Bài 10: Con Người, Tình Nghĩa Vợ Chồng Và Cha Mẹ (Phần 2)

1880

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Hôm nay chúng ta cùng nhau học về luật hôn nhân và gia đình của Đức Chúa Trời. Xin quí vị theo dõi trong Sáng thế ký chương hai. Bài học trước cho biết, Chúa đã tạo nên 2 người và đem họ lại với nhau qua tình nghĩa vợ chồng; từ đó, họ thực hiện vai trò làm cha làm mẹ. Cứ như vậy, điều nầy được lưu truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Đây chính là phương cách mà Đức Chúa Trời dùng để tạo nên gia đình.

 

Trong bài trước, chúng ta để ý đến vai trò của từng người và mối liên hệ của họ với nhau. Trong bài nầy, chúng ta sẽ quan tâm đến vai trò của người làm cha làm mẹ. Nhiệm vụ của cha mẹ thật quan trọng. Một trong những điều mà chúng ta sẽ đề cập tới, đó là con cái rồi phải đến lúc phải lìa cha mẹ. Đây chính là qui luật của cuộc sống. Quí vị có con cái vào khoảng 20 tuổi trở lên, theo sự phát triển bình thường, nó sẽ lìa quí vị để kết hiệp với một người khác. Điều nầy không nên xảy ra cách đột ngột nhưng diễn tiến cách tuần tự theo thời gian khi con cái trưởng thành.

 

Đây chính là một thách thức lớn cho những người làm cha làm mẹ. Khi bắt đầu tại khởi điểm, bồng ẵm em bé trên tay, quí vị cần phải suy nghĩ đến điều nầy. Một ngày kia, đứa bé nầy sẽ lớn lên, trưởng thành và nói rằng, “Bây giờ con lớn rồi và con sẽ làm những điều con muốn.” Đây chính là điều mà ngay khi ẵm một em bé trong tay, quí vị phải nghĩ đến. Khi con cái còn nhỏ, chúng ta phải điều chỉnh và hướng dẫn nó. Song dần dà theo năm tháng, những điều chúng ta dạy dỗ phải hình thành trong nó một lối suy nghĩ hay lối sống. Chúng ta không thể nào hướng dẫn và lèo lái con cái suốt đời.

 

Chúng ta phải cầu nguyện để con cái chúng ta ăn năn tin nhận Chúa. Một khi chúng ăn năn tin nhận Chúa, quí vị có thể vun trồng các tiêu chuẩn hay các giá trị thuộc linh trong lòng chúng, và khiến những điều nầy tạo nên quan niệm sống của chúng. Khi điều đó xảy ra, quí vị không cần phải sửa sai hay điều khiển chúng nữa.

 

Việc trở nên bậc cha mẹ tốt tùy thuộc vào mối quan hệ giữa hai người. Sa-lô-môn nói trong Thi thiên 127 rằng, con cái như là mũi tên, còn cha mẹ như là cái cung. Sức đẩy và hướng đi của con cái trong cuộc đời tùy thuộc vào cha mẹ. Nếu ai đó cắt dây cung thì mũi tên không sao bay được. Đây chính là điều mà nhiều cha mẹ đã làm cho con cái của họ. Họ đã sống cuộc đời tội lỗi và cắt đứt dây cung của gia đình mình.

 

Có nhà thơ đã nói rằng, “Tôi dương cung và bắn lên bầu trời, nó rơi lại xuống đất, và tôi không biết nó rơi đi đâu.” Đây chính là điều đang xảy ra cho nhiều thanh niên khi bước vào đời. Họ không có hướng đi, không có sức đẩy bởi vì họ không được bắn từ một cây cung tốt. Để trở nên bậc cha mẹ tốt, họ cần phải có mối quan hệ tốt. Do đó, chúng ta sẽ tập trung một lần nữa để tìm hiểu mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau.

 

Mối quan hệ nầy rất quan trọng trong qui luật căn bản về đời sống của Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao Chúa tạo nên người nam và người nữ. Nếu cả hai người cùng hướng về một Đức Chúa Trời, họ sẽ tiến đến gần nhau hơn. Theo Kinh thánh, mối quan hệ giữa hai người là trở nên một thịt. Họ được liên kết với nhau và trở nên một thân. Những chỗ khác của Kinh thánh cũng đề cập nhiều về mối quan hệ nầy vì nó rất là quan trọng. Qua Kinh thánh, chúng ta khám phá rằng, mối liên kết nầy đến từ Chúa, bởi vì nó xuất phát từ chính ý định của Ngài. Chúa đã tạo nên mối liên kết. Ngài là Đấng đã nghĩ ra ý niệm hôn nhân và gia đình. Trong tinh thần đó, người tin Chúa có thể nói rằng, “Đức Chúa Trời đã kết hợp chúng tôi với nhau.”

 

Vậy, trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, hôn nhân là gì? Kinh thánh chép rằng, “Ai mà Đức Chúa Trời đã kết hiệp thì con người không nên phân rẽ.”

Chính Đức Chúa Trời đã kết hiệp hai người lại trông hôn nhân.

 

Chúa Jêsus đã dạy cho chúng ta qua sách Sáng thế ký rằng, hôn nhân là sự kết hiệp thiên thượng bởi vì chỉ một mình Đức Chúa Trời mới giữ họ lại với nhau. Chúa nói cho các sứ đồ rằng, mối liên kết nầy là cần thiết và lâu dài. Khi Chúa dạy về tính chất không thể phân ly trong hôn nhân, một trong những sứ đồ rất có thể là Phi-e-rơ đã nói rằng, “Nếu vậy thà không cưới vợ thì hơn.” Đối với vị sứ đồ nầy, một người vợ là quá đủ! Chúa không đề cập gì cả; Ngài chỉ phán, “Không phải mọi người có thể chấp nhận điều nầy, chỉ những người mà Đức Chúa Trời giúp đỡ mới kinh nghiệm được chương trình của Ngài cho đời sống hôn nhân của họ.” Hôn nhân là mối liên hệ do Đức Chúa Trời tạo nên, kết hiệp và cũng một mình Ngài có thể bảo tồn nó.

 

Đây cũng là mối liên kết có mục đích. Nó là qui luật của đời sống; qua đó, gia đình được hình thành, phát triển và trang bị để đối diện với cuộc sống. Đó là cách mà vợ chồng có thể đóng góp và trở nên một phần trong giải pháp của Đức Chúa Trời cho nan đề của xã hội, thay vì trở thành nan đề của xã hội.

 

Khi nghiên cứu về hôn nhân trong sách Sáng thế ký, quí vị sẽ khám phá rằng, nó là mối liên hệ biệt lập theo hai nghĩa. Vì mục đích của hôn nhân mà ngươi nam phải lìa cha mẹ. Người nam phải lìa gia đình là nơi mà người nam đã sống suốt khoảng 20 năm. Hôn nhân là mối liên hệ biệt lập vì mục đích của hôn nhân mà người nam phải lìa mọi người khác. Người nam quyết định trọn đời sống với người phối ngẫu của mình. Đó chính là ý định và mục đích của Đức Chúa Trời.

 

Tại sao theo ý định của Đức Chúa Trời thì hôn nhân không thể phân ly được? Câu trả lời liên quan đến cái mà chúng ta gọi là “quyền lợi của con cái.” Ngày nay, chúng ta nghe nói nhiều về quyền trong đó có quyền của con cái. Sự an toàn của con cái tùy thuộc vào mối quan hệ giữa cha mẹ chúng. Khi cha mẹ bày tỏ lòng yêu thương với nhau, con cái cảm thấy bình an. Khi cha mẹ cãi vã to tiếng, hãy để ý thì sẽ thấy con cái lo lắng kinh hoàng. Chúng biết rằng sự an toàn của chúng tùy thuộc vào mối quan hệ giữa cha mẹ chúng. Bởi vậy, Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân là một cơ chế vĩnh viễn. Hôn nhân cũng mang tính biệt lập theo nghĩa là quí vị phải lìa mọi người khác để mối quan hệ được an toàn và vững chắc.

 

Sa-lô-môn có kinh nghiệm về vấn đề hôn nhân. Trong sách Truyền đạo chương 4 ông nói rằng, hôn nhân theo ý định của Đức Chúa Trời như sợi dây ba tao đánh lại không dễ gì bị đứt. Điều nầy có nghĩa gì? Mối liên hệ giữa vợ chồng ở nhiều mức khác nhau, nhưng ít nhất là có 3 điểm. Trước tiên, người nam và người nữ hiệp làm một trong tâm linh. Họ cũng hiệp làm một trong tâm trí; họ cần có sự trao đổi chuyện trò để thông cảm lẫn nhau. Đức Chúa Trời cũng tạo dựng họ có thể xác và có khả năng tính dục. Ý định của Đức Chúa Trời là sự kết hiệp về thể xác là một sự bày tỏ sự hiệp nhất của tâm linh và tâm trí. Súc vật có sự kết hiệp thể chất, nhưng không có sự kết hiệp về tâm linh hay tâm trí. Nó chỉ là súc vật và hành động cách máy móc mà thôi. Có những cặp vợ chồng đã nói rằng, “Quan hệ tính dục của chúng tôi chỉ như súc vật.” Lý do là vì họ không có sự hòa hợp thuộc linh và không có sự cảm thông với nhau. Do đó, quan hệ thể xác không phải là sự bày tỏ của sự kết hiệp tâm linh và tâm trí. Nó chỉ máy móc như súc vật. Đây không phải là điều Đức Chúa Trời mong muốn. Ngài muốn chúng ta như sợi dây ba tao, không sao đứt được. Ngài muốn chúng ta hiệp làm một trong tâm linh, tâm trí và cuối cùng là sự hiệp một trong thể xác. Nếu hôn nhân chúng ta có 3 mức độ hiệp nhất nầy, thì giống như sợi dây 3 tao không dễ gì bị đứt.

 

Điều cuối cùng, quí vị sẽ không thể trở nên những bậc cha mẹ tốt nếu Đức Chúa Trời không giúp đỡ. Thi thiên 127 chép rằng:

Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, Thì những thợ xây cất làm uổng công. Nhược bằng Đức Giê-hô-va không coi-giữ thành, Thì người canh thức canh luống công.

Uổng công thay cho các ngươi thức dậy sớm, đi ngủ trễ, Và ăn bánh lao khổ; Chúa cũng ban giấc ngủ cho kẻ Ngài yêu mến bằng vậy.

 

Chúng ta hãy để ý câu “Chúa cũng ban giấc ngủ”. Giả như ngày mai quí vị có một công việc rất quan trọng, trước khi đi ngủ quí vị thưa với Chúa rằng, “Chúa ơi, ngày mai con có những việc rất quan trọng; bây giờ, con sẽ giúp Chúa khôi phục lại năng lực cho thân thể con. Con sẽ nằm xuống nhưng vẫn thức để giúp Ngài khôi phục lại năng lực.” Thật buồn cười phải không? Khi quí vị nằm xuống và thức giấc, Ngài không ban năng lực lại cho quí vị. Nhưng khi quí vị nằm xuống, thư giãn và trao hết mọi điều cho Ngài rồi nhắm mắt ngủ, phép lạ xảy ra. Chúa ban năng lực lại cho quí vị. Quí vị thức giấc sau 6 giờ hoặc 8 giờ một cách khỏe khoắn. Kinh thánh nói rằng, Đức Chúa Trời sẽ giúp cho người Ngài yêu mến khả năng trở thành bậc cha mẹ gương mẫu, để rồi họ đem con cái họ đến với Chúa và để Ngài xây dựng gia đình họ.

 

Tóm lại, quí vị không thể trở thành bậc cha mẹ gương mẫu nếu không có sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Khi đề cập về hôn nhân, Chúa Jêsus đã phán rằng, “Không ai có thể tiếp nhận được lời Ngài đã phán trừ khi Đức Chúa Trời giúp họ.” Quí vị sẽ không thực sự kinh nghiệm những gì Đức Chúa Trời hoạch định cho hôn nhân của mình, trừ khi Đức Chúa Trời giúp quí vị. Một trong những chân lý rõ ràng xuyên suốt Tân ước và Cựu ước đó là: Quí vị sẽ không bao giờ trở nên một người hoàn thiện nếu không có sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Kinh thánh diễn tả điều đó qua lời phán của Chúa Jêsus trong Giăng 3 như thế nầy, “con người chỉ có thể sản sinh ra con người bằng xương bằng thịt, nhưng chỉ có Đức Thánh Linh mới ban cho sự sống mới từ thiên đàng, bởi vậy đừng ngạc nhiên về điều mà ta nói cùng ngươi là các ngươi phải sanh lại.” Đây chính là sứ điệp quan trọng của cả Kinh thánh. Làm thế nào để Đức Chúa Trời hòa giải tình trạng phân cách giữa Đức Chúa Trời và loài người? Làm thế nào để Đức Chúa Trời bắt đầu thực hiện hành động tái tạo trong chúng ta? Ngài thực hiện điều nầy qua sự tái sanh. Đó là lý do vì sao Cựu ước nói rằng: “Chúa Jêsus sẽ đến”; còn Tân ước nói rằng “Chúa Jêsus đã đến rồi.” Quí vị có thể được tái sanh, có thể có sự tái tạo trong lòng để trở nên người mới.

 

Bởi vậy theo Kinh thánh, quí vị không thể trở nên bậc cha mẹ tốt nếu không có sự giúp đỡ của Chúa. Qua sách Sáng thế ký chương 1 & 2, chúng ta biết được ý định và mục đích của Đức Chúa Trời cho con người. Muốn trở nên những con người tốt hoặc bậc cha mẹ gương mẫu, chúng ta phải trở về với Sáng thế ký để lắng nghe lời Chúa dạy về gia đình, bản thân, người bạn đời.


Bài trướcBài 363: Được Chúa Đề Cao
Bài tiếp theoNgày Phước Hạnh Tại HTTL Phú Quốc.