Bài 112: Trước Và Sau Khi Thờ Phượng (tiếp theo)

2247

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Trong bài vừa qua, chúng ta đã lược khảo một Thi Thiên thờ phượng tiêu biểu, đó là Thi Thiên 100. Hôm nay chúng ta cùng học một Thi Thiên thờ phượng khác đó là Thi Thiên 107. Đây không những là Thi Thiên thờ phượng mà còn khuyến khích chúng ta thờ phượng. Thi Thiên nầy khá dài, được chia ra làm nhiều phân đoạn, nhưng chủ đề của nó được chạy xuyên suốt Thi Thiên:

“Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là thiện;
Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời.
Các người Đức Giê-hô-va đã chuộc
Khỏi tay kẻ hà hiếp hãy nói điều đó” (câu 1-2)

Ngợi khen Chúa vì Ngài là thiện và cảm tạ Ngài về sự cứu rỗi Ngài ban cho. Đây là sứ điệp của Thi Thiên 107.

Sau khi Chúa chữa lành 10 người phung, chỉ có một người quay lại để cảm ơn Ngài và người đó lại là người Sa-ma-ri. Chúa Giê-xu hỏi, “Có phải ta chữa lành cho 10 người không? Vậy 9 người kia ở đâu?” Phải chăng ngày nay cũng vậy, khoảng 90% những người đã kinh nghiệm được ơn cứu rỗi đã không cám ơn Ngài. Họ không biết thờ phượng Ngài. Họ là người nhận lãnh nhưng không phải là người biết ơn. Câu Chúa hỏi, “Còn chín người kia đâu rồi?” đáng khiến chúng ta suy nghĩ. Thi Thiên 107 là lời nhắn nhủ cho 90% những người chưa hề cám ơn Chúa về sự cứu rỗi Ngài ban cho.

Được cứu chuộc nghĩa là được mua về, được đem về từ đời sống tội lỗi. Chúng ta đã từng thuộc về Chúa giống như A-đam, nhưng rồi đã quay lưng, đi xa khỏi Chúa. Cứu chuộc nghĩa là được mua về, được đem trở về với Chúa. Các phân đoạn trong Thi Thiên nầy nói về tinh thần biết ơn Chúa về sự cứu chuộc Ngài ban.

Phân đoạn thứ nhất cho biết chúng ta như con chiên đi lạc, lang thang trong đồng vắng, đói khát cho đến khi linh hồn bị nao sờn. Thế rồi Thi Thiên nói tiếp,

“Bấy giờ trong cơn gian truân họ kêu cầu Đức Giê-hô-va;
Ngài bèn giải cứu họ khỏi điều gian nan,
Dẫn họ theo đường ngay thẳng,
Đặng đi đến một thành ở được” (câu 6-7)

Đây là hình ảnh khởi đầu của sự cứu chuộc, chúng ta như những con chiên đi lạc và Chúa giải cứu chúng ta khỏi sự lang thang, đói khát rồi dẫn chúng ta vào con đường ngay thẳng. Điều này giống như dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa được giải cứu ra khỏi Ai Cập rồi được dẫn vào đất hứa Ca-na-an. Sau khi mô tả giai đoạn thứ nhất của sự cứu chuộc, tác giả khuyến khích ở câu thứ 8:

Nguyện người ta ngợi khen Đức Giê-hô-va vì sự nhân từ Ngài,
Và vì các công việc lạ lùng Ngài làm cho con loài người!”

Câu nầy được lặp lại bốn lần trong Thi Thiên 107.

Phân đoạn thứ hai nói về khía cạnh khác của ơn cứu chuộc. Sau khi được Chúa cứu thì người đó lại nổi loạn giống như đứa con trai hoang đàng, đi xa xứ. Tác giả cho biết những người nầy kết thúc trong xiềng xích và khốn khổ. Kinh Thánh ghi: “Nhân đó Ngài lấy sự lao khổ hạ lòng họ xuống; họ vấp ngã không ai giúp đỡ” (câu 12).

Hình ảnh nầy giống đứa con trai hoang đàng vì khi tiêu pha hết tiền, không ai giúp đỡ bị rơi vào nghèo túng và đi chăn heo. Nhưng người con trai đã thức tỉnh và quyết định trở về với Cha của mình. Tại đây Thi Thiên mô tả,

Bấy giờ trong cơn gian truân họ kêu cầu Đức Giê-hô-va;
Ngài bèn giải cứu họ khỏi điều gian nan,
Rút họ khỏi sự tối tăm và bóng sự chết,
Cũng bẻ gãy xiềng của họ.” (câu 13-14)

Nói cách khác Chúa cứu họ lần thứ hai giống như người Cha đã đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Câu thứ 15 được lặp lại một lần nữa: “Nguyện người ta ngợi khen Đức Giê-hô-va vì sự nhân từ Ngài, và vì các công việc lạ lùng Ngài làm cho con loài người!

Phân đoạn thứ ba, nói về một khía cạnh khác của ơn cứu chuộc. Lu-ca 4:18 là lời mô tả về mục đích và khuôn mẫu chức vụ của Chúa Giê-xu.

Thần của Chúa ngự trên ta; vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do; và để đồn ra năm lành của Chúa

Kẻ nghèo chỉ về những người mù cần được sáng, những người bị xiềng xích cần được buông tha và những người đau khổ cần chữa lành. Đây là trọng tâm những gì Chúa giảng trong Lu-ca 4:18-19. Đọc hết sách Lu-ca, chúng ta sẽ thấy Chúa Giê-xu đã thực hành những gì Ngài đã giảng. Qua chức vụ giảng dạy, Ngài đã khiến kẻ mù được sáng, đây là công tác khải đạo ngày hôm nay, Chúa cũng ban tự do cho kẻ bị cầm buộc, Ngài cũng rịt lành những tấm lòng tan vỡ.

Ba loại người trên được mô tả trong Thi Thiên 107. Phân đoạn thứ nhất nói về người đui mù thuộc linh. Chiên giống như vậy, nó không biết tìm đường khi bị lạc, nó không biết phân biệt đâu là tay phải, đâu là tay trái. Phân đoạn thứ hai nói về những người bị xiềng xích, họ không có tự do. Phần lớn con người không có tự do, họ không làm những gì muốn làm nhưng là những gì phải làm. Họ bị chế ngự bởi những dục vọng, thói quen. Chúa là Đấng giải cứu con người ra khỏi ràng buộc của tội lỗi. Phân đoạn thứ ba nói về những người bị đau khổ vì tội lỗi. Tác giả Thi Thiên viết rằng: “Kẻ ngu dại bị khốn khổ vì sự vi phạm và sự gian ác mình” (câu 17).

Đôi khi đau khổ là hậu quả của tội lỗi. Mặc dầu sách Gióp cho biết không phải luôn luôn là như vậy, nhưng nếu hoàn toàn phủ nhận cũng là điều không đúng. Phân đoạn thứ ba cho biết “khi bị khốn khổ do tội lỗi gây ra, họ kêu cầu cùng Chúa và Ngài giải cứu họ ra khỏi sự hủy diệt”. Kinh Thánh ghi, “Chúa dùng Lời của Ngài để chữa lành họ và cứu họ khỏi sự hủy diệt.” Sự hủy diệt mà họ đã gây ra cho chính mình.

Đây là sự mô tả rất hay về việc Chúa dùng Lời của Ngài cứu họ. Quí vị có biết rằng Lời Chúa có quyền năng chữa lành không? Lời Chúa có quyền năng để thay đổi tâm linh và Lời Ngài cũng có quyền năng để chữa bịnh.

Có một thanh niên rất thông minh nhưng bị bịnh phải đưa vào bệnh viện tâm thần. Gia đình của anh đã tốn rất nhiều tiền nhưng không tới đâu. Sau đó anh được đọc và nghe chương trình học Kinh Thánh trên băng cassette. Anh đã học suốt từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền. Và quả thật Chúa đã dùng Lời Ngài để chữa lành cho anh. Hết bịnh, anh dâng mình học trường Kinh Thánh cho đến chương trình tiến sĩ. Hiện nay anh đã rao giảng Tin Lành hơn hai mươi năm. Hàng ngàn cuộc đời đã được biến đổi qua chức vụ của anh.

Phần thứ ba của Thi Thiên 107 nói về việc Chúa chữa lành những người khốn khổ. Câu 21 một lần nữa khích lệ họ bày tỏ lòng biết ơn Ngài. Nếu Chúa đã cứu chúng ta ra khỏi sự đui mù của tội lỗi, nếu Chúa cứu chúng ta ra khỏi xiềng xích của tội lỗi, nếu Chúa cứu chúng ta khỏi sự khốn khổ hãy bày tỏ lòng biết ơn Ngài.

Sau khi nói về sự cứu chuộc dành cho 3 hạng người trên, tác giả Thi Thiên mô tả sự cứu chuộc dành cho người được phước. Phần cuối nầy nói về những người đi sâu vào biển cả như sau:

Có người đi xuống tàu trong biển,
Và làm việc nơi nước cả;
Kẻ ấy thấy công việc Đức Giê-hô-va,
Xem phép lạ Ngài trong nước sâu.

Đây là hình ảnh chỉ về người có ân tứ đức tin. Nhiều người có đức tin để được cứu, nhưng chỉ một số người có loại đức tin vượt quá giới hạn của đức tin được cứu. Họ có ân tứ đức tin. Đây là loại đức tin để làm những việc lớn cho Đức Chúa Trời. Họ phải đi xuống nơi biển sâu để xem công việc quyền năng của Đức Chúa Trời. Thường thì đời sống họ không được dễ dàng vì phải đối diện với nhiều thách thức.

Một Mục sư lão thành kia có loại ân tứ đức tin nầy. Lần nọ ông bước đi lên xuống trên một đường phố trong tâm trạng bối rối và căng thẳng. Khi được hỏi là ông có sao không? Mục sư trả lời là ông đang có một khải tượng về một trường trung học tọa lạc trên khu đất lớn có thể nhìn thấy từ con đường ông đang đi bộ. Lúc đó nó chỉ là một đầm lầy. Nhưng bởi đức tin ông đã có khải tượng về một trường trung học. Ngày nay khi bước đi trên đường phố đó, chúng ta sẽ thấy một trường trung học Tin Lành rất xinh đẹp. Giữa khoảng thời gian Mục sư có khải tượng cho đến khi nó trở thành hiện thực, ông đã trải qua những giờ phút trong biển sâu.

Theo tác giả Thi Thiên, đôi khi Đức Chúa Trời cho phép bão tố xảy ra để trắc nghiệm những người có đức tin lớn. Bão tố khiến những lượn sóng dâng lên thật cao rồi hạ xuống thật thấp. Lúc đó có khi họ bị chao đảo, nên hết lòng kêu cầu với Chúa, Ngài khiến bão tố yên lặng, lòng họ được bình an. Rồi Chúa dẫn họ đến bến cảng mà họ mong chờ. Đó là một hình ảnh rất đẹp về người có đức tin lớn. Bởi đức tin họ đi trên biển cả, khi sắp bị chìm, họ kêu cầu cùng Chúa, Ngài giải cứu họ và hoàn thành khải tượng đức tin của họ.

Phần thứ năm tóm tắt và kết thúc toàn bộ Thi Thiên nầy. Nó cũng có thể được hát như là điệp khúc cho từng phân đoạn trên. Theo Mục sư Dick Woodward, phần nầy cho biết cách Chúa làm việc trên đời sống của những người đã được chuộc. Kinh Thánh ghi, “Ngài đổi sông ra đồng vắng, suối nước thành đất khô” (câu 33)

Có những lúc Chúa ban phước cho con cái Chúa, nhưng cũng có những lúc Chúa cho phép sự đau khổ, buồn rầu xảy ra. Nói cách khác đời sống của người đã được cứu chuộc đôi khi từ chỗ phong phú trở nên khô khan giống như sa mạc và ngược lại. Chúa dùng điều nầy để thử nghiệm con cái Chúa. Ngài dẫn họ đến mối liên hệ thân thiết hơn với Ngài. Vào phần cuối của Thi Thiên cứu chuộc, tác giả nói, “Người công bình sẽ nhìn thấy và vui mừng.”

Có phải khô hạn hoặc tình trạng xuống dốc luôn luôn là một tai họa không? Khi học về các tiên tri, chúng ta thấy rằng hạn hán và đói kém không phải luôn luôn là tai họa. Dường như nó là phương tiện mà Chúa thường dùng để đem dân sự của Ngài đến chỗ hạ mình xuống kêu cầu cùng Chúa và được phấn hưng tâm linh.

Câu cuối cùng tác giả viết rằng, “Phàm kẻ nào khôn ngoan sẽ chú ý về điều nầy, và suy gẫm sự nhân từ của Đức Giê-hô-va.” (câu 43)

Nếu là người khôn ngoan, chúng ta biết rằng ngày nay đôi khi Chúa cho phép đói kém, đình trệ, kinh tế xuống dốc nhưng sau đó Ngài ban phước trở lại. Mọi điều đó xuất phát từ lòng yêu thương của Ngài.

Trong Thi Thiên nầy, câu được nhắc đi nhắc lại là: “Nguyện người ta ngợi khen Đức Giê-hô-va vì sự nhân từ Ngài, và vì các công việc lạ lùng Ngài làm cho con loài người!” (câu 8)

Hãy suy nghĩ về những công việc lạ lùng mà Chúa mà Chúa đã làm cho chúng ta. Ngài đã cứu chúng ta ra khỏi sự tăm tối như con chiên đi lạc không biết đường nào về chuồng. Có bao giờ quí vị đã cám ơn Chúa về điều đó chưa? Chúng ta giống như đứa con hoang đàng, quay lưng từ bỏ Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã đem chúng ta trở về, quí vị đã cám ơn Chúa về điều đó chưa? Có lẽ chúng ta đã trải qua khốn khổ vì hậu quả của tội lỗi mình, Chúa đã dùng nó để đem chúng ta đến mối thông công gần gũi hơn với Ngài, quí vị đã cám ơn Chúa về điều đó chưa? Có lẽ Chúa ban cho quí vị ân tứ đức tin qua đó quí vị kinh nghiệm được quyền năng Chúa được thể hiện, quí vị đã cám ơn Chúa về điều đó chưa? Nói cách khác Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta ra khỏi xiềng xích, tội lỗi, tự mãn… Chúng ta đã dâng lên Chúa lòng biết ơn chưa?

Bài trướcHướng Về Sự Kiện “Chúa Tình Yêu Giáng Sinh” 2019 Tại TP.HCM: “Con Gặt Ít, Thiếu, Tình Trạng Thật Cấp Thiết”
Bài tiếp theoBài Ca Khải Hoàn – Chúa Năng Quyền – 28/9/2019