NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
MA-THI-Ơ 21
Trong Ma-thi-ơ đoạn 21 nhấn mạnh đến những điểm chính. Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem với vai trò mới. Lúc trước Ngài vào thành không gặp sự khó khăn nào. Bây giờ Ngài công bố Ngài là Vua đến trong thành phố của Vua. Ngài tiến tới và không còn lẫn tránh. Ngài dẹp sạch đền thờ lần thứ nhì. Chúa Giê-xu bày tỏ chính Ngài như lời Ngài công bố. Ngài rủa sả cây vả, mà đó là một hành động biểu tượng. Ngài gặp sự thách đố của các nhà lãnh đạo tôn giáo và qua ẩn dụ, Ngài kết tội họ, nên họ lập mưu để giết Ngài.
Các bạn chú ý giọng nói cách tự do và quả quyết của Ngài. Ngài đối diện với vấn đề hiện tại, Ngài hành động trong thời giờ và phương cách của Ngài. Chúa Giê-xu là Đấng chế ngự hoàn cảnh. Ngài thể hiện vương quyền khi tiến gần đến thập tự giá.
VÀO THÀNH CÁCH KHẢI HOÀN
Ma-thi-ơ 21:1-5
1 Vừa khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đến thành Giê-ru-sa-lem, và đã tới thành Bê-pha-giê, bên núi Ô-li-ve rồi, thì Ngài sai hai môn đồ, 2 mà phán rằng: Hãy đi đến làng ở trước mặt các ngươi, tức thì sẽ gặp một con lừa cái bị cột, với một con lừa con; hãy mở ra và dắt đến cho ta. 3 Nếu có ai nói chi với các ngươi, hãy trả lời rằng: Chúa cần dùng hai con lừa đó; tức thì họ sẽ gởi lừa đi. 4 Vả, điều ấy xảy ra để cho ứng nghiệm lời của đấng tiên tri rằng: 5 Hãy nói với con gái thành Si-ôn rằng: Nầy, vua ngươi đến cùng ngươi, Nhu mì, cỡi lừa Và lừa con, là con của lừa cái mang ách.
Đây là lời trích dẫn trong Xa-cha-ri 9:9 “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trỗi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái.”
Chắc chắn có sự bỏ sót quan trọng trong lời trích dẫn của Ma-thi-ơ, khi cẩn thận sự đối chiếu sẽ tìm thấy. “Hỡi con gái Si-ôn, hãy vui mừng cả thể.” Tại sao? Bởi vì Chúa Giê-xu không đến Giê-ru-sa-lem trong thời kỳ của sự vui mừng. Sự vui mừng sẽ đến khi Chúa Giê-xu trở lại lần thứ hai. Đồng thời cũng bỏ sót phần nói là “Ngài là Đấng công bình và là sự cứu rỗi” – từ ngữ sự cứu rỗi có ý nghĩa là sự chiến thắng, mà sẽ được ứng nghiệm trong sự trở lại lần thứ hai của Ngài. Kết luận được rút ra từ các phân đoạn nói về sự đến lần thứ hai của Ngài sẽ là sự đến cách khải hoàn.
Có người nghĩ rằng, Chúa Giê-xu đã tỏ bày sự nhu mì của Ngài qua sự cỡi một con lừa con. Điều đó không đúng. Lừa là một loài vật được cỡi bởi những vì vua. Trong ngày hôm nay, nó có thể giống như lái xe Mẹc-xi-đì vào trong thành phố. Con lừa loài vật dùng cho sự hòa bình, trong khi con ngựa dùng cho chiến tranh. Khi Chúa Giê-xu đến thành Giê-ru-sa-lem cỡi trên con lừa của sự bình an, Ngài tỏ bày chính Ngài giống như một vì vua. Thật sự rằng Ngài đang làm điều đó, vì có lời tiên tri nói rằng, Ngài là Đấng khiêm nhường. Đó là điều rất quan trọng cho chúng ta nhận thấy.
Ma-thi-ơ 21:6-9
6 Hai môn đồ bèn đi, và làm y theo lời Đức Chúa Jêsus đã dạy. 7 Hai người dắt lừa cái và lừa con, trải áo mình trên lưng lừa, và nâng Ngài cỡi lên. 8 Bấy giờ phần nhiều trong đám dân đông trải áo mình trên đường; kẻ khác chặt nhánh cây mà rải ra giữa đường. 9 Đoàn dân đi trước và theo sau đều kêu lên rằng: Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!
Có thể rằng, trước đây Ngài chưa hề vào thành Giê-ru-sa-lem bằng con đường nầy – chúng ta thấy điều đó trong sách Tin Lành Giăng. Tôi nghĩ rằng thông thường Ngài đến bởi cửa chiên, Ngài vào trong cổng này không bị trở ngại nào, vì cổng này để cho những sinh tế đi xuyên qua làm lễ vật dâng hiến. Ngài cỡi lừa giống như một vị Vua, và dân chúng nhìn nhận Ngài là Vua. Đây là cơ hội mà họ nhận Ngài hay từ chối Ngài.
Ma-thi-ơ 21:10-11
10 Khi Ngài đã vào thành Giê-ru-sa-lem, thì cả thành đều xôn xao, nói rằng: Người nầy là ai? 11 Chúng trả lời rằng: Ay là Đấng tiên tri Jêsus ở thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê.
Chúa của chúng ta thúc đẩy dân chúng ở Giê-ru-sa-lem suy xét đến lời công bố của Ngài trong giờ chót này.
SỰ DẸP SẠCH ĐỀN THỜ LẦN THỨ HAI
Ma-thi-ơ 21:12-13
12 Đức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi hết kẻ bán người mua ở đó; đổ bàn của người đổi bạc, và ghế của người bán bò câu. 13 Ngài phán cùng họ rằng: Có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp.
Đây là lời nói rất mạnh, có phải không?
Xin các bạn chú ý vài sự kiện được xem là sự vào thành vinh quang. Trước hết, tôi không nghĩ rằng vào thành trong “vinh quang” là cách gọi đúng của nó, bởi vì như chúng ta đã thấy, thật sự chỉ có phân nửa của lời tiên tri Xa-cha-ri được ứng nghiệm. Chúa Giê-xu đến trong thành Giê-ru-sa-lem để Ngài trở nên Đấng Cứu Chuộc. Ngài đang tiến đến đám đông dân chúng và giới thiệu về Ngài cho tất cả mọi người. Khi bạn xem sự ghi nhận của bốn sách Tin Lành chung với nhau, cho chúng ta có hình ảnh tổng hợp. Với kết luận rõ ràng, Ngài không vào trong thành Giê-ru-sa-lem chỉ có một ngày, nhưng với ba ngày khác nhau.
Lần thứ nhất là ngày Sa-bát (ngày thứ bảy). Trong ngày đó không có bàn đổi tiền, Ngài nhìn chung quanh và bỏ đi, “Và Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem, đến nơi đền thờ: Đoạn, Ngài liếc mắt xem mọi vật chung quanh, thì trời đã tối, Ngài bèn ra, đặng đi tới làng Bê-tha-ni với mười hai sứ đồ. (Mác 11:11). Ngài đi vào như một Thầy tế lễ.
Lần thứ nhì, Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem trong ngày chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần. Bàn đổi bạc ở đó và Ngài dẹp sạch đền thờ. (Ma-thi-ơ 21:12-13). Trong ngày đó Chúa Giê-xu đi vào như một vị Vua.
Lần thứ ba, Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem vào ngày thứ hai, ngày thứ nhì trong tuần. Trong lúc đó Ngài khóc về thành Giê-ru-sa-lem, sau đó Ngài vào đền thờ giảng dạy và chữa bịnh. Ngày đó Chúa Giê-xu vào giống như một Tiên tri.
Nếu chúng ta so sánh ba lời ký thuật trong sách Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca, nó cho chúng ta thấy rõ, các tác giả ghi nhận có ba lần vào thành khác nhau, và tôi tin rằng Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem ba ngày khác nhau và trong ba vai trò khác nhau, như Thầy tế lễ, như vị Vua, như một Tiên-tri. Ngài nghỉ ngơi tại làng Bê-tha-ni. Rõ ràng, Ngài không có nghỉ đêm tại thành Giê-ru-sa-lem cho đến khi Ngài bị bắt.
Xin nhớ rằng, sự vào thành vinh quang kết thúc tại thập tự giá. Nhưng Ngài sẽ đến trong sự vinh quang lần thứ hai. Tác giả của sách Hê-bơ-rơ đã đặt nó chung lại với nhau trong cách rất tốt đẹp: “Cũng vậy Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài.” (Hê-bơ-rơ 9:28). Chúng ta nghe lời của Xa-cha-ri 14:4 rằng khi Ngài đến trong thế gian lần thứ hai, Ngài sẽ đặt chân lên núi Ô-li-ve, đó là nơi mà Ngài sẽ ngự xuống. Sau đó Ngài sẽ vào trong thành Giê-ru-sa-lem cách vinh quang! Tôi không thể gọi ba lần vào trong thành Giê-ru-sa-lem này là cách vinh quang, bởi vì Ngài đang đi đến thập tự giá để chết cho tội lỗi của bạn và tôi.
Sau khi Chúa dẹp sạch đền thờ, có nhiều người đến để được Ngài giúp đỡ.
Ma-thi-ơ 21:14 Bấy giờ, những kẻ mù và què đến cùng Ngài trong đền thờ, thì Ngài chữa cho họ được lành.
Hãy chú ý thế nào Ma-thi-ơ đã nhấn mạnh sự kiện là có rất đông người được chữa lành.
Ma-thi-ơ 21:15-17
15 Nhưng các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo thấy sự lạ Ngài đã làm, và nghe con trẻ reo lên trong đền thờ rằng: Hô-sa-na con vua Đa-vít! thì họ tức giận, 16 và nói với Ngài rằng: Thầy có nghe điều những đứa trẻ nầy nói không? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Có. Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy: Chúa đã được ngợi khen bởi miệng con trẻ và con đương bú, hay sao? 17 Đoạn, Ngài bỏ họ, đi ra khỏi thành mà đến làng Bê-tha-ni và nghỉ đêm ở đó.
“Và Ngài lìa khỏi họ” đó là dấu hiệu Ngài từ khước những người lãnh đạo tôn giáo.
“Đi ra khỏi thành mà đến làng Bê-tha-ni.” Như chúng ta thấy, Chúa của chúng ta không có nghỉ đêm tại Giê-ru-sa-lem cho đến khi trong đêm Ngài bị bắt. Nhưng chúng ta sẽ thấy ngày hôm sau, Ngài trở lại Giê-ru-sa-lem. Tôi nghĩ, đây là sự vào thành mà Lu-ca nhấn mạnh cho chúng ta, Ngài vào lần thứ ba cũng là lần cuối vào ngày sáng thứ hai.
CÂY VẢ BỊ KHÔ HÉO
Ma-thi-ơ 21:18-19
18 Sáng mai, khi trở lại thành thì Ngài đói. 19 Thấy một cây vả ở bên đường, Ngài bèn lại gần, song chỉ thấy những lá mà thôi, thì Ngài phán cùng cây vả rằng: Mầy chẳng khi nào sanh ra trái nữa! Cây vả tức thì khô đi.
Có rất nhiều sự khó khăn trong việc cố gắng giải nghĩa về việc xảy ra cho cây vả. Tôi có nghe nhiều ý kiến về cây vả được tượng trưng cho điều gì. Cây vả, tôi tin nó là hình bóng về nước Do-thái như trong Ma-thi-ơ 24, như chúng ta sẽ thấy. Chúng ta có thể nói với sự tin chắc rằng, khi Chúa Giê-xu đến thế gian, đã không thấy “trái” không thấy kết quả thể hiện qua dân tộc Do-thái. Chỉ có lá bề ngoài của nghi thức, với đời sống tôn giáo chết. Chúa kết án họ về điều nầy. Dân tộc Do-thái đi qua khuôn mẫu, hình thức tôn giáo, nhưng họ không có năng lực. Những gì mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ biến thành sự chết, những nghi thức chết không có giá trị và nó không còn đi theo mục đích của Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ đối xử cùng cách ấy với những Hội Thánh “hữu danh vô thực” ngày nay, nếu họ chỉ sinh hoạt hình thức bề ngoài nhưng quay lưng lại với Chúa Giê-xu Christ.
Một lần nữa tôi xin được nói, Chúa Giê-xu rủa sả cây vả đó là một biểu tượng. Thật sự, Ngài kết án dân tộc Do-thái và dân tộc nầy đã chịu đau khổ nặng nề bởi sự đoán phạt khủng khiếp vào năm 70 Sau Công nguyên.
Ma-thi-ơ 21:20 Môn đồ thấy điều đó, lấy làm kỳ, nói rằng: Cớ sao trong giây phút mà cây vả liền khô đi vậy?
Đối với họ đó là một việc rất là ngạc nhiên. Xin mời bạn nghe lời Chúa Giê-xu giải bày, Ma-thi-ơ 21:21-22
21 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin, và không nghi ngờ chi hết, thì chẳng những các ngươi làm được điều đã làm cho cây vả mà thôi, song dầu các ngươi biểu hòn núi nầy rằng: Hãy cất mình lên và quăng xuống biển, điều đó cũng sẽ làm được. 22 Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả.
Chúa của chúng ta dạy họ bài học về sự cầu nguyện, họ cần có đức tin trong sự cầu nguyện. Họ ngạc nhiên về cây vả bị rủa sả, và Chúa Giê-xu nói với họ về sự trở ngại của họ, bởi vì họ không có đức tin để tin rằng Đức Chúa Trời có thể hành động cách lạ lùng như thế.
Thật vậy, ngày nay khi Tin lành của Chúa Giê-xu được rao giảng ra và khi các bạn tiếp nhận với lòng tin quyết, sẽ có sự thay đổi lớn cho đời sống các bạn.
CÂU HỎI ĐỂ BẮT BẺ
Một lần nữa Chúa Giê-xu bị thách thức bởi giáo quyền người Do Thái
Ma-thi-ơ 21:23 Đức Chúa Jêsus vào đền thờ rồi, đương giảng đạo, có các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân đến mà hỏi rằng: Bởi quyền phép nào mà thầy làm những sự nầy, và ai đã cho thầy quyền phép ấy?
Những người lãnh đạo tôn giáo trở nên tệ bạc và đầy sự ganh ghét trong cách đối xử của họ. Họ không hỏi Chúa Giê-xu đang làm gì. Các bạn có chú ý điều đó không? Họ không có duyên cớ để họ có thể chối bỏ những phép lạ mà Ngài đã làm, họ chỉ hỏi về quyền năng của Ngài.
Ma-thi-ơ 21:24-26
24 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta cũng sẽ hỏi các ngươi một điều; nếu trả lời được, thì ta cũng sẽ nói cho các ngươi bởi quyền phép nào mà ta đã làm những việc đó. 25 Phép báp-tem của Giăng bởi đâu? Bởi trên trời hay là bởi người ta? Vả, họ bàn riêng với nhau như vầy: Nếu chúng ta đáp rằng: Bởi trên trời, thì người sẽ nói với ta rằng: Vậy sao không tin lời người ấy? 26 Còn nếu đáp rằng: Bởi người ta, thì chúng ta sợ thiên hạ, vì thiên hạ đều cho Giăng là đấng tiên tri.
Các bạn thấy, những người lãnh đạo tôn giáo cố gắng gài bẫy Ngài, họ tìm cách đặt Ngài trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nhưng ngược lại, Ngài đã đặt họ ở trong tình trạng đó. Ngài nói, “Ta sẽ cho các ngươi biết quyền phép bởi đâu mà ta có, nếu các ngươi cho ta biết bởi đâu mà Giăng Báp-tít có quyền phép. Điều đó từ trên trời hay bởi con người?” Dĩ nhiên, nếu họ nói từ trên trời, Chúa của chúng ta sẽ nói,“Ta có cũng giống như thế.” Vì vậy, họ không có trả lời cho Ngài. Họ không chấp nhận quyền phép của Giăng đến từ trời, do đó, họ cũng không chấp nhận quyền năng của Chúa Giê-xu.
Ma-thi-ơ 21:27 Vậy, họ trả lời Đức Chúa Jêsus rằng: Chúng tôi không biết. Ngài bèn phán cùng họ rằng: Ta cũng không bảo cho các ngươi bởi quyền phép nào mà ta làm những điều nầy.
Các bạn đã thấy tình trạng căng thẳng bắt đầu xảy ra trong hoàn cảnh nầy. Chúa Giê-xu nói những lời này đụng chạm nặng nề với những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái.
ẨN DỤ VỀ HAI NGƯỜI CON TRAI
Ma-thi-ơ 21:28-31
28 Các ngươi nghĩ làm sao? Một người kia có hai đứa con trai; nói cùng đứa thứ nhứt, mà rằng: Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho. 29 Đứa ấy thưa rằng: Vâng; rồi không đi. 30 Đoạn, người cha đi đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy. Đứa nầy thưa rằng: Tôi không muốn đi. Nhưng sau ăn năn, rồi đi. 31 Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha? Họ đáp rằng: Đứa thứ hai. Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi.
Đây là ẩn dụ làm sỉ nhục rất nặng cho những người lãnh đạo tôn giáo. Chúa Giê-xu so sánh họ với “người con trai khác” là người nói rằng sẽ làm việc cho cha, nhưng sau đó không có làm. Chúa Giê-xu kể những người thâu thuế và đĩ điếm còn cao trọng hơn những người lãnh đạo tôn giáo này.
Ẩn dụ này cũng được ứng dụng cho ngày hôm nay. Có rất nhiều người gia nhập vào Hội Thánh và tôn giáo, họ nghĩ rằng họ là Cơ-đốc nhân, nhưng thật sự họ không phải, họ chỉ thực hành theo lễ nghi của Hội Thánh họ, tiếp nhận một số giáo lý, nhưng họ không là người tin Chúa thật sự cho đến khi đời sống của họ được biến đổi. “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). Các nhân viên thâu thuế và người nữ xấu nết nhận thức được tội lỗi của họ, và đến cùng Đấng Christ để được cứu rỗi. Họ đến trễ – trước nhất họ nói không với Chúa, nhưng họ ăn năn đến cùng Ngài và Ngài đã tiếp nhận họ.
Ma-thi-ơ 21:32 Vì Giăng đã theo đường công bình đến cùng các ngươi, nhưng các ngươi không tin, còn những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm đã tin người; và các ngươi, khi đã thấy điều ấy, sau cũng không ăn năn đặng tin người.
Những người lãnh đạo tôn giáo chỉ khoác bộ áo đạo đức giả bên ngoài, nhưng thật ra bên trong họ không có gì cả. Khi một người tin nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của mình thì bên trong của họ được đổi mới.
Bây giờ Chúa Giê-xu cho họ thêm một thí dụ nữa trước khi họ rời nơi đó.
ẨN DỤ CỦA NGƯỜI CHỦ NHÀ VÀ NGƯỜI TRỒNG NHO
Trong thí dụ nầy, người chủ vườn nho là hình ảnh của Đức Chúa Cha, người con trai là Chúa Giê-xu Christ. Người mướn vườn nho là hình ảnh của dân Y-sơ-ra-ên.
Ma-thi-ơ 21:33-38
33 Hãy nghe lời ví dụ khác. Có người chủ nhà kia, trồng một vườn nho, rào chung quanh, ở trong đào một cái hầm ép rượu, và cất một cái tháp; rồi cho những kẻ trồng nho mướn, và đi qua xứ khác. 34 Đến mùa hái trái, người chủ sai đầy tớ đến cùng bọn trồng nho, đặng thâu hoa lợi. 35 Bọn trồng nho bắt các đầy tớ, đánh người nầy, giết người kia, và ném đá người nọ. 36 Người chủ lại sai đầy tớ khác đông hơn khi trước; thì họ cũng đối đãi một cách. 37 Sau hết, người chủ sai chính con trai mình đến cùng họ, vì nói rằng: Chúng nó sẽ kính trọng con ta. 38 Nhưng khi bọn trồng nho thấy con đó, thì nói với nhau rằng: Người nầy là kẻ kế tự đây; hè! hãy giết nó đi, và chiếm lấy phần gia tài nó.
Đây là một trong những trọng điểm của ẩn dụ mà Chúa Giê-xu đã giảng. Đây cũng là lần cuối cùng mà Ngài cảnh giác những người lãnh đạo tôn giáo. Trong ẩn dụ Chúa nói, Sau hết, người chủ sai chính con trai mình đến cùng họ. Người Con Trai trong ẩn dụ hiện đang đứng ngay trước mặt họ. Họ sẽ làm gì với Con của Đức Chúa Trời?
Ma-thi-ơ 21:39 Họ bèn bắt con ấy, quăng ra ngoài vườn nho, và giết đi
Thật là điều kinh hãi cho những người nầy.
Ma-thi-ơ 21:40-41
40 Vậy, khi người chủ vườn đến, thì sẽ xử với bọn làm vườn ấy thể nào? 41 Chúng trả lời rằng: Người chủ sẽ diệt đồ hung ác ấy cách khổ sở, và cho bọn trồng nho khác mướn vườn ấy, là kẻ sẽ nộp hoa lợi lúc đến mùa.
Bây giờ Ngài đem họ trở về với Cựu ước vì hình ảnh “hòn đá” nói về chính Ngài.
Ma-thi-ơ 21:42-43
42 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh Thánh: Hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra, Trở nên đá đầu góc nhà; Ay là một sự lạ trước mắt chúng ta, hay sao? 43 Bởi vậy, ta phán cùng các ngươi, nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó.
Thật là sự thích thú để ghi nhận rằng Chúa thay đổi sự diễn đạt “Nước thiên đàng” đến “Nước Đức Chúa Trời.” Tôi cảm nhận Ngài dùng từ ngữ lớn lao, bởi vì Ngài sẵn sàng bao gồm dân ngoại và tất cả mọi người đến cùng Ngài. Nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó. Nước Trời được lấy khỏi người Do Thái và ban cho Hội Thánh. Hội Thánh đó là “dân tộc thánh”
Ma-thi-ơ 21:44 Kẻ nào rơi trên hòn đá ấy sẽ bị giập nát, còn kẻ nào bị đá ấy rớt nhằm thì sẽ tan tành như bụi.
“Kẻ nào rơi trên hòn đá ấy sẽ bị giập nát” liên hệ khi Đấng Christ đến lần thứ nhất. Ngài là Vầng Đá mà Hội Thánh được xây lên. “Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Giê-xu Christ”(I Cô-rinh-tô 3:11). Rơi trên Hòn Đá là đến với Đấng Christ để tiếp nhận sự cứu rỗi trong thời kỳ ân điển, và khước từ Đấng Christ sẽ bị đoán phạt khi Đấng Christ trở lại lần thứ hai.
Ma-thi-ơ 21:45 Các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si nghe những lời ví dụ đó, thì biết Ngài nói về mình.
Họ biết được Ngài đang nói về vấn đề gì. Rất tiếc trong ngày hôm nay, có rất nhiều người không thấy rằng ẩn dụ này ứng dụng cho chính mình.
Ma-thi-ơ 21:46 Họ bèn tìm cách để bắt Ngài; song sợ thiên hạ vì thiên hạ tôn Ngài là đấng tiên tri.
Dầu những nhà lãnh đạo tôn giáo nhất quyết giết Ngài, nhưng khi họ cố gắng bắt Ngài, họ lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Ngài là tiên tri của Đức Chúa Trời.
Các bạn thân mến, Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem số đông dân hoan nghinh và tiếp nhận, nhưng cũng có số khác khước từ. Hôm nay Lời Chúa ghi lại những sự việc này và tôi chia sẻ cho các bạn. Các bạn có cảm nghĩ gì khi biết về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tôi mong ước các bạn tiếp nhận Ngài cách hết lòng.