Bài 109: Phước Hạnh Của Sự Tha Thứ

3654

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Thi Thiên 32

1  Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình!
2  Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, Và trong lòng không có sự giả dối!
3  Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu-tàn, Và tôi rên siết trọn ngày;
4  Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; Nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè.
5  Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; còn Chúa tha tội ác của tôi.
6  Bởi cớ ấy phàm người nhơn đức đều cầu nguyện cùng Chúa trong khi có thể gặp Ngài; Quả thật, trong lúc có nước lụt lan ra, thì sẽ chẳng lan đến người.
7  Chúa là nơi ẩn núp tôi; Chúa bảo hộ tôi khỏi sự gian truân; Chúa lấy bài hát giải cứu mà vây phủ tôi.
8  Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; Mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi.
9  Chớ như con ngựa và con la, là vật vô tri; Phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được, Bằng chẳng, chúng nó không đến gần ngươi.
10  Kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn; Nhưng người nào tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, sự nhơn từ vây phủ người ấy.
11  Hỡi người công bình, hãy vui vẻ và hớn hở nơi Đức Giê-hô-va! Ớ các người có lòng ngay thẳng, hãy reo mừng!

Trong khi tiếp tục lược khảo Thi Thiên là những bài ca thánh được linh cảm của Cựu Ước, chúng ta đến Thi Thiên 32. Chúng ta đã học qua một số Thi Thiên nói về người được phước, đây là Thi Thiên rao giảng, tác giả nói với con người về Đức Chúa Trời. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu một số Thi Thiên cầu nguyện, đây là Thi Thiên mà tác giả nói với Đức Chúa Trời về con người. Thường những Thi Thiên này được cảm tác khi tác giả ở trong gian truân đau khổ hoặc vui mừng phước hạnh. Nếu tâm trạng của quí vị  giống như tâm trạng của tác giả, nhất là ở trong sự đau buồn, xin hãy suy gẫm các Thi Thiên này để xem tác giả đã giải quyết nan đề mình như thế nào.

Những Thi Thiên 32, 51 và một số khác nói về những hậu quả do tội lỗi gây ra trên phương diện thể chất. Đa-vít nói về sự giả dối, đau buồn và thất vọng, ông cũng cho biết sức lực  ông tiêu hao như nước khô hạn vào những ngày nắng nóng. Đa-vít trải qua một thời kỳ khô hạn thuộc linh. Các tiên tri cũng thường nói đến điều này, A-ghê cho biết bởi sự không vâng lời mà Đức Chúa Trời đã khiến sự khô khan cằn cỗi giáng trên con người và công việc của họ. Đó là lý do  khiến dân sự Chúa ở trong sự khô hạn thuộc linh. Tác giả Thi Thiên 32 đã giải quyết vấn đề mặc cảm tội lỗi. Xét theo một khía cạnh thì mặc cảm tội lỗi là dấu hiệu tốt vì nó cho biết chúng ta có một tiêu chuẩn về đạo đức nhưng chúng ta không đạt đến mức đó .

Có hai cách đối phó với mặc cảm tội lỗi. Những người không biết Chúa cho rằng không có một tiêu chuẩn công nghĩa nào cả,  do đó không có điều gì gọi là mặc cảm tội lỗi. Kinh Thánh cho biết mặc cảm tội lỗi là thật và có một cách giải quyết vấn đề này, cách đó là  thú tội. Đa-vít cho biết ông đã cố gắng che đậy tội lỗi sau khi quan hệ bất chính với Bát-sê-ba và giết chồng bà là U-ri. Khi xem lại tiểu sử của Đa-vít, chúng ta thấy đây là những năm tháng buồn thảm nhất trong cuộc đời của Đa-vít. Tiên tri Na-than đã dám nêu lên vấn đề này và Đa-vít cuối cùng quyết định thú tội của mình. Đa-vít đã bày tỏ cảm giác vui mừng thanh thản sau khi thú tội. Ông đã nói ở phần cuối của Thi Thiên rằng, “Hãy vui vẻ, hãy hớn hở, hãy reo mừng.” Với cách diễn tả đó, Đa-vít đã nói lên phước hạnh của sự tha thứ đi theo sau sự thú tội. Làm thế nào để biết là mình được tha thứ? Có người nói rằng, “Kinh Thánh đã nói như vậy, tôi tin như vậy.” Dĩ nhiên đúng thế. Lời Chúa trong 1 Giăng 1:9 cho biết,

Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.”

Tuy nhiên, còn một cách khác để biết mình được tha thứ là giống như Đa-vít khi ông kinh nghiệm mặc cảm tội lỗi của ông được cất đi, đó là lúc chúng ta biết mình được tha thứ.

Qua Thi Thiên 23, Đa-vít khuyên chúng ta hãy đem những mặc cảm tội lỗi của mình đến với Chúa, thú tội và ra đi với niềm vui vì biết rằng Chúa đã tha thứ cho mình.

Một Thi Thiên cầu nguyện khác rất hay đó là Thi Thiên 19. Thi Thiên này được chia làm 3 phần. Chúa bày tỏ lẽ thật của Ngài cho chúng ta bằng nhiều cách. Trước tiên Ngài bày tỏ cho chúng ta qua thiên nhiên. Những câu mở đầu cho biết bầu trời là bài giảng về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Không có một giây phút nào nó ngưng không giảng nữa. Khoảng không gian bao la rộng lớn cũng là một bài giảng về sự vĩ đại, vô hạn của Đức Chúa Trời. Cho dầu ngày nay với những viễn vọng kính tối tân, con người vẫn không thể đo được khoảng không gian bao la, vẫn không thể đếm được các vì sao trên bầu trời. Vũ trụ quá mênh mông rộng lớn mà trí óc nhỏ bé con người không làm sao hình dung được. Là một người chăn chiên, Đa-vít hẳn đã nhiều đêm nằm giữa cánh đồng, ngắm xem bầu trời, suy gẫm về Đức Chúa Trời và Ngài đã bày tỏ cho ông qua các vì sao đó. Ngày nay nếu về một vùng quê, không có ánh đèn điện, chúng ta sẽ thấy rõ vẻ đẹp của một bầu trời đầy sao.

Phân đoạn thứ hai đề cập một cách khác mà Đức Chúa Trời dùng để bày tỏ cho con người đó là Kinh Thánh. Các nhà thần học gọi sự bày tỏ qua vũ trụ là mặc khải thiên nhiên, còn sự bày tỏ qua Kinh Thánh là mặc khải đặc biệt. Lời Chúa là sự mặc khải đặc biệt cho con người. Sự kết hợp Kinh Thánh từ đầu tiên cho đến cuối cùng là một phép lạ lớn lao. Đa-vít đã phát biểu về Kinh Thánh như sau, “Lời Chúa là toàn hảo, Lời Chúa là chắc chắn, Lời Chúa là chân thật, Lời Chúa là trong sạch, Lời Chúa là đúng đắn”. Đa-vít cũng cho biết tác dụng của Lời Chúa trong đời sống chúng ta. Lời Chúa làm mắt chúng ta được sáng, Lời Chúa khiến lòng vui mừng, Lời Chúa ban sự khôn ngoan, và trên hết, Lời Chúa có thể thay đổi tâm hồn chúng ta. Đây là phân đoạn cho biết Lời Chúa là thế nào và Lời Chúa có thể làm gì cho chúng ta.

Vào phần cuối Đa-vít hướng vào chính mình mà cầu nguyện,

“12  Ai biết được các sự sai lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết. 13  Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; nguyện tội ấy không cai trị tôi; Thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng.”

Đây chính là  lý do mà Thi Thiên này được phân loại là Thi Thiên cầu nguyện. Trước khi kết thúc Đa-vít đã dâng lên lời cầu nguyện mà nhiều người chúng ta rất quen:

“Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, và là Đấng cứu chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!”

Có sự liên hệ nào giữa lời cầu nguyện của Đa-vít và hai phần trước không? Đa-vít muốn thưa rằng, “Chúa ơi! Sứ điệp của Ngài qua thiên nhiên thật là vĩ đại, tuyệt vời. Sứ điệp qua Lời Ngài là tuyệt đối toàn hảo. Lời Ngài không chỉ là sự mặc khải nhưng còn là quyền năng phi thường cho chúng con. Lời Ngài có thể thay đổi tâm linh, soi sáng và làm cho người ngu dốt trở nên khôn ngoan.” Thế rồi đến phần cuối Đa-vít đặt một vấn đề , “Chúa ơi! vậy thì sự mặc khải của Ngài qua chính đời sống con thì sao?” Những gì Đa-vít nói được diễn tả lại như sau: “Những người chung quanh chúng ta hiểu về Chúa qua chúng ta. Từng ngày một, chúng ta viết lên những trang sách của Tin Lành qua những lời chúng ta nói và việc chúng ta làm.” Đức Chúa Trời bày tỏ lẻ thật bằng nhiều cách khác nhau. Ngài bày tỏ qua thiên nhiên, Ngài bày tỏ qua Kinh Thánh, và Ngài cũng bày tỏ qua chính cuộc đời của quí vị và tôi. Quí vị và tôi là cuốn Kinh Thánh duy nhất mà người khác đọc.

Phao-lô cũng cho biết như vậy khi nói với tín hữu tại Cô-rinh-tô rằng:

“Ấy chính anh em là thơ gởi gắm của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc” (2 Cô-rinh-tô 3:2)

Những người chung quanh đang đọc loại Kinh Thánh nào qua đời sống của quí vị và tôi? Ý thức được điều này nên Đa-vít đã cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, Khi con suy nghĩ về sứ điệp của Ngài qua thiên nhiên và qua Kinh Thánh thì con cũng xin Ngài biến chính con thành một sứ điệp của Chúa vậy. Xin cho những lời con nói và những điều con suy nghĩ được đẹp lòng Ngài.”

Thi Thiên 73 là một Thi Thiên cầu nguyện, Thi Thiên này không được viết bởi Đa-vít nhưng bởi A-sáp. A-sáp đã ganh tị khi thấy kẻ ác được hưng thạnh, ông đặt vấn đề liệu Đức Chúa Trời công bằng khi kẻ ác được thịnh vượng. A-sáp ở trong tâm trạng hoài nghi và ganh tị. Khi lược khảo về sách Gióp và 30 lý do vì sao tín hữu Cơ Đốc chịu khổ, chúng ta nhận thấy rằng Đức Chúa Trời quả thật có cho phép con cái Ngài chịu khổ. Khi Ngài ban ơn cho con dân Ngài để chịu đựng khổ nạn họ trở nên ngọn đèn cho thế giới chung quanh để soi rạng vinh quang của Đức Chúa Trời. Tin nhận Chúa không có nghĩa là mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Thực ra trở nên môn đồ của Chúa có thể dẫn đến nhiều khó khăn hơn. Đức Chúa Trời muốn thế giới biết rằng có một bửu vật vô giá là Chúa đang ở  trong bình đất là thân thể của chúng ta. Cách mà Đức Chúa Trời muốn bày tỏ bửu vật vô giá đó là cho phép áp lực đến trên bình đất hay nói cách khác người chung quanh sẽ nhìn thấy Chúa qua chính khổ nạn mà con cái Chúa chịu.

A-sáp không chấp nhận điều đó. Ông nói, “Tôi xem những kẻ gian ác, chúng không có nan đề nào cả. Chúng được giàu có, hanh thông. Chúng muốn gì được nấy. Trong khi đó, tôi gặp khó khăn mỗi ngày.” A-sáp thú nhận rằng, “Điều đó làm cho tôi xuống tinh thần. Tôi không dám nói lên nan đề của tôi với bất cứ người nào tin Chúa vì nó sẽ làm tổn thương họ. Họ xem tôi như một mẫu mực nên những ngờ vực của tôi sẽ gây bối rối cho họ.”

A-sáp tiếp tục nói với chúng ta, “Điều này làm cho tôi băn khoăn trăn trở cho đến khi tôi vào trong đền thờ của Đức Chúa Trời.” Theo A-sáp, chúng ta không thể giải quyết vấn đề ngờ vực bằng cách đến các trường thần học. Đó không phải là nơi để giải quyết nan đề của A-sáp ngày xưa và cho chúng ta ngày nay. Chúng ta giải quyết nan đề bằng cách đi vào đền thờ.

Khi A-sáp đem vấn đề của ông đến đền thờ, Đức Chúa Trời đã cho A-sáp hiểu thế nào là kinh nghiệm khổ đau của địa ngục. Nói cách khác Chúa cho ông thấy được sự cuối cùng của kẻ ác. Chúa cho A-sáp thấy hậu quả mà kẻ ác phải gặt lấy vào cuối đời của họ. Kinh Thánh thường nhắc chúng ta rằng, “Có một con đường dường như chính đáng, nhưng cuối cùng nó là nẻo của sự chết.” Nếu trải qua 5 phút dưới địa ngục, chúng ta sẽ là những người nhiệt thành để đi ra rao giảng Tin Lành. Chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ hơn, dành nhiều sức lực hơn, dành nhiều tiền bạc hơn cho nỗ lực cứu người ra khỏi địa ngục trầm luân.

Cho phép tôi được đặt một câu hỏi với quí thính giả, nếu Đức Chúa Trời cho phép chúng ta sống 5 phút dưới địa ngục và 5 phút trên thiên đàng thì 5 phút nào sẽ tạo nên ảnh hưởng lớn nhất trong đời sống chúng ta?” Xin quý vị suy nghĩ để lần đến chúng ta sẽ đề  cập về câu hỏi đó.  

Bài trướcĐừng Đánh Mất Lòng Tôn Kính – 25/6/2019
Bài tiếp theoTiền Giang: Trại Hè Thanh Thiếu Niên và Bồi Linh Các Hội Thánh Trong Tỉnh