HTTLVN.ORG – Cảm ơn Chúa, sáng ngày 28/11/2015, chúng tôi cùng với hơn 40 anh chị em quan tâm và lo cho người khuyết tật từ 13 Hội Thánh đến tham dự hội thảo “Mục vụ trợ giúp người khuyết tật” lần thứ hai tại Hội Thánh Tô Hiến Thành.
Dưới sự hướng dẫn chương trình của BS Phạm Hồng Hà, sau phần thờ phượng ngắn mở đầu, tất cả anh chị em tham dự có dịp làm quen với nhau qua lời tự giới thiệu ngắn về mình. Tất cả đến với chương trình bởi tấm lòng khao khát muốn tìm ra một hướng đi rõ ràng hơn cho việc giúp đỡ người khuyết tật nâng cao chất lượng sống và hòa nhập với cộng đồng.
Kế đến, BS Trần Văn Thanh giới thiệu sơ lược về UB. YTXH TLH, bao gồm mục tiêu, nguyên tắc hoạt động, 14 dự án từ thiện, tác động của các dự án đối với Hội Thánh, cộng đồng và chính UB YTXH. Đường hướng chủ yếu của tất cả các dự án của UB YTXH đều hướng đến mục tiêu giúp “cần câu” hơn là “con cá” và đều có thể kết nối hay lồng ghép với Mục vụ Trợ giúp Người Khuyết tật. Có hai đường hướng chính trong việc giúp đỡ người khuyết tật: phục hồi chức năng và giáo dục hoà nhập. UB YTXH xây dựng mục vụ trợ giúp người khuyết tật theo hướng giáo dục hội nhập theo tinh thần Cơ Đốc.
Để rõ hơn và hiệu quả hơn trong việc trợ giúp người khuyết tật, BS Lê Hoàng Sơn đã giới thiệu một số nội dung cơ bản trong quyển sách Khi sự giúp đỡ gây tổn thương. Theo tinh thần của Kinh Thánh, cần hiểu chữ “khó nghèo” trong bốn mối quan hệ nền tảng giữa con người với Chúa, với chính mình, với người khác và với tạo vật xung quanh. Trong nghĩa đó, mọi người, cả người giúp lẫn người được giúp, đều có thể là người khó nghèo. Người khó nghèo nói chung và người khuyết tật nói riêng khi lâm vào cảnh khó nghèo có thể đang ở vào một trong 3 giai đoạn của cuộc sống: cứu trợ, phục hồi và phát triển. Việc giúp đỡ phải đúng mục đích và hướng đến sự biến đổi bền vững vốn chỉ có thể có bằng nội lực của chính người khó nghèo. Nếu không thật sự hiểu rõ những khái niệm đó thì việc giúp đỡ có thể gây tổn thương cho cả người được giúp lẫn cho chính người giúp, mà sự gây hại đó có thể là rất lớn và khó thấy. Vì vậy, việc trợ giúp người khuyết tật cần dựa trên một số nguyên tắc chung và có những chiến lược thiết thực. Trong đó, cần tránh một số sai lầm: Làm cho anh chị em khuyết tật thay vì làm với họ; thiếu minh bạch trong vấn đề quản lý và giải trình tài chánh; và lệ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.
Những điều mà chúng tôi được nghe từ việc nghiên cứu tài liệu và trải nghiệm thực tế trong quá trình làm công tác xã hội của các thành viên UB. YTXH đã phần nào giúp chúng tôi hiểu rõ hơn và định hướng công việc mình sẽ làm cho mục vụ “Trợ giúp người khuyết tật” trong tương lai.
Sau đó là phần trao đổi ý kiến cùng với nhiều ý kiến đóng góp rất sôi nổi từ những người tham dự nhằm gợi ý đường hướng hoạt động của công tác giúp đỡ người khuyết tật. Được biết trong số 13 Hội Thánh tham dự lần hội thảo này thì có 6 Hội Thánh có nhân sự lo cho người khuyết tật về thể chất.
Một con cái Chúa thuộc Hội Thánh Củ Chi thông tin về một chương trình mổ mắt miễn phí dành cho tín hữu lẫn thân hữu (nếu cần, xin liên lạc với UB YTXH để biết thêm về chương trình này).
Hội Thánh Khánh Hội có số anh chị em khuyết tật khá đông, cả khiếm thị, khiếm thính lẫn khuyết tật vận động, và số tình nguyện viên giúp đỡ người khuyết tật tại đây lên đến 10 người. Hội Thánh đang ao ước có lớp học Kinh Thánh hàng tuần riêng cho người khuyết tật.
Hội Thánh Tân Thới Hòa không có tín hữu khuyết tật nhưng hàng tháng có gửi quà cho người nghèo lẫn khuyết tật trong cộng đồng.
Hội Thánh Thủ Đức chỉ có một số tín hữu khuyết tật vận động rất trung tín, và có 3 tình nguyện viên. Hàng quý có phân bổ ngân sách cho công tác y tế – xã hội, thăm viếng, cầu nguyện và trợ giúp.
Hội Thánh Tô Hiến Thành lồng ghép hoạt động chăm sóc người khuyết tật vào hoạt động của từ thiện của từng khu vực, chủ yếu là tự phát và tùy thuộc vào ngân sách. Hội Thánh mong muốn tất cả 14 dự án của UB. YTXH, trong đó có mục vụ “Trợ giúp người khuyết tật”, được trình bày rộng rãi cho các Hội Thánh để tất cả cùng biết, hiểu rõ hơn và hình dung được cách triển khai các mục vụ này để dễ dàng hơn cho việc phát triển.
Tại Hội Thánh Tân Phú, khiếm thính là một ban ngành chính thức của Hội Thánh, được Hội Thánh quan tâm chăm sóc, phân công anh chị em phụ trách và hỗ trợ kinh phí hàng tháng. Ban Khiếm thính được 50 – 60 trong số hơn 80 tín hữu khiếm thính nhóm lại thường xuyên. Nhiều anh em đã biết đọc chữ qua chương trình dạy chữ Rạng Đông, chỉ mới 10 trong 60 bài đã có thể đọc Kinh Thánh và tham gia làm bài thi Kinh Thánh hàng tuần chung với người không khiếm thính. Tinh thần yêu thương trong ban giúp anh em khiếm thính gắn bó và tạo mối quan hệ tốt giữa Hội Thánh với thân nhân dù chưa biết Chúa. Vừa qua có 9 trong số 20 anh em khiếm thính đã qua lớp giáo lý đến tiếp nhận Lễ Báp-têm, số còn lại không nhận Lễ Báp-têm do còn hiểu sai về ý nghĩa Lễ Báp-têm khi nghĩ rằng mình chưa xứng đáng. Đã có một thanh niên khiếm thính đi học Kinh Thánh. Ban Khiếm thính đang ước ao có sự thống nhất ngôn ngữ ký hiệu về Kinh Thánh dành cho người khiếm thính và có được việc làm phù hợp để tín hữu khiếm thính có thể tự nuôi sống bản thân. Hội Thánh chưa có mục vụ chăm sóc tín hữu dạng khuyết tật khác.
Hội Thánh Hoa ngữ chưa có người chuyên lo cho người khuyết tật, nhưng đã có một số tín hữu âm thầm giúp đỡ chăm sóc cuối đời cho một số bệnh nhân bằng kinh phí cá nhân.
Hội Thánh Thông Tây Hội có Nhóm Tương trợ Đồng Tâm 10-15 nhân sự nhiều lứa tuổi, hoạt động chăm sóc người khuyết tật lồng ghép với tín hữu khốn khó khác, chủ yếu thăm viếng, tặng quà những ngày lễ tết, truyền giảng và hỗ trợ các Hội Thánh, Điểm Nhóm ở vùng sâu vùng xa.
Hội Thánh Ngô Gia Tự chưa có nhân sự lo cho người khuyết tật nhưng có chương trình truyền giảng lưu ý mời người khuyết tật tham dự.
Hội Thánh Trương Minh Giảng có chương trình chăm sóc người khuyết tật từ mấy chục năm qua, chủ yếu là khiếm thị (hơn 30 người) và khuyết tật vận động (khoảng 8 người). Hiện có 5 tình nguyện viên và một lớp học Kinh Thánh hàng tuần riêng (khoảng 14 học viên khiếm thị). Hội Thánh hỗ trợ một phần kinh phí đi thờ phượng Chúa cho người khiếm thị và bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến người khuyết tật. Tạ ơn Chúa, từ buổi nhóm tuần hoàn của anh em khiếm thị, sau 2 năm đã hình thành được một Điểm Nhóm tại An Ninh Tây (Long An) với sự tham gia của cả người không khuyết tật về thể chất. Điểm Nhóm đã được chính thức công nhận, có nhà nguyện riêng và tháng 12/2015 sẽ chính thức làm lễ tạ ơn. Một thành quả lớn lao của anh em tình nguyện viên lo cho người khiếm thị mấy chục năm qua. Nan đề của Hội Thánh cũng vẫn là việc làm cho anh em khuyết tật.
Một số Hội Thánh khác có 2 – 3 tình nguyện viên, nhưng nhiều Hội Thánh không có nhân sự lo cho người khuyết tật. Đa số các Hội Thánh gần như chưa có mục vụ trợ giúp riêng cho người khuyết tật. Người khuyết tật nói chung và tín hữu khuyết tật nói riêng có ở khắp nơi. Nếu ít người khuyết tật đến nhà thờ để nhóm lại hay tham gia sinh hoạt, chủ yếu là vì không có người hỗ trợ, anh em phải tự lực mọi mặt và nhiều Hội Thánh địa phương chưa biết phải thực hiện ra sao. Vì vậy anh em nhân sự ước ao nếu có một tổ chức đứng ra hướng dẫn cũng như hỗ trợ thì có lẽ mục vụ “Trợ giúp người khuyết tât” sẽ được hình thành và phát triển mạnh mẽ hơn. Có thể tóm tắt ý kiến của những người tham dự vào mấy điểm sau:
1. Cần tìm hiểu cụ thể hơn tình hình tín hữu khuyết tật tại các Hội Thánh và các mô hình chăm sóc của Hội Thánh nếu có.
2. Nhiều Hội Thánh và tín hữu chưa hiểu rõ khái niệm “khuyết tật” và tình hình tín hữu khuyết tật. Nhiều khi vì đó mà có sự phân biệt đối xử trong vòng tín hữu. Nếu có quan tâm thì cũng chưa đủ, chủ yếu là tự phát bởi từng cá nhân hay ban ngành.
3. Xác định người cần được trợ giúp (bao gồm việc hỗ trợ con em người khuyết tật). Khó khăn nhất của tín hữu khuyết tật là vấn đề kinh tế gia đình và nuôi sống bản thân. Người bệnh nặng sắp qua đời cũng là một đối tượng cần quan tâm. Một số Hội Thánh cần có xe lăn phục vụ cho tín hữu khuyết tật vận động.
4. Xác định các nội dung trợ giúp và cách thực hiện để tạo tính bền vững cho mục vụ trong tinh thần Cơ Đốc.
5. Thiết lập mạng lưới hỗ trợ tín hữu khuyết tật tại khu vực TP. HCM.
6. Tạo cơ hội để lực lượng nhân sự trao đổi kinh nghiệm và sáng kiến.
Cuối buổi hội thảo, UB YTXH đã đúc kết một số đường hướng cho mục vụ “Trợ giúp người khuyết tật”:
1. Người khuyết tật cần được sống hòa nhập với cộng đồng, chứ không nên sống tách rời.
2. Hội thảo sẽ được tổ chức mỗi quý.
3. UB. YTXH sẽ phối hợp với các nhân sự thúc đẩy hoạt động chăm lo người khuyết tật thể chất theo nhiều hướng khác nhau.
4. UB YTXH sẵn sàng hỗ trợ khi các nhân sự muốn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác y tế xã hội hay mục vụ trợ giúp người khuyết tật cho tín hữu Hội Thánh, Ban Chấp sự hay lực lượng nhân sự của Hội Thánh địa phương mình, hoặc tổ chức các khóa huấn luyện nhân sự tại HT địa phương nhằm hỗ trợ cho mục vụ trợ giúp người khuyết tật.
Tạ ơn Chúa đã có buổi hội thảo mục vụ “Trợ giúp người khuyết tật” lần thứ 2 trong năm 2015. Đây là một mục vụ vốn được ấp ủ từ rất lâu nhưng cho đến năm nay mới có thể hình thành và rất cần sự chung tay góp sức của các anh chị em từ nhiều Hội Thánh cũng như sự cầu thay để Chúa soi dẫn cho việc phát triển mục vụ này càng hơn. Đây là một mục vụ rất thiết yếu vì có thể giúp thay đổi cách nhìn, lối sống và suy nghĩ cả một thế hệ cộng đồng tín hữu khuyết tật lẫn không khuyết tật. Bởi tình yêu Chúa mà mọi người sẽ nhận ra được ai cũng có khiếm khuyết một mặt nào đó trong con người mình và sẽ không để điều đó trở thành rào cản nâng cao chất lượng sống.
Cuối buổi hội thảo, vợ thầy TĐ Phạm Anh Tú thay mặt mọi người cầu nguyện cảm tạ ơn Chúa và dâng mọi người trong sự chăm lo hướng dẫn của Ngài.
Thời gian buổi hội thảo từ 8 giờ 30 đến 12 giờ dù rộn ràng vui vẻ nhưng thật không đủ để mọi người nói cho cạn lời, trình bày cho hết ý, cũng như thảo luận và góp ý xây dựng mục vụ “Trợ giúp người khuyết tật”. Ý và lời cứ được thoát ra cách tự do chẳng ngại ngần sự xét nét giữa những con người đồng công. Có thể qua một hai lần gặp mặt chưa đủ mật thiết thân thương, nhưng đều như nhau trong việc đối mặt với những nhọc nhằn trong công tác chăm sóc người khuyết tật, và cùng được Cha Thiên Thượng đặt vào lòng một nỗi trăn trở. Trước mắt chúng tôi còn nhiều điều cần phải làm, nhưng nhìn quanh đã thấy được một đạo quân đang sẵn sàng cùng tiến bước, và lòng bỗng thấy ấm.
Muốn thật hết lòng!
Một thành viên UB. YTXH
Hình ảnh của buổi hội thảo:
Quang cảnh buổi hội thảo
Thảo luận theo nhóm