Bài 100: Đối Phó Với Hoạn Nạn, Khổ Đau (tt)

3844

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Trong chương 5 của sách Rô-ma, Phao-lô cho biết cách Chúa dùng đau khổ để đào tạo người hầu việc Ngài như thế nào. Ông viết, “hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn”(Rô-ma 5:3b-5a).  

Dựa theo nguyên văn Hy Lạp, ý của Phao-lô ở đây là “đau khổ hoạn nạn đem lại sự nhẫn nại, nhẫn nại tạo nên phẩm chất.” Qua đó những người chung quanh biết rằng chúng ta đã vượt qua được thử nghiệm. Phao-lô nói tiếp rằng phẩm chất qua thử nghiệm dẫn đến sự trông cậy. Chính nhờ sư trông cậy nầy mà chúng ta không chạy trốn trước đau khổ vì sự trông cậy không làm cho hổ thẹn. Theo nguyên nghĩa, “không làm cho hổ thẹn” là không chạy trốn giống như Giăng Mác đã rút lui hay chạy trốn trong cuộc hành trình truyền giáo với Phao-lô và Ba-na-ba. Dịch theo nghĩa đen thì câu nầy nghĩa là chúng ta sẽ không chạy trốn khi người khác ném đá vào mình.

Kiên trì là đặc tính nỗi bật nhất của các giáo sĩ. Chúng ta có bằng lòng đến những nơi không hề biết đến Chúa và ở đó mười lăm, hai chục năm không? Chúng ta có thể sống giữa vòng kẻ chống nghịch để ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến với họ không? Muốn được như vậy, kiên trì là đức tính cần thiết nhất. Dầu hoàn cảnh thế nào vẫn không rút lui nhưng bám chặt tại đó. Phao-lô cho biết Chúa dùng đau khổ đển tạo nên tính kiên trì nhẫn nại.

Chữ nhẫn nại theo nguyên nghĩa gồm hai chữ “chịu đựng” và “ở dưới”. Người nhẫn nại là người chịu đựng dưới những áp lực, căng thẳng và nguy hiểm. Theo Phao-lô, chúng ta cần chịu khổ vì đau khổ sinh ra nhẫn nại, nhẫn nại sinh ra phẩm chất và phẩm chất đem lại hy vọng. Đây là hy vọng giữ chúng ta không chạy trốn khi sự việc trở nên khó khăn và giúp chúng ta chịu đựng trước các áp lực và nguy hiểm. Trong Phi-lip 3:10, Phao-lô viết, “cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài”.

Phao-lô nói về quyền năng đã khiến Chúa Giê-xu sống lại từ trong vòng kẻ chết và đặc biệt là ngày nay chúng ta có thể kinh nghiệm cùng một quyền năng đó. Ông khẳng định rằng chỉ có cách duy nhất để từng trải quyền năng lớn lao nầy là thông qua đau khổ. Cũng một ý nghĩa đó, Phao-lô nói trong 2 Cô-rinh-tô 4:7-10 rằng, “Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi. Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất. Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Giê-xu trong thân thể mình, hầu cho sự sống của Đức Chúa Giê-xu cũng tỏ ra trong thân thể chúng tôi”. Phao-lô minh họa rằng thân thể chúng ta ví như bình bằng đất. Nhưng trong bình bằng đất nầy có một bửu vật vô giá đó là Chúa Giê-xu Christ, Đấng phục sinh, Đấng sống đang ngự trong chúng ta. Đức Chúa Trời muốn mọi người biết rằng trong bình đất có những vết nứt rạn nầy chứa đựng bửu vật vô giá. Chúa làm bằng cách nào? Bằng cách cho phép những sức ép bên ngoài đến trên bình đất đó. Nói cách khác, chúng ta giống như những bình nhỏ bằng đất sét, nhưng bên trong chứa bửu vật vô giá. Đức Chúa Trời dùng những sự tấn công bên ngoài để bày tỏ bửu vật bên trong cho mọi người qua lời mô tả của Phao-lô, “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất” (4:8-9).

Tại sao cuộc đời và chức vụ của Phao-lô gặp quá nhiều gian lao hoạn nạn? Vì Đức Chúa Trời muốn chứng tỏ cho cả thế giới biết về bửu vật vô giá là Chúa Giê-xu đang ngự trong bình đất hay con người bằng xương thịt của Phao-lô.

Phao-lô nói nhiều về sự đau khổ trong 2 Cô-rinh-tô mặc dầu chủ đề chính của sách là công việc Chúa và cách người hầu việc Chúa được đào luyện. Ví dụ Phao-lô viết, “Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng,dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy”(2 Cô-rinh-tô 4:16-18). Trong phân đoạn nầy, Phao-lô nói cùng một ý với phân đoạn trước, nhưng ông có thêm một ý khi đề cập về người bề ngoài và người bề trong. Người bề ngoài là thân thể của chúng ta, thân thể nầy là phần được cấu tạo bởi các thể chất, nhìn thấy được và rờ chạm được. Phần quan trọng không phải là người bề ngoài nhưng người bề trong.

Chúa muốn chúng ta nhận biết điều đó cho nên đôi khi Ngài cho phép đau khổ hoặc sự tổn hại làm cho người bê ngoài bị tả tơi. Nhưng ngay khi người bề ngoài trải qua đau đớn và tổn hại thì người bề trong vẫn nhận được sức mới mỗi ngày. Qua đau khổ, Chúa muốn chúng ta không chăm vào người bề ngoài thấy được, nhưng chăm vào người bề trong không thấy được, không chăm vào phần tạm thời ngắn hạn, nhưng chăm vào phần đời đời vô cùng.

Sách Hê-bê-rơ cũng nói về vấn đề nầy nhưng đi xa hơn và trích dẫn tiên tri A-ghê. Chúa phán trong sách A-ghê rằng, “Còn một lần, khỏi ít lâu nữa, ta sẽ làm rúng động các từng trời và đất, biển và đất khô” (A-ghê 2:6). Tác giả sách Hê-bơ-rơ cho biết chữ “làm rúng động” trong A-ghê khẳng định rằng không gì còn lại cả ngoại trừ những gì không bị rúng động. Đây là phân đoạn Kinh Thánh rất quan trọng của A-ghê cũng được tìm thấy trong Hê-bơ-rơ chương 12: “Vả, trong những chữ: Còn một lần nữa, tỏ ra rằng các vật hay bị rúng động, vì là những vật đã chịu dựng nên, sẽ bị cất đi, hầu cho những vật không hề rúng động được còn lại. Như vậy, vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài” (12:27-28).

Chúa khẳng định rằng những thực tại thuộc linh là đời đời. Con cái Chúa nên quí trọng các giá trị thuộc linh đời đời. Khi cho phép những đau đớn, tàn tạ xảy đến với thân thể vật chất hữu hình và tạm thời, thì Chúa muốn chúng ta nhìn biết rằng phần thuộc linh không thấy được, đời đời là phần quan trọng. Một ngày kia, Chúa sẽ chứng tỏ điều nầy khi mọi thể chất hữu hình đều bị thiêu hủy. A-ghê nói như vậy, Hê-bơ-rơ nói như vậy và Phi-e-rơ cũng nói như vậy, “Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chết bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả” (2 Phi-e-rơ 3:10).

Với một biến cố như vậy sẽ xảy ra thì câu hỏi là, “Thái độ sống và các tiêu chuẩn giá trị của chúng ta là gì khi biết rằng mọi thể chất rồi sẽ bị thiêu hủy?” Ngày kia Đức Chúa Trời sẽ cầm lấy trái đất nầy và rung chuyển nó, khi Ngài rung chuyển thì chỉ những gì không bị rung chuyển mới còn lại. Điều chúng ta tự hỏi là, “Khi Chúa làm rung chuyển thế giới nầy thì có điều gì trong đời sống chúng ta không bị rung chuyển không?” Nếu chúng ta đã được sinh lại trong Đấng Christ thì Kinh Thánh cho biết chúng ta thuộc về một nước không hề rúng động. Vậy thì điều gì là rúng động và điều gì là không rúng động. Thế giới vật chất hữu hình, những gì thấy được là điều bị rúng động. Phần không bị rúng động là thuộc linh, không thấy được, không thuộc về thể chất.

Tác giả của sách Hê-bơ-rơ giải thích cặn kẽ hơn rằng, “Đức Chúa Trời của chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt” (12:29) Điều này nghĩa là Chúa muốn thiêu đốt ngay bây giờ những gì đi ngược lại bản chất của Ngài. Nếu chúng ta đem cục nước đá và một cây đuốc đến gần nhau thì một trong hai điều sẽ xảy ra. Hoặc là cây đuốc sẽ làm tan chảy nước đá, hoặc là nước đá sẽ làm tắt cây đuốc. Tác giả Hê-bơ-rơ cho biết là Đức Chúa Trời sẽ làm một điều giống như vậy trong đời sống của chúng ta qua đau khổ. Qua đau khổ, chúng ta kinh nghiệm ngọn lửa thiêu đốt của Đức Chúa Trời mà Ngài dùng để thiêu cháy mọi điều ngược lại với bản chất của Ngài. Bản chất của Đức Chúa Trời là thuộc linh. Ngài muốn chuẩn bị chúng ta cho cõi đời đời nơi mà chúng ta sẽ sống với Ngài đời đời. Như vậy sự chuẩn bị cho cõi đời đời là một lý do giải thích sự đau khổ trong hiện tại.

Trong Ga-la-ti 6:7–8, Phao-lô giải thích một trong những lý do của sự đau khổ đó là chính chúng ta đã đem đau khổ lại cho mình. Nhiều người nghĩ rằng câu Kinh Thánh, “Chớ tự dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu vì ai gieo chi sẽ gặt nấy” là câu dành cho tội nhân. Không phải vậy, Phao-lô đang nói với các tín hữu tại Ga-la-ti. Ông khẳng định rằng, “Gieo cho xác thịt sẽ gặt sự hư nát, gieo cho Thánh Linh sẽ gặt sự sống đời đời.” Một người tin Chúa rồi nhưng sống theo dục vọng của xác thịt sẽ gặt lấy sự hư nát. Nhiều lần chúng ta chịu khổ vì những quyết định sai của mình. Nhiều lần chúng ta chịu khổ vì đã phạm tội. Hậu quả luôn luôn đi theo sau tội lỗi, điều nầy được chứng minh qua đời sống của Đa-vít.

Nhưng chúng ta cần thận trọng về vấn đề nầy. Khi một anh em đang chịu khổ, chúng ta không nên gặp họ và nói rằng anh chị chịu khổ vì đã phạm tội. Có thể là như vậy nhưng làm sao chúng ta biết rằng đó là lý do chính xác giải thích sự đau khổ của anh em mình. Nó có thể là những lý do khác. Làm sao chúng ta biết được những gì mà Đức Chúa Trời đang làm việc trong đời sống của họ. Chúng ta là ai mà khẳng định đây là lý do của những đau khổ mà anh em mình đang chịu?

Nếu chúng ta đang chịu khổ hoặc biết một anh em mình đang chịu khổ, hãy nói với họ về 30 lý do của sự đau khổ mà quí vị học biết từ loạt bài học nầy. Có lẽ Thánh Linh Chúa sẽ soi sáng cho quí vị hoặc những người đó biết những gì mà Chúa đang làm trên quí vị hay trên những người chung quanh.

Phao-lô nói với các tín hữu tại Phi-lip rằng, đau khổ là một món quà tặng. Trong Phi-lip 1:29 ông viết, “Ngài nhơn Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa”.

Theo Phao-lô, đau khổ là một món quà, theo Chúa Giê-xu đau khổ không chỉ là một món quà mà còn có phần thưởng lớn theo sau. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu dạy rằng, “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy”.

Khi viết cho các tín hữu đang chịu khổ tại các vùng quanh Rô-ma, Phi-e-rơ nói, “Đây là sự kêu gọi của anh em, Đấng Christ đã chịu khổ vì anh em và để lại cho anh em một gương để anh em theo dấu chơn Ngài.” Phi-e-rơ cho biết đau khổ là một sự kêu gọi và ông giải thích khi Chúa Giê-xu chịu khổ thì Ngài đã để lại cho chúng ta một gương để noi theo.

Chúa Giê-xu cũng cho biết một lý do khác của sự đau khổ đó là thế giới chúng ta đang sống chống nghịch với Đức Chúa Trời và với con của Ngài là Chúa Giê-xu Christ. Chúa phán, “Các ngươi sẽ gặp nhiều hoạn nạn và đau khổ.” Vì lý do đó mà Phao-lô nói rằng, “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-xu Christ, thì sẽ bị bắt bớ(2 Ti-mô-thê 3:12).

Nhiều Cơ Đốc nhân đang bị bách hại vì thế gian nầy chống nghich Chúa Giê-xu. Họ chịu khổ vì tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giê-xu Christ. Chúa đã nói trước rằng vì cớ Ngài mà họ phải chịu khổ hơn bất cứ lý do nào khác.

Bài trướcTuổi Trẻ Cơ Đốc Trước Những Cơ Hội & Thách Thức Hôm Nay              
Bài tiếp theoYêu Nhau: Cùng Nhau Chiến Đấu – 8/11/2018