Bài 105: Phước Cho Người Nào

6636

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Chúng ta đang khảo sát Thi Thiên nói về “người được phước.” Những Thi Thiên này đã nêu lên một thắc mắc. Chúng ta cùng xem qua Thi Thiên 128:

Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va,
Đi trong đường lối Ngài!
Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình,
Được phước, may mắn.
Vợ ngươi ở trong nhà ngươi
Sẽ như cây nho thạnh mậu;
Con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi
Khác nào những chồi ô-li-ve.
Kìa, người nào kính sợ Đức Giê-hô-va
Sẽ được phước là như vậy.
Nguyện Đức Giê-hô-va từ Si-ôn ban phước cho ngươi;
Nguyện trọn đời mình ngươi được thấy sự phước lành của Giê-ru-sa-lem.
Nguyện ngươi được thấy con cháu mình!
Nguyện sự bình an giáng trên Y-sơ-ra-ên!

Câu hỏi là “Liệu có phải mọi người đều được Đức Chúa Trời ban phước không?” Vì câu mở đầu của Thi Thiên nói rằng “phước cho người nào” hay “phước cho mọi người.” Chúng ta xem qua Thi Thiên 128 vì nó là một Thi Thiên điển hình nói về người được phước.

Những người không có thắc mắc gì về Kinh Thánh thường là người không đọc Kinh Thánh. Nếu quí vị đọc qua Kinh Thánh, chắc chắn quí vị sẽ có những thắc mắc. Một câu hỏi được đặt ra khi đối chiếu giữa Gióp với Thi Thiên 128 là Thi Thiên này cho biết người tốt hay người tin kính sẽ nhận được phước lành, nhưng sách Gióp lại cho biết, “Đức Chúa Trời không luôn luôn ban phước cho người tốt vì họ tốt.” Gióp là người tốt, người công bình nhưng ông đã lâm vào những hoạn nạn lớn. Khi một người lâm vào những đau thương và hoạn nạn, điều này không có nghĩa là họ đã phạm tội. Những người bạn của Gióp đã lập luận như vậy và Chúa cho biết họ sai.

Trong phần lược khảo 30 lý do về sự đau khổ của con cái Chúa, chúng ta biết quan niệm cho rằng những người tin kính Chúa sẽ không bị đau ốm, nghèo khổ là không đúng. Tuy nhiên, ngay sau sách Gióp, những câu mở đầu của Thi Thiên nói rằng phước cho người tin vào Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa và thực hành Lời Chúa. Người như vậy sẽ được phước, họ không bị rúng động, được thịnh vượng, sống lâu và an ninh. Họ được mọi phước hạnh. Có phải sứ điệp về người được phước trong Thi Thiên trái ngược với sứ điệp của sách Gióp?

Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời tể trị trong việc sắp xếp Kinh Thánh theo thứ tự. Quá trình sắp xếp Kinh Thánh được thực hiện bởi con người, nhưng Đức Chúa Trời đã điều khiển khi họ làm công việc này. Không phải ngẫu nhiên mà sách Gióp được đặt trước Thi Thiên, là sách mà ngay trong đoạn 1 nói về người được phước. Trước khi Chúa phán rằng, “Người tin kính sẽ được ban phước” trong Thi Thiên thì qua sách Gióp, Chúa khẳng định rằng, “Điều đó không luôn luôn xảy ra.” Nguyên tắc phổ thông của Kinh Thánh là gieo gì gặt nấy, nhưng nguyên tắc này không được áp dụng một cách máy móc. Vì thực tế vẫn có những người gieo thiện lành nhưng lại gặt đau khổ. Sách Gióp khai triển vấn đề này rất rõ ràng. Chúa dạy qua Gióp rằng, đôi khi Chúa thử nghiệm người được Ngài ban phước. Đôi khi Ngài muốn người đó tăng trưởng. Ít nhất có ba mươi lý do Đức Chúa Trời cho phép người tin kính gặp những điều tổn hại dữ dội mặc dầu sự tổn hại này không có liên quan đến những gì họ đã gieo ra. Dẫu vậy, Thi Thiên nói về người được phước cho biết nguyên tắc phổ quát là Đức Chúa Trời ban phước cho người tin kính, họ gặt những gì họ đã gieo ra.

Thi Thiên 128 bày tỏ cùng một lẽ thật. Người được phước không phải do ngẫu nhiên hay trùng hợp. Thi Thiên này bắt đầu với 4 chữ “Phước cho người nào” cũng tức là “phước cho mọi người”. Dĩ nhiên là câu này không chấm dứt tại đây. Có nhiều người muốn ngắt câu ngay tại đó. Phước cho mọi người, chấm hết. Ngày nay, có một quan niệm cho rằng Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, Ngài yêu tất cả mọi người, vì thế Ngài muốn ban phước cho mọi người, nên không hề có cái gọi là địa ngục. Họ cho rằng mọi người đều được ban phước dựa vào quan niệm của họ về Đức Chúa Trời. Nhưng thuộc tính của Đức Chúa Trời giống như cầu vòng có nhiều màu khác nhau. Không phải Chúa chỉ có một thuộc tính nhưng mà là nhiều thuộc tính. Ngài là Đấng yêu thương, nhưng yêu thương không phải là tất cả. Kinh Thánh dạy rằng phước hạnh của một người được phước là có điều kiện.

“Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Đi trong đường lối Ngài! Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình” (1-2).

Họ được phước vì lòng tin cũng như do các quyết định đúng đắn của họ trong cuộc sống. Phước hạnh dành cho người kính sợ Chúa. Đương nhiên họ là người có lòng tin nơi Chúa, vì sợ Chúa nên họ không dám bất tuân Lời Chúa. Theo Thi Thiên 1 thì chứng cớ của lòng tin đó là họ bước đi trong đường lối của Ngài. Hay rõ hơn là sống theo sự chỉ dẫn của Chúa qua lời của Ngài. Đó là lý do vì sao họ được phước. Lẽ thật căn bản được trình bày tại đây, “Họ hưởng công việc của tay mình.” Một lần nữa, câu nói của Robert hoàn toàn thích ứng: “Sớm muộn gì mỗi người đều gặt những gì mình đã gieo.”

Kinh Thánh trình bày về quy luật “gieo và gặt”. Chúng ta gặt những gì chúng ta gieo. Quy luật này được viết cho con cái Chúa chứ không phải chỉ là những người chưa tin. Lời Chúa trong Ga-la-ti 6:7-8 chép rằng: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời.” Theo văn mạch, chúng ta biết rằng Phao-lô đang khuyên dạy các tín hữu, là những người đã tin nhận Chúa.  Ông cho biết nếu gieo dục vọng xác thịt thì cuối cùng sẽ gặt lấy sự hư mất. Nếu gieo những điều thuộc linh thì sẽ gặt lấy sự sống đời đời. Sự lựa chọn thuộc về chúng ta.

Đây là sứ điệp của Thi Thiên 128. So với những Thi Thiên khác thì nó có một điểm khác biệt. Nó cho biết người được phước và các phước hạnh của họ phù hợp với chương trình và kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho thế giới như thế nào. Một số người nghĩ rằng họ thật thuộc linh khi nói, “Tôi đã quyết định mời Đức Chúa Trời tham dự vào chương trình của tôi. Chúa cùng làm việc với tôi vì tôi mời Ngài bước vào các kế hoạch của tôi.” Thật ra đây không phải là điều Kinh Thánh dạy. Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời muốn đem chúng ta vào trong kế hoạch của Ngài. Đức Chúa Trời khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ngài, là những người được gọi theo kế hoạch của Ngài. Chúa muốn đời sống chúng ta phải phù hợp theo kế hoạch của Ngài. Giống như sách Gióp, khi đến những Thi Thiên nói về người được phước, chúng ta không muốn mình là tâm điểm của mọi sự, chỉ cần xòe tay ra thưa với Chúa rằng, “Chúa sẽ ban gì cho con vì con là người tin kính?” Câu mà chúng ta nên hỏi đó là, “Chúa ơi, một người được phước sẽ cống hiến gì cho công việc Chúa? Con có thể làm gì cho Chúa?” Đây là sứ điệp của Thi Thiên 128.

Thi Thiên này mô tả một trình tự. Khi Chúa thấy một người tin cậy Ngài và bước đi theo đường lối của Ngài thì Chúa ban phước cho người đó. Tiếp theo là vợ của người đó được phước. Phước hạnh của Đức Chúa Trời ban xuống trên người vợ qua người chồng, Kinh Thánh dạy rằng vợ người được kết quả như cây nho thạnh mậu. Từ đó phước hạnh của Chúa ban xuống những đứa con thông qua cha mẹ của chúng. Những đứa con giống như những chồi Ô-li-ve chung quanh. Chồi Ô-li-ve tượng trưng cho đời sống kết quả. Phước hạnh không dừng tại đây, từ gia đình này hay từ người chồng người vợ và con cái của họ, phước hạnh lan đến Si-ôn là cộng đoàn tôn giáo trong Cựu Ước, giống như Hội Thánh trong Tân Ước. Sau đó, qua cộng đồng này, gia đình ảnh hưởng đến Giê-ru-sa-lem, rồi đến quốc gia Y-sơ-ra-ên, và cuối cùng là cả thế giới. Đây là phương cách Đức Chúa Trời hành động. Đơn vị căn bản trong kế hoạch của Đức Chúa Trời không phải là Hội Thánh nhưng là gia đình.

Để hiểu được sứ điệp của Thi Thiên này, chúng ta đặt ngược vấn đề. Nếu thế giới bất ổn, nếu quốc gia lộn xộn, nếu một thành phố đầy dẫy điều sai trái thì đâu là nguyên nhân? Theo Thi Thiên 128, nguyên nhân là ở gia đình. Gia đình là nơi quyết định sự thắng bại của cuộc chiến. Trong gia đình thì người chồng hay người cha là đối tượng đầu tiên qua đó Đức Chúa Trời ban phước cho cả nhà. Vậy qua Thi Thiên 128, Chúa muốn nói với chúng ta rằng, “Khi ta muốn tạo những ảnh hưởng tốt trên một thành phố, một quốc gia và cho đến cả thế giới thì ta bắt đầu với một người chồng hay một người cha tin kính. Khi người này tin ta và bước đi theo đường lối của ta thì ta ban phước cho người đó. Phước hạnh này được lan truyền sang vợ và con của họ. Rồi từ gia đình của họ mà đến thành phố, từ thành phố đến quốc gia, từ quốc gia đến cả thế giới.

Thi Thiên này cho biết cách Đức Chúa Trời dùng người chồng hay người cha được phước để tạo ảnh hưởng trên cả thế giới. Theo Thi Thiên 128 thì gia đình và người đàn ông là đơn vị căn bản trong chương trình của Đức Chúa Trời. Thi Thiên 128 chính là kế hoạch của Chúa Giê-xu. Kế hoạch này bắt đầu với người đàn ông. Nếu người đàn ông tin Chúa và sống theo Lời Chúa dạy thì Chúa sẽ ban phước cho người đó. Phước hạnh này được lan truyền đến vợ và con. Rồi từ đơn vị gia đình mà tạo nên ảnh hưởng trên cả thế giới. Đó là vị trí của một người đàn ông tin kính trong kế hoạch của Đức Chúa Trời nhằm tạo ảnh hưởng đến thế giới chung quanh.

Liệu quí vị có phải là người chồng, người cha được Chúa ban phước không? Hay mở rộng hơn, có phải quí vị là những người nam, những người nữ được Chúa ban phước không? Có quan niệm cho rằng mọi người đều được Chúa ban phước, có đúng như vậy không? Xin thưa là không. Lời Chúa qua Thi Thiên nói về người được phước cho biết không phải như vậy. Chỉ có những người nam, những người nữ tin kính mới được ban phước. Thi Thiên cho biết những điều kiện chúng ta cần phải đáp ứng để Đức Chúa Trời ban phước. Quí vị có thể thực hiện những điều kiện này để được Chúa ban phước hay từ chối để nhận một kết quả trái ngược. Sự lựa chọn thuộc về quí vị.

Bài trướcCông Tác Từ Thiện Tại Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam
Bài tiếp theoKiên Giang: Khai Giảng Thánh Kinh Căn Bản Dài Hạn Khóa II Năm 1