NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
Trong bài học vừa qua, Ê-xơ-tê đã can đảm chấp nhận yêu cầu của Mạc-đô-chê để yết kiến vua xin cứu đồng bào Do thái của mình khỏi lịnh tận diệt khắp bờ cõi nước Ba tư. Thái độ can đảm của Ê-xơ-tê bày tỏ qua lời sau đây, “Nếu tôi phải chết thì tôi chết.”
Khi Ê-xơ-tê vào yết kiến nhà vua, A-sê-ru không những đưa ra vương trượng (gậy vua) mà còn trao cho hẳn cho Ê-xơ-tê. Vua còn hứa với Ê-xơ-tê rằng dầu cho bà xin đến nửa nước thì ông cũng sẵn lòng ban cho. Điều này ngụ ý rằng Ê-xơ-tê chắc chắn vô cùng xinh đẹp nên mới có thể ảnh hưởng đến vị hoàng đế quyền lực nhất thời bấy giờ.
Khi hoàng đế đưa vương trượng ra và hỏi, “Có điều gì vậy Ê-xơ-tê?” Nàng đáp, “Tôi muốn mời vua đến dự buổi tiệc đặc biệt, xin vua cũng gọi thủ tướng Ha-man tham dự.” Ê-xơ-tê thật khôn ngoan, nàng biết chọn đúng nơi, đúng lúc để nói. Vì yêu Ê-xơ-tê nên hoàng đế trả lời ông sẽ đến dự. Khi Ha-man nhận được tin dự tiệc, y hớn hở khoe khoang với bạn bè rằng chỉ một mình y được mời dự tiệc với vua và hoàng hậu.
Ê-xơ-tê khoản đãi buổi tiệc cách thành công với sự tham dự của vua và Ha-man, nàng mời họ một bữa tiệc khác. Trên đường về nhà Ha-man vẫn gặp một Mạc-đô-chê không chịu cúi đầu khuất phục. Ha-man trở nên giận dữ điên cuồng, y nói với gia đình và bạn hữu rằng, “Mọi quyền lực và địa vị ta có chẳng nghĩa lý gì cả khi mà tên Mạc-đô-chê người Giu-đa không chịu cúi đầu trước mặt ta.” Để giúp Ha-man nguôi cơn giận, một người trong gia đình ông đề nghị rằng, (Ê-xơ-tê 5:14)
Hãy biểu dựng một mộc hình, cao năm mươi thước; rồi sớm mai, hãy cầu vua khiến cho người ta treo Mạc-đô-chê tại đó; đoạn ông hãy khoái lạc đi dự yến tiệc cùng vua.
Ha-man hì hục dựng cây mộc hình suốt đêm. Cũng chính trong đêm đó, bàn tay Đức Chúa Trời can thiệp, suốt đêm vua không ngủ được, nên vua yêu cầu đọc những tài liệu lịch sử. Khi đọc đến câu chuyện Mạc-đô-chê đã cứu vua khỏi sự ám sát, thì vua liền bảo dừng lại và hỏi, “Mạc-đô-chê đã được thưởng gì chưa?” Câu trả lời là chưa. A-sê-ru nói, “Vậy thì ta sẽ làm một điều gì đó cho Mạc-đô-chê.” Đến sáng khi gặp Ha-man, vua hỏi, “Ha-man, ta xin hỏi ngươi một câu. Nếu ngươi là hoàng đế và có một người ngươi muốn bày tỏ sự tôn trọng thì ngươi sẽ làm gì?” Ha-man thầm nghĩ ngoại trừ ta thì còn ai mà vua còn muốn dành cho vinh dự nầy, nên Ha-man nói, (Ê-xơ-tê 6:7- 9)
“Người bệ hạ ban vinh dự 8phải được mặc vương bào, cỡi vương mã và đội vương miện. 9Vị đại thần cao cấp nhất sẽ nhận áo bào và ngựa bệ hạ, rồi mặc vương bào cho người ấy, nâng người lên lưng ngựa, dẫn đi khắp các đường phố kinh thành và hô lớn: “Đây là vinh dự hoàng đế ban cho người mà vua muốn tôn trọng.”
Nhà vua đáp, (Ê-xơ-tê 6:10)
Vua liền bảo Ha-man: “Hãy mau mau lấy áo và ngựa của ta trao cho Mạc-đô-chê, người Do Thái, đang ngồi tại cổng hoàng cung, và làm đúng theo mọi điều ngươi vừa nói, đừng bỏ sót chi tiết nào.”
Kẻ độc ác Ha-man học được một bài học về luật vàng trước khi Chúa Jêsus dạy nó, “Hãy làm cho người khác điều mà ngươi muốn họ làm cho mình.” Ha-man đã ngậm đắng nuốt cay mà vâng lời nhà vua. Thử tưởng tượng Ha-man đã nhục nhã dường nào. Trong lúc về nhà để chuẩn bị quần áo đến dự tiệc của Ê-xơ-tê, Ha-man không những nhục nhã mà còn lo sợ vì đã lừa nhà vua để thông qua dự luật sát hại người Do Thái. Vào lúc đó, Ha-man vẫn không hề biết xuất thân của Ê-xơ-tê cũng như mối liên hệ giữa Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê.
Chắc hẳn Ha-man không vui thích khi dự buổi tiệc thứ hai. Trong buổi tiệc nầy nhà vua hỏi Ê-xơ-tê, “Nàng muốn xin ta điều gì vậy? Cho dầu đến một nửa giang sơn, ta cũng sẵn sàng cho nàng.” Ê-xơ-tê trả lời, “Tâu bệ hạ, những gì tôi cầu xin chỉ là sự bảo toàn mạng sống của tôi. Nếu kẻ thù muốn bắt tôi làm và đồng bào tôi làm nô lệ là một chuyện khác, đằng nầy họ muốn tiêu diệt tôi cũng như đồng bào tôi.” Nhà vua đùng đùng nổi giận, “Ai dám giết nàng là hoàng hậu.” Ê-xơ-tê nhìn Ha-man và nói, “Chính người nầy, Ha-man đã lừa vua để thông qua luật nhằm tận diệt tôi và đồng bào tôi vào ngày 28 tháng hai.”
Đến lúc nầy, Ha-man biết là mình sắp chết đến nơi vì vua giận dữ đứng lên và bước ra ngoài. Ha-man liền phủ phục dưới chiếc ghế dài của Ê-xơ-tê để xin bà cứu mạng. Khi vua trở vào thì thấy Ha-man đang ở tại chiếc ghế dài của Ê-xơ-tê bèn phừng phừng nỗi giận, “Nó còn định làm nhục hoàng hậu nữa sao? Ta phải trừng phạt nó như thế nào?” Một trong những người hầu vua thưa, “Suốt đêm qua, Ha-man đã dựng cây mộc hình để treo cổ Mạc-đô-chê.” Vua phán, “Vậy thì hãy treo hắn lên cây mộc hình đó.” Ha-man đã bị treo lên cây mộc hình mà ông đã dựng để giết Mạc-đô-chê. Lần nầy thì Ha-man buộc phải học mặt tiêu cực của Luật vàng đó là đừng làm cho người khác những gì mà ngươi không muốn người khác làm cho mình.
Ha-man đã chết nhưng luật đã được ban ra không thể thay đổi nghĩa là nhằm ngày 28 tháng hai mọi người Do Thái đều phải bị giết chết. Họ phải làm gì bây giờ? Nhà vua phong cho Mạc-đô-chê chức thủ tướng và giao mọi tài sản của Ha-man cho ông. Để giãi quyết luật diệt người Do Thái đã được ban hành, Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê yết kiến nhà vua để nhờ vua giải quyết. Một luật thứ hai được ra đời nhằm vô hiệu hóa luật thứ nhất. Thay vì tuyên bố mọi người Do Thái bị giết vào ngày 28 tháng hai thì luật khẳng định rằng ngày 28 tháng hai là ngày tiêu diệt mọi kẻ thù của người Do Thái.” Luật thứ hai được chuẩn y, phần tiếp theo là họ phải thông báo luật nầy trên khắp 127 vùng của Ba Tư. Họ có cả thảy là 6 tháng để làm điều nầy. Dĩ nhiên họ không có máy bay phản lực, không có Tivi, không có radio, họ chỉ có ngựa và lạc đà mà thôi. Thế nhưng họ đã làm xong việc. Luật thứ hai kịp thời đến mọi nơi để cứu người Do Thái. Chỉ trong sáu tháng, họ đã loan báo khắp thế giới dưới quyền của Ba Tư một tin tức tốt lành về luật của sự sống dành cho những người Do Thái đang ở dưới luật của sự chết.
Cách đây gần hai ngàn năm, Chúa Jêsus phán rằng với những người theo Ngài rằng, “Cả nhân loại đang ở dưới luật của sự chết, nhưng ta ban cho các ngươi luật của sự sống. Hãy công bố luật của sự sống cho cả thế giới để họ được cứu thoát khỏi sự chết thuộc linh đời đời.” Chúa Jêsus đã ban cho chúng ta mạng lịnh đó cách đây gần 2000 năm. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa làm xong nhiệm vụ nầy. Vẫn còn hằng triệu người đang sống dưới luật của sự chết và chưa bao giờ được nghe đến luật của sự sống.
Sau đây là câu hỏi đáng để ý, Tại sao vào thời Ê-xơ-tê, họ có thể công bố khắp cả thế giới luật mới trong vòng sáu tháng? Phải chăng những sứ giả là người tin vào hiệu quả của luật sự sống và luật sự chết? Vì vậy chỉ trong vòng sáu tháng những sứ giả nầy đã mang thông điệp của sự sống đến khắp thế giới. Tại sao chúng ta đã không mang thông điệp của sự sống tức là Tin Lành của Chúa Jêsus đến khắp thế giới? Phải chăng chúng ta không tin vào hiệu quả của hai luật sự sống và sự chết? Hay chúng ta không tin vào hiệu quả của luật sự sống? Có thể nào chúng ta không tin vào luật của sự sống mà chúng ta đang nắm giữ trong tay?
Cách đây nhiều năm khi mà án tử hình còn phổ biến, một Mục sư trẻ đã được mời để cầu nguyện cho một thanh niên sắp bị đưa lên ghế điện để chết. Mục sư đã nói về Tin Lành cho con người khốn khổ nầy. Chàng thanh niên bị kết án sau đó nói, “Mục sư có thật sự tin vào điều mình nói không?” Mục sư trả lời, “Vâng, tôi tin.” Chàng thanh niên nói, “Tại sao không có ai nói với tôi về điều nầy? Mục sư ơi, nếu tôi tin như vậy, tôi sẽ bò bằng tay và đầu gối khắp đầu đường xó chợ để nói cho mọi người những gì mà ông đã nói với tôi nếu nó là sự thật.”
Quí vị và tôi, chúng ta nên tự hỏi, “Tôi có thật sự tin vào Tin Lành của Chúa Jêsus không? Tôi có thật sự tin rằng cả thế giới đang ở dưới luật của sự chết không? Tôi có thật sự tin rằng Tin Lành của Chúa Jêsus là luật của sự sống không? Phải chăng Hội Thánh đã không mang thông điệp của sự sống đến cho cả thế giới suốt 2000 năm chỉ vì đơn giản là chúng ta không tin vào Tin Lành. Đó là bài học áp dụng của sách Ê-xơ-tê vào trong lãnh vực truyền giáo.
Một áp dụng khác của sách Ê-xơ-tê là sự ứng nghiệm về giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham. Chúa hứa, “Ta sẽ chúc phước cho những ai chúc phước ngươi và rủa sả những ai rủa sả ngươi.”
Sách Ê-xơ-tê cũng thể hiện luật Vàng theo chiều tiêu cực. Ha-man là một minh họa. Phần tiêu cực của luật vàng cũng được tìm thấy trong các tôn giáo khác, “Đừng làm cho người khác những gì ngươi không muốn người khác làm cho mình.” Luật này được thể hiện khi Ha-man bị treo trên cây mộc hình mà ông đã dựng cho Mạc-đô-chê. Hãy suy nghĩ mình muốn người khác làm gì cho mình, rồi hãy làm điều đó cho người khác. Ha-man đã dầu không muốn những phải bày tỏ sự tôn trọng với Mạc-đô-chê.
Một ứng dụng khác quan trọng của sách là sự quan phòng tể trị của Đức Chúa Trời. Điều này nghiệm đúng trong cuộc đời của Giô-sép. “Mọi sự hiệp lại làm ích lợi cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, là những kẻ được gọi theo ý muốn của Ngài đã định.” Thưa quí vị, mọi sự chớ không phải là một số điều, nhiều điều. Mọi điều hiệp lại làm ích lợi cho chúng ta nếu chúng ta yêu Chúa và được gọi theo mục đích của Chúa. Nó nghiệm đúng đối với Giô-sép, Đa-ni-ên và cho Ê-xơ-tê. Phải chăng Đức Chúa Trời đã chết khi Ê-xơ-tê bị buộc vào hoàng cung? Chúa đã đặt một thiếu nữ Do Thái lên ngôi vị hoàng hậu của đế quốc Ba Tư. Ngài hành động khi dân sự của Ngài bị chinh phục, khi mà họ không còn hy vọng gì để nương tựa.
Sự quan phòng tể trị của Đức Chúa Trời trên đời sống của quí vị và tôi là một trong những sứ điệp quan trọng nhất của sách Ê-xơ-tê. Quí vị có tin rằng Đức Chúa Trời đang tể trị mọi biến cố trong cuộc đời của quí vị không? Dĩ nhiên điều nầy không phải luôn luôn đúng. Nếu chúng ta không yêu Chúa, nếu chúng ta không muốn làm điều gì theo mục đích và chương trình của Ngài thì chúng ta không thể nói rằng mọi sự hiệp lại làm ích lợi cho mình. Có những điều kiện rất quan trọng đối với lời hứa nầy. Nếu chúng ta yêu Chúa hết lòng, hết trí, hết sức. Nếu chúng ta đi theo mục đích của Ngài, chỉ khi đáp ứng hai điều kiện nầy thì mọi điều xảy ra mới ích lợi cho chúng ta. Nhiều người đã kinh nghiệm lẽ thật nầy trên đời sống của họ. Nó có nghiệm đúng trên đời sống quí vị không?
Một áp dụng khác của sách Ê-xơ-tê mà chúng ta đã đề cập ở trên liên quan đến lãnh vực truyền giáo. Những sứ giả mang thông điệp của sự sống cho những người Do Thái đang ở dưới luật của sự chết là một gương sáng cho chúng ta. Nhiều giáo sĩ đã đến những nơi rừng thiêng nước độc để rao giảng Tin Lành vì họ tin rằng thế giới nầy đang ở dưới luật của sự chết. Họ cũng tin rằng họ đang có trong tay thông điệp của sự sống. Đó là lý do vì sao họ được cảm động bởi Thánh Linh để đứng vững và được Ngài hướng dẫn, sử dụng.
Quí vị có thật sự tin vào Tin Lành không? Quí vị có tin rằng cả thế giới đang ở dưới luật của sự chết không? Quí vị có tin rằng mình đang có trong tay thông điệp sự sống không? Đây là sứ điệp trọng tâm của sách Ê-xơ-tê.