Yêu Nhau: Cùng Nhau Chiến Đấu – 8/11/2018

2381

 

Phi-líp 1:7-8

7 Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy, là phải lắm; vì anh em ở trong lòng tôi, dầu trong vòng xiềng xích tôi, hoặc trong khi binh vực và làm chứng đạo Tin lành, thì anh em cũng có dự phần ân điển đã ban cho tôi. 8 Đức Chúa Trời cũng chứng rằng tôi lấy lòng yêu dấu của Đức Chúa Jêsus Christ mà tríu mến anh em.

 “Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy, là phải lắm; vì anh em ở trong lòng tôi, dầu trong vòng xiềng xích tôi, hoặc trong khi binh vực và làm chứng đạo Tin Lành, thì anh em cũng có dự phần ân điển đã ban cho tôi” (câu 7).

Câu hỏi suy ngẫm: Tình yêu giữa Sứ đồ Phao-lô và các tín hữu tại Phi-líp xuất phát từ đâu? Tình yêu đó được phát triển và lớn lên bằng cách nào? Bạn đang gây dựng tình yêu thương và mối thông công trong Hội Thánh như thế nào?

Đối với một số người, thật khó để có thể sống yêu thương và duy trì sự hiệp một với các tín hữu khác. Những người này có thể đưa ra vô số lý do để biện minh cho lối sống “thầm lặng và cô độc” của họ trong Hội Thánh. Trái ngược với tinh thần này, Sứ đồ Phao-lô nói rằng tình yêu ông dành cho các tín hữu tại Phi-líp “là phải lắm”, nghĩa là tình yêu đó là hợp lý, tự nhiên, là đương nhiên. Có hai yếu tố dự phần trong tình yêu của Sứ đồ Phao-lô và các tín hữu tại Phi-líp. Thứ nhất, ông “nghĩ” đến họ. Từ ngữ này nói đến khía cạnh tâm trí, suy nghĩ. Thứ hai, là họ ở “trong lòng” ông. Từ ngữ này nói đến khía cạnh tình cảm, cảm xúc. Nói cách khác, tình yêu giữa các Cơ Đốc nhân không chỉ là cảm xúc nhưng còn là sự nhận biết mình thuộc về Chúa, thuộc về nhau, và thuộc về một sứ mệnh.

Tình yêu của Sứ đồ Phao-lô dành cho anh em là sâu đậm vì ông yêu họ bằng chính tình yêu mà Chúa Giê-xu yêu họ (câu 8). Nếu một người không thật sự tin Chúa, kính sợ Chúa, thờ phượng Chúa, phục vụ Chúa thì chắc chắn người đó không bao giờ có được mối thông công với các tín hữu khác, và cũng sẽ không bao giờ yêu mến Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

Tình yêu giữa Sứ đồ Phao-lô và Hội Thánh Phi-líp được gây dựng và tăng trưởng vì họ không chỉ ở với nhau, yêu thương nhau khi mọi việc thuận lợi, dễ dàng, nhưng cả khi Sứ đồ Phao-lô rơi vào “vòng xiềng xích” (câu 7). Khi chọn lựa đứng chung với Sứ đồ Phao-lô, là một người tù của Đế quốc La Mã, Hội Thánh Phi-líp tự đặt mình vào một tình thế khó khăn và nguy hiểm. Nhưng đó là tình yêu trong Hội Thánh. Tình yêu luôn luôn có sự hy sinh. Tình yêu thương phải được bày tỏ bằng hành động cụ thể. “Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (I Giăng 3:18). Tình yêu trong Hội Thánh chính là tình yêu của các chiến hữu, tình yêu của những người “binh vực và làm chứng đạo Tin lành” (câu 7). Chính tình yêu thương giúp các tín hữu đứng với nhau ngay trong những lúc khó khăn và hiểm nghèo nhất của đức tin.

Bạn có thể mô tả mối thông công giữa bạn và các tín hữu khác như thế nào? Chiến hữu, bạn xã giao, thuộc viên của Hội Thánh…?

Con tạ ơn Chúa vì dù mỗi ngày phải bước đi giữa một thế giới thù địch với Đức Chúa Trời, nhưng con biết con không bao giờ cô đơn. Bên trong con luôn có Chúa, và bên cạnh con luôn có những anh chị em cùng chiến đấu trong trận chiến tâm linh này.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Các Quan Xét 20.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

 

Bài trướcBài 100: Đối Phó Với Hoạn Nạn, Khổ Đau (tt)
Bài tiếp theoV/v Truyền Hình Trực Tuyến Chương Trình Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành TRƯƠNG MINH GIẢNG