Bài 91: Con Người Bên Ngoài Và Con Người Bên Trong.

3772

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

Chúng ta đã hoàn tất phần lược khảo phần lịch sử Cựu ước, gồm 12 sách, bắt đầu với Giô suê và kết thúc với Ê-xơ-tê. Bây giờ chúng ta khảo sát những sách Văn thơ của Cựu ước. Những sách này còn được gọi là những sách nói về sự khôn ngoan hay những sách văn chương nhằm phân biệt với những sách luật pháp, tiên tri và lịch sử. Chúng gồm 5 sách là Gióp, Thi thiên, Châm ngôn, Truyền đạo và Nhã ca. Quí vị có thể đặt vấn đề vì sao Đức Chúa Trời lại cho phép năm sách nầy được hiện diện trong Kinh Thánh? Câu trả lời là vì thơ văn là ngôn ngữ của lòng người và Chúa rất quan tâm đến tấm lòng con dân Ngài.

Có rất nhiều bài học dưỡng linh được khám phá qua năm sách Văn thơ. Đó là lý do vì sao nhiều người thích những sách nầy. Sách Văn thơ nhấn mạnh vào lẽ thật quan trọng đó là Đức Chúa Trời rất quan tâm đến tấm lòng của con người. Những sách nầy là sứ điệp từ lòng của Đức Chúa Trời đến với lòng của con cái Chúa. Sách Gióp dành cho con cái Chúa khi họ bị đau khổ, sách Thi thiên khi họ thờ phượng, sách Truyền đạo khi họ nghi ngờ, sách Châm ngôn khi họ phải đương đầu với cuộc sống hằng ngày và cuối cùng sách Nhã ca khi họ đang yêu nhau.

Năm sách Văn thơ liên quan đến tấm lòng của con dân Chúa trong những trường hợp cụ thể. Sách Gióp là sứ điệp cho con cái Chúa khi họ bị đau khổ. Con cái Chúa luôn luôn có những khổ đau. Nếu trở về với lịch sử của người Hê bê rơ, lịch sử của hội Thánh hay lịch sử nhân loại, thì chúng ta thấy con dân Chúa luôn luôn bị đau khổ. Vì lẽ nầy mà một người đã nói rằng, “hãy luôn luôn hướng sứ điệp của bạn vào những tấm lòng tan vỡ vì luôn luôn có những người đau khổ đang ngồi trong ghế nhà thờ. Nếu bạn giảng cho những tấm lòng tan vỡ, lúc nào cũng có người nghe bạn.”

Thật vậy, sự đau khổ là điều hết sức phổ thông. Con cái Chúa đang đau khổ khắp mọi nơi. Nhiều người đau khổ và thậm chí chịu chết vì niềm tin nơi Chúa  Giê-xu từ thế chiến thứ hai đến bây giờ hơn cả phần còn lại của lịch sử. Ngay bây giờ con dân Chúa đang đau khổ trên nhiều nơi như tại Trung quốc, Châu phi, Bắc hàn … Đời sống tự nó đã nhiều khó khăn. Do đó sứ điệp của sách Gióp sẽ đi vào lòng của những người đang ở trong khổ nạn.

Sách Thi thiên dành cho những con dân Chúa đang thờ phượng. Thi thiên là thánh ca của dân sự Chúa thời Cựu ước. Mở thánh ca của quí vị và đọc những dòng chữ trong các bài thánh ca, quí vị sẽ khám phá một trong những bài thơ hay nhất trên thế giới. Thi thiên là những bài thơ không nhạc, nó là những bài thơ hay nhất trong Kinh Thánh. Chúa ban Thi thiên để con người bày tỏ tấm lòng họ khi thờ phượng Ngài.

Tấm lòng của con dân Chúa sẽ thế nào khi họ bị đau khổ? Điều gì xảy ra trong lòng khi họ thờ phượng Ngài? Câu trả lời được tìm thấy trong sách Gióp và sách Thi thiên.

Sách Châm ngôn là một trong những sách thực tế nhất trong Kinh Thánh. Kinh Thánh cho biết Sa-lô-môn là người khôn ngoan nhất đã từng sống. Khi đọc sách Châm ngôn, quí vị có thể hiểu và trân trọng sự khôn ngoan của Sa-lô-môn. Ông viết khoảng 1000 câu châm ngôn. Sách Châm ngôn được viết bởi những tác giả khác nhau chớ không phải chỉ một mình Sa-lô-môn. Sách nầy nhằm dạy cho con cái Chúa biết đối phó thế nào với đời sống hằng ngày, tại nơi chợ búa hoặc những lãnh vực thực tế trong cuộc sống. Có người nói rằng khi quí vị làm ăn, có hai điều quí vị sẽ được, tiền và kinh nghiệm . Nhưng hầu như người khác thì luôn luôn được tiền còn quí vị thì chỉ được kinh nghiệm. Sách Châm ngôn cho biết Đức Chúa Trời không muốn con cái Ngài chỉ được kinh nghiệm từ ngày nầy qua ngày khác còn người ta thì được lợi lộc và tiền bạc. Vì thế Ngài ban cho chúng ta sách Châm ngôn dạy chúng ta để biết ứng xử với cuộc sống, soi sáng chúng ta có sự khôn ngoan trong những vấn đề thực tế hằng ngày.

Sách Truyền đạo dành cho những người ở trong sự ngờ vực vì đây là những bài giảng của Sa-lô-môn vào cuối cuộc đời của ông cho giới trẻ. Ông muốn nhắn nhủ với họ rằng, “Đừng làm theo những gì tôi đã làm. Kinh nghiệm không những là giáo sư mà nó còn là một giáo sư đầy sức thuyết phục. Các bạn không cần phải trải qua những gì tôi đã trải qua. Các bạn nên học và được ích lợi qua kinh nghiệm của tôi.” Khi giảng cho các bạn trẻ, Sa-lô-môn chia sẻ với họ về những kinh nghiệm của ông. Ông cho họ biết thế nào ông đã hoài nghi và đi tìm ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống. Do đó Truyền đạo là sách dành cho con cái Chúa sống khi họ ngờ vực vì Chúa biết sự hoài nghi sẽ đến với họ.

Cuối cùng Nhã ca là một sách Văn thơ nói về tình yêu giữa đôi nam nữ trong thời kỳ trăng mật. Quí vị có thể tự hỏi vì sao một sách như vậy lại được xếp vào trong Kinh Thánh. Chúng tôi tin rằng mục đích của sách là để khẳng định rằng quan hệ nam nữ hay vấn đề luyến ái là điều thiêng liêng, được Đức Chúa Trời chúc phước, thánh hóa và đem lại niềm hạnh phúc vui sướng lớn lao cho con người. Sự liên hệ xác thịt giữa hai người trong hôn nhân là điều tốt đẹp và thánh thiện trước mặt Chúa. Nhã ca là sách cuối cùng trong các sách văn thơ, nó là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho những người đang yêu nhau. Đức Chúa Trời quan tâm đến những gì xảy ra trong lòng những người khi họ đang yêu. Đọc sách nầy chúng ta sẽ khám phá được Đức Chúa Trời đã mong muốn điều gì khi Ngài thiết lập hôn nhân và dựng nên chúng ta là những người nam và những người nữ.

Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời rất quan tâm đến tấm lòng của chúng ta. Nhưng khi nói đến tấm lòng, thì Kinh Thánh muốn nói đến điều gì trong con người chúng ta? Ví dụ, Chúa muốn nói gì khi phán với chúng ta, (Châm ngôn 4:23)

Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.

Chúa đề cập đến phần nào trong cơ thể của chúng ta? Tương tự Chúa muốn nói gì khi Ngài phán rằng, chúng ta phải yêu Ngài hết lòng, tìm kiếm Ngài hết lòng? Chúa Giê-xu ngụ ý gì khi Ngài khuyến cáo chúng ta rằng của cải chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta cũng ở đó? Giê-rê-mi muốn nói gì khi ông tuyên bố rằng, lòng của loài người là dối trá và xấu xa hơn mọi vật, chỉ một mình Đức Chúa Trời mới biết được hết sự gian ác trong lòng của con người? Đa-vít muốn nói gì khi ông xin Chúa hãy tra xét và biết lòng của ông để ông được bước theo con đường của sự sống đời đời? David có ý gì khi xin Đức Chúa Trời tạo dựng nên trong ông một lòng trong sạch? Kinh Thánh nói về thanh sạch trong lòng và cũng nói về tội tà dâm trong lòng. Lời Chúa dạy chúng ta phải có cùng một lòng với anh em mình cẩn thận về sự suy nghĩ trong lòng mình. Đức Chúa Trời cũng hứa rằng Ngài ban cho chúng ta một tấm lòng mới và Ngài đã làm điều này cho nhiều người trong Kinh Thánh. Lời Chúa cũng cho biết Đức Chúa Trời nhìn xem tấm lòng con người chớ không phải bên ngoài, chúng ta cũng được khuyến cáo phải nhìn vào bên trong chớ không phải bên ngoài khi đánh giá con người.

Chữ “người” theo nghĩa đen là cái mặt nạ, do đó nó có liên hệ với phần thể hiện bên ngoài. Theo Lời Chúa thì đánh giá người khác dựa theo những tiêu chuẩn bên ngoài hay dựa vào cái mặt nạ họ đang mang là phạm tội đối với Chúa. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh khẳng định những điều gì được xem là giá trị đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta cần có cái nhìn theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời để không đánh giá người khác dựa theo những gì bên ngoài nhưng theo tấm lòng bên trong.

Khi Kinh Thánh nói về tấm lòng con người, hiển nhiên điều nầy không được hiểu theo nghĩa đen là chỉ về trái tim trong cơ thể chúng ta. Có một thời mà người Hy lạp cho rằng những cảm xúc của chúng ta không xuất phát từ trái tim nhưng từ ruột. Vì vậy Sứ đồ Phao-lô nói với những tín hữu tại Phi-lip rằng ông yêu họ với hết cả tấm lòng hay sát nghĩa là ruột của ông. Khi viết thư cho Phi-lê-môn là người giàu có và đã giúp đỡ nhiều con cái Chúa về mặt tài chánh thì Phao-lô nói rằng, “Nhờ anh mà ruột của các thánh đồ được yên ủi.” Phao-lô muốn nói gì tại đây? Ông đang dùng khái niệm phổ thông thời bấy giờ đó là cảm xúc xuất phát từ ruột. Thật ra ngày nay chúng ta cũng diễn tả cảm xúc giống như vậy. Giê-rê-mi 4:19 được dịch “Ôi, tôi đau lòng, tôi đau lòng” nhưng nếu nói sát nghĩa là “tôi đau ruột, tôi đau ruột!” Có phải Giê-rê-mi đang nói về ruột của ông không?

Có một cháu bé gái học mẫu giáo tại một trường Tin Lành. Trường nầy vừa mới tuyển dụng một nữ giáo viên, người rất có kinh nghiệm trong việc dạy, nhưng cô là một tân tín hữu. Cô không biết gì nhiều về việc dạy Kinh Thánh hoặc các vấn đề thuộc linh. Sau khi học một thời gian với cô giáo mới, em bé gái mang một mặc cảm tội lỗi kinh khủng. Số là cô giáo dùng một bản nỉ để trước lớp học, mỗi em học sinh đều được tượng trưng bởi một con cừu trắng đính lên đó. Những con cừu nầy có thể được quay lại và trở thành con cừu đen. Nếu em học sinh nào nói chuyện hoặc không ngoan sẽ bị cô quay con cừu đen lại. Cháu bé gái vì nói chuyện nên con cừu của cháu lúc nào cũng bị đen. Cuối cùng cô giáo nói với em rằng, con cừu luôn luôn đen vì trái tim của em là màu đen, chỉ về một tấm lòng đen tối xấu xa. Điều nầy tạo nên một ấn tượng không thể nào phai mờ được đối với cháu.

Nhiều năm sau đó cho đến khi cháu 10 tuổi, cả gia đình xem bộ phim nói về những kỳ quan trong cơ thể của con người và nhất là hệ thống lưu thông máu. Phim có chiếu cảnh giãi phẫu ngực của một người đàn ông. Lúc nhìn thấy trái tim của bệnh nhân thì cháu thất vọng. Sau đó khi gia đình bàn đến những vấn đề thuộc linh thì em hỏi ba rằng, “Những gì ở trường nói với con là thật hay chỉ là chuyện đùa?” Người cha trả lời, “Con nghĩ rằng thầy cô giáo chỉ nói với con chuyện đùa thôi sao?” Em đáp, “Tại sao con được dạy rằng trái tim con màu đen, trong khi đó người đàn ông trong phim lại có trái tim màu đỏ chớ không phải màu đen.” Trẻ em thường hiểu theo nghĩa đen. Trở về với Kinh Thánh, hầu hết khi nói đến tấm lòng thì điều đó không được hiểu theo nghĩa đen.

Lời Chúa thường xuyên nhắc nhở chúng ta hãy nhìn mọi sự theo tiêu chuẩn giá trị trong cõi đời đời. Những sách Văn thơ sẽ giúp chúng ta rất nhiều vì sứ điệp và phần áp dụng đụng đến tấm lòng, con người bên trong của chúng ta.

 

Hoan nghinh quí vị theo dõi chương trình Thánh kinh lược khảo,

Có năm sách Văn thơ cả thảy. Mỗi sách đều nhắm vào một mục tiêu nhất định. Bài hôm nay sẽ giúp cho quí vị nắm được nét khái quát về mục tiêu đó. Đồng thời cũng cho thấy Đức Chúa Trời rất quan tâm đến tấm lòng của chúng ta.

Kính mời quí vị cùng theo dõi.

Bài trướcCha Mẹ Nên Làm Gì Khi Biết Con Là Người Đồng Tính?
Bài tiếp theoBài 91: Chúa Giê-Xu Vào Thành Giê-Ru-Sa-Lem