Bài 148: Sách Ô-sê, Kinh Nghiệm Đau Khổ Của Ô-sê

1826

Thờ lạy thần tượng là một tội nghiêm trọng của người Y-sơ-ra-ên ở phía bắc. Từ chỗ thờ lạy thần tượng, đời sống đạo đức cũng bị suy đồi. Ô-sê rất thẳng thắn công bố rằng,

Ô-sê 7:

3 Chúng nó lấy sự gian ác mình làm vui lòng vua, lấy sự dối trá mình làm đẹp lòng các quan trưởng.
4 Hết thảy chúng nó đều tà dâm, giống như lò của người nướng bánh đốt lửa, thôi chụm lửa từ khi nhồi bột cho đến chừng bột dậy men.
5 Đến ngày vua chúng ta, các quan trưởng vì sự nóng của rượu mà đau ốm: vua cũng bắt tay những kẻ hay nhạo báng.
6 Chúng nó rình rập, lòng cháy như lò lửa mà kẻ nướng bánh đã ngủ cả đêm; đến sáng sớm, thì lò cháy như lửa phun ra những ngọn.
7 Chúng nó thảy đều nóng hừng như lò lửa, nuốt các quan xét mình. Hết thảy các vua chúng nó đều bị úp đổ, và trong đám họ chẳng ai kêu với ta.
8 Ép-ra-im xen lộn với các dân khác; Ép-ra-im khác nào bánh chưa quay.

Bánh chưa quay không dùng được việc gì cả, Ô-sê ví sánh tình trạng của người Y-sơ-ra-ên giống như vậy. Điều nầy thật rõ ràng.

Thái độ của Đức Chúa Trời đối với những vua của Y-sơ-ra-ên như thế nào? Ô-sê cho biết, “Mọi tội ác của họ bắt đầu tại Ghinh-ganh”. Đây là nơi mà khi xưa người Y-sơ-ra-ên yêu cầu phải có một vị vua.

Người Y-sơ-ra-ên đã mải mê trong điều ác và gặt hậu quả của tội lỗi. Họ gánh chịu toàn bộ hậu quả của việc tin tưởng vào điều hư không, họ tin rằng sức mạnh quân sự và quân đội hùng hậu có thể khiến quốc gia họ được yên ổn. Y-sơ-ra-ên đã làm những việc vô ích, chơi một trò chơi nguy hiểm khi họ triều cống cho Ai Cập và A-si-ry để mong được giúp đỡ, cuối cùng họ chỉ được những lời hứa hẹn hão huyền. Trớ trêu là chính người A-si-ry đã tấn công và lưu đày người Y-sơ-ra-ên.

Ô-sê cũng không ngần ngại vạch trần những thành phần lãnh đạo: “Thầy tế lễ thế nào thì dân sự thế ấy”. Ông nói thẳng với thầy tế lễ rằng, “Đừng lên án, chỉ trích người khác, các ngươi mới là người đáng bị chỉ trích”. Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và Ô-sê đều thẳng thắn phê phán những người lãnh đạo về tình trạng thuộc linh và đạo đức của vương quốc Y-sơ-ra-ên.

Có một tín hữu mà cứ mỗi lần sau bài giảng thì anh khen ngợi Mục sư là bài giảng đó đã đụng đến đời sống nhiều người. Dĩ nhiên là những người khác chớ không phải anh. Ngày kia vì thời tiết xấu, không ai dự nhóm ngoại trừ người đó, Mục sư vẫn giảng từ đầu đến cuối và nghĩ rằng anh tín hữu nầy sẽ học được một điều gì cho chính mình. Thế rồi cuối buổi nhóm, anh đến gặp Mục sư và nói, “Bài giảng thật là bổ ích, nhưng tiếc là hôm nay không có ai để nghe cả”. Trường hợp Ô-sê cũng như vậy, ông nói với các thầy tế lễ rằng, “Ta đang nói với các ngươi, đừng nghĩ rằng ta nói cho người khác”.

Cùng với những sứ điệp thành văn của Ô-sê, ông còn muốn nói cách gián tiếp qua việc đặt tên cho các con của ông. Chẳng hạn một người con của Ô-sê tên là Lô-Ru-ha-ma, tên nầy có nghĩa là “không còn thương xót nữa”. Điều này ngụ ý rằng họ sẽ bị lưu đày sang A-si-ry, Chúa sẽ không bày tỏ lòng thương xót khi thảm họa đó xảy đến. Một người con khác tên là Lô-Am-mi, nghĩa là “không thuộc về ta”. Ô-sê không biết chắc là đứa con của Gô-me là do ông hay do một người khác, vì Gô-me là người đàn bà lăng loàn. Các học giả Kinh Thánh cho rằng tên nầy mang ý nghĩa tiên tri, vì có một giai đoạn mà người Y-sơ-ra-ên không còn được xem như tuyển dân được Đức Chúa Trời lựa chọn. Điều nầy đang xảy ra trong thời đại chúng ta.

Trong Rô-ma 9 – 11, Sứ đồ Phao-lô mô tả về thời kỳ nầy. Một số người cho rằng đây là khoảng thời gian mà chiếc đồng hồ biểu tượng cho mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với người Do Thái bị đứng lại. Vì người Do Thái từ bỏ Đức Chúa Trời, nên Ngài quay sang dân ngoại trên khắp thế giới. Khi Chúa chọn đủ số dân ngoại thì Ngài sẽ quay trở lại với người Do Thái và rồi tất cả họ đều sẽ được cứu. Các vị tiên tri đã nói trước về sự tái lập quan hệ thuộc linh giữa người Y-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời và giữa Đức Chúa Trời với người Y-sơ-ra-ên. Đây còn gọi là thời kỳ Lô-Am-mi. Vào lúc nầy, Chúa nói với người Y-sơ-ra-ên rằng, “Các ngươi không thuộc về ta”. Nhưng rồi sẽ có một ngày, họ lại thuộc về Chúa.

Trong một bài giảng, Ô-sê nói rằng, “Dân sự ta quyết định từ bỏ ta, bởi vậy ta sẽ để chúng bị bắt làm nô lệ mà không ai giải phóng chúng được tự do”. Câu nầy nói đến viễn ảnh lưu đày do người A-si-ry gây ra. Đây là biến cố không còn có lối thoát. Người Y-sơ-ra-ên đã ra đi mà không hề trở về. Ô-sê cùng với Phao-lô cũng như những tiên tri khác nói đến sự trở về trên phương diện thuộc linh vào ngày cuối cùng. Vì Ô-sê giảng cho vương quốc phía bắc, ông không nói đến sự hồi hương từ Ba-by-lôn sau 70 năm lưu đày, nhưng ông vẫn công bố sứ điệp hy vọng. Mọi tiên tri đều có sứ điệp hy vọng, trong trường hợp của Ô-sê, ông phải đi xa đến ngày cuối cùng, khi mà có cuộc phấn hưng thuộc linh và người Y-sơ-ra-ên trở về với Đức Chúa Trời. Việc nầy chưa xảy ra trong thời chúng ta.

Nếu được dịp ghé thăm vùng đất thánh, chúng ta thấy rằng người Y-sơ-ra-ên đã trở về trên lãnh thổ của họ. Họ đã hồi hương về phương diện địa lý, nhưng sự hồi hương thuộc linh vẫn chưa xảy ra, nó còn ở trong tương lai. Ô-sê đã công bố sứ điệp hy vọng như sau: “Ta sẽ thay đổi trũng sầu thảm thành cánh cửa hy vọng sau khi ta giải phóng chúng ra khỏi cảnh lưu đày”. Ông đã nói về ngày cuối cùng như sau,

Ô-sê 2:

23 Đoạn ta sẽ gieo nó cho ta trong đất, và sẽ làm sự thương xót cho kẻ chưa được thương xót. Ta sẽ nói cùng những kẻ chưa làm dân ta rằng: Ngươi là dân ta, và nó sẽ trả lời rằng: Ngài là Đức Chúa Trời tôi.


Đây là lời tiên tri nói về cuộc hồi hương thuộc linh của người Y-sơ-ra-ên. Một lần nữa xin quí thính giả lưu ý rằng lời tiên tri của Ô-sê vẫn chưa xảy ra. Ô-sê nói trước về việc trở về của người Y-sơ-ra-ên đối với Đức Chúa Trời:

Ô-sê 6:

1 Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va; vì Ngài đã xé chúng ta, song Ngài sẽ chữa lành cho; Ngài đã đánh chúng ta, song sẽ buộc vết tích.
 2 Trong hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta tỉnh lại; ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy, chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài.

Khi khảo sát 12 Tiểu Tiên tri, chúng ta thấy rằng tất cả họ đều tiên tri về cơn phấn hưng thuộc linh và sự khôi phục Y-sơ-ra-ên, nhưng nhiều lời tiên tri đó vẫn chưa được ứng nghiệm. Xa-cha-ri cho biết sẽ đến một ngày mà người Do Thái sẽ trở nên những người rao giảng Lời Chúa, giống như 12 vị Tiểu Tiên tri. Xa-cha-ri nói rằng người ta sẽ nắm lấy áo của người Do Thái mà nói, “Đức Chúa Trời ở cùng anh, và tôi muốn nghe Lời của Ngài”. Nhưng đây là điều chưa xảy ra, chưa được ứng nghiệm.

Ô-sê đã cho biết lòng cưu mang của Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài dành cho dân Y-sơ-ra-ên, Lời Chúa qua Ô-sê,

Ô-sê 6:

 6 Vì ta ưa sự nhân từ mà không ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu.

Để đến cùng Chúa, họ phải làm gì?

Ô-sê 10:

12 Hãy gieo cho mình trong sự công bình, hãy gặt theo sự nhân từ; hãy vỡ đất mới! Vì là kỳ tìm kiếm Đức Giê-hô-va, cho đến chừng nào Ngài đến và sa mưa công bình trên các ngươi.

Có người cho rằng sứ điệp của Ô-sê là hãy ước mong những điều vĩ đại từ Đức Chúa Trời và hãy nỗ lực làm những việc vĩ đại cho Đức Chúa Trời.

Quốc gia phía bắc sắp bị Đức Chúa Trời đoán phạt qua sự xâm lăng của người A-si-ry, Ô-sê nói cho họ biết rằng Chúa không có ý định ban vua cho họ. Vị tiên tri cho biết chính các vua lại là người đưa họ vào vòng lao lý. Ô-sê rao giảng rằng, “Các ngươi không có một Đức Chúa Trời nào khác ngoại trừ ta vì không có một Đấng giải cứu nào khác. Vua của các ngươi ở đâu? Tại sao các ngươi không kêu cứu với người? Những người lãnh đạo của các ngươi ở đâu? Các ngươi trông mong nơi họ, hãy để họ giải cứu các ngươi”.

Và đây là những gì Chúa phán với họ, “Trong cơn giận ta đã ban vua cho các ngươi, và cũng trong cơn giận mà ta cất họ đi”. Khi nói về người Y-sơ-ra-ên, đôi khi Chúa gọi họ là Ép-ra-im. Chúa phán,

Ô-sê 13:

12 Sự gian ác của Ép-ra-im đã ràng buộc, tội lỗi nó đã giấu để.
13 Sự đau đớn của đàn bà đẻ sẽ đến trên nó. Nhưng nó là con trai không khôn ngoan; vì, đến kỳ rồi, nó không nên chậm trễ ở trong dạ con.

Đây là một minh họa rất sống động. Ô-sê nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng, “Đức Chúa Trời muốn các ngươi trở lại với Ngài và ăn năn”. Mọi tiên tri đều công bố sứ điệp ăn năn. Ô-sê cho biết, “Chúa muốn các ngươi ăn năn cách chân thành để Ngài khôi phục đời sống tâm linh các ngươi, nhưng các ngươi giống như thai nhi trong bụng mẹ nói rằng, “tôi không muốn được sinh ra”. Do đó nó đạp lung tung và nhất định không chịu ra đời. Thử tưởng tượng một thai nhi trong bụng mẹ, không chịu ra đời để có kinh nghiệm trong cuộc sống như bao nhiêu người. Cũng vì không biết thế giới bên ngoài là thế nào mà nó không chịu sinh ra. Đây là hình ảnh của nhiều người về phương diện thuộc linh. Chúa muốn họ kinh nghiệm về đời sống tái sanh, nhưng họ ngần ngại không đón nhận. Do đó họ cứ sống như một thai nhi trong bụng mẹ chống đối ý tưởng được sinh ra.

Sau khi trình bày sứ điệp của mình nhất là nhấn mạnh vào tình yêu của Đức Chúa Trời, Ô-sê kết luận rằng, “Ai là người khôn ngoan, hãy hiểu biết. Ai là người thông sáng, hãy lắng nghe”. Câu chuyện liên quan đến đời tư của Ô-sê có ý nghĩa hình bóng. Chúng tôi không có ý nói rằng đây là câu chuyện thần thoại. Các nhà thần học vẫn tranh luận với nhau về kinh nghiệm của Ô-sê. Liệu đây là kinh nghiệm thật đã xảy ra với Ô-sê? Liệu Gô-me đã phản bội sau khi họ chung sống với nhau? Phải chăng Ô-sê đã nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời và học được bài học yêu thương từ chính kinh nghiệm đau khổ của mình? Hay Ô-sê là một người giảng đạo có tài và ông đã dùng nó như một ví dụ? Dầu là thế nào đi chăng nữa thì câu chuyện của Ô-sê mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Nó nói lên tình yêu của Đức Chúa Trời. Đây là tình yêu vô điều kiện, cho dầu chúng ta thế nào đi chăng nữa, Ngài vẫn yêu.

Quí vị đã kinh nghiệm về tình yêu thương của Đức Chúa Trời chưa? Nếu chưa, thì vòng tay của Chúa vẫn đang rộng mở. Xin đừng từ chối như Gô-me, cũng xin đừng từ chối như người Y-sơ-ra-ên. Hãy đón nhận tình yêu của Chúa hôm nay.

 Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcBài 8: LÒNG VUA TRONG TAY CHÚA
Bài tiếp theoTp. HCM: Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Tân Tây Lân