PHẦN 5: TIẾP BƯỚC TIỀN NHÂN
Trong thời điểm hiện tại, công tác gây dựng đời sống thuộc linh cho tín hữu tại Hội Thánh Tam Kỳ đang được chú trọng, đây là một hướng đi đúng, nhằm giúp cho con cái Chúa ngày càng sâu nhiệm Lời Ngài, đồng thời có thêm những kỹ năng để tiếp bước tiền nhân, mở mang Nước Chúa trên địa bàn sinh sống của mình. Và có lẽ bài ca trong Thi Thiên 84:7 sẽ luôn đồng hành với tôi con Chúa tại đây: “Họ đi tới, sức lực lần lần thêm; ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn.”
Xem thêm: Phần I: Hình Thành Trong Năng Quyền Chúa
Phần II: Lửa Thử Vàng Gian Nan Thử Sức
Phần III: Đồng Lúa Chín Vàng
Phần IV: Mở Cõi
Sau năm 1975:
Sau năm 1975, số lượng tín hữu tại Hội Thánh Tam Kỳ có phần giảm đi. Một số đã hồi hương. Một số khác hưởng ứng các chương trình kinh tế mới, đi lập nghiệp tại Tây nguyên. Một số Hội Thánh chung quanh khu vực Tam Kỳ như Xuân Nam, Kỳ Phú 2, Lý Trà, Ngọc Mỹ, Kim Đới, Bích Ngô… đã ngưng sinh hoạt. Lúc này, chỉ còn Hội Thánh Tam Kỳ, Trường Xuân, Phương Hòa, Chiên Đàn là vẫn giữ gìn được sự sinh hoạt thờ phượng Chúa của mình. Hội Thánh Kỳ Trung, dù cố gắng, nhưng đến năm 1978, do nhiều lý do khách quan, con dân Chúa phải tập trung về sinh hoạt chung với Hội Thánh Tam Kỳ.
Mục sư Mã Phúc Tín về chủ tọa Hội Thánh Tam Kỳ từ năm 1972, do tình hình lúc bấy giờ nên vẫn tiếp tục hầu việc Chúa tại đây, đến năm 2014 ông về hưu hạ. Cũng cần biết rằng thời gian này, Hội Thánh có thêm được nhiều đầy tớ Chúa cộng tác như: Truyền đạo Võ Đình Đán, Trần Ngọc Lâm, Võ Văn Hiền, Nguyễn Lãnh…, về sau có thêm Truyền đạo Mã Phúc Thanh Tươi. [1]
Thời kỳ này, có những nhân sự ra đi truyền giáo khá mạnh mẽ, đó là hai cụ Nguyễn Kiện, Huỳnh Thống, và những người con cháu. Cụ Nguyễn Kiện, tuy là một tín hữu bình thường, nhưng với tấm lòng nóng cháy muốn ra đi chứng đạo cá nhân, đã dắt đưa nhiều người trở lại cùng Chúa. Vì yêu thương mọi người, nên cụ sẵn sàng giúp đỡ họ để có thể cải thiện cuộc sống của mình. Có trường hợp cụ lấy luôn một cặp bò mà con trai cụ mới mua về, đem cho một gia đình tân tín hữu nghèo, khiến họ vô cùng cảm động vì lòng nhân từ của cụ. Cụ Huỳnh Thống vốn là nhân sự của chương trình CTG trước năm 1975, chỉ sống bằng nghề chài, bổ lưới, nhưng cụ và con cháu đều yêu mến Chúa. Cụ ra đi làm chứng từ những năm 1960. Trên chiếc xe đạp cũ, và sau này là đi nhờ xe máy của cụ Kiện, cụ Thống đã cùng cụ Kiện đi khắp các vùng chung quanh Tam Kỳ để chứng đạo. Hai cụ được các tân tín hữu xem như cha, như ông trong gia đình, và hai cụ cũng chính là nguồn khích lệ, động viên cho lớp nhân sự chứng đạo hiện nay.
Một điều thú vị là khi các cụ gặp khó khăn, thì luôn có người đứng ra bảo vệ, che chở. Hỏi ra thì mới biết, đó là những tín hữu tin Chúa trước năm 1975, sau này họ không còn nhóm lại và tham gia vào chính quyền địa phương. Tuy vậy, họ luôn có những nhận xét tốt về Tin Lành và không ngăn cản công việc của các cụ.[2]
Nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ được mở rộng
Vào khoảng năm 1990, do số lượng tín hữu khá đông, nên Hội Thánh Tam Kỳ phải nới rộng nhà thờ hai lần. Năm 1996, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Thánh, tại nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ đã tổ chức Hội đồng Bồi linh tỉnh lần đầu tiên với hàng ngàn người tham dự [3]. Từ đó về sau, với cơ sở vật chất khá khang trang, thuận lợi trong giao thông nên nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ đã trở thành địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động của Hội Thánh chung trong tỉnh như: Hội đồng Bồi linh, Thánh Kinh Căn bản, các lớp huấn luyện, trại hè cho thanh thiếu niên… Những năm gần đây, việc tổ chức đã được chia sẻ cho Hội Thánh Tin Lành Phương Hòa khi nhà thờ ở đây được xây dựng mới.
Năm 2006, bởi sự hướng dẫn của Chúa qua Mục sư Mã Phúc Tín, cơ sở trường Tiểu học Tin Lành cho chính quyền mượn để làm trường mẫu giáo, đã được trao trả. Hội Thánh đã mua thêm được 300m2 đất phía sau nhà thờ, sát nhập vào đất của Hội Thánh để có diện tích chung là 5.502,5m2, đồng thời chỉnh trang cơ sở khang trang đẹp đẽ hơn xưa.
Hội đồng Bồi linh tỉnh Quảng Nam 2012 tổ chức tại nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ
Hội Thánh Tam Kỳ đã phát triển đến 15 chi phái: Nam Tam Kỳ, Bắc Tam Kỳ, Tam Dưỡng, An Thổ, Phú Bình, Phú Lộc, Tịch Đông, Vĩnh An, Thạch Bích, Tam Phú, Tân Phú, Ngọc Mỹ, Phú Trung, Phước Lộc và Tam Dân. Sau này, khi chi phái Phú Trung, Phước Lộc về lại Hội Thánh Phú Trung (năm 2001), chi phái Tam Dân giao cho Hội Thánh Trường Xuân (2015), thì còn lại đúng 12 chi phái với số lượng tín đồ là khoảng 1.700 người.[4]
Sau hơn 9 tháng kiêm nhiệm, tháng 5/2015, Mục sư Phan Ân được Hội Thánh chính thức mời về quản nhiệm Hội Thánh. Năm 2017, Hội Thánh Tam Kỳ đã mở thêm chi phái Tam Mỹ, đến năm 2019, đã thành lập 2 Điểm Nhóm Phú Bình và Vĩnh An[5] từ hai chi phái đã có. Đây là 2 Điểm Nhóm đầu tiên sau 50 năm, kể từ khi chia tách chi phái Trường Xuân để thành lập Hội Thánh (năm 1969). Ngoài các chi phái và điểm nhóm mới mở, Hội Thánh vẫn đang dự kiến mở thêm các điểm nhóm mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội Thánh.
Bản đồ các Hội Thánh trong tỉnh Quảng Nam hiện nay (các Hội Thánh phía Nam đều có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với Hội Thánh Tam Kỳ)
Lời kết:
Hội Thánh Tam Kỳ, sau khi thành lập và đi vào ổn định tổ chức, đã có rất nhiều nhân sự ra đi chứng đạo, liên tục trong một thời gian khá dài, trên khá nhiều địa bàn dân cư rộng lớn. Dù nhiều người trong họ không biết chữ, nhưng tinh thần hăng hái ra đi truyền bá Tin Lành cho đồng bào là điều mà hậu thế cần luôn học hỏi. Tin Lành đã từ Tam Kỳ lan ra:
- Phía đông là: Tam Thanh, Kỳ Phú, Kỳ Trung…
- Phía tây là: Quế Phương, Tiên Thọ, Tiên Phước, Tiên Lãnh, Trà My, Trường Xuân…
- Phía nam là: Tiên Quả, An Tân, Lý Trà, Bích Ngô…
- Phía bắc là: Quế Sơn, Cẩm Long, Chiên Đàn, Thăng Bình, Phương Hòa…
Chưa kể một số Hội Thánh được thành lập cho đồng bào tạm cư như Xuân Nam, Kỳ Phú 2…
Và từ những Hội Thánh này, Tin Lành được mở rộng ra các vùng lân cận. Các Hội Thánh đó đã phát huy được vai trò của mình, trở thành Hội Thánh mẹ của nhiều Hội Thánh con khác. Hội Thánh Quế Sơn mở Phước Bình, Việt An, gần đây là Hiệp Đức, Khâm Đức; Hội Thánh Cẩm Long mở Cẩm Khê[6], Phước Sanh[7]; Hội Thánh Phương Hòa mở An Hà; Hội Thánh Tiên Phước mở Ngọc Giáp (Tiên Thọ). An Đông[8]; Hội Thánh Trà My mở Dương Yên, Phước Lâm (Tiên Hiệp), Tiên Lãnh; Hội Thánh Tiên Quả mở Kỳ Hòa, An Tân, Tam Hòa; Hội Thánh Kỳ Phú mở Ngọc Mỹ, Kim Đới[9]; Hội Thánh Kỳ Trung mở Phước Lộc, Hội Thánh Thăng Bình mở Bình Quế[10], Hà Lam, Phú Hiệp (Hương An)[11], Bình Triều… Đó là chưa kể những Điểm nhóm đã được thành lập trong thời gian gần đây.
Sau năm 1975, việc truyền giáo có phần thay đổi về qui mô cũng như phương cách. Hội Thánh Tin Lành Tam Kỳ không mở thêm được một Hội Nhánh nào, nhưng công cuộc truyền giáo vẫn luôn được tiếp tục. Hội Thánh vẫn tiếp tục công tác chứng đạo tại các vùng lân cận, nhờ đó mà đã củng cố và mở thêm được một vài chi phái, và ổn định được số lượng tín đồ trong một thời gian khá dài. Việc chứng đạo tại các vùng xa không còn cần thiết nữa, bởi nhiệm vụ đó đã được trao cho các Hội Thánh con, được hình thành trong thời gian trước.
Một điều cần phải thấy và cảm ơn Chúa vô cùng, đó là nhờ những nỗ lực của tôi con Chúa tại Hội Thánh Tam Kỳ ngày xưa, luôn quan tâm đến những hoạt động của Hội Thánh, nên ngày nay chúng ta mới có được những thông tin về sự hình thành, phát triển của Hội Thánh qua các bài viết đăng trên Thánh Kinh báo và các tạp chí khác. Bên cạnh đó, các cụ có thói quen hay kể lại cho con cháu nghe về những chuyến đi chứng đạo, những câu chuyện, những con người… Điều đó đã giúp cho họ trở thành những nguồn sử liệu sống, quí giá. Âu đó cũng là chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh Ngài, để những hậu tự hôm nay có thể biết và hiểu thêm về công lao của các bậc tiền nhân, hầu có thêm lòng kính sợ Chúa, yêu mến Hội Thánh Chúa. Trong thời điểm hiện tại, công tác gây dựng đời sống thuộc linh cho tín hữu tại Hội Thánh Tam Kỳ đang được chú trọng, đây là một hướng đi đúng, nhằm giúp cho con cái Chúa ngày càng sâu nhiệm Lời Ngài, đồng thời có thêm những kỹ năng để tiếp bước tiền nhân, mở mang Nước Chúa trên địa bàn sinh sống của mình. Và có lẽ bài ca trong Thi Thiên 84:7 sẽ luôn đồng hành với tôi con Chúa tại đây: “Họ đi tới, sức lực lần lần thêm; Ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn.”
Cuộc hành trình mở cõi của con dân Chúa tại Tam Kỳ nói riêng cũng như các Hội Thánh Chúa nói chung sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta hãy hết lòng cảm tạ Chúa vì tình yêu thương quá đỗi lớn lao mà Ngài đã dành cho Hội Thánh Ngài, đồng thời luôn bày tỏ lòng biết ơn tiền nhân, những người đã tận tụy hy sinh cả cuộc đời để góp phần vào việc mở mang bờ cõi nước Chúa, đem ánh sáng Tin Lành đến cho đồng bào, hầu ngày càng có thêm nhiều người được bước vào nhà của Chúa.
Vũ Hướng Dương
(trong bài có sử dụng tư liệu của Hội Thánh)
Chú thích
—
[1] Hiện nay Mục sư Võ Đình Đán là UV Tổng Liên Hội, Quản nhiệm HTTL Trường Xuân; Mục sư Mã Phúc Thanh Tươi là UV Tổng Liên Hội, Quản nhiệm HTTL Chiên Đàn; hai Mục sư Trần Ngọc Lâm và Võ Văn Hiền đã về với Chúa.
[2] Lời kể của ông Huỳnh Thành Tín, con cụ Huỳnh Thống.
[3] Trước đây đều tổ chức ở Đà Nẵng.
[4] Thông tin từ Mục sư Phan Ân, Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Tam Kỳ.
[5] Cụ Cửu Tùy, tức Nguyễn Xuân Lang, là người đầu tiên đem đạo Chúa về cho Chi phái Vĩnh An, tin Chúa ngày 20/04/1937. Cụ qua đời ngày 23/02/1963. (Mục sư Tạ Kế, Tam Kỳ, Ai tín, TKB số 299 (130), tháng 05/1963, trang 11).
[6] Hội Thánh Cẩm Khê không còn, hiện nay Hội Thánh Phương Hòa có mở tại đây một Điểm nhóm.
[7] Trong tạp chí Call of Vietnam, Fall 1958, trang 05, có viết về Hội Thánh Phước Sanh do Hội Thánh Cẩm Long thành lập với khoảng 70 tín hữu, cách nhà thờ Cẩm Long khoảng 20km về phía thượng nguồn. Nhiều người cho rằng đây chính là Hội Thánh Phước Sơn, tức Tiên Sơn, hiện nay đã không còn.
[8] Sổ Biên bản Địa hạt số 1, Địa hạt Liên hội Bắc Trung phần, Biên bản số 41/BTP, trang 125.
[9] Hiện nay 2 Hội nhánh Ngọc Mỹ và Kim Đới cũng không còn, nhưng nhà thờ Ngọc Mỹ hiện vẫn còn di tích.
[10] Tin tức, Thăng Bình, TKB số 259 (090), tháng 05/1958, trang 07.
[11] Hội Nhánh Hương An sau năm 1975 đã không còn, nhưng sau này, Hội Thánh Quế Xuân đã mở lại được Điểm nhóm, và hiện nay là Hội nhánh Hương An (mới).