Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Thơ văn là ngôn ngữ của lòng người, những sách văn thơ trong Kinh Thánh là sứ điệp của Đức Chúa Trời đến với tấm lòng của con cái Chúa. Sách Gióp là sứ điệp của Chúa cho những tấm lòng đau khổ. Sách Thi Thiên là sứ điệp của Chúa cho dân sự Ngài khi họ thờ phượng. Đồng thời sách cũng nói lên lòng vui mừng, hoan hỉ của những người thờ phượng Ngài. Châm Ngôn là sứ điệp của Chúa cho con dân Ngài khi họ phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống hằng ngày. Châm Ngôn trình bày sự khôn ngoan trong cách xử thế và kinh nghiệm về cuộc sống. Châm Ngôn nói nhiều về tấm lòng con người, đây là khái niệm chỉ về con người bên trong hay linh hồn được đề cập đến 70 lần. Đó là lý do vì sao sách Châm Ngôn được phân loại là sách văn thơ. Nó nhắm đến tấm lòng của con cái Chúa. Truyền Đạo là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho con dân Chúa khi họ nghi ngờ, vì sẽ có những lúc con cái Chúa nghi ngờ. Những sự ngờ vực, thắc mắc, tìm tòi không phải do lòng vô tín. Một người đặt câu hỏi ngờ vực có thể là biểu hiện của đức tin. Truyền Đạo là sứ điệp của Chúa đến với tấm lòng của con dân Ngài khi họ bày tỏ đức tin qua những thắc mắc.
Sách cuối cùng của các sách văn thơ là Nhã Ca. Đây là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho con dân của Chúa khi họ đang nói chuyện yêu đương với nhau. Có lẽ quí vị kinh ngạc khi khám phá rằng trong những sách văn thơ nầy, Chúa lại có sứ điệp cho con dân Ngài qua những hình ảnh họ đang âu yếm. Sa-lô-môn viết hơn một ngàn bài ca. Trong số đó Nhã Ca là sách duy nhất chúng ta có, nhưng nó là một viên ngọc quí được đặt trong Kinh Thánh ở những sách Văn thơ. Nếu một sách như vậy có mặt trong Kinh Thánh thì nó sẽ được xếp đặt với các sách Văn thơ vì tình yêu là một chủ đề thuộc về Văn thơ.
Nhã Ca là những lời nói yêu đương của hai người. Vì những mẫu chuyện yêu đương rất thắm thiết nên các thanh niên Do Thái không được phép đọc Nhã Ca cho đến lúc 30 tuổi.
Vì sách nầy là những mẫu chuyện tình tứ giữa hai người yêu nhau nên quí vị có thể đặt vấn đề tại sao một sách như Nhã Ca lại được xếp vào một trong những sách của Kinh Thánh được linh cảm? Một sách như vậy thì có tác dụng gì đối với Kinh Thánh?
Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi tại sao sách Nhã Ca có mặt trong Kinh Thánh? Câu trả lời thứ nhất và rõ ràng đó là Nhã Ca dạy chúng ta về sự thiêng liêng của vấn đề tính dục. Trở lại sách Sáng Thế Ký, khi Chúa tạo dựng mọi sự, Kinh Thánh ghi rằng, Đức Chúa Trời nhìn những gì Ngài đã tạo dựng và thấy tốt lành. Nhận xét nầy được lặp lại nhiều lần. Sau khi Chúa dựng nên người nam thì có hai chữ xuất hiện là “không tốt.” Loài người ở một mình thì không tốt. Thế rồi Chúa tạo dựng người nữ. Khi Chúa tạo nên người nam và người nữ, Ngài kết hợp họ làm một về thể xác và Kinh Thánh ghi rằng, “Chúa thấy những gì Ngài đã làm rất là tốt lành.” Vậy theo ánh sáng của Lời Chúa qua sách Sáng Thế Ký, con cái Chúa nên có thái độ thế nào đối với vấn đề tính dục?
Cách đây hơn hai mươi năm, Tiến sĩ Henry Brandt là một nhà tâm lý Cơ Đốc nổi tiếng nói chuyện với một cử tọa gồm khoảng 600 phụ nữ tại một Hội Thánh. Sau bài nói chuyện có mục giải đáp thắc mắc. Nhiều câu hỏi được nêu lên và có một phụ nữ lên tiếng, “Thưa Tiến sĩ, ông nghĩ thế nào về vấn đề chăn gối?” Tiến sĩ Brant đáp, “Thành thật mà nói là tôi thích nó.” Dĩ nhiên là mọi người đều cười ầm lên. Thế rồi Tiến sĩ Brandt hỏi, “Tại sao quí bà cười về câu trả lời đó? Bộ quí bà cho rằng tôi không nên thích việc chăn gối sao?” Sau đó Tiến sĩ nói về tính chất thiêng liêng của vấn đề tính dục: “Khi Đức Chúa Trời tạo nên vấn đề tính dục thì Ngài phán rằng “rất tốt”. Vậy chúng ta sẽ nói thế nào đây? Một số người quan niệm rằng chúng ta không nên thích việc chăn gối, nhưng nếu ai đó thích việc chăn gối thì cũng không nên nói ra. Có phải đó là thái độ đúng đắn đối với vấn đề tính dục không?
Theo nhiều học giả thì lý do chính khiến Đức Chúa Trời đặt Nhã Ca vào trong Kinh Thánh là để chứng tỏ rằng tính dục rất tốt. Một thách thức cho chúng ta là làm sao để dạy dỗ, hướng dẫn con cái mình tin rằng tính dục là điều rất tốt và chúng nên giữ sự trinh tiết cho đến khi thành hôn. Giả sử tôi có ba gái và hai trai, tôi muốn các con của chúng tôi giữ mình cho đến ngày thành hôn. Làm sao có thể đạt được mục tiêu nầy nếu tôi tạo trong chúng một ấn tượng rằng tính dục là một điều gì đó sai trật? Tôi không thể nói rằng tính dục là điều nhơ nhuốc, và tôi cũng không muốn chúng quan hệ tính dục trước hôn nhân. Tôi nghĩ rằng một trong những sự dối trá tệ hại nhất đó là tính dục là điều dơ bẩn. Có bao giờ quí vị để ý rằng những sự dối trá thậm tệ nhất của ma quỉ thường đi song song với những chân lý quan trọng nhất của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng, “Chúa là Đấng tốt lành.” Nhưng phần lớn con người tin gì? Họ tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng khắt khe, nếu làm theo ý Chúa, chúng ta sẽ kết thúc cuộc đời của mình cách bi đát nhất và đau khổ nhất. Đây là sự dối trá tệ hại nhất. Chúa phán rằng, “tính dục là điều tốt.” Thế gian nói rằng “tính dục là bẩn thỉu.” Những tranh ảnh khiêu dâm và hình vẽ trên các bức tường ở nhiều nơi tạo một ấn tượng trên con trẻ rằng tính dục là bẩn thỉu.
Nếu làm cho con trẻ nghĩ rằng tính dục là điều dơ bẩn thì chúng ta đã tạo nên những khó khăn về vấn đề tính dục cho chúng khi thành hôn. Những người cố vấn hôn nhân cho biết đôi khi trong hôn nhân người phụ nữ trở nên lãnh cảm và người đàn ông trở nên bất lực, đi sâu hơn để tìm hiểu nguyên nhân thì những người đó đã được chỉ bảo rằng tính dục là điều bẩn thỉu. Vì đã in trí rằng tính dục là điều bẩn thỉu nên họ không thể quí trọng và vui hưởng tính chất thiêng liêng của tính dục và tin rằng tính dục là điều tốt đẹp. Do đó họ không thể sinh hoạt cách bình thường về phương diện tính dục. Sự liên hệ thể xác trong một hôn nhân thánh là điều thiêng liêng và cao đẹp, nhưng những người tin rằng tính dục là điều bẩn thỉu không thể thực hiện cách bình thường được.
Tuy nhiên những người đó lại có thể quan hệ lăng nhăng với những người khác. Trong những trường hợp nầy thì tính dục lại trở nên bẩn thỉu. Họ lẽ ra nên có quan hệ tính dục trong hôn nhân thay vì ngoài hôn nhân.
Do đó chúng ta làm hại con cái mình nếu tạo ấn tượng trong chúng rằng tính dục là điều dơ nhớp. Mục đích của sách Nhã Ca là nói lên tính chất thiêng liêng của vấn đề tính dục trong hôn nhân, và chúng ta nên truyền đạt tinh thần nầy cho con cái mình. Đức Chúa Trời sẽ hài lòng khi chúng ta học được sứ điệp về tính chất thiêng liêng của tính dục. Nhiệm vụ của chúng ta là chia sẻ lẽ thật nầy: tính dục là thiêng liêng, tính dục là tốt đẹp trong liên hệ hôn nhân y theo sách Nhã Ca.
Mục sư Dick nói như sau, trong khi còn làm Quản nhiệm tại một Hội Thánh vùng biển, có lần tôi được mời nói chuyện với một nhóm khá đông các thanh niên về tính dục. Họ là những người đã ăn ở với nhau mà không ai cưới hỏi gì cả. Phần lớn họ đến đây để chơi trò lướt sóng trên mặt biển. Biết được họ là những người thích môn thể thao nầy nên tôi đặt vấn đề với họ, “Các bạn có thể đem những tấm phao lướt sóng đến nhà tôi để dạy tôi lướt sóng ở sân phía sau nhà được không?” Dĩ nhiên các bạn trẻ nói, “Ông không thể học lướt sóng kiểu đó, ông phải ra biển và học lướt sóng trên mặt nước.” Nhân đó tôi chuyển sang vấn đề tính dục và nói với họ rằng, “Các bạn sẽ không thể nào học biết về tính dục trừ khi các bạn đặt tính dục trong bối cảnh của hôn nhân, vì trong hôn nhân, tính dục trở nên thiêng liêng và tốt đẹp.” Sa-lô-môn đã trình bày tính chất thiêng liêng của tính dục trong hôn nhân.
Nhiều học giả cũng tin rằng có một lý do khác nửa về sự có mặt của Nhã Ca trong Kinh Thánh. Nhã Ca là một hình ảnh minh họa tình yêu của Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên của Ngài. Mối liên hệ giữa Chúa và tuyển dân được ví sánh như một mối tình trong Kinh Thánh, nhất là trong các Thi Thiên. Liên hệ giữa Chúa và dân Y-sơ-ra-ên giống như liên hệ giữa chồng và vợ, giữa hai người yêu nhau, giữa hai người hứa hôn với nhau. Kinh Thánh dạy về điều răn lớn nhất đó là : “Ngươi hãy hết lòng, hết trí, hết sức và hết cả linh hồn mà yêu kính Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ngươi.” Có phải mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa là mối liên hệ yêu thương không? Kinh Thánh trả lời đúng vậy. Mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa là mối liên hệ yêu thương. Mối liên hệ quan trọng nhất của chúng ta trong cuộc sống không phải là mối liên hệ trong hôn nhân, nhưng đó là mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Chúng ta nên nhận thức một sự thật đó là Đức Chúa Trời yêu chúng ta và chúng ta nên kinh nghiệm về tình yêu của Ngài. Chúng ta nên có mối quan hệ yêu thương với Chúa bằng kinh nghiệm thật trong cuộc sống hằng ngày. Đó là mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa được mô tả qua Cựu Ước. Do đó bên cạnh câu chuyện tình giữa hai người yêu nhau, nhiều học giả tin rằng câu chuyện tình nầy là một ẩn dụ nói về tình yêu của Chúa và tuyển dân của Ngài.
Khi đọc qua Tân Ước, chúng ta cũng khám phá rằng câu chuyện tình trong Nhã Ca cũng được áp dụng cho mối liên hệ giữa Đấng Christ và Hội Thánh của Ngài. Theo Tân Ước mối liên hệ giữa Đấng Christ và Hội Thánh được mô tả là mối liên hệ giữa chàng rể và cô dâu. Chúa Giê-xu là chàng rể và Hội Thánh là cô dâu.
Trong những ngày tháng Chúa Giê-xu còn sống trên đất, Giăng Báp-tít đã khuyến khích mọi người theo Chúa Giê-xu. Sau này, môn đồ của Giăng đến với ông và nói, “Thưa thầy, thầy đã nói với mọi người hãy theo Chúa Giê-xu và bây giờ ai nấy đều theo Ngài mà không đến để nghe thầy giảng nữa.” Quí vị còn nhớ Giang đã phản ứng thế nào không?
“Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó.”
Như vậy quí vị thấy hình ảnh trong Nhã Ca cũng là hình ảnh trong Tân ước. Mối liên hệ giữa Chúa Giê-xu và Hội Thánh của Ngài được xem là mối liên hệ yêu thương như giữa chàng rể và cô dâu. Câu chuyện tình trong Nhã Ca mang ý nghĩa hình bóng. Có nhiều điểm tương đồng và nhiều sự áp dụng tại đây. Vậy Nhã Ca là một minh họa về mối liên hệ giữa Chúa Giê-xu và Hội Thánh của Ngài.
Lần đến chúng ta sẽ tiếp tục phần lược khảo các sách Văn thơ và đề cập về các bài học áp dụng cho đời sống chúng ta qua sách Nhã Ca.