Bài 122: Sách Ê-sai – Tổng Quan Về Các Tiên Tri (tt)

3555

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Trong bài vừa qua, chúng ta đã giới thiệu về phần dài nhất trong Kinh Thánh là các sách tiên tri. Khi công việc Chúa bị trở ngại, Ngài dấy lên một tiên tri. Nhiệm vụ căn bản của tiên tri là lên tiếng về những gì đã cản trở công việc Chúa cho đến khi trở ngại đó được cất đi. Khi chướng ngại được giải quyết thì công việc Chúa được diễn tiến bình thường trở lại. Do đó có thể nói rằng “không có rắc rối xảy ra thì tiên tri cũng không xuất hiện.” Tất cả các vị viết những sách tiên tri đã sống và rao giảng trong khoảng 400 năm, đây là khoảng thời gian mà dân sự của Đức Chúa Trời đã trải qua hai biến cố kinh hoàng: sự xâm chiếm của người A-sy-ri và lưu đày vương quốc phía Bắc cùng với sự chinh phục của người Ba-by-lôn và lưu đày của vương quốc phía Nam. Các tiên tri đã lên tiếng về hai vấn đề nầy cho đến khi việc lưu đày đã xong và công việc Chúa được tiếp tục trở lại. Công việc của Đức Chúa Trời là hình thành một tuyển dân thánh qua đó Đấng Mê-si-a đem sự cứu rỗi đi vào trong thế giới loài người.

Còn một định nghĩa khác của chữ “tiên tri”. Chữ “tiên tri” được kết hợp bởi hai chữ có nghĩa là “Đứng trước một điều gì đó” và “chiếu sáng”. Hai chữ này ghép lại có nghĩa là đứng trước một điều gì đó và chiếu sáng nó ra. Tiên tri là người đứng trước Lời Đức Chúa Trời và chiếu sáng ra Lời Chúa để mọi người có thể hiểu được Lời của Ngài. Các tiên tri chỉ dạy dân sự làm thế nào để áp dụng Lời Chúa vào đời sống của họ và khuyến khích họ vâng lời Ngài.

Ê-li là một tiên tri lớn. Vào thời của ông, dân sự đã quay lưng đối với Đức Chúa Trời và đi theo sự thờ lạy thần Ba-anh. Vì sự thờ lạy Ba-anh nên công việc Chúa bị đi sai trật. Đức Chúa Trời dấy lên tiên tri Ê-li. Ông lên tiếng về việc thờ lạy Ba-anh cho đến khi nó được giải quyết. Các tiên tri Ba-anh bị tiêu diệt. Công việc Chúa được tiến hành trở lại theo chương trình của Ngài.

Đa-ni-ên được dấy lên để lo công việc Chúa trong thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày. Dân sự của Chúa cần biết phải đối phó với tình trạng nầy như thế nào? Giả sử thế giới nầy hoàn toàn bị đảo lộn. Những thế lực gian ác thống trị toàn cầu. Nhà thờ bị đóng cửa, Kinh Thánh bị thiêu đốt, tín hữu bị bắt lao động khổ sai … Nhiều người sẽ nói rằng, “Đức Chúa Trời ở đâu? Ngài chết rồi chăng? Ngài bất lực chăng?” Thật ra đó là tình hình mà Hội Thánh đầu tiên phải đối diện. Dưới ách thống trị của đế quốc La Mã, Cơ Đốc giáo bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Thế nhưng đây cũng là thời kỳ mà Hội Thánh lớn mạnh chưa từng có trong lịch sử. Đức Chúa Trời vẫn cầm quyền tể trị ngay khi những thế lực của con người tìm cách tiêu diệt Đạo của Ngài.

Bảy mươi năm sau khi người Giu-đa bị lưu đày thì họ sẽ trở về cố quốc. Trong suốt thời gian 70 năm đó, người Giu-đa cần phải biết làm thế nào để sống tại xứ tha hương để qua họ mà Đức Chúa Trời có thể xây dựng một tuyển dân thánh. Vì lẽ đó Ngài dấy lên một người tên là Đa-ni-ên. Chúa gọi Đa-ni-ên cùng đi với dân sự của Ngài và chỉ họ biết làm thế nào để đối phó với kiếp sống lưu đày cho đến khi chấm dứt. Đa-ni-ên đã sống trong suốt 70 năm lưu đày. Khi Giê-ru-sa-lem thất thủ thì Đa-ni-ên là một thiếu niên. Ông và Ê-xê-chi-ên trương lứa với nhau. Ê-xê-chi-ên bị bắt đày sang Ba-by-lôn lúc ông khoảng 25 tuổi tức 9 năm sau Đa-ni-ên, vì Đa-ni-ên bị bắt đi vào năm khoảng 14 tuổi. Cậu thiếu niên nầy đã được Đức Chúa Trời dấy lên làm một tiên tri để chỉ cho dân của Ngài biết phải sống tại Ba-by-lôn như thế nào cho đến khi họ được trở về quê hương.

Nếu một thế lực gian ác nổi lên thống trị thế giới nầy, mọi Mục sư đều bị tống giam thì cuốn sách mà chúng ta cần đọc đó là sách Đa-ni-ên vì Đa-ni-ên cho biết làm thế nào để đối phó với tình trạng đó.

Khi tìm hiểu về một tiên tri nào đó, chúng ta nên đặt câu hỏi sau, “Điều gì làm cản trở công việc Chúa vào thời điểm đó? Chức vụ của vị tiên tri đã giải quyết tình trạng đó thế nào?” Lấy tiên tri A-ghê làm một ví dụ điển hình. Sau khi được hồi hương, dân Y-sơ-ra-ên xây dựng lại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng họ gặp sự chống đối dữ dội, nên nản lòng và bỏ cuộc. Thế rồi họ chú tâm đến việc xây dựng cho nhà riêng của mình. Việc nầy diễn ra nhiều năm cho đến khi Đức Chúa Trời dấy lên tiên tri A-ghê. A-ghê giảng cho dân sự rằng, “Nay có phải là thì giờ các ngươi ở trong nhà có trần ván, khi nhà của Đức Chúa Trời bị hoang vu sao?”

A-ghê khuyến khích dân sự hãy bắt tay với công việc và xây lại đền thờ. Do lời khích lệ của A-ghê mà dân sự xây lại đền thờ của Đức Chúa Trời. Nhờ vào lời giảng của A-ghê mà họ chấm dứt việc xây nhà riêng cho mình. Họ điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên của mình. Đức Chúa Trời được đặt lên hàng đầu, nhà của Đức Chúa Trời cần phải được xây dựng trước rồi mới lo cho nhà riêng của mình. Như vậy công việc Chúa được điều chỉnh trở lại đúng hướng và sau đó A-ghê rút lui khỏi “diễn đàn”. Đây chính là mục tiêu và trách nhiệm của A-ghê. Công việc Chúa đi chệch hướng, A-ghê xuất hiện để đem công việc Chúa trở về theo chương trình của Đức Chúa Trời. Các tiên tri đã thi hành chức vụ với tinh thần đó: điều chỉnh những sai trật để công việc Chúa được đi đúng hướng.

Các thư tín trong Tân ước cũng có cùng một chức năng như các sách tiên tri trong Cựu ước. Trong thời Tân ước thì công việc của Đức Chúa Trời là xây dựng Hội Thánh của Đấng Christ. Khi khó khăn trở lực xảy ra làm ngăn cản công việc Chúa thì Đức Chúa Trời khiến các vị Sứ đồ viết các thư tín. Mục đích của các thư tín nầy là gì? Các thư tín lên tiếng đối với những trở lực chặn đứng công việc Chúa nhằm cất đi những trở lực nầy để công việc Chúa được tiếp tục trở lại. Khi đọc những sách tiên tri thì câu hỏi là, “Điều gì đang làm ngăn trở công việc Chúa và các tiên tri đã làm thế nào để cất đi những trở lực nầy”

Khi đọc những thư tín của Tân ước, câu hỏi sẽ là, “Bài học áp dụng cho tôi là gì?” Ngày nay cũng như thời của các tiên tri hay sứ đồ, Đức Chúa Trời muốn làm việc qua con cái Chúa. Nếu tin rằng công việc mà Chúa đặt để trên quí vị đang bị đình trệ vì một trở lực nào đó, nếu tin rằng công việc Chúa không được tiến hành theo ý muốn của Ngài, xin hãy cầu nguyện cho đến khi biết được trở lực đó là gì. Một khi đã biết được, hãy tìm xem các vị sứ đồ hay tiên tri đã giải quyết vấn đề đó như thế nào và can đảm chia xẻ sứ điệp học được từ các tiên tri hay sứ đồ. Chúa muốn làm việc trong đời sống của quí vị, Ngài muốn làm việc qua đời sống của tôi. Có khi nào công việc Chúa bị đứng lại trong đời sống của quí vị và tôi không? Nếu có, chúng ta cũng cần đến với các tiên tri và các sứ đồ, tìm xem cách giải quyết những ngăn trở nầy hầu cho công việc Chúa được tiếp tục thực hiện qua chúng ta.

Chúng ta cần học các tiên tri nầy vì những khó khăn trong thời Cựu ước khác với thời Tân ước. Đức Chúa Trời không viết một điều gì thừa thãi vô ích. Ngài rất thận trọng trong việc dành bao nhiêu chương cho mỗi đề tài. Trong phần dẫn nhập Kinh Thánh, chúng ta biết rằng có tất cả 89 chương trong 4 sách Tin Lành nói về cuộc đời của Chúa Giê-xu. Trong đó 4 chương nói về sự giáng sinh và 30 năm trên đất của Ngài. 84 chương nói về 3 năm còn lại của Ngài, trong số đó có 27 chương viết về tuần lễ sau cùng của Chúa. Vậy điều gì là quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giê-xu? Sự giáng sinh? Ba mươi năm đầu tiên hay tuần lễ sau cùng? Theo số chương dành cho mỗi phần chúng ta có thể nói rằng tuần lễ sau cùng quan trọng gấp 7 lần sự giáng sinh và 30 năm đầu tiên của Ngài.

Những sách tiên tri chiếm nhiều trang nhất trong Kinh Thánh, do đó nó rất quan trọng để học hỏi. Thế nhưng thực tế là chúng ta biết về các sách tiên tri ít hơn những phần khác trong Kinh Thánh.

Khi lược khảo Kinh Thánh thì một điều rất khó là sắp xếp các sự việc theo thời gian vì Kinh Thánh không được xếp đặt theo yếu tố thời gian khi chúng được viết ra. Sự bố trí từng sách dựa vào nội dung của nó. Điều nầy đúng cho toàn cả Kinh Thánh. Vậy làm thế nào để đặt các vị tiên tri vào trong khoảng thời gian mà họ đã sống và thi hành chức vụ? Các vị tiên tri đã sống, đã giảng, đã chịu khổ và chịu chết theo trình tự thế nào? Chúng ta phải tìm hiểu những chi tiết đó. Chúng tôi sẽ trình bày cho quí vị một số các dữ kiện lịch sử khi chúng ta tiếp tục lược khảo Thánh Kinh. Dẫu vậy chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết vì chương trình nầy không mang tính chất nghiên cứu nhưng nặng vào phần ứng dụng. Chúng ta chỉ cần nắm một số các dữ kiện quan trọng để hiểu sứ điệp của các vị tiên tri, những gì họ đang cưu mang và tại sao họ cưu mang nó. Có hai lần xâm lăng của người A-sy-ri đối với nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc và người Ba-by-lôn đối với nước Giu-đa phía Nam. Các vị tiên tri rất quan tâm đến hai biến cố nầy. Không những họ đề cập đến sự sụp đổ của Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem là thủ đô của hai nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, mà còn nói đến Ni-ni-ve là thủ đô của A-sy-ri và Ba-by-lôn là thủ đô của người Ba-by-lôn. Hai thành phố Ni-ni-ve và Ba-by-lôn đều rất hùng mạnh nhưng các tiên tri đã mô tả sự sụp đổ của chúng thật ngoạn mục. Các tiên tri nhấn mạnh chính đến sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và sự lưu đày của cư dân tại đó. Những sách Văn thơ đề cập đến thời kỳ hưng thịnh của người Do Thái nhưng những sách tiên tri nói về sư sụp đổ của quốc gia nầy. Các vị tiên tri đã sống trong khoảng thời gian 400 năm đen tối của lịch sử người Do Thái. Họ đã công bố sứ điệp trước và sau khi đất nước của họ bị xâm lăng.

Khi đọc về những sách tiên tri, chúng ta hãy rút ra các bài học dưỡng linh. Hãy tìm hiểu các vị tiên tri, đời sống của họ cũng dạy chúng ta như những bài giảng của họ. Khi đọc sách tiên tri, cố gắng tìm hiểu về tác giả và đặt câu hỏi, “Sứ điệp của họ là gì?” Chúng ta cũng học từ các vị tiên tri khi họ giải quyết những trở lực đối với công việc Chúa bằng những bài giảng đầy thần quyền cho đến khi mọi trở lực được cất đi.

Bài trướcChúa Thay Đổi Ý Định – 22/7/2020
Bài tiếp theoDạy Con Về Tình Dục Như Thế Nào?