HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ (phần 3)

2190

HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ

(LƯỢC SỬ 110 NĂM TIN LÀNH ĐẾN ĐÀ NẴNG (1911-2021)

Phần 3

  1. Giai đoạn 1911-1944 (tiếp)

Năm 1916, Hội Thánh Đà Nẵng có 18 người chịu báp-têm, số tín hữu chính thức là 25, trường Chúa nhật gồm 100 người.[1] Năm 1917, số báp-têm tăng lên 28 người.[2] Số tín hữu chính thức của Hội Thánh Đà Nẵng lên đến trên 60 người vào năm 1918,[3] năm 1919: 92, năm 1921: 115.

Đến năm 1920, số tín hữu tại Đà Nẵng vượt xa các nơi khác: [4]

Hội Thánh Số tín hữu Số tiền dâng Số chịu báp-têm
Hà Nội 10 40.20$
Đà Nẵng 115 253.50$ 25 (15 nam, 10 nữ)
Sài Gòn 6 12$ 7 người

 

Từ năm 1918, Truyền đạo Hoàng Trọng Thừa là vị Chủ tọa đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp trường Kinh Thánh Ngô Châu, Quảng Tây, Trung Quốc năm 1921. Đến năm 1922, ông là Mục sư Việt Nam đầu tiên được phong chức tại nhà thờ Đà Nẵng, và cũng là vị Hội trưởng đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vào năm 1927.[5]

Cũng trong năm 1918, tiếp tục có các tín hữu mới được thêm vào Hội Thánh: ông Trần Ích, ông Trần Dĩnh, ông Trần Văn Đệ (ông Cai Đệ), ông Nguyễn Hữu Thành (ông Hường Thành), ông Nguyễn Mẫu, ông Nguyễn Hữu Đinh, ông Dư Phước Thuận (ông Hường Thuận), ông Nguyễn Hữu Tín, ông Nguyễn Hữu Vinh, ông Nguyễn Hữu Khóa, ông Trần Dĩnh, ông Nguyễn Hữu Khanh, ông Lê Văn Long, ông Lê Văn Thái, ông Nguyễn Châu Thông, ông Phan Đình Liệu, ông Ông Văn Huyên, ông Nguyễn Xuân Diệm, ông Nguyễn Ngôn, ông Nguyễn Văn Đẩu, ông Nguyễn Ngưu, ông Nguyễn Văn Bính (ông Biện Duân), ông Trần Hoán Khanh, ông Nguyễn Đằng, bà Công Tôn Nữ Thị Hầu, bà Công Tôn Nữ Tú Oanh (cháu nội vua Minh Mạng), bà Võ Thị Đông (bà Hai Láo),… Phần đông trong số họ về sau hoặc dâng mình hầu việc Chúa làm mục sư, truyền đạo hoặc cộng tác đắc lực cho việc gây dựng, mở mang nhà Chúa trong vai trò là các chấp sự.

Sau khi mở được Hội An, thì đến năm 1918, Hội Thánh Đà Nẵng đã mở được một Hội nhánh tại Hải Châu, lúc này vẫn còn là ngoại thành, phía nam thành phố.[6] Vào đầu năm 1919, tại Hải Châu đã có một nhà thờ bằng tranh để giảng Tin Lành mỗi tuần 2 tối, do Hội Truyền giáo bảo trợ. Các tôi tớ Chúa hầu việc Chúa tại đây là Mục sư: Hoàng Trọng Thừa, Nguyễn Hữu Đinh, Trần Xuân Phan, Đoàn Văn Khánh, Ông Văn Huyên và Nguyễn Văn Thìn đến cuối năm 1946. Khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, tín đồ buộc phải tản cư, nhà thờ bị quân đội Pháp đốt phá. Hội Thánh tạm thời ngưng sinh hoạt. Sau khi hồi cư, Giáo sĩ J. D. Olsen, Mục sư Ông Văn Huyên, Mục sư Phan Văn Hiệu đã nhiều lần tìm cách mở lại Hội Thánh nhưng không thành công vì lô đất mướn của xã Hải Châu từ trước đây đã bị chiếm đoạt. [7]

Từ năm 1920, Tin Lành từ Đà Nẵng đã được truyền đến Cẩm Nê[8], đến năm 1935, thì ở đây đã có được khoảng 50 tín hữu.[9]

Cũng trong năm 1921, Đà Nẵng trở thành Hội Thánh tự trị đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, kể cả Đông Dương.

Năm 1921, Trường Kinh Thánh được mở cửa với 9 học viên theo học, do Giáo sĩ D. I. Jeffrey làm Đốc học.[10] Việc học Kinh Thánh đã được ông bà Giáo sĩ E. F. Irwin cùng với các giáo sĩ khác tổ chức đầu tiên vào năm 1919 với 4 học viên[11], tại nhà để xe ngựa vào giờ trưa, vì buổi sáng và chiều, hầu hết các học viên là viên chức phải làm việc tại nơi công sở, còn buổi tối thì được dành cho việc rao giảng Tin Lành.[12] Do số học viên gia tăng nên từ năm 1924, một cơ sở được xây dựng gồm 1 Lễ đường, 1 học xá có 4 phòng và ký túc xá với 3 phòng. Đến năm 1928, cơ sở nầy hoàn thiện và có thể tiếp đón khoảng 90 học viên theo học.

Từ cuối năm 1927, có trên 150 nam nữ học viên theo học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Đến năm 1922, số tín hữu tại Đà Nẵng đã tăng lên 138 người.[13] Trong những năm sau, đạo Chúa được phát triển về phía tây Đà Nẵng. Nhờ có sự hỗ trợ của Ban Chứng đạo trường Kinh Thánh, năm 1924, Hội Thánh Đà Nẵng đã đem đạo Chúa đến tại Hòa An và Hòa Mỹ, có 6 gia đình tin nhận Chúa, gia đình cụ Nguyễn Hữu Tín là trái đầu mùa tại Hội Thánh Hòa Mỹ.

Thích Thị Đường trường Kinh Thánh Đà Nẵng

 

Hai năm sau, tại Hòa An có thêm một số gia đình tin Chúa, trong đó có gia đình ông bà Huỳnh Cận, ông bà Huỳnh Kim Luyện. Về sau, trong những năm chiến tranh, dẫu có một số người sa sút, nhưng đa số gia đình tín hữu ở đây vẫn đứng vững, có người tản cư đi nơi khác như Đà Nẵng, Quế Sơn, Sài Gòn…[14] Lúc này, đã thành lập được chi phái Hòa An, thuộc Hội Thánh Đà Nẵng. Giảng đường Hòa Mỹ cách Đà Nẵng 6 cây số nằm trên quốc lộ số 1 từ Đà Nẵng đi Huế, được xây dựng với nền đúc, vách gạch, lợp ngói xi măng, có mặt tiền đẹp.

Mục sư Hoàng Trọng Thừa, vừa là Chủ tọa Hội Thánh vừa cộng tác giảng dạy tại trường Kinh Thánh Đà Nẵng.[15]

Ms Hoàng Trọng Thừa

Năm 1924, Hội đồng toàn quốc đầu tiên được nhóm tại Đà Nẵng; tiếp đến là lần thứ hai vào năm 1925, lần thứ ba vào năm 1926, cả ba kỳ Hội đồng đều được tổ chức tại Đà Nẵng. Các kỳ Hội đồng này có tính chất bồi linh – hiệp nguyện.

Đại hội đồng Tổng Liên Hội năm 1924

Cũng trong năm 1926, Hội Thánh Tam kỳ được thành lập. Có thông tin cho rằng, đây là Hội Thánh do Hội Thánh Đà Nẵng mở, tuy nhiên, căn cứ vào 2 bài viết về lược sử của Hội Thánh Tam Kỳ đăng trên Thánh Kinh báo số 88 (tháng 06/1938) và số 263 (tháng 09/1958) của ông Nguyễn Tấn Minh, thì hoàn toàn không nhắc đến điều này.

Hội đồng lần thứ tư cũng tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 05-13/03/1927. Đây được xem là Hội đồng hành chánh đầu tiên và được chính thức gọi là Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội. Trong Hội đồng này, Mục sư Hoàng Trọng Thừa đắc cử chức vụ Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam[16], Truyền đạo Nguyễn Hữu Đinh từ Cần Thơ được mời về hầu việc Chúa tại Hội Thánh Đà Nẵng và tại đây, ông được thụ phong Mục sư. [17]

 

Ms Nguyễn Hữu Đinh

Vào cuối năm 1927, sau khi mở các Hội nhánh tại Hải Châu và An Hải[18], Hội Thánh Đà Nẵng cũng khởi sự mở Hội Thánh ở Nam Ô[19], một làng đánh cá cách 5 dặm về phía bắc thành phố, và ủng hộ tài chánh trong nhiều năm, nhưng công việc này không được lâu dài. Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã nỗ lực giảng Tin Lành nhắm vào đồng bào sắc tộc sống ở phía bắc Đà Nẵng, nhưng kết quả rất hạn chế và công việc bị bỏ dở. Mãi cho đến năm 1940, đạo Chúa ở đây mới được hiện diện chính thức. Trong tạp chí “The Call of French Indo-China”, số 12, tháng 7-9/1925, Giáo sĩ H. Curwen Smith có nói về một số người sắc tộc được làm chứng bởi các tín hữu ở Nam Ô, về dự nhóm thờ phượng tại nhà thờ Đà Nẵng. Họ mặc y phục người Kinh, nhưng nước da họ khá đen, nên khi ngồi bên họ, Mục sư Hoàng Trọng Thừa trông giống như người da trắng. Trong số họ, có 5 người được Mục sư Hoàng Trọng Thừa cầu nguyện trước đây, và sau buổi nhóm có thêm 3 người tin nhận Chúa nữa. Trong lòng họ mong ước Mục sư lên thăm và giảng Tin Lành cho đồng bào mình.[20] Đến năm 1968, Hội Thánh Nam Ô tái lập sự nhóm lại tại nhà ông Cai Chiên, là một tín hữu tại địa phương. Tuy nhiên, đây là vùng an ninh không ổn định nên chỉ sau một thời gian, Hội Thánh phải tạm ngừng sinh hoạt.

Năm 1928, Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ năm tiếp tục được tổ chức tại Đà Nẵng. Theo sự ủy thác của Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội, ngày 28/02/1929, Tân Ban Trị sự Tổng Liên Hội đã đệ trình cho Toàn quyền Đông Dương Bản Điều lệ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam để xin lập Hội.

Trong năm 1931, Hội Thánh Tin Lành Đà Nẵng nhóm khá đông, số thường xuyên dự nhóm chừng 200 người. Hội nhánh Hải Châu đã có các buổi bố đạo với chừng 120-150 người ngoại đến nghe. Từ tháng 10/1930-07/1931, có 85 người chịu phép báp-têm. Tiền dâng mỗi tháng gần 60đ. Lúc này, Hội Thánh đang có kế hoạch mở Hội nhánh tại Miếu Bông (gần Thanh Quýt) và cũng muốn thuê được một căn nhà trong thành phố để làm nơi giảng đạo Tin Lành.

Cũng có nhiều người cho rằng, từ năm 1930-1933, Mục sư Trần Xuân Phan, và từ năm 1933-1934 là Mục sư Đoàn Văn Khánh là chủ tọa Hội Thánh Đà Nẵng. Mục sư Trần Xuân Phan[21], năm 1931-1932 là Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và sau năm 1933 đã không còn sinh hoạt trong Giáo hội nữa. Căn cứ vào tiểu sử của Mục sư Đoàn Văn Khánh đăng trên Thánh Kinh báo thì ông không hề chủ tọa Hội Thánh Đà Nẵng[22], giai đoạn này, ông đang là Chủ nhiệm Địa hạt Trung kỳ. Cũng như vậy, Hiện nay vẫn chưa có được nguồn tư liệu chính xác về chủ tọa của Hội Thánh Đà Nẵng trong giai đoạn này.

Khoảng tháng 03/1935, Mục sư Hoàng Trọng Thừa lần thứ hai trở lại hầu việc Chúa tại Hội Thánh Đà Nẵng được 06 tháng. Trong thời gian này, đã có tà giáo xuất hiện và dụ dỗ các tín đồ. Hội Thánh có kế hoạch mở Hội nhánh ở Thanh Khê, cách Đà Nẵng khoảng 05 cây số. Tin tức về những tín hữu tại đây hiện chưa tìm được tài liệu nào nhắc đến, có lẽ sau này họ nhóm cùng Hội Thánh Tân An hoặc Đà Nẵng.[23]

Trong 03 tháng 08, 09, 10/1936, Hội Thánh Đà Nẵng có mở 03 cuộc giảng bồi linh và truyền giảng tại Đà Nẵng, Hải Châu và Thanh Khê, tổng cộng là 28 ngày, do Mục sư I. R. Stebbins chủ trì và các Mục sư Đoàn Văn Khánh, Dương Nhữ Tiếp, Duy Cách Lâm hợp tác. Kết quả có 31 người trở lại cùng Chúa, kể cả tín đồ đã sa ngã từ lâu và người ngoại.[24]

Năm 1938 đánh dấu bước khởi đầu cho phong trào phấn hưng Hội Thánh. Mục sư Tống Thượng Tiết, sau Hội đồng tại Vĩnh Long, ông ra thăm Đà Nẵng. Tại đây, ông giảng liên tục trong 6 ngày, mỗi ngày 3 buổi, mỗi buổi từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng đồng hồ. Chúa cho những bài giảng của ông thật sống động, đầy ơn và có sức cảm hóa lòng người.

Khoảng giữa năm 1939, Truyền đạo Nguyễn Văn Thìn về hầu việc Chúa tại Đà Nẵng và trở thành vị Chủ tọa Hội Thánh trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II. Ông được tấn phong Mục sư chính thức tại Hội An ngày 13/02/1940.[25] Hội Thánh Đà Nẵng sau một thời gian chia tách để thành lập các Hội Thánh mới, vẫn còn hơn 300 tín hữu.[26]

 

Từ tháng 9/1942, sau khi rời Hội Thánh Thanh Quýt, Mục sư Hoàng Trọng Thừa về hưu trí tại Hội Thánh nhà. Ngày 28/07/1953, tại Đà Nẵng, cụ đã được Chúa tiếp về nghỉ an trong nước Ngài.

 

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương

(dựa trên: Lược sử 110 năm Tin Lành đến Đà Nẵng do HTTL Đà Nẵng cung cấp)

 

Chú thích:

[1] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lịch sử HTTL VN (1911-1965), Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2010, trang 126; History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam – Part 1 – Compiled by John Sawin, trang 06.

[2] Sđd, trang 08.

[3] Sđd, trang 09.

[4] Sđd, trang 12.

[5] Mục sư Ông Văn Huyên, “Tiểu sử cụ Mục sư Hoàng Trọng Thừa”, Thánh Kinh báo, 204, tháng 10/1953, trang 7-9;

(https://www.wiki.thuvientinlanh.org/index.php?title=M%E1%BB%A5c_s%C6%B0_Ho%C3%A0ng_Tr%E1%BB%8Dng_Th%E1%BB%ABa). Trong “Mục sư Hoàng Trọng Thừa”, HTTLVN, UB Văn hóa-Giáo dục Tổng Liên Hội, Tuyển tập tiểu sử người hầu việc Chúa, NXB Phương Đông, 2011, trang 354, ghi là: Mục sư Hoàng Trọng Thừa tốt nghiệp năm 1924, theo chúng tôi, có thể có sự nhầm lẫn.

[6] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lịch sử HTTL VN (1911-1965), Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2010, trang 126.

[7] Tiểu sử Hội Thánh Tin Lành Hải Châu, Thánh Kinh báo số 369, tháng 10/1969, trang 42.

[8] Truyền đạo Dương Thạnh, Tin tức, Cẩm Nê, Thánh Kinh báo số 273 (104), tháng 07/1959, trang 16.

[9] Huỳnh Văn Cẩn, Tin tức, Tourane, Thánh Kinh báo số 051, tháng 05/1935, trang 155, 162.

[10] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lịch sử HTTL VN (1911-1965), Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2010, trang 127.

[11] History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam – Part 1 – Compiled by John Sawin, trang 10.

[12] Kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Đà Nẵng. Xem thêm “Trường Kinh Thánh và Thần Học Viện 50 năm”.

[13] The News from Tourane, The Call of French Indo China, số 2, tháng 1-3/1923, trang 12.

[14] Mục sư Phan Văn Hiệu, Tin tức, Hòa Mỹ, Thánh Kinh báo số 231 (062), tháng 01/1956, trang 10-12.

[15] Minutes of The Executive Committee of The Christian and Missionary Alliance Indo-China Field/ Tourane, Annam, February 2 – 14, 1925, trang 01.

[16] Lúc này vẫn còn là Hội Thánh Tin Lành Đông Pháp.

[17] Một vị tiên phong hầu việc Chúa hết lòng (tiểu sử cố Mục sư Nguyễn Hữu Đinh), Thánh Kinh báo số 399, tháng 10/1972, trang 32-33.

[18] Trong báo cáo ngày 27/11/1920 của Giáo sư R. A. Jeffray và R. M. Jackson thì đã mở Hội Thánh An Hải từ thời gian này. Xem thêm trong Tourane, “The South China Alliance Tidings”, trang 9-11.

[19] Theo “Itinerary of Visitation of Stations in French Indo-China”, thì năm 1927, Nam Ô đã là một trạm thuộc khu vực Đà Nẵng cùng với các nơi khác như: Hội An, Lạc Thành, Đại An, Tam Kỳ, Qui Nhơn, Nha Trang, Khe So(?), Vinh, Đồng Hới. Trong báo cáo năm 1925 của C&MA, có đoạn viết như sau: “The other two out-stations are at Dai-an, thirty-five miles south-west of Tourane, and at Nam-o, a few miles north-west. The chapel at Nam-o was built and furnished by an offering raised by the Christians in the Tourane Church. In all one hundred and seventy-five new converts have been baptized, and the Annamese offerings have amounted to one thousand and twenty-five piastres.” Điều này cho thấy nhà nguyện Nam Ô đã được xây dựng trước năm 1925. (Annam, trang 09-10). Theo lược sử Về Hội Nhánh Tin Lành Nam Ô, từ năm 1915, tại đây đã có Hội Thánh.

[20] H. Curwen Smith, Mois attend service in Tourane, The Call of French Indo-China, số 12, tháng 7-9/1925, trang 07.

[21] https://www.facebook.com/DaNangChurch/posts/1837725722999467/

[22] Nguyễn Văn Đẩu, Một chiến sĩ tiền phong anh dũng, Thánh Kinh Nguyệt San số 393, tháng 03/1972, trang 18. Xem thêm: Đoàn Văn Khánh, Tin tức, Tourane, Thánh Kinh báo số 030, tháng 08, trang 314 và Thánh Kinh báo số 031, tháng 09/1933, trang 356.

[23] Hoàng Trọng Thừa, Tin tức, Tourane, Thánh Kinh báo số 050, tháng 04/1935, trang 115-116.

[24] Ban Trị sự, Tin sau cùng, Tourane, Thánh Kinh báo số 070, tháng 12/1936, trang 343.

[25] Thư ký Nguyễn Hữu Bôn, Tin tức, Tourane, Thánh Kinh báo số 110, tháng 04/1940, trang 98.

[26] Mục sư Hoàng Trọng Thừa, Xây đắp Nhà Chúa, Lịch Sử Chi Hội Tourane, Thánh Kinh báo số 085, tháng 03/1938, trang 76.

Bài trướcHỌC ĐẾM
Bài tiếp theoĐến Thăm Công Việc Chúa Tại Điểm Nhóm Vĩnh Khánh, Tỉnh An Giang