Bài 146: Sách Đa-ni-ên, Những Ưu Tiên Trong Lời Cầu Nguyện Của Tiên Tri Giê-rê-mi

3559

Khải tượng nầy xảy ra sau bài cầu nguyện rất sâu nhiệm của Đa-ni-ên. Đa-ni-ên là người tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời, ông tin vào sự cầu nguyện đồng thời cũng tin vào quyền tể trị và chương trình của Đức Chúa Trời.

Đời sống cầu nguyện của Đa-ni-ên gặp một thách thức nghiêm trọng. Một số các viên chức cao cấp trong chính quyền Ba-by-lôn ganh ghét với Đa-ni-ên, nhưng không tìm được một lỗi nào của ông để buộc tội nên họ âm mưu đưa ra một điều luật buộc mọi người không được cầu nguyện với một thần nào ngoại trừ vua. Đa-ni-ên không nao núng mà vẫn cầu nguyện như trước cho dầu phải bị ném vào hang sư tử.

Đa-ni-ên đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện trong chương 9, rồi sau đó ông nhận được “Khải tượng về bảy mươi tuần lễ” sau đó. Khi đọc những lời cầu nguyện của Đa-ni-ên trong chương nầy, chúng ta thấy rằng ông là người chuyên tâm cầu nguyện. Đối với Đa-ni-ên, đời sống của ông tùy thuộc vào những giờ phút riêng tư với Đức Chúa Trời. Trong bài cầu nguyện nầy, Đa-ni-ên rất nhiều lần đề cập đến Đức Chúa Trời, có khoảng 45 lần ông dùng đại danh từ chỉ về Chúa. Khi Đa-ni-ên cầu nguyện thì ông quan tâm đến Chúa chớ không nghĩ đến mình. Đa-ni-ên cho biết khi đọc về sách Giê-rê-mi thì ông biết rằng đã đến lúc dân sự của Chúa sẽ được trở về cố quốc. Cả Ê-sai lẫn Giê-rê-mi đều nói trước rằng người Giu-đa sẽ hồi hương sau 70 năm lưu đày. Khi Đa-ri-út, hoàng đế của Mê-đi, cầm quyền thì thời gian lưu đày của người Giu-đa trọn 70 năm. Nê-bu-cát-nết-sa xuất hiện trong 4 chương đầu, chương 5 là vua Bên-xát-xa và chương 6 là Đa-ri-út người Mê-đi. Thật sự Đa-ri-út không phải là hoàng đế của Mê-đi_Ba Tư, ông giữ chức vụ giống như thủ tướng dưới triều Si-ru đại đế. Si-ru đại đế là người đang cầm quyền lúc bấy giờ.

Trong khi Đa-ni-ên cầu nguyện thì ông cũng suy gẫm về lời tiên tri của Giê-rê-mi. Đa-ni-ên đầy xúc động vì Giê-rê-mi cho biết sau 70 năm người Giu-đa sẽ được hồi hương. Đa-ni-ên đã cầu nguyện về điều đó, ông xưng nhận tội lỗi của mình và của dân tộc mình. Có lần tôi đã thưa với quí thính giả rằng Đa-ni-ên là người rất mực trong sạch. Không ai tìm thấy được lỗi lầm của ông. Thế nhưng Đa-ni-ên đã đứng chung với đồng bào mình để xưng nhận rằng “tội lỗi của chúng tôi” hay “chúng tôi đã phạm tội”. Những lời nầy được lặp lại đến 32 lần. Đa-ni-ên lặp đi lặp lại điều đó và khẩn khoản xin Đức Chúa Trời tha thứ. Đa-ni-ên tin chắc vào sự tha thứ của Chúa, nhưng còn hơn như vậy, ông tin rằng Chúa sẽ khôi phục lại quốc gia Y-sơ-ra-ên. Ngài sẽ đem họ trở về nơi quê cha đất tổ.

Đa-ni-ên luôn luôn đề cập đến Chúa, ông cầu nguyện, “tôi là tôi tớ của Ngài”, ông dùng những câu như, danh của Ngài, dân sự của Ngài, thành phố của Ngài, chân lý của Ngài, sự công bình của Ngài, đền thờ của Ngài, cơn giận của Ngài, những điều răn của Ngài, lòng thương xót lớn lao của Ngài, các tiên tri của Ngài . . . Rồi ông kết thúc rằng, “Lạy Đức Chúa Trời, vì cớ danh của Ngài, vì cớ thành phố của Ngài, vì cớ dân sự của Ngài, xin đem chúng tôi trở về Y-sơ-ra-ên”. Đó là cách mà Đa-ni-ên đã cầu nguyện vậy.

Sau nầy khi Chúa Giê-xu đến, Ngài là Đấng mà Đa-ni-ên đã nói trong “Khải tượng về bảy mươi tuần lễ”. Chúa đã dạy môn đồ của Ngài cách cầu nguyện qua bài cầu nguyện mà chúng ta thường gọi là bài cầu nguyện chung. Một vị Mục sư nói rằng, “Nhiều người xem cầu nguyện như là việc liệt kê một loạt các điều cầu xin giống như bản liệt kê của một người đi mua sắm. Nên không lấy làm lạ gì là chẳng có gì xảy ra. Họ xem Chúa như là người chạy đầu nầy đầu kia làm những việc lặt vặt cho họ”. Một người trưởng thành sẽ thưa với Chúa rằng, “Chúa muốn con làm gì? Con sẵn sàng để Chúa sai con trong mọi việc”. Đây là tinh thần của Đa-ni-ên.

Trong bài cầu nguyện chung. Chúa Giê-xu dạy các môn đồ khi cầu nguyện thì thưa rằng, “Lạy Cha chúng con ở trên trời, danh Cha được tôn thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời”. Cả ba lần Chúa Giê-xu đều nói đến danh Cha, nước Cha và ý Cha. Chúa Giê-xu dạy chúng ta tôn Chúa vào hàng đầu trong lời cầu nguyện của mình. Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện rằng, “Danh Cha được tôn thánh, con không quan tâm nếu người khác biết con hay không, nhưng họ phải biết đến danh Cha”. Danh Chúa chỉ về chính Chúa vậy. Người khác phải biết đến Chúa và đó là điều đầu tiên mà chúng ta nên cầu nguyện. Rồi Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện “nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời”. Điều nầy cũng có ý là chương trình của Đức Chúa Trời được thành tựu qua đời sống của chúng ta, như được hoạch định trên thiên đàng.

Sau khi tôn Đức Chúa Trời trước hết bằng cách cầu nguyện cho danh của Ngài, nước của Ngài và ý của Ngài thì Chúa dạy các môn đồ cầu nguyện cho chính mình. Chúng ta cầu nguyện cho những nhu cầu của mình để nhờ đó chúng ta trở nên phương tiện cho danh Cha được tôn thánh, nước Cha được đến và ý Cha được nên. Rồi kết thúc Chúa Jêsus dạy chúng ta cầu nguyện, “Lạy Cha, nếu có kết quả nào qua lời cầu nguyện con dâng lên Cha, thì điều đó không phải để thỏa mãn cho con, nhưng là để xây dựng nước của Ngài. Quyền năng đến từ Chúa và vinh quang thuộc về Ngài”. Đó là tinh thần mà Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện.

Trong khi Đa-ni-ên cầu nguyện thì thiên sứ Gáp-ri-ên hiện đến cùng ông. Thật là kỳ diệu. Thiên sứ Gáp-ri-ên nói với Đa-ni-ên rằng,

Hỡi Đa-ni-ên, bây giờ ta ra để ban sự khôn ngoan và thông sáng cho ngươi. 23 Lời phán dặn đã ra từ khi ngươi bắt đầu nài xin; và ta đến để tỏ lời đó cho ngươi, vì ngươi đã được yêu quí lắm. Vậy hãy suy nghĩ sự đó và hãy hiểu biết sự hiện thấy.

Đây là cách mà Đức Chúa Trời đáp ứng lại lời cầu nguyện của Đa-ni-ên. Thiên sứ tỏ cho Đa-ni-ên biết là Chúa yêu Đa-ni-ên. Rồi sau đó thiên sứ ban “Khải tượng về bảy mươi tuần lễ”. Đây là một khải tượng tiên tri rất chi tiết nói về Đấng Mê-si. Nội dung căn bản của khải tượng đó là thế nầy:

24 Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi, đặng ngăn sự phạm phép, trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào, đặng đặt ấn tín nơi sự hiện thấy và lời tiên tri, và xức dầu cho Đấng rất thánh.

Đa-ni-ên đại diện cho tuyển dân của Đức Chúa Trời. Ngài phán với tuyển dân của Ngài qua Đa-ni-ên rằng, “Bây giờ là lúc mà ta sẽ thi hành phép lạ để đem các ngươi trở về Y-sơ-ra-ên”. Ê-sai, Giê-rê-mi và một số các tiên tri khác đã nói trước về việc hồi hương từ xứ lưu đày Ba-by-lôn, bên cạnh hy vọng nầy họ còn lồng vào lời tiên tri về sự hiện đến lần thứ nhất của Đấng Mê-si. “Khải tượng về bảy mươi tuần lễ” là một lời tiên tri rất chi tiết về lần hiện đến thứ nhất của Chúa Giê-xu.

Chúng ta cần dùng vài phép toán để tìm hiểu “Khải tượng về bảy mươi tuần lễ” của Đa-ni-ên. Đức Chúa Trời cho Đa-ni-ên biết rằng dân Giu-đa đã bị lưu đày trong 70 năm, điều nầy tương tự với 70 tuần năm tính từ cuộc lưu đày và sự giáng thế của Đấng Mê-si. Cứ mỗi tuần được tính là 7 năm. Như vậy thời gian của 70 tuần lễ tương đương với 490 năm. Bảy mươi tuần được chia làm 3 giai đoạn: 7 tuần lễ đầu, 62 tuần lễ tiếp theo và một tuần lễ chót. Vào tuần lễ chót thì Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi hay bị giết. Nếu kết hợp tất cả những chi tiết nầy lại với nhau, chúng ta sẽ có lời tiên tri rất cụ thể và rõ ràng về Đấng Mê-si. Lời tiên tri được tính từ ngày mà Si-ru ra sắc lịnh cho phép người Giu-đa hồi hương để tái thiết Giê-ru-sa-lem.

Có ba lần hồi hương, nhưng lần quan trọng nhất là vào năm 457 TC. Nếu dùng tổng số của 62 tuần lễ và 7 tuần lễ để nhân với 7 thì kết quả là 483 năm. Sở dĩ nhân với 7 vì mỗi tuần lễ được tính thành 7 năm, 483 năm tính từ khi người Giu-đa hồi hương sẽ nhằm vào năm 26 SC. Các học giả cho biết đó chính là năm mà Chúa Jêsus hay Đấng Mê-si bắt đầu thi hành chức vụ. Sau ba năm thì Chúa Giê-xu bị trừ đi hay bị đóng đinh trên thập tự giá. Đây chính là khoảng giữa của tuần lễ cuối cùng hay khoảng giữa của bảy năm. Thật là một lời tiên tri rất cụ thể và chính xác về yếu tố thời gian.

Rất khó để giải thích những chi tiết về lời tiên tri của Đa-ni-ên. Ngay cả các học giả cũng đưa ra những ý kiến khác nhau. Do đó chúng ta cần nắm lẽ thật quan trọng của những sự mặc khải và khải tượng của Đa-ni-ên. Một điều hết sức hiển nhiên trong “Khải tượng về bảy mươi tuần lễ” của Đa-ni-ên đó là nó nói trước cách chi tiết về thời điểm giáng thế và bị đóng đinh của Đấng Mê-si và cũng khẳng định về sự khởi đầu của nước Đức Chúa Trời, một nước sẽ tồn tại và lớn mạnh không ngừng. Mọi lời tiên tri khẳng định rằng Nước của Đức Chúa Trời sẽ đến, đó là một nước đời đời, mọi quyền lực trên thế giới nầy đều phải qui phục vương quyền của nước đó. Điều nầy có ý nghĩa gì cho chúng ta? Nếu quí vị là người tin Chúa, quí vị là con dân của Đức Chúa Trời thì phần chiến thắng thuộc về quí vị. Có lúc thế lực gian ác dường như bành trướng, nhưng cuối cùng con dân Chúa là những người thắng cuộc chiến.

Nếu suy gẫm về điều đó, chúng ta sẽ rất được khích lệ và sống trong tinh thần lạc quan. Nếu quí vị đang ở trong những hoàn cảnh đầy khó khăn như người Giu-đa đã từng sống trong những ngày lưu đày thì niềm tin vào chiến thắng sau cùng đem lại năng lực và hứng khởi cho quí vị. Đời sống càng gian khổ bao nhiêu thì chúng ta lại càng trông mong một ngày mà Chúa sẽ can thiệp để giải cứu con dân của Ngài và triệt hạ mọi thế lực gian ác. Đức Chúa Trời sẽ chiến thắng Sa-tan và nước của Ngài sẽ hiện hữu đời đời. Đó là ý nghĩa những khải tượng của Đa-ni-ên.

Có một em học sinh trung học, rất thích chơi môn bóng đá. Em được chọn vào đội tuyển của trường, nhưng vì không chơi xuất sắc bằng các bạn khác nên thường em không được chọn để chơi ngay trong hiệp đầu. Lần kia trường của em đấu với một trường khác, đây là một đối thủ mà chưa bao giờ trường em thắng được trong suốt 13 năm, thế nhưng lần nầy trường em đang dẫn đầu. Huấn luyện viên của đội bóng quá xúc động và cho phép em ra sân. Em đá ở hàng hậu vệ. Khi mới chạy vào sân, em vui mừng khôn tả vì được chơi một trận bóng quan trọng. Ngay khi bóng vừa đến chỗ em thì viên trọng tài chụp lấy và tuyên bố “Trận bóng chấm dứt”. Em vô cùng thất vọng, nước mắt chảy dài trên đôi má. Người trọng tài cảm động nói với em, “Con ơi, ta lấy làm tiếc, nhưng hãy xem kết quả trên bảng kia”. Em vui vì đội em được thắng, nhưng buồn vì mình không thật sự đá được trái bóng nào. Em biết rằng khi tham dự lễ mừng chiến thắng thì mọi người sẽ hỏi: “Cậu có tham gia trận bóng không? Cậu chơi thế nào?”

Tôi tin rằng những khải tượng của Đa-ni-ên cho biết một ngày kia Đức Chúa Trời sẽ cầm lấy quả đất nầy mà nói rằng, “Bây giờ là kết thúc”. Khi điều đó xảy ra, quí vị có biết mình sẽ sống như thế nào trong cõi đời đời không? Quí vị có thuộc về đội chiến thắng không? Quí vị đã tham gia trận đấu như thế nào? Mọi lời tiên tri khẳng định rằng con dân Đức Chúa Trời thuộc về đội chiến thắng, không có chút gì nghi ngờ về điều đó. Điều chúng ta quan tâm là quí vị có thuộc về đội thắng hay không? Quí vị sẽ sống thế nào trong cõi đời đời.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcBài 6:  ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC
Bài tiếp theoTp.HCM: Khoảng 5.000 Người Về Viện Thánh Kinh Thần Học Dự Lễ Cảm Tạ Chúa, Tốt Nghiệp Và Bế Giảng Niên Học 2023