Bài thứ 197: Nguy Cơ Tà Giáo Tại Ê-phê-sô

900

 

Ta nay nhắc lại mạng lịnh mà ta đã truyền cho con, khi ta đi sang xứ Ma-xê-đoan, con phải ở lại Ê-phê-sô, để răn bảo những người kia đừng truyền dạy một đạo giáo khác, đừng nghe phù ngôn và gia phổ vô cùng, là những điều gây nên sự cãi lẫy, chớ chẳng bổ sự mở mang công việc của Đức Chúa Trời, là công việc được trọn bởi đức tin.”

1 Ti-mô-thê 1:3-4.

 

 

Sứ đồ Phao-lô đi Ma-xê-đoan vào thời gian nào không ai rõ, nhưng ông đã ủy nhiệm cho Ti-mô-thê làm một việc tại Ê-phê-sô, đó là răn bảo những người rao truyền một đạo sai lạc.  Sứ đồ Phao-lô lúc ấy vừa được trả tự do và đến Ê-phê-sô là nơi ông đã truyền giáo, ông nhận thấy giáo hội tại đó có nhiều điều không theo đúng đường lối dạy đạo của ông, nên đã cử Ti-mô-thê, người truyền đạo trẻ tuổi và thân tín nhất, ở lại để giải quyết vấn đề.

 

Vấn đề mà Sứ đồ Phao-lô nhìn thấy ở đây là Ti-mô-thê phải đối diện ghi trong câu 3 và 4 trên đây.

 

Truyền dạy một đạo khác, và theo những phù ngôn và gia phổ vô cùng là hai điều Sứ đồ Phao-lô đề cập đến ở đây.

 

Đạo khác là đạo gì?  Đạo đây không phải là một tôn giáo, vì nếu một tôn giáo khác thì không phải phần việc của Ti-mô-thê phải răn dạy.  Đây là một giáo lý khác với phúc âm của Chúa Giê-xu, nghĩa là khác với phương pháp tin Chúa thì được cứu mà không phải làm một công đức nào.

Giáo lý khác hay phương pháp cứu rỗi khác này không căn bản trên lời Chúa và các giáo lý do các sứ đồ của Chúa truyền lại, nhưng theo những phù ngôn và gia phổ vô cùng.

 

Phù ngôn là những chuyện ngụ ngôn người ta đặt ra để dạy đời.  Dân tộc nào cũng có những chuyện ngụ ngôn này.  Các giáo sư giả tại Ê-phê-sô đã cố gán ghép những câu chuyện ngụ ngôn chung với lời dạy của Chúa, làm cho người ta thấy rằng đạo Chúa và văn hóa truyền thống cũng có nhiều chỗ xứng hợp.  Như kiểu ngày nay người tin Chúa mà vẫn có thể lập bàn thờ thờ cúng tổ tiên.  Đây là điều sai lạc và một cuộc dung hòa không đúng và không cần thiết.

 

Riêng gia phổ vô cùng trong câu này là liên quan đến niềm kiêu hãnh của người Do-thái, họ cho rằng mình thuộc về một dòng dõi thánh để phân biệt mình với các dân tộc khác.  Những người Do-thái đã tin Chúa tại Ê-phê-sô đã bị các giáo sư giả lôi kéo trở lại niềm kiêu hãnh này và cho rằng người Do-thái tin Chúa Giê-xu có nhiều đặc quyền hơn mọi dân tộc khác.  Thật ra điều này hoàn toàn sai lầm, vì Chúa thương yêu tất cả mọi dân tộc và ra tay cứu vớt tất cả những ai bằng lòng tin Chúa.  Ai dạy khác hơn là không theo căn bản.

 

Đạo Chúa không phải là truyền thống dân tộc, và cũng không bao giờ nên sáp nhập những điều mà ta cho là hay đẹp trong lối thờ phượng truyền thống vào đạo Chúa, vì không thích hợp và không đúng cách.

 

Sứ đồ Phao-lô nói ngay về một nguy cơ trong lối tìm cách dung nạp và sáp nhập này là chỉ tạo nên cãi lẫy chứ không góp phần mở mang công việc của Đức Chúa Trời là công việc được trọn bởi đức tin.  Khi nào người ta muốn đem những tư tưởng hay thói tục của truyền thống loài người vào việc thờ Chúa thì chỉ tạo tranh cãi, chứ không giúp thêm cho đức tin của ai cả, đó là tinh chất của lời Sứ đồ Phao-lô dạy.

 

Trong Hội Thánh của Chúa thỉnh thoảng cũng có những người thích đưa ra những điều xa Kinh Thánh hay lời dạy của giáo hội, phối hợp với một số triết lý của đời hay là cái gọi là truyền thống dân tộc cốt để làm cho đạo Chúa thích hợp với mọi người.  Tuy nhiên Sứ đồ Phao-lô cảnh cáo là làm như thế chỉ tạo chia rẽ và tranh cãi, vì niềm tin của chúng ta căn cứ vào lời Chúa không bao giờ biến dạng và cần thêm bớt điều gì.  Tất cả đều chỉ do lòng tin chứ không do bất cứ một điều gì khác.

 

 

Bài trướcCác Chi Hội Tin Lành Tỉnh Dak Lak Được Nhận Ấn tín Và Giấy Chứng Nhận.
Bài tiếp theoBình Định Khai Giảng Khóa Thánh Kinh Căn Bản.