thấy, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị và huấn luyện Môi-se trước khi ông trở nên người giải phóng dân tộc. Đức Chúa Trời đã dạy Môi se rằng, ông chẳng là gì cả. Rồi Đức Chúa Trời lại dạy rằng, ông là hữu dụng; và cuối cùng, Đức Chúa Trời đã dạy cho Môi se rằng, Ngài có thể hành động qua những người nhận biết rằng mình chẳng là gì cả.

 

Trên hết mọi sự, có 4 bí quyết thuộc linh mà Đức Chúa Trời phải dạy Môi se để biến ông trở nên người giải phóng dân tộcY sơ ra ên. Ngày nay, nếu ao ước làm công tác cứu người ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi, quí vị phải học 4 bí quyết thuộc linh nầy. Không ai có thể làm nhiệm vụ của một mục sư hoặc tín hữu nếu không biết nó.

 

Trước tiên, Đức Chúa Trời phải chỉ cho Môi se bí quyết đầu tiên: “Môi se, ngươi không phải là người giải cứu, nhưng là ta. Và ta ở cùng ngươi.” Thứ hai, “Môi se, ngươi không thể giải cứu ai cả, nhưng ta có thể và ta ở với ngươi,.”  Bí quyết thứ ba đến từ sự kêu gọi của Môi se: “Môi se, ngươi không muốn giải cứu những người nầy, nhưng ta muốn, và ta ở với ngươi.” Bí quyết thứ tư, sau khi dân sự được giải phóng, “Môi se, không phải ngươi đã giải cứu dân sự nầy nhưng ta đã giải phóng họ vì ta đã ở với ngươi.”

 

Bốn bí quyết thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã dạy Môi se, để ông trở nên người giải phóng dân tộc, là các bí quyết thuộc linh mà tất cả chúng ta phải biết, nếu chúng ta muốn trở thành khí cụ hữu dụng của Đức Chúa Trời.

 

Tại bụi gai cháy, Đức Chúa Trời dạy Môi se rằng: ông không phải là người giải cứu nhưng Chúa mới là Đấng giải cứu. Cũng tại bụi gai cháy Chúa dạy rằng, ông không thể giải cứu ai cả, nhưng chỉ có Chúa mới có quyền giải cứu.  Môi se học điều nầy qua kinh nghiệm thất bại của mình. Đức Chúa Trời cũng dùng sự  thất bại để dạy dỗ con cái Chúa: đây là bí quyết thuộc linh thứ hai. Điều thứ  ba Chúa muốn dạy là thế nầy, “Môi se, ngươi không muốn giải cứu những người nầy, nhưng ta muốn giải cứu họ, và ta ở với ngươi.” Những tôi tớ Chúa trong Kinh thánh rất thành thật về điều nầy. Phần đông khi được sai đi, họ trả lời, “Con không muốn.” Nhưng Chúa nói với họ, “Ta muốn, vậy hãy đi. Ta ở với ngươi.” Vấn đề không phải ngươi là ai mà Ta là ai. Vấn đề không phải ngươi làm được điều gì mà Ta có thể làm gì. Và vấn đề không phải là ngươi muốn gì, song Ta muốn gì.” Môi se thật sự không muốn nhận lãnh trách nhiệm nầy chút nào cả.

 

Môi se nêu lên 5 lý do khước từ khi Đức Chúa Trời sai phái ông. Lý do thứ nhất được trình bày gián tiếp qua lời phát biểu, “Tôi là ai? Tại sao Ngài chọn một người như tôi?” Như chúng ta đề cập trước đây, Môi se nêu lên rất nhiều lý do để khước từ. Ông là kẻ thù số một của chính quyền Ai cập, kẻ sát nhân, người Hê bê rơ, gã chăn chiên, đứa con nuôi không ai đếm xỉa; và dường như còn bị tật nói cà lăm. Ông không thể diễn đạt ý tưởng cách trôi chảy hay ăn nói lôi cuốn. Đức Chúa Trời biết hết thảy những điều nầy; và có lẽ, đây là lý do vì sao Ngài chọn ông. Chúa muốn khẳng định rằng, việc giải phóng dân Y sơ ra ên là do quyền năng của Ngài, chứ không phải do tài năng của một người nào đó. Đó là lý do vì sao Ngài dùng một người như Môi se.

 

Lý do thứ hai Môi se nêu lên để khước từ là : “Con không thể trả lời những câu hỏi của họ được.” Có lẽ, Môi se đề cập tại đây về các vị trưởng lão Hê bê rơ, những người mà ông phải đến và báo cho họ biết rằng, Đức Chúa Trời sai phái ông trong công tác giải phóng nầy. Khi suy nghĩ về việc chia xẻ niềm tin với người khác, phải chăng chúng ta cũng nêu lên lý do để khước từ giống như vậy. “Tôi là ai? tôi không phải là người giảng đạo. Tại sao tôi phải là người đi chia xẻ niềm tin cho người khác?” Rồi, chúng ta thường từ chối mà rằng: “Họ sẽ đặt những câu hỏi hóc búa mà tôi không thể trả lời được.” Điều thú vị là khi Môi se nêu lên sự khước từ thứ nhất, “Tôi là ai?” thì Đức Chúa Trời phán rằng, “Ngươi là người mà ta chọn và ta ở với ngươi.” Khi Môi se tiếp tục từ chối rằng, “Họ sẽ đặt những câu hỏi mà tôi không trả lời được.” Đức Chúa Trời phán rằng, “Ngươi không phải trả lời các câu hỏi của họ. Hãy nói với họ rằng, Ta là Đấng Tự hữu và Hằng hữu; và ta đã sai phái ngươi đến với họ. Đừng để bị rơi vào vòng tranh luận khi cố gắng để trả lời các câu hỏi của họ.”

 

Lý do từ chối tiếp theo là, “Họ sẽ không tin tôi, họ sẽ không bao giờ tin tôi.” Tại điểm nầy, Chúa dùng các dấu lạ để dạy Môi se. Chúa bảo ông bỏ tay vào trong áo và lấy ra, thì tay của ông bị phung; sau đó, ông làm y hệt như vậy một lần nữa thì tay được lành. Thêm một dấu lạ khác, Chúa hỏi, “Ngươi cầm vật gì trong tay?” Môi se thưa, “Một cây gậy để chăn chiên.” Chúa phán, “Hãy ném nó xuống đất.” Khi Môi se ném xuống thì cây gậy trở nên con rắn. Môi se hoảng sợ chạy trốn, Chúa bảo ông nắm lấy đuôi nó; Môi se vâng lời nắm lấy đuôi thì con rắn lại trở thành cây gậy. Đức Chúa Trời đã dùng cây gậy này cách đầy quyền năng suốt chức vụ của Môi se. Khi Môi se vâng phục Chúa, phép lạ sẽ xảy ra; và bởi điều đó, họ sẽ tin ông. 

 

Dẫu vậy, Môi se vẫn tìm cách thoái thác thưa rằng, “Tôi ăn nói ngập ngừng. Tại sao Ngài lại kêu gọi người giống như tôi vào công tác nầy?” Có lẽ ông thầm nghĩ, “Chúa biết A rôn, người ăn nói hoạt bát.” Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời biết A rôn ăn nói lưu loát. Nhưng nếu muốn dùng A rôn, Chúa hẳn đã gọi A rôn. Tại đây, Chúa đặt một câu hỏi quan trọng. Ngài hỏi, “Có phải ta là Đấng tạo nên miệng lưỡi ngươi không? Ai làm cho câm, ai làm cho điếc? Có phải ta là Đức Giê hô va chăng?” Chúa ban cho chúng ta khả năng theo ý muốn của Ngài. Chúa muốn nói với Môi se rằng, “Nếu ta muốn một người nói hùng biện, ta đã tạo dựng con giống như vậy rồi.”

 

Một lần nữa, Môi se lại khước từ. Điều nầy khiến Đức Chúa Trời nổi giận. Môi se nói, “Chúa muốn sai ai đi thì sai.” Trong trường hợp nầy, Chúa chỉ định A rôn làm người phát ngôn cho Môi se. Tôi tự hỏi, khi Chúa sai phái chúng ta trong công tác cứu người, nếu không nêu lên những lý do khước từ tương tự thì chúng ta cũng kết thúc bằng cách nói rằng, “Chúa muốn sai ai đi thì sai chớ đừng sai con, con sẽ không là khí cụ của Ngài đâu.” Nhiều người trong Kinh thánh rất chân thật  khi nói với Chúa rằng, “Chúa ơi, con không muốn.” Trên một phương diện, đây là thái độ lành mạnh vì những người đó tự cảm thấy mình không xứng đáng với trọng trách Chúa giao. Còn những người cho rằng, mình có đủ khả  năng, đủ tư cách lại là người đáng ngờ vực. Riêng về phần đối với người không dám và không muốn, vấn đề là Đức Chúa Trời muốn chứ không phải người đó muốn. Đây chính là điều tối hệ trọng.

 

Sau khi giải cứu dân sự thành công, Đức Chúa Trời nhắc lại điều nầy: “Không phải ngươi giải cứu những người nầy. Song ta đã giải cứu vì ta ở với ngươi.” Một mục sư của hội thánh Trưởng lão cũng là giáo sư Kinh thánh lỗi lạc, Tiến sĩ  Manford Gutzke phát biểu rằng, “ Khi Chúa Jesus cỡi lừa con vào Jerusalem, Ngài là Đấng nhận sự tung hô chớ không phải con lừa.”  Khi một mục sư thành công, khi hội thánh phát triển, và khi mọi sự diễn tiến tốt đẹp thì có một hiểm họa đó là sự ca tụng cá nhân. Chúng ta chỉ là phương tiện của Đức Chúa Trời mà thôi. Chúa mới là Đấng làm nên mọi sự. Do đó, mọi vinh quang phải dâng lên cho Ngài.

 

Có người cho rằng: Đức Chúa Trời làm những việc phi thường qua các thánh nhân phi thường vì họ là các thánh nhân phi thường. Đây chỉ là huyền thoại. Kinh thánh cũng như lịch sử hội thánh dạy rằng, “Đức Chúa Trời thực hiện những việc phi thường qua những con người tầm thường bởi vì họ sẵn sàng để Chúa dùng.”

 

Một số người có rất nhiều khả năng song lại không sẵn sàng để Chúa dùng. Một số người rất ít khả năng song lại rất sẵn sàng. Kinh thánh dạy chúng ta qua bí quyết thuộc linh thứ tư rằng, việc chúng ta có nhiều hay ít khả năng không thành vấn đề. Điều quan trọng là sẵn sàng để được Chúa dùng. Đức Chúa Trời tìm kiếm những con người như vậy. Đối với công việc Chúa, khả năng lớn nhất là sự sẵn lòng. Vấn đề không phải chúng ta là ai mà Chúa là ai; vấn đề không phải là những gì chúng ta có thể làm mà những gì Chúa có thể làm; vấn đề không phải là chúng ta muốn gì mà Chúa muốn gì. Nếu tất cả những điều đó là đúng, thì khả năng lớn nhất có thể dâng hiến cho Đức Chúa Trời là tinh thần sẵn sàng của chúng ta.

 

Bởi thế, có bốn bí quyết thuộc linh mà Đức Chúa Trời phải huấn luyện Môi se trước khi ông trở thành người giải phóng dân Y sơ ra ên. Thứ nhất, “Ngươi không phải là người giải cứu, nhưng ta là người giải cứu và ta ở với ngươi.” Thứ hai, “Ngươi không thể giải cứu dân sự nầy, nhưng ta có thể giải cứu họ và ta ở với ngươi.” Thứ ba, “Ngươi không muốn giải cứu những người nầy nhưng ta muốn và ta ở với ngươi.” Thứ tư, “Ngươi đã không giải cứu những người nầy nhưng ta đã giải cứu bởi vì ta đã ở với ngươi.” Tôi chân thành cầu nguyện rằng, những bí quyết thuộc linh nầy sẽ có ý nghĩa đối với đời sống của quí vị. Trong bài học kế tiếp, tôi sẽ trình bày bốn bí quyết thuộc linh nầy đã ảnh hưởng đến đời sống hầu việc Chúa của một vị mục sư đáng kính như thế nào; cũng như sẽ trình bày, nó đã được áp dụng bởi Môi se trong Cựu ước và Phi-e-rơ  trong Tân ước ra sao.

 

Bài trướcUBCDGD: Giới Thiệu Sách Mới.
Bài tiếp theoBài 23: Đức Chúa Trời Tái Hứa Cùng Áp-Ra-Ham