Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Khi đối chiếu Ê-sai 11:1- 2 với Khải Huyền 4 & 5, cả hai phân đoạn trên đều đề cập đến bảy linh hay bảy vị thần của Đức Chúa Trời. Vậy quí vị hiểu bảy linh của Đức Chúa Trời là gì? Nhiều học giả tin rằng Khải Huyền 4 & 5 là lối giải thích và áp dụng của Ê-sai 11:1-2. Ê-sai nói về sự hiện đến của Đấng Mê-si, ông muốn nói rằng, “Đấng Mê-si hiện đến là Đấng đầy dẫy Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ bày tỏ Thánh Linh của Đức Chúa Trời qua 7 cách khác nhau. Đời sống của Ngài là một đời sống được đánh dấu bởi Thần của sự hiểu biết, thần của sự thông sáng, thần của sự khôn ngoan, thần của sự khuyên dạy, thần của quyền năng, thần của sự thờ phượng và thần của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-xu là Đấng như thế nào? Khi đọc qua bốn sách Tin Lành là sách ghi lại cuộc đời của Chúa Giê-xu thì chúng ta hiểu thế nào về Ngài. Theo tiên tri Ê-sai thì Ngài thể hiện cách toàn vẹn về bản chất thuộc linh của Đức Chúa Trời. Xét theo một khía cạnh thì điều này có nghĩa là Ngài thể hiện linh tánh của khôn ngoan và thông sáng. Ngài có sự thông sáng và hiểu biết Lời Đức Chúa Trời cách trọn vẹn. Khôn ngoan nghĩa là khả năng áp dụng những hiểu biết vào cuộc sống thực. Ê-sai cho biết Chúa Giê-xu có linh tánh khôn ngoan vì Ngài ứng dụng Lời Đức Chúa Trời vào những tình huống thực tế của cuộc đời. Chúa Giê-xu cũng dạy người khác biết làm thế nào để áp dụng Lời Đức Chúa Trời cho đời sống của họ nên Ngài có linh tánh khuyên dạy. Một khi họ đáp ứng đối với lời khuyên dạy của Chúa thì đời sống họ có sự biến đổi lạ lùng. Điều này có nghĩa là Ngài đã bày tỏ linh tánh quyền năng. Bên cạnh đó Ngài còn thể hiện linh tánh thờ phượng. Đây là 7 điểm bày tỏ linh của Đức Chúa Trời trong đời sống của Đấng Mê-si.
Trong khi tranh luận về Thánh Linh, chúng ta thường giải thích dựa theo kinh nghiệm của mình và gây ra không ít sự chia rẽ, hoang mang vì sự hiểu biết sai trật về công tác của Thánh Linh. Một cụm từ thường được nghe đến là “đầy dẫy Thánh Linh”. Có người hỏi một vị Mục sư thâm niên, “Ông có được đầy dẫy Thánh Linh không?” Mục sư trả lời với họ rằng, “Tôi không luôn luôn được đầy dẫy Thánh Linh, còn anh thì sao?” Qua câu hỏi đó, họ ngụ ý rằng có hai hạng tín hữu, một là những người được đầy dẫy Thánh Linh và hai là những người không bao giờ được đầy dẫy Thánh Linh. Có phải đây là những gì mà Kinh thánh dạy về đầy dẫy Thánh Linh không? Mạng lịnh dành cho con cái Chúa là “Phải được đầy dẫy Thánh Linh.” Chúng ta mong ước rằng mọi người đều được đầy dẫy Thánh Linh. Nhưng đầy dẫy Thánh Linh nghĩa là gì?
Sách Công Vụ cho biết là Phi-e-rơ đầy dẫy Thánh Linh, giảng bài giảng đầy thần quyền vào dịp lễ ngũ tuần. Sau đó, Công Vụ ghi tiếp là Phi-e-rơ được đầy dẫy Thánh Linh rao giảng Lời Chúa và hàng ngàn người được cứu. Cứ mỗi lần ghi Phi-e-rơ được đầy dẫy Thánh Linh thì luôn luôn có những hành động kèm theo, khi thì ông làm việc này khi thì ông làm việc khác. Vậy giữa hai khoảng thời gian Phi-e-rơ được đầy dẫy Thánh Linh thì sao? Sứ đồ Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 5 rằng, “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh.” Phao-lô muốn dạy rằng, “Đừng sống dưới sự kiểm soát của rượu là thứ gây ra đời sống buông tuồng, nhưng phải sống dưới sự kiểm soát của Thánh Linh. Theo đó thì Thánh Linh là một thân vị, hoặc là chúng ta có Chúa Thánh Linh, hoặc là không có Ngài.
Khi nói về đầy dẫy Thánh Linh, người ta dùng hình ảnh một cái ly, một người chỉ đầy 1/3, người thì một nửa, người thì tràn trề. Đây không phải là hình ảnh mà Kinh Thánh dạy về Thánh Linh. Đức Thánh Linh không phải là nước hay chất lỏng. Ngài là một thân vị. Hoặc là có Ngài, hoặc là không có Ngài. Vấn đề không phải là tôi sở hữu Thánh Linh đến mức độ nào nhưng vấn đề là Thánh Linh chiếm hữu tôi đến mức độ nào. Khi Ngài chiếm hữu trọn vẹn đời sống chúng ta thì chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh. Người đầy dẫy Thánh Linh là người sống dưới quyền điều khiển của Thánh Linh, giống như người say rượu sống dưới ảnh hưởng của rượu. Đó là ý nghĩa đầy dẫy Thánh Linh.
Một câu hỏi khác nếu một Hội Thánh được đầy dẫy Thánh Linh hoặc một người đầy dẫy Thánh Linh thì họ sẽ thể hiện ra như thế nào? Chứng cớ của một đời sống đầy dẫy Thánh Linh là gì? Tại điểm này chúng ta thường hiểu sai khi liên kết đời sống đầy dẫy Thánh Linh với một số ân tứ nhất định nào đó. Chẳng hạn chúng ta cho rằng người đầy dẫy Thánh Linh sẽ nói tiếng lạ, nói tiên tri hoặc sẽ thờ phượng theo một cách nhất định nào đó. Kinh Thánh không dạy như vậy. Chúng ta không nên lo sợ khi đầy dẫy Thánh Linh, vì một khi đầy dẫy Thánh Linh thì chúng ta được Ngài điều khiển hoàn toàn và đời sống của chúng ta sẽ trở nên giống như Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu được Thánh Linh chiếm hữu hoàn toàn 100%, Ngài lúc nào cũng được đầy dẫy Thánh Linh. Nhưng có phải vì thế mà Ngài nói tiếng lạ hay có một hình thức thờ phượng khác biệt nào không? Thưa không, Ngài thể hiện qua linh của hiểu biết, thông sáng, khôn ngoan, khuyên dạy, quyền năng, thờ phượng. Ê-sai 11 là chân dung của Đấng Mê-si, chúng ta được gọi là Cơ Đốc nhân nghĩa là người sống theo khuôn mẫu của Đấng Christ. Nếu chúng ta giống Đấng Christ thì chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh theo cách mà Ngài đã được đầy dẫy Thánh Linh.
Ê-sai 40 có một phần tiên tri về Đấng Mê-si
“Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta! Mọi nơi sủng thấp sẽ được cao lên; mọi núi mọi gò sẽ bị hạ xuống; các nơi gập ghềnh sẽ làm cho bằng; các nơi dốc hãm sẽ làm thành đồng nội. Bấy giờ sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy; vì miệng Đức Giê-hô-va đã phán vậy” (c.3-5)
Giăng Báp tít là một tiên tri lớn nhất trong vòng các tiên tri, đã giảng lại bài giảng này. Lu-ca 3 chép: “Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn để được tha tội, như lời đã chép trong sách đấng tiên tri Ê-sai rằng: Có tiếng kêu la trong đồng vắng: Hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài. Mọi nơi sũng thấp sẽ lấp cho đầy, Các núi các gò thì bị hạ xuống; Đường quanh quẹo thì làm cho ngay, Đường gập ghềnh thì làm cho bằng; và mọi xác thịt sẽ thấy sự cứu của Đức Chúa Trời.” (c.3-6)
Đây là một trong những bài giảng quan trọng nhất của Ê-sai. Ê-sai cho biết rằng Đấng Mê-si sẽ vào đời, việc Chúa nhập thế giống như vị vua đi kinh lý. Người ta sẽ xây xa lộ để nghênh đón nhà vua. Trong khi xây xa lộ thì có 4 điều cần phải làm, san bằng mọi đồi núi, lấp các chỗ trũng thấp, làm ngay lại những đường cong quẹo, những chỗ gập ghềnh phải làm cho bằng.
Ê-sai minh họa rằng, “Đức Chúa Trời muốn đi vào trong thế giới này và Ngài cần một con đường. Con đường đó chính là con của Ngài, Chúa Cứu thế Giê-xu. Đời sống của Chúa Giê-xu là một đời sống mà mọi núi đồi của kiêu ngạo đều bị san bằng, mọi thung lũng của trống rỗng được lấp đầy, mọi cong quẹo của tội lỗi được làm cho ngay thẳng, những chỗ gồ ghề được làm bằng phẳng. Khi giảng lại bài giảng của Ê-sai, Giăng công bố rằng, “Mọi người sẽ thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu.”
Chúng ta phải trở nên giống như Chúa. Khi lìa thế gian thì Chúa Giê-xu đã nói với các sứ đồ rằng, “Như Cha đã sai ta thế nào, thì ta cũng sai các ngươi thể ấy.” Cuộc đời của Chúa Giê-xu là con đường để Đức Chúa Trời đến với thế giới con người, và chúng ta cũng phải vậy. Lời cầu nguyện của chúng ta là, “Xin Chúa biến đời sống con trở nên một phương tiện để qua đó Ngài đến với những người chung quanh.” Một khi thật lòng cầu nguyện như vậy, xin đừng ngạc nhiên nếu Đức Chúa Trời bắt đầu san bằng những kiêu ngạo, lấp đầy những chỗ trống rỗng vô nghĩa, làm thẳng lại những chỗ cong quẹo và mài nhẵn những chỗ gồ ghề. Xin đừng ngạc nhiên vì đó cách Chúa đáp lời cầu nguyện. Thật là một quá trình khó khăn nhưng sẽ đem lại kết quả phước hạnh.
Một bài giảng khác của Ê-sai được ghi trong chương 61. Đây là phần tiên tri về chức vụ công khai của Chúa Giê-xu . Khi bắt đầu 3 năm chức vụ, Chúa Giê-xu đã công bố bản tuyên ngôn mà các học giả gọi là bản tuyên ngôn Na-xa-rét. Bản tuyên ngôn này được ghi lại trong Lu-ca 4. Chúa Giê-xu đi vào nhà hội tại Na-xa-rét, Ngài mở sách Ê-sai và đọc những lời sau đây,
“Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa.” (c.18-19)
Nếu so sánh lời tiên tri trong Ê-sai 61 và lời Chúa trích trong Lu-ca 4 thì chúng ta sẽ thấy Ngài dừng lại ở phần giữa câu. Phần còn lại trong Ê-sai nói về ngày báo thù của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu không trích đọc phần này vì nó đề cập về lần hiện đến thứ nhì của Ngài. Đấng Mê-si sẽ đến lần thứ hai để báo thù trên mọi kẻ thù nghịch Đức Chúa Trời. Ngài không làm điều này trong lần đến thứ nhất. Chúa Giê-xu đã chấm dứt tại giữa câu và nói
“Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.” Ngài công bố rằng, “Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trên Ngài, xức dầu cho Ngài để giảng Tin Lành cho kẻ nghèo.” Kẻ nghèo mà Chúa Giê-xu nói ở đây chỉ về tình trạng đui mù thuộc linh. Họ không biết đâu là phải, đâu là trái. Họ cũng nghèo theo nghĩa là họ bị cầm buộc và không được tự do. Họ cũng nghèo vì tình trạng thương tích và gãy đổ nội tâm. Trong ngày hôm đó Chúa đã tuyên bố rằng, “Chức vụ của ta hướng về những người mù, những người bị cầm buộc, những người bị tan vỡ và thương tổn. Khi nghe sứ điệp của ta thì những người mù sẽ thấy, những người bị cầm buộc được tự do, những người tan vỡ được chữa lành.” Bản tuyên ngôn này phản ánh cuộc đời của Chúa Giê-xu qua những sách Tin Lành, nhất là Tin Lành Lu-ca. Khi Chúa công bố bản tuyên ngôn, Ngài đã cho biết Ngài là ai, Ngài đã làm gì, giống như Giăng Báp-tít Chúa đã giảng một trong những bài giảng của Ê-sai.
Trong 3 năm chức vụ, Chúa Giê-xu đã làm cho kẻ mù về thể xác được sáng, nhưng đồng thời lời giảng của Ngài đã chữa lành những người đui mù thuộc linh. Chúa xúc động khi thấy đoàn dân đông giống như chiên không biết đâu là phải đâu là trái. Một phần trong chức vụ giảng dạy của Ngài được xem là công tác khải đạo. Chúa giải phóng cho những người bị cầm buộc được tự do nếu họ đi theo Ngài. Ngài động lòng thương xót những tấm lòng tan vỡ. Cuộc đời của Chúa Giê-xu đã làm ứng nghiệm bản tuyên ngôn được tiên báo bởi Ê-sai.
Bản tuyên ngôn của Chúa Giê-xu được áp dụng thế nào cho quí vị và tôi? Trước tiên, nếu quí vị là người đui mù thuộc linh, không biết đâu là chân lý, không biết phải làm gì để vừa lòng Đức Chúa Trời, nếu quí vị là người bị xiềng xích dưới quyền của tội lỗi, nếu quí vị đang có tấm lòng tan vỡ vì những áp lực nặng nề của cuộc sống thì Chúa Giê-xu là của quí vị. Ngài phán rằng chức vụ của Ngài dành cho những người như quí vị. Là Cơ Đốc nhân khi sống ngoài trường đời, xin chúng ta hãy nhớ đến lời tiên tri của Ê-sai và chức vụ của Chúa Giê-xu. Phải chăng những người chung quanh đang dui mù thuộc linh? Phải chăng họ đang sống dưới xích xiềng của tội lỗi? Phải chăng họ đang tan vỡ? Đấng đang ngự trong đời sống chúng ta muốn hành động trên đời sống của những người đó. Nguyện chúng ta trở nên phương tiện để qua đó Ngài ban sự sống cho những người chung quanh.