Bài 150: Sách Giô-ên, Ngày Của Đức Giê-hô-va

1579

Bài 150: Sách Giô-ên, Ngày Của Đức Giê-hô-va

Khi học về sách tiên tri Giô-ên cũng như mọi tiên tri khác, chúng ta cần đặt câu hỏi: “Sứ điệp của sách nầy là gì?” Nhưng quan trọng hơn đó là: “Bài học dưỡng linh cho đời sống tôi là gì?” hay “Sách nầy có ý nghĩa gì đối với tôi?” Một trong những sứ điệp của Giô-ên được tìm thấy qua thành ngữ “Ngày của Đức Giê-hô-va”. Nhiều vị tiên tri dùng thành ngữ nầy, nhất là tiên tri Sô-phô-ni. Phi-e-rơ cũng đề cập đến trong II Phi-e-rơ 3.

Giô-ên muốn dạy chúng ta điều gì qua thành ngữ “Ngày của Đức Giê-hô-va”? Khi nhìn vào hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống, chúng ta thường phản ứng thế nào? Tại sao điều nầy xảy ra cho tôi? Đức Chúa Trời ở đâu rồi? Giô-ên muốn chúng ta nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trên mọi biến cố xảy ra cho đời sống chúng ta.

Phao-lô đã nói trong Rô-ma 8 rằng, “Chúa khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ngài, là kẻ được gọi theo ý muốn của Ngài đã định”. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta sẽ thật sự mong muốn ý Chúa được thành tựu trên đời sống chúng ta. Khi đó Chúa có thể khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho chúng ta. Phao-lô không có ý nói rằng mọi sự xảy ra cho chúng ta đều là tốt, nhưng ông ngụ ý rằng Đức Chúa Trời khiến mọi sự đó trở nên tốt. Nếu chúng ta nhìn thấy bàn tay của Chúa trên mọi biến cố của đời sống mình ngay cả trong những hoạn nạn thì chúng ta sẽ công nhận rằng, “Đây là “Ngày của Đức Giê-hô-va” cho chính tôi”.

Khi quan sát những thảm họa gây ra bởi cào cào thì Giô-ên đã tuyên bố, đây là “Ngày của Đức Giê-hô-va”. Với khải tượng tiên tri, Giô-ên nhìn thấy viễn ảnh bị lưu đày tại Ba-by-lôn, ông cũng tuyên bố là “Ngày của Đức Giê-hô-va” sắp đến. Nhiều người lo sợ cho tương lai, nhưng Giô-ên muốn khuyên rằng, dầu không biết tương lai sẽ thế nào, nhưng chúng ta biết Đấng đang nắm giữ tương lai. Khi nhìn những gì đã đang và sẽ xảy ra, chúng ta thấy được bàn tay của Chúa điều khiển trên mọi sự.

Khi nhìn về quá khứ, không một ai trong chúng ta đã yêu cầu để được sinh ra, không một ai đã chọn cha mẹ cho mình. Cho dầu là thuận lợi hay bất lợi, chúng ta nên học từ Giô-ên rằng đó là “Ngày của Đức Giê-hô-va” cho đời sống tôi. Cha mẹ tôi, gia đình tôi, môi trường tôi lớn lên không phải do tình cờ nhưng nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời. Nếu nhìn vào hiện tại chúng ta có khuynh hướng ganh tị với người khác. Chúng ta ước mong mình được may mắn thuận lợi giống như họ. Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên làm như vậy. Phao-lô cho biết so sánh với người khác không phải là thái độ khôn ngoan. Lời Chúa dạy rằng mỗi chúng ta là một cá thể đặc biệt và Đức Chúa Trời có chương trình cho mỗi chúng ta. Chúa không dùng cái khuôn nhất định để tạo mọi người. Chúng ta không giống người khác và người khác không giống chúng ta.

Khi Chúa bảo cho Phi-e-rơ biết là ông sẽ phải chết cách nào thì Phi-e-rơ chỉ vào Giăng và hỏi Chúa, “Còn người nầy thì sao?” Chúa trả lời, “Nếu ta muốn người đó còn sống khi ta trở lại thì điều đó có can hệ gì đến ngươi? Đó là việc của ta. Ngươi không nên so sánh, hãy theo ta”.

Thay vì ước mơ được giống như những người khác, Giô-ên khuyến khích chúng ta chấp nhận những gì đang xảy ra trên đời sống của mình, hoặc thuận lợi, hoặc bất lợi. Ngoại trừ những điều do tội lỗi của mình gây ra, chúng ta nhận thức rằng những gì đang xảy ra cho tôi nằm trong chương trình tốt đẹp của Đức Chúa Trời, nó là “Ngày của Đức Giê-hô-va” đối với tôi. Khi nhìn về tương lai, chúng ta bày tỏ lòng tin cậy cho dù bất cứ điều gì xảy ra. Chúa vẫn cầm quyền tể trị và Ngài cho phép xảy ra. Do đó nó sẽ là “Ngày của Đức Giê-hô-va” dành cho tôi. Đây là sứ điệp dưỡng linh của sách Giô-ên.

Phần tiên tri gây nhiều chú ý là lời tiên tri về ngày Lễ Ngũ tuần và thời kỳ sau rốt. Giô-ên gọi đây là “Ngày lớn và kinh khủng của Đức Giê-hô-va”. Ông nhấn mạnh đến một trong những biến cố liên quan đến sự tái lâm của Chúa Giê-xu. Việc Chúa tái lâm không phải chỉ là một biến cố đơn thuần nhưng là sự kết hợp của hàng loạt các biến cố. Thật rất khó để sắp xếp những biến cố nầy theo thứ tự thời gian.

Một trong những chi tiết liên quan đến ngày Chúa tái lâm là một ngàn năm bình an. Thuyết Tiền Thiên hy niên cho biết Chúa Giê-xu sẽ trở lại trước thời kỳ một ngàn năm. Thuyết Hậu Thiên hy niên tin rằng Chúa trở lại sau thời kỳ một ngàn năm. Nhưng một số người thì phủ nhận thời kỳ một ngàn năm theo nghĩa đen. Có người thì không dám in trí một thuyết nào nhưng chỉ tin một cách tổng quát rằng, mọi sự rồi sẽ trở nên tốt đẹp trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh có đề cập đến việc Hội Thánh được cất lên. Đó là sự tái lâm lần thứ nhất của Chúa Giê-xu. Phao-lô dạy trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16 – 17 rằng:

16 Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết.
17 Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

Chúa sẽ trở lại để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế giới nầy. Một vị Mục sư kể lại lớp học Trường Chúa nhật khi ông còn bé như sau: “Khi dạy về việc Chúa tái lâm, cô giáo tôi dùng hằng trăm cây kim thẳng đứng lẫn lộn với những cây tăm xỉa răng. Rồi cô dùng nam châm rất mạnh kéo ngang qua phía trên đầu. Mọi cây kim thẳng đứng đều được hút lên và bám vào nam châm, nhưng những cây tăm thì vẫn nằm ỳ ra đó. Cô giải thích, “Đây là những gì sẽ xảy ra trong ngày Chúa trở lại, cây kim thẳng đứng chỉ về những người theo Chúa. Mọi người theo Chúa đều sẽ được cất lên để được gặp Chúa tại nơi không trung, những người khác sẽ bị để lại”. Tôi không bao giờ quên được ví dụ nầy. Tôi quyết định sẽ không làm cây tăm xỉa răng mà sẽ làm một cây kim thẳng đứng. Tôi muốn được bảo đảm rằng tôi sẽ là một trong những người được cất lên. Nhiều người tin rằng đây là việc đầu tiên trong biến cố Chúa tái lâm.

Sau khi Hội Thánh được cất lên thì nhiều biến cố xảy ra trên thiên đàng. Rồi Kinh Thánh cho biết Chúa sẽ giáng xuống trên đất và thiết lập nước một ngàn năm bình an. Sa-tan sẽ bị trói lại nhưng rồi được thả ra khi một ngàn năm kết thúc. Tiếp theo là “Ngày lớn và kinh khủng của Đức Giê-hô-va”. Đây là những gì Phi-e-rơ mô tả trong II Phi-e-rơ 3, chẳng hạn trong câu 10: “Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chết bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả”.

Nhà truyền giảng Tin Lành Moody nói rằng, “Thế giới chúng ta như chiếc thuyền đang chìm, nhiệm vụ của tôi không phải là cứu chiếc thuyền đó nhưng là cứu những con người trên chiếc thuyền đó và cứu họ càng nhiều càng tốt trước khi nó bị nhận chìm hoàn toàn, anh em thân mến, nó đang chìm”. Đây là cách mà Mục sư Moody áp dụng sứ điệp “Ngày lớn và khủng khiếp của Đức Giê-hô-va”. Moody không có ý nói rằng chúng ta không nên có quan tâm nào đến sinh hoạt xã hội nhưng ông cho biết thế giới nầy rồi sẽ bị thiêu hủy. Chúa sẽ không để cho nó vĩnh viễn tồn tại, một ngày kia mọi thể chất, mọi công trình đều sẽ bị tiêu tan.

Nhà khoa học làm việc cho cơ quan nguyên tử năng giải thích về sức tàn phá của vũ khí hạt nhân như sau, “Nếu chúng ta có một khối bê tông cốt sắt chiều dài bằng chiều dài của một sân vận động bóng đá, chiều ngang và chiều cao cũng giống như vậy. Nếu đặt một thiết bị hạt nhân bên cạnh và cho nổ thì khối bê tông cốt sắt khổng lồ đó sẽ tan biến không phải thành mảnh vụn nhưng là thành khói. Khi những phản ứng trong một nguyên tử xảy ra, nó sẽ giải phóng một lượng nhiệt lớn kinh khủng và thiêu đốt mọi vật. Với sức nóng đó nó sẽ làm tan chảy mọi vật trong tầm ảnh hưởng của nó.”

Cách đây gần 2.000 năm, một ngư phủ tầm thường, không biết gì về khoa học hiện đại, đã nói trước rằng thế giới nầy rồi sẽ đến hồi kết thúc: “Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chết bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả“.

Phi-e-rơ đã đưa ra một thách thức lớn lao cho các độc giả, “Với một viễn ảnh như vậy, anh em sẽ sống như thế nào? Anh em xem điều gì là quan trọng trong đời sống của mình? Nếu thật tin vào những điều đó thì chúng ta sẽ là người như thế nào? Phi-e-rơ và Giô-ên gọi đó là “Ngày lớn và kinh khủng của Đức Giê-hô-va”.

Thành ngữ “Ngày của Đức Giê-hô-va” được trình bày trong các sách tiên tri cũng như trong sách Giô-ên chỉ về những thảm cảnh đã từng xảy ra trong lịch sử của người Do Thái. Đó là “Ngày của Đức Giê-hô-va”, ngày của những biến cố thương tâm. “Ngày của Đức Giê-hô-va” cũng ở trong thì hiện tại, nó chỉ về những tai ương hoạn nạn như là biện pháp sửa phạt của Đức Chúa Trời. “Ngày của Đức Giê-hô-va” cũng ở thì tương lai, khi nhìn về phía trước hằng nhiều thế kỷ, các tiên tri nói về ngày lớn và khủng khiếp của Đức Giê-hô-va. Những gì họ nói trong Cựu Ước giống như Phi-e-rơ nói trong Tân Ước.

Có một người tin quyết vào ngày lớn và kinh khủng của Đức Giê-hô-va. Nếu quí vị sắm sửa được một món đồ gì mới ông sẽ nói, “Anh có biết rằng rồi nó sẽ bị thiêu đốt không?” Nếu làm một lễ khánh thành nhà thờ thì ông sẽ nói, “Anh có biết rằng rồi nó sẽ bị thiêu đốt không?” Nếu mời ông ấy đến ăn nhà mới ông sẽ nói, “Anh có biết rằng rồi nó sẽ bị thiêu đốt không?” Trên một phương diện thì đây là tư tưởng không lành mạnh vì bao lâu chúng ta còn sống trên đất nầy, bấy lâu chúng ta còn có nhu cầu vật chất và chúng ta phải làm việc để đáp ứng nhu cầu nầy. Vấn đề là chúng ta không xem nó như là mục đích cuối cùng vào cao nhất trong đời sống của mình. Nó chỉ là phương tiện để chúng ta sống và phục vụ Chúa mà thôi. Nhưng xét trên một phương diện khác thì chúng ta cần lưu ý rằng mọi vật, mọi công trình trên đất nầy rồi sẽ bị thiêu hủy. Đây là những gì mà Giô-ên và Phi-e-rơ đã nói trước.

Tại sao Chúa nói cho chúng ta biết về “Ngày lớn và kinh khủng của Đức Giê-hô-va”? Mỗi lần Cựu Ước và Tân Ước đề cập đến những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai thì luôn luôn kết thúc với phần áp dụng rằng, “Chúng ta phải sống như thế nào khi biết rằng ngày đó sẽ xảy ra, ngày mà mọi công trình vĩ đại nhất của con người đều bị thiêu đốt. Lời Chúa dạy, “Hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẵng phải là vô ích đâu”. Khi nhìn về ngày lớn và kinh khủng của Đức Giê-hô-va trong tương lai thì đây là áp dụng mà Kinh Thánh dùng để nhắc nhở chúng ta.

Hãy nhìn vào hiện tại và thừa nhận rằng đây là “Ngày của Đức Giê-hô-va” dành cho tôi. Bàn tay của Chúa tể trị trên mọi biến cố này. Rồi hãy nhìn vào tương lai và tự nhủ rằng, “Ngày của Đức Giê-hô-va” sẽ đến, vì thế tôi dành tâm lực để đầu tư vào những gì còn lại đời đời, những gì không bị lay chuyển, những gì thuộc về Đức Chúa Trời.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcBài 10: GIEO VÀ GẶT
Bài tiếp theoPhước Hạnh Chương Trình Thánh Nhạc Thương Khó – Phục Sinh 2024