Bài 135: Sách Ca Thương – Dù Sao Chúa Vẫn Yêu

4042

Giu-đa đi làm phu tù, vì chịu nạn cùng chịu sai dịch nặng nề. Ở đậu giữa các dân, chẳng được chút nghỉ ngơi. Những kẻ bắt bớ đuổi theo nó, theo kịp nó nơi eo hẹp. Các đường lối Si-ôn đương thảm sầu, vì chẳng ai đến dự kỳ lễ trọng thể nữa. Mọi cửa thành hoang vu; các thầy tế lễ thở than; Các gái đồng trinh nó bị khốn nạn, chính nó phải chịu cay đắng. Kẻ đối địch nó trở nên đầu, kẻ thù nghịch nó được thạnh vượng; Vì Đức Giê-hô-va làm khốn khổ nó, bởi cớ tội lỗi nó nhiều lắm. Con nhỏ nó bị kẻ nghịch bắt điệu đi làm phu tù (1:3-5).

Đức Giê-hô-va là công bình, vì ta đã bạn nghịch cùng mạng Ngài. Hỡi các dân, xin hãy nghe hết thảy, hãy xem sự buồn bực ta! Gái đồng trinh và trai trẻ ta đã đi làm phu tù. Ta đã kêu gọi những kẻ yêu mến ta, nhưng họ lừa dối ta. Các thầy tế lễ và trưởng lão đã tắt hơi trong thành, khi họ tìm đồ ăn để tươi tỉnh linh hồn mình. Hỡi Đức Giê-hô-va, xin đoái xem, vì tôi gặp hoạn nạn; lòng tôi bối rối: Trái tim tôi chuyển động, vì tôi bạn nghịch lắm lắm! Ở ngoài có gươm dao làm cho mất, trong nhà có sự tử vong. Người ta nghe tiếng tôi than thở, chẳng ai hề yên ủi. Mọi kẻ thù nghe tin tôi bị nạn, biết Ngài đã làm thì mừng rỡ. Ngày Ngài đã rao, Ngài sẽ khiến đến!… Chúng nó sẽ giống như tôi! (1:18-21)

Giê-rê-mi than khóc khi nhìn thấy viễn cảnh kinh hoàng sẽ xảy ra cho dân tộc của ông bởi cuộc xâm lăng của người Ba-by-lôn. Sau đó cũng chính ông mục kích cảnh thương tâm nầy. Người Ba-by-lôn tấn công người Giu-đa, bắt hầu hết mọi người đi đày, chỉ để lại những người già cả, ốm yếu. Giê-rê-mi được phép ở lại tại Giê-ru-sa-lem, theo truyền thoại thì sau đó ông di cư qua Ai Cập chịu tử đạo. Một số người khác thì cho rằng Giê-rê-mi sang Ba-by-lôn để giảng cho đồng bào của ông là người mà ông rất mực yêu thương. Một số người khác cho rằng Giê-rê-mi sống những ngày còn lại của đời mình tại đống đổ nát của Giê-ru-sa-lem.

Sách Ca Thương được viết bởi Giê-rê-mi sau khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ và đồng bào của ông bị lưu đày. Tên “Ca Thương” là một đề tựa rất hay để đặt cho sách nầy. Tiên tri Giê-rê-mi nay than khóc vì quốc gia của ông đã thật sự bị xâm lăng và những người còn sống sót bị đày làm nô lệ ở đất khách quê người. Đối với Giê-rê-mi, cũng như các tiên tri khác như Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên, thì đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi Đức Chúa Trời ngự. Thế nhưng nay dân sự bị đày sang Ba-by-lôn thì làm sao họ thờ phượng Ngài vì họ cho rằng Đấng mà họ kính yêu ngự tại Giê-ru-sa-lem. Đó  là lý do mà khi cầu nguyện thì Đa-ni-ên hướng mặt về Giê-ru-sa-lem. Ông tin rằng Đức Chúa Trời vẫn ở tại đó. Như vậy nan đề đối với các vị tiên tri trong thời kỳ lưu đày đó là bị xa cách Đức Chúa Trời về mặt địa lý. Đối với họ Giê-ru-sa-lem là thành phố của Đức Chúa Trời được hiểu theo nghĩa đen nên khi xa cách Giê-ru-sa-lem là họ đã xa cách Chúa.

Theo truyền thoại, khi viết sách Ca Thương thì Giê-rê-mi ngồi trên một ngọn  đồi. Ngày nay có một chỗ được gọi là “Hang động Giê-rê-mi.” Điều lý thú là cái hang nầy cũng ở trên ngọn đồi gọi là Gô-gô-tha. Nơi Giê-rê-mi viết sách là chỗ mà Chúa Giê-xu chịu chết vì tội của cả loài người. Thật ý nghĩa vì chính tại nơi mà Giê-rê-mi cầu nguyện rằng: “Ai có thể khôi phục ngươi, hỡi Giê-ru-sa-lem?” thì cũng chính tại đó mà Chúa Giê-xu đã khôi phục không những cho người Giu-đa mà còn cho cả thế giới bằng cách chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại.

Sách Ca Thương được xem là tập thơ gồm 5 bài thơ nhỏ. Mỗi bài thơ là mỗi chương. Bốn trong số năm bài thơ nầy là loại thơ bằng chữ đầu. Điều nầy có nghĩa là câu thứ nhất bắt đầu với mẫu tự  A, câu thứ hai bắt đầu với mẫu tự B và cứ như vậy đến mẫu tự cuối cùng. Chương số 3 lặp lại các mẫu tự Hê-bê-rơ đến 3 lần nhưng chương năm không thuộc vào loại nầy.

Giê-rê-mi đã bày tỏ cảm xúc của mình khi nhìn thấy thảm cảnh xảy ra cho đồng bào ông như sau:

Đức Giê-hô-va đã bỏ bàn thờ, lại gớm nơi thánh; Ngài đã phó thành quách cung điện Si-ôn vào trong tay quân nghịch. Chúng nó làm om sòm trong nhà Đức Giê-hô-va như trong ngày hội trọng thể. Đức Giê-hô-va đã định phá hủy tường thành của con gái Si-ôn; Ngài đã giăng dây mực, chẳng ngừng tay về sự phá diệt; Ngài làm cho lũy và tường thảm sầu hao mòn cùng nhau. Các cửa nó sụp trong đất; Ngài đã phá và bẻ các then chốt. Vua và quan trưởng nó ở giữa các nước là nơi chẳng có pháp luật! Chính mình các tiên tri chẳng tìm được từ Đức Giê-hô-va sự hiện thấy chi.  Các kẻ già cả gái Si-ôn nín lặng ngồi dưới đất; Đầu đổ tro bụi, mình mặc bao gai. Các gái đồng trinh Giê-ru-sa-lem gục đầu đến đất. Mắt ta hao mòn vì chảy nước mắt, lòng ta bối rối; Gan ta đổ trên đất, vì sự hủy diệt con gái dân ta. Vì con trẻ và các con đương bú, ngất đi nơi các đường phố trong thành. Chúng nó nói cùng mẹ mình rằng: tìm thóc và rượu ở đâu? Khi ngất đi như kẻ bị thương, nơi các đường phố trong thành; Và khi chúng nó tắt hơi trên lòng mẹ mình. Ta làm chứng gì cho ngươi? Hỡi gái Giê-ru-sa-lem, ta kể thí dụ chi? Ta lấy gì sánh cùng ngươi đặng yên ủi ngươi, hỡi con gái đồng trinh Si-ôn? Sự phá hại ngươi to như biển: ai sửa sang lại được?  Các tiên tri ngươi xem cho ngươi những sự hiện thấy giả dối và ngu dại. Chẳng tỏ ra tội lỗi ngươi, đặng đem phu tù ngươi trở về. Chỉ thấy cho ngươi những lời tiên tri dối và sự làm cớ cho ngươi bị đuổi. (2:7-14)

Sau đó Giê-rê-mi mô tả một cách chi tiết hơn trong chương 4:

Than ôi! vàng mờ tối, vàng ròng biến đổi dường nào! Đá nơi thánh đổ ra nơi mọi góc đường phố! Các con trai của Si-ôn quí báu khác nào vàng ròng, Nay coi như bình đất sét là việc của tay thợ gốm làm! Chính các chó rừng còn đưa vú ra cho con nó đặng cho bú; Song con gái dân ta trở nên hung dữ như chim đà ở nơi đồng vắng. Con mới đẻ khao khát lắm, lưỡi nó dính với cúa họng. Trẻ nhỏ đòi bánh chẳng ai bẻ cho. Những người quen nếm mùi cao lương đơn chiếc trong các đường phố; Những kẻ dưỡng nuôi trong đồ điều đỏ, nay ôm lấy đống phân tro. Tội lỗi con gái dân ta lớn hơn tội lỗi Sô-đôm, Là thành bị đổ như trong giây phút, chẳng ai giơ tay ra trên nó. Các người sang trọng của nó tinh hơn tuyết, trắng hơn sữa. Nước da đỏ hồng hơn san hô, mình mẩy sáng ngời như bích ngọc. Nay mặt đen hơn than: chẳng ai nhận biết trong đường phố; Còn xương bọc lấy da; khô ran như khúc gỗ. Những người bị gươm giết may hơn kẻ bị chết đói: Vì thiếu sản vật ngoài đồng, người lần lần hao mòn như bị đâm. Chính tay người đờn bà vẫn có lòng thương xót, nấu chín con cái mình, Dùng làm đồ ăn cho mình giữa khi con gái dân ta bị phá hại. (4:1-10)

Ca Thương là một sách hết sức u buồn, nhất là khi Giê-rê-mi mô tả những thảm cảnh xảy ra cho người Do thái. Tuy nhiên giữa sứ điệp u buồn, đã lóe lên ánh sáng tuyệt đẹp về Đấng Mê-si trong chương 3. Phần đầu của chương 3, sự u buồn của Giê-rê-mi đạt đến cao điểm:

Ngài đã cho ta đầy dẫy sự đắng cay, cho ta no nê bằng ngải cứu. Ngài đã lấy sỏi bẻ răng ta; vùi ta vào trong tro. Ngài khiến hồn ta xa sự bình an, ta đã quên phước lành. Ta rằng: Hết sức mạnh ta, dứt lòng trông đợi Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ đến sự hoạn nạn khốn khổ ta, là ngải cứu và mật đắng.  Hồn ta còn nhớ đến, và hao mòn trong ta. Nhưng cũng chính tại chỗ nầy, ánh sáng lại bừng lên: Ta nhớ lại sự đó, thì có sự trông mong: Ấy là nhờ sự nhơn từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm. Hồn ta nói: Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp ta, nên ta để lòng trông cậy nơi Ngài. Đức Giê-hô-va ban sự nhơn từ cho những kẻ trông đợi Ngài, cho linh hồn tìm cầu Ngài. Thật tốt cho người trông mong và yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va. Thật tốt cho người mang ách lúc trẻ thơ. Phải, nó phải ngồi một mình và làm thinh, vì Ngài đã gán ách trên mình. Nó khá để miệng trong bụi đất! hoặc giả sẽ có sự trông mong. Nó khá đưa má ra cho kẻ vả, khá chịu đầy nhuốc nha. Vì Chúa chẳng hề bỏ cho đến đời đời. Dầu Ngài đã làm cho lo buồn, còn sẽ thương xót theo sự dư dật của lòng nhơn từ Ngài; vì ấy là chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu. (3:15-33)

Khi Giê-rê-mi đến chỗ hầu như hoàn toàn tuyệt vọng và đau lòng vì những bi thương xảy đến cho đồng bào mình, thì ông lại nhận được sự mặc khải từ Đức Chúa Trời về niềm hy vọng dành cho họ. Hy vọng ở đây là Đức Chúa Trời không hề chấm dứt lòng yêu thương đối với con dân Ngài.

Ngồi tại một hang động nhỏ trên đỉnh đồi, Giê-rê-mi đã nhận được sự mặc khải từ Chúa là Ngài yêu họ không hề dứt. Ông nói, “Hy vọng của chúng ta là nơi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Khi những người Do Thái bị còng lại và bị giải về Ba-by-lôn thì ông đã khuyến cáo họ rằng, “Người giàu, người khôn, người mạnh đừng khoe hay đừng ca ngợi về sự giàu có, thông minh hay mạnh sức của mình. Nhưng phải ca tụng Đức Chúa Trời, bây giờ ngươi chỉ còn lại một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Hãy nhận biết Chúa và được thỏa nguyện trong Ngài.”

Ông tiếp tục giải thích cho họ làm thế nào để biết Chúa, “Các ngươi có thể biết Chúa qua các thuộc tính mà Ngài đã tỏ ra.” Những thuộc tính mà Giê-rê-mi đã nêu lên là yêu thương, chánh trực và công bình. Đức Chúa Trời không hề chấm dứt tình yêu đối với con dân của Ngài. Đây là hy vọng cho những người đang trong cơn khổ nạn vì lưu đày. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta thế nào đi chăng nữa, Ngài vẫn yêu, nên chúng ta tin rằng một ngày kia Chúa sẽ có cách để giải cứu chúng ta. Chúng ta có thể thất tín, nhưng Chúa vẫn thành tín. Chúng ta có thể làm cho Chúa thất vọng, nhưng ai hy vọng nơi Chúa sẽ không bao giờ bị thất vọng. Đức Chúa Trời luôn luôn thành tín, Ngài luôn luôn đáng tin cậy. Chúng ta hãy vững lòng vì cho dầu thế nào đi chăng nữa Chúa luôn luôn yêu chúng ta.

Một vị Mục sư kia có hai khung chữ. Có một lúc ông treo hai khung chữ nầy tại văn phòng làm việc, nhưng khi những đứa con của ông lớn dần, bước vào tuổi thiếu niên thì ông đem và treo ở nhà. Khung thứ nhất khá lớn ghi rằng “Dầu thế nào đi chăng nữa, Chúa vẫn yêu các con.” Mục sư có năm người con, những lúc chúng đi chơi về khuya, có thể làm những việc không được phép làm  thì điều đầu tiên đập vào mắt chúng khi chúng mở cửa đó là khung chữ với câu “Dầu thế nào đi chăng nữa, Chúa vẫn yêu các con.” Người cha muốn các con của ông biết rằng, dầu chúng có làm gì đi chăng nữa, Chúa vẫn yêu chúng. Ngay khi chúng bật đèn sáng lên, một câu thứ hai viết bằng chữ đỏ xuất hiện: “Dầu thế nào chăng nữa, ba vẫn yêu các con.” Hai điều mà người cha muốn các con của mình ghi nhớ là dầu chúng thế nào thì Chúa vẫn yêu chúng và cha của chúng vẫn yêu chúng.

Đây là những gì mà Chúa đang nói với chúng ta, “Dầu con thế nào đi chăng nữa, Ta vẫn yêu con.” Hãy tiếp nhận tình yêu của Chúa dành cho bạn hôm nay.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcLees Kev Txhaum Kom Tau Hlub – 1/3/2022
Bài tiếp theoHưn Klei Soh Hŏng Ai Tiê Sĭt – 2/3/2022