Bài 102: Ngài Khiến Tôi An Nghỉ (tt)

2268

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.
Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.
Ngài bổ lại linh hồn tôi, Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.
Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.
Chúa dọn bàn cho tôi Trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, Chén tôi đầy tràn.
Quả thật, trọn đời tôi Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi; Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va Cho đến lâu dài”  (Thi Thiên 23)

Qua Thi Thiên nầy, Đa-vít nói với chúng ta về Đức Chúa Trời của ông. Có người nói rằng Thi Thiên 23 là lời tâm sự của con chiên. Hãy hình dung một con chiên nhỏ đang ở trong chuồng, nhìn ra đồng cỏ xanh và nói, “Xin cho phép tôi được nói về người chăn của tôi. Khi có người, tôi có tất cả. Tôi có đồng cỏ xanh tươi, tôi có mé nước bình tịnh, chén tôi đầy tràn, tôi biết con đường tôi đang đi là đúng, tôi biết rằng phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi suốt cuộc đời, khi qua đời tôi sẽ được ở với người chăn tôi đến muôn đời. Mọi điều tôi có đến từ người chăn của tôi”.

Thi Thiên 23 là một Thi Thiên nói về người được phước và Đa-vít là con người đó, Đa-vít có tất cả. Quí vị muốn điều gì nhất cho cuộc sống của mình? Đồng cỏ xanh tươi chỉ về của cải vật chất mà tất cả chúng ta đều cần. Ông nói, “Tôi có những điều đó, tôi có đồng cỏ xanh tươi.” Nhiều người có của cải vật chất nhưng bên cạnh của cải, lòng họ đầy lo âu. Đa-vít thì khác, ông có đồng cỏ xanh với mé nước bình tịnh, nói cách khác bên cạnh đồng cỏ xanh, Đa-vít có lòng bình an. Thật ít người biết họ nên làm gì, nhưng Đa-vít quả quyết, “Tôi biết con đường tôi đang đi là con đường công bình.”

Đa-vít nói rằng chén của ông đầy tràn, đây là hình ảnh của hạnh phúc. Mọi người đều mong muốn hạnh phúc. Thi Thiên 23 cho biết người được phước là người hạnh phúc. Người đó hạnh phúc vì chén của họ luôn luôn đầy tràn. Hạnh phúc suốt cuộc đời và cho đến lâu dài.

Do đâu mà người đó được hạnh phúc? Quí vị có muốn làm một người được phước và được hạnh phúc không? Câu trả lời nằm ở phần mở đầu của Thi Thiên, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.” Cho đến khi nào mà tác giả còn nói rằng “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” thì người đó có tất cả.

Câu mở đầu, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” nói lên hai điều. Nó nói với chúng ta về vị trí của Đức Chúa Trời và vị trí của chúng ta. Khi nói rằng, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” thì cũng ngụ ý rằng, “Tôi là chiên của Ngài.” Nhiều người không chấp nhận lối ví sánh nầy, nếu biết về chiên thì thật là không tương xứng khi ví sánh chiên với người. Có một người rất thành công nói rằng, “Tôi không phải là chiên, tôi không cần người chăn. Tôi chưa từng gặp một nan đề nào mà tôi không thể giải quyết được.” Khi nghe nói như vậy Mục sư Dick Woodward nói rằng, “Tôi có thể cầu nguyện cho ông được không?” Sau khi cầu nguyện cho người đó khoảng 2 năm, Mục sư gặp lại người đó trong văn phòng và nghe ông nói, “Lần đầu tiên trong đời tôi không biết phải xoay xở ra sao. Tôi đã gặp một nan đề không sao giải quyết được.”

“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi là chiên của Ngài” chính là bí quyết của các phước hạnh. Sau đó Đa-vít nói đến việc làm thế nào để mối liên hệ nầy được thiết lập. Khi quí vị khám phá rằng mối liên hệ giữa Đấng chăn chiên và con chiên là bí quyết của phước hạnh thì câu hỏi tiếp theo là làm sao tôi xây dựng mối liên hệ đó với Đức Chúa Trời? Câu thứ hai Đa-vít nói, “Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi.” Thật ra câu này có nghĩa là “Ngài khiến tôi nằm xuống nơi đồng cỏ xanh tươi.” Người chăn thường có cây trượng và cây gậy. Cây gậy dùng để bảo vệ chiên khỏi dã thú. Cây trượng dùng để hướng dẫn và có khi để kỷ luật chiên. Một đầu của cây trượng là cái móc, đầu kia thì cùn nhẵn và đính một vật nặng. Người chăn dùng phía đầu có móc để kéo những con chiên đi lang thang. Khi người chăn muốn ra lịnh, kỷ luật chiên thì họ dùng phía cùn nhẵn đánh trên đầu chiên giữa hai sừng và nói, “Nằm xuống.”

Có câu chuyện vui kể về một tân binh cảnh sát. Sau khi được dạy về võ thuật, anh đến gặp huấn luyện viên và hỏi “Làm sao em có thể nâng cao trình độ võ thuật của mình?” Người huấn luyện nhìn chàng tân binh và nói, “Cậu cần kinh nghiệm.” Chàng tân binh hỏi tiếp “Nhưng làm sao em có được kinh nghiệm?” Huấn luyện viên nói, “Hãy đi về vùng quê, đọ sức với những người làm nông đứng tuổi.” Nghe theo lời khuyên chàng tân binh liền phóng lên xe lái về vùng quê, gặp một bác nông gia đang bước ra khỏi nhà kho. Chàng lính trẻ chạy đến và sau khi chào hỏi xã giao chàng tân binh dùng tay chặt vào cổ bác nông gia. Cú đòn bất ngờ khiến bác nông gia choáng váng quị xuống. Nhưng rồi bác lắc đầu vài cái và hỏi, “Đòn gì vậy?” Chàng tân binh trả lời, “Karate của Hàn quốc.” Bác nông gia nói “Được ghê há!” và đứng dậy, trong khi đi về phía hướng kho lúa thì chàng giáng một đòn khác vào phía sau cổ khiến bác té sấp xuống đống rơm. Ba mươi giây sau bác nông gia mới đứng dậy và hỏi, “Đòn gì đó chú em?” Chàng tân binh trả lời, “Đó là nhu đạo từ Nhật bản.” Bác nông gia nói, “Chú em hãy giữ hết mọi ngón nghề của mình.” Rồi bác không rời mắt khỏi chàng tân binh lui về nhà kho. Khi trở lại, tay bác cầm một vật gì phía sau lưng, trong nháy mắt bác đánh nhanh vào đầu của chàng. Ba mươi phút sau, chàng mới đứng dậy và thấy bác đang nhìn chàng cười. Chàng hỏi, “Đòn gì vậy bác?” Bác nông gia từ tốn trả lời, “Xà beng từ tiệm bán nông cụ.”

Thi Thiên 23:2 mô tả việc Chúa khiến chúng ta nằm xuống giống như bác nông gia dùng cây xà beng. Nếu Chúa là người chăn của chúng ta, Ngài khiến chúng ta nằm xuống bằng cách đưa chúng ta vào chỗ bế tắc. Những nan đề không sao giải quyết được ví như cái xà beng mà Chúa dùng để đánh ngay vào đầu chúng ta. Chúa dùng những sự bế tắc để khiến chúng ta phải lưu tâm để ý.

Thi Thiên 23 cho biết Chúa khôi phục tâm linh chúng ta bằng cách dẫn chúng ta vào các lối công bình vì cớ danh Ngài. Thường thì sau khi nằm xuống nơi đồng cỏ xanh, bên cạnh mé nước bình tịnh, chén được tràn đầy thì chúng ta lại đứng dậy và cứng đầu sa ngã trở lại. Chính lúc đó chúng ta cần được khôi phục. Làm thế nào để Chúa khôi phục chúng ta? Theo Đa-vít thì Chúa khôi phục linh hồn chúng ta bằng cách rất là thực tế. Đấng chăn chiên lớn khôi phục bằng cách dẫn chúng ta vào các lối công bình. Ngài làm mọi sự vì cớ danh Ngài.

Làm thế nào để áp dụng Thi Thiên 23 vào đời sống chúng ta? Quí vị có những ngày đáng ghi nhớ cho đời sống tâm linh của mình không? Quí vị còn nhớ khi nào là lần đầu tiên trong đời quí vị nói rằng, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi?” Quí vị còn nhớ khi nào Chúa đã làm cho quí vị phải nằm xuống không? Có thể quí vị nhớ lại trong quá khứ Chúa đã từng là Đấng chăn dắt quí vị, lúc đó những đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh và chén vui mừng được tràn đầy. Nhưng bây giờ cỏ trở nên khô héo, nước trở nên khuấy động và chén vui mừng trống rỗng. Điều gì đã xảy ra vậy? Quí vị đã đánh mất phước hạnh vì bây giờ Chúa không còn là người chăn, nhưng quí vị là người chăn cho chính mình. Điều cần làm là tái lập mối liên hệ giữa Đấng chăn chiên và quí vị. Khi nhận thức được điều đó thì làm sao để Chúa khôi phục lại linh hồn của quí vị? Chúa khôi phục bằng cách dẫn quí vị vào các lối công bình vì cớ danh Ngài. Động từ Đa-vít dùng là “dẫn” có nghĩa là “lái.” Đôi khi tốn đến hằng hai ba năm trong lối công bình để khôi phục lại tâm linh.

Thi Thiên 23 trình bày một triết lý sống hoàn chỉnh. “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, Ngài khiến tôi nằm xuống.” Nếu muốn có đồng cỏ xanh, mé nước êm và chén được tràn thì phải học biết rằng, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, Ngài khiến tôi nằm xuống. Không những nói nhưng cũng sống với điều đó.

Thi Thiên 23 cũng trình bày triết lý của sự chết. Nhiều người biết phải sống như thế nào nhưng không biết chết như thế nào. Thi Thiên nầy chỉ dạy chúng ta sống như thế nào và chết như thế nào. Sự chết được diễn tả như sau: Đấng chăn chiên đến với chúng ta lần cuối cùng, vì không ai trong chúng ta muốn chết nên Ngài khiến chúng ta nằm xuống an nghỉ trong sự chết để Ngài ban cho chúng ta phước hạnh trong cõi đời đời. Kinh Thánh thường xuyên nhắc chúng ta về sự thật của cõi đời đời và đó mới là điều quan trọng. Tại nơi đó cỏ không bao giờ khô héo, nước không bao giờ bị khuấy động, chén không bao giờ cạn, nhưng vì không ai trong chúng ta sẵn sàng ra đi, do đó Chúa đem chúng ta vào trong nơi an nghỉ qua sự chết. Chúa khiến tôi an nghỉ qua sự chết vì Ngài muốn ban cho tôi những phước hạnh đời đời.

Thi Thiên 23 cũng là một toa thuốc dành cho người thất bại. Nhiều người sống thế nào, biết chết thế nào nhưng ít người biết đối phó với thất bại như thế nào. Họ sợ hãi khi nghĩ đến thất bại, thậm chí họ có thể tìm đến với cái chết vì thất bại. Thi Thiên 23 dạy rằng khi thất bại chúng ta hãy chạy đến với Đấng chăn chiên và thưa rằng, “Con cần được khôi phục lại.” Đấng chăn chiên sẽ thực hiện điều đó bằng cách dẫn chúng ta vào trong các lối công bình, có khi đến vài năm để khôi phục chúng ta.

“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” là câu quan trọng nhất của Thi Thiên nầy. Không những Đấng chăn chiên kỷ luật mà còn dẫn dắt chúng ta. Khi Ngài dẫn dắt chúng ta có thể nói rằng “tôi sẽ chẳng sợ hãi gì.” Chúng ta không sợ vì Ngài ở với chúng ta. Cây gậy của Ngài bảo vệ chúng ta, còn cây trượng thì Ngài dẫn dắt và an ủi chúng ta. Khi cuộc đời chồng chất bởi những khó khăn và hoạn nạn thì chúng ta biết rằng Ngài dọn bàn cho chúng ta nghĩa là Ngài có thể cung cấp cho chúng ta.

Có một câu chuyện cảm động kể về gia đình làm nghề chăn chiên tại Thụy Sĩ. Họ dạy đứa con trai nhỏ Thi Thiên 23. Mỗi đêm trước khi em đi ngủ, mẹ dạy em nói rằng, “Chúa là Đấng chăn giữ con.” Khi đọc đến chữ “con” thì mẹ dạy em nắm lấy ngón tay trỏ. Hôm nọ em cùng ba mẹ đang chăn chiên ngoài đồng, đột nhiên một cơn bão tuyết dữ dội đổ xuống. Em bị lạc khỏi ba mẹ. Mãi đến 2 ngày sau họ mới tìm thấy thì em đã chết vì bị chôn vùi trong tuyết. Bàn tay trái của em đang nắm chặt ngón trỏ của tay phải. Cha mẹ của em tin rằng cậu con trai nhỏ bé của họ đã đi vào trong cõi đời đời gặp Đấng chăn chiên thật và thưa rằng, “Chúa là Đấng chăn giữ con.”

Quí vị có áp dụng Thi Thiên 23 cho chính mình không? Thi Thiên nầy trở nên sống động với quí vị như nó rất thực với em bé vừa kể trên không? Quí vị có thưa với Chúa rằng, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” không? Ngài muốn làm Đấng chăn giữ quí vị, nhưng Ngài không ép quí vị cho đến khi quí vị tự nguyện nói rằng, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” từng ngày, từng ngày một.

Bài trướcTrẻ Mẫu Giáo Đến Nhà Thờ Tìm Hiểu Lễ Giáng Sinh
Bài tiếp theoPhó Chủ Tịch Nước Thăm, Chúc Mừng Giáng Sinh Hội Thánh Tin Lành Việt Nam