Bài 138: Sách Ê-xê-chi-ên, Những Điều Huyền Nhiệm (tiếp theo)

1088

Chúng tôi đã thưa với quí thính giả về phần dẫn nhập sách Ê-xê-chi-ên, nay chúng ta sẽ tìm hiểu về những điều huyền nhiệm và kỳ diệu trong những bài giảng của ông. Ê-xê-chi-ên là vị tiên tri của khải tượng. Phần lớn những bài giảng của ông đều bắt nguồn từ những khải tượng. Nhiều khải tượng của ông được Giăng sử dụng và trình bày trong sách Khải Huyền, là sách của những khải tượng về ngày sau cùng. Mỗi khải tượng Sứ đồ Giăng sử dụng đều xuất phát từ Kinh Thánh mà phần nhiều là từ sách Ê-xê-chi-ên.

Đây là một trong những khải tượng của Ê-xê-chi-ên:

4 Nầy, ta thấy có luồng gió bão đến từ phương bắc, một đám mây lớn bọc lửa giãi sáng khắp tư bề; từ giữa nó, thấy như loài kim bóng nhoáng ra từ chính giữa lửa. 5 Từ giữa nó, thấy giống như bốn vật sống, hình trạng như vầy: bộ giống người, 6 mỗi con có bốn mặt và bốn cánh. 7 Chân nó thẳng, bàn chân như bàn chân bò con đực; sáng ngời như đồng bóng nhoáng. 8 Dưới những cánh nó, bốn bên đều có tay người; bốn con có mặt và có cánh mình như sau nầy: 9 cánh tiếp giáp nhau; khi đi, không xây lại, mỗi con cứ đi thẳng tới. 10 Còn như hình mặt nó, thì bốn con đều có mặt người; bốn con đều có mặt sư tử ở bên hữu; bốn con đều có mặt bò ở bên tả; và bốn con đều có mặt chim ưng. 11 Những mặt và cánh phân rẽ ra bởi trên cao; mỗi con có hai cánh giáp với nhau, và có hai cánh che thân mình. 12 Mỗi con đi thẳng tới: thần khiến đi đâu thì đi đó, không xây mình lại trong khi đi. 13 Hình trạng của những vật sống ấy giống như hình trạng than đỏ và đuốc lửa; lửa lên xuống giữa các vật sống ấy, lửa nhoáng sáng và có chớp từ nó phát ra. 14 Các vật sống ấy chạy đi và trở lại như hình trạng chớp nhoáng.

15 Vả, đang khi ta ngắm xem các vật sống ấy, nầy, trên đất có một cái bánh xe ở kề bên các vật sống ấy, mỗi một trong bốn mặt đều có một bánh xe. 16 Hình và kiểu những bánh xe ấy giống như bích ngọc; hết thảy bốn bánh đều giống nhau; hình và kiểu như là bánh xe trong bánh xe. 17 Khi đi tới, thì đều đi bốn phía mình: khi đi không phải xây lại. 18 Vòng bánh xe cao và dễ sợ; và vòng bánh xe của bốn con đều đầy những mắt. 19 Khi các vật sống đi, các bánh xe cũng đi kề bên; các vật sống bị cất lên khỏi đất, các bánh xe cũng bị cất lên như vậy. 20 Thần muốn đi đâu thì các vật sống đi đó; thần đi đâu thì các bánh xe cũng bị cất lên kề bên các vật sống; vì thần của vật sống đó ở trong các bánh xe. 21 Khi các vật sống đi, chúng nó cũng đi; dừng, chúng nó cũng dừng; và khi các vật sống bị cất lên khỏi đất, thì các bánh xe cũng bị cất lên kề bên, vì thần của vật sống ở trong các bánh xe.

Khải tượng nầy có nghĩa gì? Bốn vật sống là phần chính trong khải tượng nầy. Giăng đã dùng khải tượng nầy trong Khải Huyền chương 4. Khi cửa thiên đàng mở ra, có bốn con sinh vật xuất hiện quanh ngôi. Bốn sinh vật nầy giống trong Ê-xê-chi-ên. Con thứ nhất giống như sư tử, con thứ nhì giống như bò, con thứ ba giống như người và con thứ tư giống như chim ưng.

Nhiều người tin rằng hình ảnh nầy chỉ về sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Lần đầu tiên Chúa mặc khải cho con người tại núi Si-na-i, có sấm sét vang rền giống như sư tử gào thét. Nếu ai đó đụng vào núi Si-na-i, nơi mà Chúa nói chuyện với họ thì họ sẽ chết. Tiếp theo Chúa mặc khải qua hệ thống dâng sinh tế trong sách Lê-vi Ký. Con bò tiêu biểu cho những sinh tế dâng lên nhằm chuộc tội cho dân sự.

Sự mặc khải của Chúa mang tính chất tiệm tiến. Sinh vật có mặt người chỉ về Chúa Jêsus, Ngài là Đức Chúa Trời thành nhân sống giữa thế giới loài người trong 33 năm. Cuối cùng một số người cho rằng chim ưng chỉ về thần tính của Ngài. Chúa Jêsus vừa là Đức Chúa Trời trọn vẹn, vừa là con người trọn vẹn. Ngài là tuyệt đỉnh trong sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho con người. Bánh xe chỉ về sự mặc khải liên tục của Chúa, có lẽ nó bao gồm các vị tiên tri là người công bố sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Đây là một cách giải thích khả dĩ chấp nhận được. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng rất khó để giải thích ý nghĩa những khải tượng của Ê-xê-chi-ên.

Một bài giảng rất quan trọng của Ê-xê-chi-ên được ghi trong chương 3:16–21:

16 Khỏi bảy ngày, có lời của Đức Giê-hô-va phán cùng ta như vầy: 17 Hỡi con người, ta đã lập ngươi lên đặng canh giữ nhà Y-sơ-ra-ên; khá nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo chúng nó. 18 Khi ta nói với kẻ dữ rằng: Mầy chắc sẽ chết! — nếu ngươi không răn bảo nó, không nói với nó đặng khuyên nó từ bỏ đường xấu để cứu mạng mình, thì người dữ đó sẽ chết trong tội lỗi nó; nhưng ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi. 19 Trái lại, nếu ngươi răn bảo kẻ dữ, mà nó không từ bỏ sự dữ cùng đường xấu mình, thì nó sẽ chết trong tội lỗi nó; còn ngươi, thì giải cứu được linh hồn mình.

20 Cũng một lẽ ấy, nếu người công bình bỏ sự công bình mà phạm tội, và ta đặt sự ngăn trở trước mặt nó, thì nó sẽ chết. Thế thì, vì ngươi không răn bảo người ấy, nên nó sẽ chết trong tội lỗi nó, và không còn được ghi nhớ những việc công bình nó đã làm; nhưng ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi. 21 Trái lại, nếu ngươi răn bảo người công bình khiến đừng phạm tội, mà thật ra nó không phạm tội, thì chắc nó sẽ sống, vì đã nghe lời răn bảo; còn ngươi, thì giải cứu được linh hồn mình.

Đây là bài giảng chứa đầy cảm xúc của Ê-xê-chi-ên. Đương thời Giê-rê-mi, ông đã quở trách các tiên tri giả như sau: “Các ngươi không khuyến cáo dân sự về tội của họ nhằm cứu họ thoát khỏi tai họa sẽ xảy đến” Nhưng Ê-xê-chi-ên đi xa hơn và nói rằng: 18 …nếu ngươi không răn bảo nó, không nói với nó đặng khuyên nó từ bỏ đường xấu để cứu mạng mình, thì người dữ đó sẽ chết trong tội lỗi nó; nhưng ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi. 19 Trái lại, nếu ngươi răn bảo kẻ dữ, mà nó không từ bỏ sự dữ cùng đường xấu mình, thì nó sẽ chết trong tội lỗi nó; còn ngươi, thì giải cứu được linh hồn mình.

Quý vị có tin vào điều nầy không? Sứ đồ Phao-lô tin điều nầy và ông nói trong 2 Côr như sau:15 Vì chúng tôi ở trước mặt Đức Chúa Trời là mùi thơm của Đấng Christ, ở giữa kẻ được cứu, và ở giữa kẻ bị hư mất: 16 Cho kẻ nầy, mùi của sự chết làm cho chết; cho kẻ kia, mùi của sự sống làm cho sống. — Ai xứng đáng cho những sự nầy?

Phao-lô muốn nói rằng, nếu chia sẻ Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jêsus với một người nào đó, và họ bằng lòng tin Chúa thì quí vị trở thành mùi của sự sống cho họ. Quý vị trở nên người quan trọng nhất đối với họ vì quí vị đã đem Tin Lành đến với họ. Nhưng nếu họ từ khước và không tin thì quí vị trở nên mùi của sự chết cho họ vì họ không thể nào bào chữa trong ngày phán xét rằng “Tôi chưa hề nghe đến Tin Lành.”

Có một vị Mục sư tuyên úy cùng ra ngoài mặt trận với binh sĩ. Trong lúc chiến trận xảy ra, một số quân nhân bị thương. Vị Mục sư bò từ người lính nầy đến người lính khác đang bị thương để nói một điều gì đó. Nhưng rồi ông bị bắn, dẫu vậy Mục sư tiếp tục bò, ông bị bắn phát thứ hai, nhưng không bỏ cuộc, ông cố trườn đến một người nữa nhưng rồi phát súng thứ ba đã kết liễu cuộc đời của Mục sư. Quý vị nghĩ rằng vị Mục sư đã nói điều gì với những người lính bị thương? Ngày nay có những người trong vòng tín hữu cũng như lãnh đạo Hội Thánh không có sứ điệp cứu rỗi cho những người đang chết mất trong tâm linh. Nếu đặt mình vào trong hoàn cảnh chiến tranh với những người đang hấp hối, quí vị có sẵn sàng chia sẻ Tin Lành cứu rỗi cho họ không?

Nếu tin Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta cùng với Ê-xê-chi-ên thực hiện trách nhiệm trông nom về những linh hồn chung quanh chúng ta. Tuy nhiên, khi ý thức được trách nhiệm nầy thì chúng ta sẽ nói như Phao-lô rằng, “Ai xứng đáng cho công tác nầy?” Hay “Ai có thể làm được công việc nầy?”

Đây là lý do vì sao Ê-xê-chi-ên nhấn mạnh đến Thánh Linh. Phao-lô cũng cùng một lập trường như vậy. Phao-lô nói rằng, “Không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời; (2 Cô-rinh-tô 3:5)

Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới ban cho chúng ta đủ năng lực nhằm thực hiện trọng trách nầy. Ê-xê-chi-ên thì mô tả với một ngôn ngữ khác như sau: “Thần nâng ta lên, khi vinh quang của Đức Chúa Trời được ngự lên thì ta nghe tiếng vang rền của cơn động đất. Thần nâng ta lên và đem ta đi, tay Chúa đặt trên ta khiến ta mạnh mẽ.” Và ông cũng nói đến việc xức dầu bởi Thánh Linh như sau:

22 Tại đó, tay Đức Giê-hô-va ở trên ta, và Ngài phán cùng ta rằng: Hãy chờ dậy, đi trong nơi đồng bằng, tại đó ta sẽ phán cùng ngươi. 23 Vậy ta chờ dậy và ra đi trong đồng bằng. Nầy, sự vinh hiển Đức Giê-hô-va đứng đó, như sự vinh hiển ta đã thấy trên bờ sông Kê-ba. Ta bèn ngã sấp mặt xuống, 24 thì Thần vào trong ta, làm cho chân ta đứng lên. Đoạn, Ngài phán cùng ta, và bảo rằng: Hãy đi, giam mình trong nhà ngươi. 25 Hỡi con người, nầy, người ta sẽ lấy dây trói ngươi và ngươi không thể đi ra giữa chúng nó. 26 Ta sẽ khiến lưỡi ngươi dính với cuống họng ngươi: ngươi sẽ câm, không quở trách chúng nó được; vì chúng nó là nhà bạn nghịch. 27 Nhưng khi ta phán cùng ngươi, ta sẽ mở miệng ngươi, và ngươi khá bảo chúng nó rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Ai nghe, hãy nghe; ai không nghe, thì đừng nghe! Vì chúng nó là nhà bạn nghịch.

Hai vị Mục sư nói chuyện với nhau về việc được xức dầu bởi Chúa Thánh Linh. Họ không ngần ngại thú nhận rằng, có những bài giảng được Chúa xức dầu, và có bài giảng thì không. Khi cảm nhận không sự xức dầu của Chúa Thánh Linh thì một vị cố gắng để làm cho bài giảng trở nên hấp dẫn, nhưng vị kia thì đành chịu và nói với hội chúng rằng, xin lỗi tôi không có Lời Chúa cho quí vị.

Ê-xê-chi-ên là vị tiên tri thuộc loại như vậy. Ông nói, “Khi Thánh Linh ngự trên ta, ta có thể rao giảng lời Ngài, nhưng khi Ngài không ngự trên ta, ta giống như người bị trói và câm, không sao nói được.”

Khi làm quen với vị tiên tri khác thường nầy, chúng ta hãy tìm ra các bài học dưỡng linh từ những bài giảng của ông. Chúa sẽ ban phước cho quí vị khi dành thì giờ đọc sách Ê-xê-chi-ên.

Ê-xê-chi-ên là thầy tế lễ nhưng không thể hành chức trong những ngày đen tối của lịch sử quốc gia vì đất nước ông bị xâm lăng và lưu đày bởi người Ba-by-lôn. Dẫu vậy, Chúa đã kêu gọi ông cho một mục đích đặc biệt trong chương trình của Ngài. Chúa lập ông như là người trông coi dân sự của Ngài để nói về tội lỗi của họ, kêu gọi họ ăn năn để được Chúa khôi phục lại. Ê-xê-chi-ên đã vén lên bức màn tương lai để đề cập đến những việc sẽ xảy ra trong ngày sau rốt vì đây là hy vọng cuối cùng cho tuyển dân của Chúa xưa cũng như nay.

Kính thưa quí thính giả, “Quý vị có biết Chúa Jêsus Christ và quyền năng của Thánh Linh Ngài trong đời sống của quí vị chưa?” Chúa phán, “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghĩ.” Hãy đến với Chúa hôm nay.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcQuảng Trị: Hiệp Nguyện Quý Giáo Phẩm – Chấp Sự Tháng 04/2023
Bài tiếp theoNếu Hỏi Chứng Cớ Chúa Sống Đâu Nào…!