Bài 111: Trước Và Sau Khi Thờ Phượng

4586

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

1 Hỡi cả trái đất,
Hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va!
2 Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng,
Hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài.
3 Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.
Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài;
Chúng tôi là dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài.
4 Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài,
Hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài,
Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài.
5 Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi,
Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời.
(Thi Thiên 100)

Chúng ta đã lược khảo qua các Thi Thiên nói về người được phước là loại Thi Thiên giảng dạy, và cũng đã tìm hiểu các Thi Thiên cầu nguyện. Một loại Thi Thiên thứ ba đó là Thi Thiên thờ phượng. Thi Thiên là thánh ca cho dân sự của Chúa thời Cựu ước. Nó là phần quan trọng trong chương trình thờ phượng. Các học giả tin rằng Thi Thiên 150 là một điệp khúc được hát lên để đối đáp với các Thi Thiên khác. Dân sự sẽ hát Thi Thiên 23 rồi Thi Thiên 150 như là cách đáp ứng với Thi Thiên khác. Do đó để nắm được Thi Thiên chúng ta cần học về những Thi Thiên thờ phượng nầy. Thi Thiên 100 là một Thi Thiên thờ phượng mặc dầu nó chỉ có vỏn vẹn 5 câu.

Thi Thiên nầy cho biết thế nào là thờ phượng Chúa. Nói một cách đơn giản, thờ phượng Chúa nghĩa là “ra mắt Chúa” hay “bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.” Ra mắt Chúa không có nghĩa là đến nhà thờ trong những buổi sáng Chúa nhật. Quý vị có thể đến với Chúa vào lúc sáng sớm khi không có ai làm cho quý vị phải bị chi phối. Sự thờ phượng Chúa một mình trong phòng riêng khi mà chỉ có một mình quý vị với Chúa có thể là sự thờ phượng tốt nhất. Vì là một Thi Thiên điển hình cho sự thờ phượng nên không những Thi Thiên nầy định nghĩa thờ phượng là gì mà còn dạy chúng ta biết làm thế nào để thờ phượng Chúa. Đa-vít đã dùng một hình ảnh rất hay đó là ông ví sánh thờ phượng như bước vào trong sự hiện diện của một vị vua. Vào thời xưa nếu quý vị hân hạnh được tiếp kiến nhà vua, quý vị phải đi qua nhiều cổng rất lớn dẫn đến cung điện. Nếu đó là vị vua giàu có hùng mạnh thì quý vị phải băng qua những hành lang thật dài, hết dãy nầy đến dãy khác. Rồi có một hành lang dài với các binh sĩ đứng hai bên. Có hai cánh cửa lớn, quý vị tưởng rằng bây giờ sẽ được gặp vua, nhưng những cửa nầy chỉ dẫn đến một hành lang khác nữa. Cuối cùng hai cửa rất lớn xuất hiện, có thể nó được bọc vàng hay bạc, bước qua hai cánh cửa nầy quý vị được diện kiến nhà vua. Khung cảnh chung quanh tạo nên một ấn tượng về tầm quan trọng của nhà vua.

Đa-vít dùng hình ảnh trên để dạy chúng ta biết cách thờ phượng Chúa và biết cách bước vào trong sự hiện diện của Ngài. Những gì Đa-vít nói, có thể được tóm tắt và diễn tả lại như thế nầy: “Khi ra mắt Chúa, chúng ta nên bắt đầu với cánh cửa cảm tạ .” Điều nầy có nghĩa là chúng ta bắt đầu sự thờ phượng bằng cách cảm tạ Đức Chúa Trời về mọi phước hạnh Ngài ban cho chúng ta. Cảm tạ Chúa là một liều thuốc thuộc linh thật quí báu. Kinh Thánh  thường xuyên nhắc nhở về lòng biết ơn Chúa, chúng ta nên nhìn vào cuộc sống với lòng biết ơn. Lòng biết ơn sẽ thay đổi thái độ của chúng ta vì nó tự động chuyển sự chú ý trong tâm trí của chúng ta từ những điều tiêu cực đến những điều tích cực. Nếu quý vị đang đau khổ vì một sự mất mát lớn lao nào đó, xin hãy đến với Chúa trong tinh thần biết ơn. Lấy ví dụ, nếu quý vị là một người bị khuyết tật, thay vì đau khổ về những gì quý vị đã mất, xin hãy cảm tạ Chúa về những gì mà quý vị vẫn còn có được. Vì sao vậy? Nếu quý vị cứ tiếp tục buồn khổ về những gì quý vị đã mất thì tình trạng chỉ càng thêm tệ hại và rồi sẽ rơi vào sự buồn chán nhiều hơn. Nhưng nếu cảm tạ Chúa vì quý vị vẫn còn tự ăn uống được, tự mặc quần áo được tự lo một số sinh hoạt cá nhân được thì đó là một liều thuốc rất quí. Tinh thần cảm tạ Chúa là một liều thuốc quí báu, riêng trong Thi Thiên 100 chúng ta biết cảm tạ Chúa đem lại sự sống trong khi thờ phượng. Cảm tạ Chúa là một cánh cửa bắt đầu dẫn chúng ta vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Vì thế hãy bắt đầu sự thờ phượng bằng cách dâng lên Chúa lời cầu nguyện cảm tạ.

Theo Đa-vít thì cánh cửa của sự cảm tạ sẽ dẫn đến sự ngợi khen. Xin đếm từng phước lành Chúa ban rồi chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy những gì mà Chúa đã làm. Nếu dành đủ thời gian để nghĩ đến ơn phước Chúa đã ban, chúng ta sẽ đi bước qua một lĩnh vực khác đó là ngợi khen Chúa. Bây giờ chúng ta không chỉ còn cảm tạ Chúa nhưng ngợi khen Ngài, chúng ta đang thờ phượng Chúa bằng cách ngợi khen Ngài. Chúng ta thưa với Đức Chúa Trời về Đức Chúa Trời chớ không chỉ cảm ơn Ngài về các phước hạnh.

Ngợi khen Chúa sẽ dẫn chúng ta vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Cánh cửa mở ra cho chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Chúa là cánh cửa ca hát tôn vinh. Đây là lý do vì sao có sự quyện chặt giữa thờ phượng và âm nhạc. Âm nhạc là một phép lạ lớn lao mà Chúa ban cho con người để họ có thể diễn tả những điều không thể diễn tả được trong khi thờ phượng Chúa. Trong đời sống theo Chúa đôi khi chúng ta có nhu cầu bày tỏ những điều không thể diễn tả được. Âm nhạc là một phương tiện để bày tỏ những điều không thể diễn tả được. Đa-vít cho biết âm nhạc đưa chúng ta vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Nghiên cứu về âm nhạc trong Kinh Thánh là điều hết sức lý thú. Sách Sử Ký cho biết Đa-vít có một ban nhạc gồm 4000 người Lê-vi, họ là những người không làm gì khác hơn là ca hát và sử dụng các nhạc cụ mà Đa-vít đã chế tạo ra. Mục đích của ban nhạc chuyên nghiệp này là nhằm ngợi khen tôn vinh Chúa. Một dàn nhạc giao hưởng ngày nay trung bình khoảng 110 người, vậy thì thử tưởng tượng một ban nhạc gồm 4000 người thì tiếng đàn, tiếng hát của họ sẽ thế nào. Khải Huyền cho biết quanh ngôi của Đức Chúa Trời trên thiên đàng, Chúa sẽ làm một điều vĩ đại hơn nữa. Tại đó chúng ta sẽ hát một bài ca mới, đây là một loại âm nhạc mà chúng ta chưa từng biết qua. Hãy nghĩ đến nhu cầu cũng như lòng khát khao được bày tỏ những điều không thể diễn tả được quanh ngôi của Đức Chúa Trời trên thiên đàng.

Qua Thi Thiên nầy Đa-vít không những nói với chúng ta thờ phượng Chúa như thế nào mà ông cũng còn cho biết điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta thờ phượng Chúa. Theo Đa-vít, khi bước vào trong sự thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm và hiểu biết những điều mà ngoài sự thờ phượng thì chúng ta không sao biết được. Lấy ví dụ Đa-vít nói rằng khi thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ biết Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng Chăn chiên và chúng ta chỉ là những con chiên nhỏ bé của Ngài. Một số người cho rằng nếu chúng ta dâng hiến đời sống cho Chúa cách vô điều kiện, nếu chúng ta sống trong tinh thần là làm bất cứ việc gì Chúa bảo, đi bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào Chúa sai thì cuộc đời cuối cùng kết thúc trong hẩm hiu bi đát. Hoàn toàn sai trật. Thi Thiên nói rằng, “Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành.” Một chỗ khác cho biết “Ý muốn của Đức Chúa Trời là tốt lành và trọn vẹn.” Sứ đồ Phao-lô thách thức chúng ta khám phá ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời dành cho mỗi chúng ta. Chúng ta có thể không tin điều đó nếu chúng ta chưa từng bước vào trong sự hiện diện của Ngài, nhưng một khi kinh nghiệm chúng ta sẽ biết chắc một điều, “Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành” chúng ta biết rằng Ngài là Đấng tốt lành.

Theo Thi Thiên nầy, Chúa cũng muốn mọi người khắp nơi biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành. Ngài muốn mọi người biết thờ phượng nghĩa là gì, Ngài muốn họ biết ra mắt Chúa và bày tỏ niềm vui trong sự thờ phượng là thế nào. Câu cuối cùng cho biết “Sự thành tín Ngài còn đến đời đời.” Chữ đời đời ở đây có nghĩa là từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Chúa muốn mọi người mọi nơi biết thờ phượng Ngài.

Trong lịch sử của Hội Thánh, những giáo sĩ hoặc là những người đã làm những công tác lớn lao cho Đức Chúa Trời, trước đó họ là những người thờ phượng Chúa. Do đâu mà Sứ đồ Phao-lô đã được thúc đẩy để làm một giáo sĩ xông xáo trong công trường thuộc linh. Phao-lô kể lại rằng ông đã được đem lên từng trời thứ ba, ông cho biết ông đã thấy Chúa Phục sinh. Ông trải qua hằng 3 năm tại đồng vắng với Chúa Giê-xu Christ. Ông sống trong sự hiện diện của Ngài và thờ phượng Ngài. Hãy đến với Chúa để thờ phượng Ngài cách cá nhân, rồi sau đó, chúng ta sẽ ra đi và kết quả cho Ngài.

Đây là một khuôn mẫu được dạy trong Thi Thiên nầy. Khi đến với Chúa, một trong những điều chúng ta sẽ học biết đó là chúng ta phải ra đi cho Đức Chúa Trời vì Ngài muốn mọi người khắp mọi nơi từng trải kinh nghiệm mà Đa-vít đã từng trải trong sự thờ phượng Chúa. Khi học đến sách các tiên tri, chúng ta nghe Ê-sai là người đã kinh nghiệm trong sự hiện diện của Chúa nói rằng, “Có con đây, xin hãy sai con.” Người ra đi kết quả cho Chúa là người đã nhiệt thành trong sự thờ phượng Ngài.

Theo Đa-vít, sau khi thờ phượng, chúng ta cũng ra đi để phục vụ Chúa cách hớn hở vui mừng. Chúng ta không phục vụ Chúa vì trách nhiệm hay vì ép buộc, nhưng phục vụ Ngài với lòng tự nguyện vui mừng. Thi Thiên 100 dạy chúng ta thờ phượng nghĩa là gì? Làm thế nào để thờ phượng? Điều gì xảy ra khi thờ phượng? Và kết quả của sự thờ phượng là gì? Thi Thiên 100 là một Thi Thiên thờ phượng điển hình. Lần đến chúng ta sẽ học Thi Thiên nói về sự cứu chuộc được trình bày ở năm mức độ khác nhau. Xin quí thính giả thực hành sự thờ phượng Chúa bằng cách đọc các Thi Thiên 100, 107 và 150.

Bài trướcKính Sợ Đức Chúa Trời – 25/8/2019
Bài tiếp theoCó Phước Hơn – 26/8/2019