Những sách lịch sử Cựu ước được phân ra làm 3 nhóm. Thứ nhất là 3 sách Giô-suê, Các Quan Xét và Ru-tơ, đây là những sách lịch sử mang ý nghĩa hình bóng. Bên cạnh những dữ kiện có giá trị về mặt lịch sử, những sách nầy còn chứa đựng những lẽ thật mang ý nghĩa hình bóng. Tiếp theo là 6 sách Sa-mu-ên, Các Vua và Sử Ký. Sáu sách nầy ghi về lịch sử của các triều vua. Chúng ta đã kết thúc phần lược khảo 6 sách nầy. Như vậy chỉ còn lại 3 sách cuối. Ba sách nầy được xem là những sách lịch sử của thời kỳ hậu lưu đày. Việc dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày sang Ba-by-lôn là một trong những biến cố hệ trọng trong lịch sử của người Hê-bơ-rơ.
Dựa trên kiến thức căn bản về lịch sử, chúng ta có thể hiểu được các tiên tri đã xuất thân trong những hoàn cảnh như thế nào. Khi đối chiếu để xác định thời gian hoạt động của các tiên tri, chúng ta sẽ biết các tiên tri đã xuất hiện vào thời kỳ trước, hoặc trong hay sau khi bị lưu đày. Như vậy, sự kiện lưu đày Ba-by-lôn trở nên một điểm mốc trong lịch sử của người Hê-bơ-rơ. Ba sách lịch sử E-xơ-ra, Nê-hê-mi và Ê-xơ-tê là những sách thuộc về giai đoạn sau khi bị lưu đày. Có người đã gọi hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi là Tin lành cộng quan của Cựu ước vì hai sách nầy có những điểm tương đồng. Cả hai sách đều đề cập đến cùng một biến cố trong lịch sử của người Hê-bơ-rơ, đó là sự hồi hương từ xứ Ba-by-lôn. Trong khi tổng quan về lịch sử Hê-bơ-rơ, có 7 sự kiện mà chúng ta cần biết đến, một trong những sự kiện đó là sự hồi hương từ đất lưu đày Ba-by-lôn.
Mười chi phái thuộc về nước Y-sơ-ra-ên ở phía bắc đã bị bắt lưu đày bởi người A-sy-ri, sau đó họ không được nhắc đến nữa. Nhưng nước Giu-đa ở phía nam sau khi bị lưu đày 70 năm thì được trở về. Đế quốc Ba Tư xâm chiếm Ba-by-lôn. Ngay sau khi chiếm Ba-by-lôn, Si-ru đại đế của Ba Tư đã ban một lịnh cho phép những người Giu-đa sống lưu đày tại Ba-by-lôn được tự do, trở về để xây dựng lại đền thờ, thành phố và quốc gia của họ. Si-ru đã giúp đỡ tài chánh để việc tái thiết được hoàn thành. Nhiều người đã hồi hương lần đó.