Bài 127: Sách Ê-sai – Đấng Chịu Khổ Thay Cho Loài Người

2378

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Hai phần quan trọng của Cựu ước được Tân ước đề cập đến là luật pháp và Tiên tri. Luật pháp chỉ về năm sách đầu tiên của Kinh Thánh hay còn gọi là Ngũ kinh Môi-se. Tiên tri là sách mà chúng ta đang lược khảo.

Những sách Tiên tri bắt đầu với Ê-sai và chấm dứt với Ma-la-chi. Đôi khi Tân ước dùng thành ngữ “Môi-se và các Tiên tri” hay gọn hơn là “Các Tiên tri.” Thành ngữ “các Tiên tri” không chỉ về mọi Tiên tri đã từng sống như Ê-li, Ê-li-sê, Đa-vít hay thậm chí Môi-se, nhưng nói đến các Tiên tri đã viết sách và những tác phẩm của họ.

Câu chuyện Chúa Giê-xu kể trong Lu-ca 16 cho thấy tầm quan trọng của những sách Tiên tri. Đây là câu chuyện về người nhà giàu và kẻ ăn mày tên La-xa-rơ. Khi ở trong âm phủ thì người giàu mới khám phá rằng ông bị đau khổ mà không thể làm gì được cả nên cầu nguyện rằng, “Xin sai La-xa-rơ đến nói với 5 anh em tôi, e rằng họ cũng đi vào nơi đau khổ nầy chăng?” Câu trả lời là, “Họ đã có Môi-se và các Đấng Tiên tri, họ phải nghe các Đấng đó.” Người giàu khẩn khoản, “Nhưng Áp-ra-ham cha ơi! Nếu có ai sống lại từ trong kẻ chết thì anh em tôi sẽ nghe họ.” Áp-ra-ham đáp, “Nếu họ không nghe Môi-se và các Đấng Tiên tri thì họ sẽ không nghe bất cứ ai cho dầu người đó sống lại từ kẻ chết.” Câu này nói lên giá  trị vô cùng  lớn lao của các sách Tiên tri. Nếu họ không lắng nghe các Tiên tri, nếu họ không tin các Tiên tri thì họ không tin dầu người đó chết đi sống lại. Chúa Giê-xu đã cho thấy tính chất siêu nhiên của lời Tiên tri.

Các sách Tiên tri chứa đầy những sự dạy dỗ mang tính chất siêu nhiên và những lời Tiên tri mang tính chất siêu nhiên. Nó nói trước những biến cố sẽ xảy ra, đôi khi những lời Tiên tri được nói trước nhiều trăm năm và sau đó đã được ứng nghiệm từng chấm từng nét. Điều đó mang tính chất siêu nhiên giống như việc sống lại từ kẻ chết vậy. Cho nên Chúa Giê-xu nói rằng “Hoặc là ngươi tin hoặc là ngươi không tin nơi quyền phép siêu nhiên. Nếu không tin các Tiên tri thì ngươi sẽ không tin ngay cả người sống lại từ kẻ chết.

Trước đây trong phần lược khảo về các Tiên tri, chúng tôi đã thưa với quí thính giả rằng một trong những nhiệm vụ của các Tiên tri là lên tiếng về những trở lực đã làm cản trở chương trình của Đức Chúa Trời. Một khi công việc Chúa trên đất nầy lâm vào chỗ bế tắc, thì nhiệm vụ của Tiên tri là phải lên tiếng về vấn đề đó cho đến khi nan đề được giải quyết và công việc Chúa được diễn tiến bình thường trở lại. Đây là lý do vì sao các Tiên tri xuất hiện trong lịch sử của người Hê-bê-rơ. Những Tiên tri viết sách đã sống và thi hành chức vụ trong khoảng thời gian từ 800 TC cho đến 400 TC. Đây là giai đoạn hết sức tang thương trong lịch sử của người Do Thái. Quân A-si-ry tiến đánh và bắt những người thuộc vương quốc phía Bắc đi đày làm nô lệ. Quân Ba-by-lôn xâm lăng và chinh phục vương quốc phía Nam. Thật là thảm họa cho tuyển dân của Đức Chúa Trời. Vì Chúa biết những việc đó xảy ra nên Ngài dấy lên những Tiên tri trong giai đoạn nầy để họ cảnh cáo dân chúng về cơn đoán phạt sắp xảy ra. Sự xâm lăng của người A-si-ry ở phía Bắc và người Ba-by-lôn ở phía Nam được xem là biện pháp sửa phạt của Đức Chúa Trời. Ngài luôn luôn dùng các Tiên tri cảnh cáo trước khi giáng tai họa trên dân sự của Ngài.

Sách Tiên tri đầu tiên mà chúng ta lược khảo là sách Ê-sai. Ê-sai là sách được xếp loại Tiên tri lớn vì nó dài hơn những sách khác, và cũng vì Ê-sai là Tiên tri của các Tiên tri. Khi học về các vị Tiên tri, chúng ta cần hiểu bối cảnh lịch sử mà họ đã sinh ra và lớn lên. Các sách Tiên tri đôi khi sẽ cho chúng ta biết những chi tiết đó ngay trong những trang đầu của sách. Trong trường hợp nầy các Tiên tri sẽ cho biết họ đã rao giảng Lời Chúa vào thời của vị vua nào cai trị. Ê-sai đã bắt đầu chức vụ vào những năm cuối của đời vua Ô-xia. Vị vua nầy đã cai trị trong khoảng thời gian là 52 năm, khi ông qua đời  cũng là lúc Ê-sai trải qua một kinh nghiệm  thuộc linh đặc biệt và được kêu gọi để hành chức Tiên tri. Tiên tri A-mốt được xem là bậc tiền bối vì ông đã rao giảng Lời Chúa vào những năm đầu của triều vua Ô-xia. Khi A-mốt là một cụ già thì Ê-sai hãy còn là một cậu bé trai.

Ê-sai cũng hành chức dưới thời của Giô-tham là con trai của Ô-xia. Vì Ô-xia bị bịnh phung vào những năm cuối nên con trai của ông là Giô-tham cùng cai trị với cha. Giô-tham cai trị trong những năm đầu của chức vụ Tiên tri Ê-sai. Sau đó một vị vua gian ác lên ngôi tên là A-cha, những bài giảng của Ê-sai trong thời gian nầy rất khác so với những gì ông giảng dưới thời của Ô-xia. Ê-sai cũng tiếp tục thi hành chức vụ dưới thời vua Ê-xê-chia là vị vua tốt. Ê-sai đã kết thúc cuộc đời  phục vụ Chúa dưới thời vua Ma-na-se, là người vô cùng gian ác.

Mặc dầu Ê-sai nói nhiều về cuộc xâm lăng của A-si-ry đối với vương quốc phía Bắc, nhưng ông cũng khuyến cáo vương quốc phía Nam về ảnh hưởng do biến cố nầy gây ra.

Sách Ê-sai có thể được chia làm những phần sau đây. Phần thứ nhất gồm 35 chương đầu, gồm những bài giảng. Đây là những bài giảng về cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời do người A-si-ry gây ra trên vương quốc phía Bắc cũng như phía Nam. Phần thứ hai từ chương 36 đến 39 là phần ghi lại những gì đã thật sự xảy ra. Phần thứ nhất cho biết cơn đoán phạt sẽ đến, phần thứ hai cho biết cơn đoán phạt đã xảy ra như thế nào. Phần cuối từ chương 40 đến 66. Đây là phần được nhiều người ưa chuộng. Phần nầy được bắt đầu với những lời như sau, “Hãy an ủi dân ta, hãy an ủi dân ta.” Phần thứ nhất và thứ hai của Ê-sai được xem như một cơn giãi phẫu thuộc linh. Phần cuối là giai đoạn hồi phục sau cơn giải phẫu đó.

Phần cuối của sách từ chương 40 đến 46 được xem là phần cốt lõi của Ê-sai. Nó lại được chia làm 3 phần nhỏ. Chương 40 đến 48 nói đến lời Tiên tri lạ lùng về Si-ru đại đế. Ê-sai đã nêu đích danh vị hoàng đế nầy 150 năm trước khi vua xuất hiện. Ê-sai cho biết Chúa chọn Si-ru để mở đường cho dân Do Thái được hồi hương từ xứ lưu đày Ba-by-lôn. Lời Tiên tri nầy được nghiệm đúng từng chi tiết, đây là một trong những điểm chói sáng trong chức vụ tiên báo của các Tiên tri.

Phần cuối của sách Ê-sai từ chương 40 đến 66 tập trung về Chúa Giê-xu, sự hiện đến lần thứ nhất và sự hiện đến lần thứ hai của Ngài.

Trong chương trình lần trước, chúng ta đã xem xét những phần Tiên tri về Đấng Mê-si, về chức vụ của Ngài. Chúa Giê-xu đã công bố bản tuyên ngôn khi bắt đầu bước vào chức vụ. Thông thường để tạo ảnh hưởng đến thế giới chung quanh, người ta thường khởi đầu bằng cách viết ra bản tuyên ngôn.

Chúa Giê-xu đã bắt đầu chức vụ công khai của Ngài với bản tuyên ngôn. Ngài đến vào một nhà hội tại thành Na-xa-rét nơi mà Ngài cư ngụ, hỏi cuộn giấy da Ê-sai. Ngài mở ra chương 61 và đọc những lời sau đây, “Thần của Đức Giê-hô-va ngự trị trên ta. Ngài xức dầu cho Ta đặng rao giảng Tin lành cho kẻ nghèo.” Chúa Giê-xu giải thích Ngài có ý gì khi nói về người nghèo. Đây là những người bị đui mù thuộc linh, không còn biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Đây là những người bị áp bức bởi xiềng xích của tội lỗi, họ không được tự do. Lời của Ngài đến với những người đó và giải phóng họ được tự do. Đây là những người mang tấm lòng tan vỡ khổ đau vì cuộc sống quá nhiều khó khăn. Ngài chữa lành những vết thương lòng. Đó là bản tuyên ngôn của Chúa Giê-xu. Chúa tuyên bố rằng, “Ta sẽ ban ánh sáng cho kẻ bị đui mù, Ta sẽ ban tự do cho những kẻ đang bị xiềng xích bởi tội lỗi, Ta sẽ chữa lành những tấm lòng tan vỡ, khổ đau.” Chúa nói rằng Ngài sẽ thực hiện những điều nầy và Ngài đã thực hiện. Kiểm chứng lại đời sống của Ngài từ sách Lu-ca hay những sách Tin lành khác chúng ta sẽ thấy đây là những gì Chúa đã làm trong thời gian Ngài còn sống trên đất.

Ê-sai đã nói trước về cuộc đời của Đấng Mê-si. Lần trước chúng ta biết được Đấng Mê-si được trình bày qua hình ảnh Ngài là con đường cho Đức Chúa Trời hay bảy Linh của Đức Chúa Trời. Bảy trăm năm trước khi Chúa Giê-xu đến thì Ê-sai đã nói trước về bản tuyên ngôn của Đấng Mê-si. Bài học dưỡng linh từ Bản tuyên ngôn của Chúa Giê-xu rất là quan trọng. Một trong những điều lý thú mà Kinh Thánh Tân ước dạy đó là Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Khi Đấng Mê-si đến, Ngài mang lấy hình hài thể xác trong 33 năm. Vào năm cuối Ngài lìa các môn đồ, Chúa cho biết việc Ngài không còn ở trong thân xác nữa là điều ích lợi cho họ. Vì lúc còn trong thể xác, Chúa chỉ có thể có mặt tại một nơi vào một thời điểm nhất định. Ngài là Đức Chúa Trời trong thân xác con người, là Em-ma-nu-ên nghĩa là Đức Chúa Trời ở với loài người. Chúa dạy rằng khi Ngài từ bỏ thân xác bình thường thì Ngài sẽ đến dưới hình thức của Đấng an ủi hay Đức Thánh Linh. Khi Thánh linh đến Ngài sẽ ngự trong lòng những người tin Ngài. Do đó dầu họ ở đâu đi chăng nữa thì Chúa vẫn có mặt tại đó với họ. Đây là ý nghĩa của những gì Kinh Thánh dạy rằng những người theo Chúa hay Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Chúng ta là tay của Ngài, chúng ta là chơn của Ngài, chúng ta là phương tiện để qua đó Chúa bày tỏ chính Ngài.

Có một ngôi giáo đường tại Ý, nơi đã bị dội bom trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau đó nó được xây dựng lại. Có một bức tượng Chúa Giê-xu rất đẹp trước ngôi giáo đường nầy. Nhà điêu khắc có thể khôi phục lại bức tượng ngoại trừ hai bàn tay. Ông không tìm đủ những mảnh nhỏ để làm lại bàn tay. Ông nghĩ đến cách làm bàn tay mới cho bức tượng, nhưng vì bức tượng là một kiệt tác nên ông quyết định không làm vậy. Sau cùng ông dùng một tấm biển đồng rất đẹp đặt trước bức tượng với những dòng chữ khắc trên đó, “Ngài không có bàn tay nào khác ngoại trừ bàn tay của chúng ta.” Đây là một cách nói rất hay cho biết rằng chúng ta là thân thể của Đấng Christ. Chúng ta là bàn tay của Ngài, Đấng đã sống lại và đang sống.

Chúa Giê-xu đã từng sống trên đất nầy, công việc của Ngài là đem ánh sáng đến cho người đui mù, đem tự do đến cho người bị cầm buộc, đem sự chữa lành đến cho những tấm lòng tan vỡ. Vậy theo quí vị thì Chúa muốn làm gì qua chúng ta là những cánh tay là những bàn chân của Ngài? Chúng tôi tin rằng Chúa muốn làm giống như những gì Ngài đã làm. Ngài muốn ban ánh sáng cho những người đang ở trong tối tăm, Ngài muốn ban tự do cho những người đang bị cầm buộc, Ngài muốn chữa lành cho những tấm lòng tan vỡ qua Hội Thánh của Ngài.

Nếu chúng ta là những người công khai bày tỏ lòng tin của mình nơi Chúa Giê-xu, là người đi theo Ngài, chúng ta có nhận thức rằng mình là thân thể của Chúa Giê-xu Christ không? Chúng ta có nhận thức rằng Chúa muốn chúng ta đem ánh sáng đến với những người đang dò dẫm trong bóng tối thuộc linh, đem tự do đến cho những người bị xiềng xích bởi tội lỗi, đem sự chữa lành đến những tâm hồn tan vỡ là những người mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày.

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Bà Nguyễn Lân
Bài tiếp theoPhải Làm Sao Khi Con Tôi Yêu Người Chưa Tin Chúa?