Bài 61: Ý Nghĩa Của Sự Mua Chuộc

1987

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Ru-tơ là sách thứ 8 theo thứ tự của Cựu ước. Sách ghi về một câu chuyện tình rất đẹp, xảy ra trong thời Các quan xét, là một thời kỳ đen tối trong lịch sử người Hê-bơ-rơ.

 

Khi đặt sách nào vào giữa bối cảnh bội đạo và suy đồi của xã hội đương thời, chúng ta tự hỏi mục đích của câu chuyện tình này là gì khi Chúa cho phép nó được ghi lại trong Kinh thánh? Thật ra thì sách Ru-tơ không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình mà còn hơn thế nữa.

 

Ba sách đầu tiên của những sách lịch sử gồm: Giô suê, Các quan xét và Ru-tơ được gọi là những sách lịch sử mang tính chất biểu tượng. Sáu sách lịch sử tiếp theo, từ Sa-mu-ên cho đến cuối sách Sử ký được gọi là sách lịch sử về các vương quốc. Ba sách lịch sử cuối cùng, E-xơ-ra, Nê-hê-mi và Ê-xơ-tê được gọi là “Sách lịch sử sau thời kỳ lưu đày.” Như vậy, Ru-tơ là sách thứ ba trong những sách lịch sử mang tính chất biểu tượng. Ngay cả sách Giô suê là một sách chứa đựng những dữ kiện lịch sử, nhưng nó cũng mang ý nghĩa hình bóng rất sâu sắc về nếp sống Cơ Đốc. Con dân Y-sơ-ra-ên đã tiến chiếm đất hứa như thế nào, thì chúng ta cũng phải tiến vào một đời sống phong phú và phước hạnh như thế ấy. Sách Các quan xét minh họa về tình trạng bội đạo và được phấn hưng. Dân Y-sơ-ra-ên đã không còn tôn thờ Đức Chúa Trời nhưng quì lạy trước các thần tượng ngoại bang. Họ cần phải được phục hưng tâm linh để quay về với Đức Chúa Trời. Cũng vậy, nếu không còn tôn thờ Chúa lên hàng đầu thì chúng ta cần được phục hưng và liên tục được phục hưng.

 

Sách Ru-tơ thuộc về sách lịch sử, đồng thời cũng mang ý nghĩa hình bóng rất quí báu. Kinh thánh cho biết, mối liên hệ giữa chúng ta với Cứu Chúa Jêsus Christ là mối liên hệ yêu thương. Chúng ta hay hội thánh là vợ hứa còn Chúa là Chàng Rễ. Chúng ta sẽ thấy được hình ảnh này qua sách Ru-tơ. Sách Ru-tơ cũng ngụ ý nói đến sự cứu chuộc là một từ đầy ý nghĩa trong Kinh thánh.

 

Kinh thánh không có ý nói về lịch sử của văn minh nhân loại hay sự khai thiên lập địa. Mục đích của Kinh thánh là trình bày về lịch sử của sự cứu chuộc và nói đến bối cảnh qua đó Đấng Cứu chuộc đã đến thế gian. Sách Ru-tơ minh họa về sự cứu chuộc qua một câu chuyện tình. Xét theo phương diện văn học, những câu chuyện hay thường cung cấp cho chúng ta ngay trong phần mở đầu những yếu tố căn bản về nhân vật, thời gian, địa điểm và sự kiện. Ru-tơ là một sách như vậy. Mở đầu sách trình bày bối cảnh như sau,  

 

1  Trong đời các quan xét, một cơn đói kém xảy đến trong xứ, có một người từ Bết-lê-hem xứ Giu-đa, đi với vợ và hai con trai mình đến kiều ngụ trong xứ Mô-áp.

2  Người tên là Ê-li-mê-léc, vợ tên là Na-ô-mi, hai con trai tên là Mạc-lôn và Ki-li-ôn, đều là dân Ê-phơ-rát về Bết-lê-hem trong xứ Giu-đa. Đến xứ Mô-áp, chúng bèn ở tại đó.

3  Ê-li-mê-léc, chồng của Na-ô-mi, qua đời, để nàng lại với hai con trai mình.

4  Chúng nó cưới vợ trong người nữ Mô-áp, người nầy tên là Ọt-ba, người kia tên là Ru-tơ; họ ở tại đó độ mười năm.

5  Kế sau, Mạc-lôn và Ki-li-ôn cũng thác, để Na-ô-mi ở lại, không chồng không con.

 

Năm câu Kinh thánh trên lần lượt trả lời những câu hỏi căn bản. Thứ nhất, yếu tố thời gian, đó là thời kỳ các quan xét cai trị. Nếu theo dõi các loạt bài về sách Các quan xét, chúng ta sẽ hiểu điều này nói đến một giai đoạn đen tối trong lịch sử của người Y-sơ-ra-ên. Thứ hai, yếu tố địa điểm, hai nơi được Kinh thánh đề cập đến là Bết-lê-hem xứ Giu đa và Mô-áp. Thứ ba, yếu tố nhân vật. Người chồng tên là Ê-li-mê-léc, tên ông có nghĩa là “Đức Chúa Trời là vua của tôi.” Điều này có thể phản ánh nguyện vọng của ông hoặc cho biết ông là mẫu người như thế nào. Vợ của ông tên là Na-ô-mi. Na-ô-mi nghĩa là ngọt ngào hay vui thỏa. Họ có hai người con tên là Mạc-lôn và Ki-li-ôn. Theo tiếng Hê-bơ-rơ thì những tên này chỉ về một tình trạng ốm yếu, bịnh tật.

 

Thứ tư là câu hỏi về sự kiện: một nạn đói đã xảy ra tại Bết-lê-hem xứ Giu-đa. Địa danh này có nghĩa là “Đất của sự trù phú và ngợi khen.” Khi nạn đói xảy ra, Ê-li-mê-léc cùng với vợ và hai con di tản đến Mô-áp. Theo Kinh thánh, Mô-áp mang cùng một ý nghĩa như Ai Cập. Ai Cập là hình bóng về thế gian và xiềng xích của tội lỗi, vì mỗi lần nhắc đến Ai Cập thì chúng ta liên tưởng đến kiếp sống nô lệ của dân Y-sơ-ra-ên tại đó. Dân Y-sơ-ra-ên không nên sống tại Mô-áp, nhất là không được cưới gả với họ. Nhưng khi nạn đói xảy ra, thì gia đình này đi xuống Mô-áp, giống như Áp-ra-ham đã đi về phương nam trong sách Sáng thế ký. Đó là một sự đi xuống của Áp-ra-ham. Như vậy, ngay trong phần mở đầu của câu chuyện tình rất hay này, chúng ta có hình ảnh của một gia đình đã chọn một hướng đi sai lạc. Họ đến Mô-áp và ở tại đó trong vòng 10 năm. Trong câu chuyện của đứa con trai hoang đàng, Chúa Jêsus đã nói về việc đứa con rời nhà cha để đi đến một phương xa.  Mô-áp chỉ về phương xa đó. Câu chuyện về gia đình đi sai lạc này giống như câu chuyện của đứa con trai hoang đàng. Đứa con trai gặp khốn khổ ở phương xa, khi trở về thì được đón tiếp vui mừng, được cha khôi phục địa vị làm con. Cũng vậy, gia đình lầm lạc ở phương xa Mô-áp gặp khổ nạn, hai con trai và người cha đã qua đời nhưng khi trở về thì được Chúa dự bị mọi ơn lành .

 

 Bây giờ, câu chuyện tập trung vào Na-ô-mi là người mẹ còn sống sót. Khi đến Mô-áp, Na-ô-mi có đầy đủ chồng con, nhưng giờ đây thì mất chồng, mất con chỉ còn hai nàng dâu người Mô-áp mà thôi. Chúng ta học được rất nhiều qua 5 câu đầu tiên này.

 

Câu thứ sáu, Na-ô-mi nói với hai nàng dâu rằng, bà sẽ lìa Mô-áp để trở về  quê hương vì nghe tin Đức Chúa Trời đã thăm viếng con dân của Ngài và ban lương thực cho họ. Điều này giống như đứa con trai hoang đàng. Trong khi chăn heo tại phương xa thì nghe về tin tức tốt lành từ nơi nhà cha của mình.

 

Câu bảy cho biết, bà đứng dậy cùng với hai nàng dâu mà trở về xứ Giu-đa. Đây chính là sự trở về của đứa con trai hoang đàng. Khi đã quyết định thì bà nói với hai dâu rằng:

Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi. Cầu Đức Giê-hô-va lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người thác của chúng ta, và đã đãi chính mình ta! Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được bình yên hay được an nghỉ  ở nơi nhà chồng mới!

 

Vào thời đó, người ta xem hôn nhân là một sự an nghỉ cho người phụ nữ. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta cho rằng, đó là một điều khôi hài. Nhiều bà sẽ không ngần ngại mà nói rằng, “Làm gì có chuyện đó, kể từ ngày lấy chồng tôi phải làm việc đầu tắt mặt tối, chớ nào được an nghỉ đâu.” Nhưng vào thời Na-ô-mi là như vậy. Bà ôm hôn hai nàng rồi họ cất tiếng khóc. Hai nàng dâu nói với Na-ô-mi rằng, “Chúng con sẽ đi theo mẹ.” Na-ô-mi đáp:

Hỡi con gái ta, hãy trở về, đi với mẹ làm chi? Mẹ há còn những con trai trong lòng có thế làm chồng chúng con sao?

Hỡi hai con gái ta, hãy trở về đi đi; mẹ già quá mà lấy chồng nữa.

 

Bà nói lên tâm trạng buồn thảm bày tỏ sự oán trách Đức Chúa Trời, khi trải qua những biến cố đau thương của mình như sau,

Nỗi sầu thảm của mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Đức Giê-hô-va đã giơ ra hại mẹ.

Họ lại cất tiếng khóc. Ọt-ba là một trong hai nàng dâu hôn mẹ chồng rồi từ biệt. Nhưng Ru-tơ thì nhất định không chịu rời khỏi mẹ. Na-ô-mi nói với Ru-tơ rằng,

Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi.

 

Từ đây câu chuyện tập trung về Ru-tơ, nàng là nhân vật chính của câu chuyện tình này. Câu thứ 16 Ru-tơ trả lời,

Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!

 

Theo văn hóa thời bây giờ, khi họ nói rằng, “Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!” thì họ kéo tay ngang đến cuống họng giống như họ sắp cắt đứt cuống họng với 1 con dao. Đây là một dấu hiệu chỉ về sự trung thành thật sự. Ru-tơ muốn bày tỏ một quyết tâm trung thành với Na-ô-mi. Khi thấy ý định trung thành tuyệt đối của Ru-tơ thì Na-ô-mi không nói nữa.

 

Có một đôi thanh niên nam nữ khi thành hôn họ dùng Ru-tơ 1:16&17 để làm lời hứa nguyện. Đây là một lời hứa nguyện rất hay cho đôi tân hôn, người nam nói với người nữ rằng,

Em đi đâu, anh sẽ đi đó; em ở nơi nào, anh sẽ ở nơi đó. Bà con, bạn hữu của em, tức là bà con bạn hữu của anh; Đức Chúa Trời của em, tức là Đức Chúa Trời của anh; Và người nữ cũng nói giống như vậy đối với người nam. Đây là một lời cam kết trọn vẹn, nó hoàn toàn thích hợp để dùng trong hôn nhân. Khi thành hôn với một người nào đó, chúng ta cam kết đi bất cứ nơi nào người đó đi và sống bất cứ nơi nào người đó sống. Ban đầu bạn nghĩ rằng, mình chỉ thành hôn với người chồng hay người vợ mà thôi, không cảm thấy mình là một thành viên trong gia đình của người phối ngẫu. Nhưng sau vài năm bạn khám phá  rằng, thân bằng quyến thuộc của người phối ngẫu cũng là của mình vậy, nếu không chắc bạn sẽ gặp rắc rối. Cam kết quan trọng nhất là “Đức Chúa Trời của anh cũng là Đức Chúa Trời của em” và ngược lại. Nếu chúng ta không có cùng một niềm tin, thì sẽ không có cùng một quan niệm sống và những tiêu chuẩn giá  trị trong cuộc sống. Đây chính là nguyên nhân làm gãy đổ nhiều hôn nhân. Khi một cặp vợ chồng không có cùng niềm tin, không có cùng một tiêu chuẩn giá  trị, không có cùng một cách sống thì thường kết thúc trong sự ly dị. Khi họ đối diện với các vấn đề, chẳng hạn sử dụng thời gian như thế nào, sử dụng tiền bạc như thế nào, sử dụng năng lực như thế nào thì họ không thể đồng ý với nhau. Nền tảng để giúp chúng ta có cùng chung một quan niệm sống, những tiêu chuẩn giá  trị đó là chúng ta có cùng chung một Đức Chúa Trời. Chúa có một tiêu chuẩn cho cuộc sống và chúng ta tiếp nhận  những giá  trị nầy từ nơi Ngài.

 

Lần đến chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi về câu chuyện tình đầy thơ mộng nầy. Nó là minh họa hết sức rõ ràng về ơn cứu chuộc. Chúng ta hãy suy nghiệm cách tỉ mỉ về câu chuyện tình này và xem có thể tìm thấy sự cứu rỗi đã được minh họa như thế nào tại đây. Xin gợi ý rằng, mỗi nhân vật trong câu chuyện tiêu biểu cho một khía cạnh khác nhau của sự cứu chuộc. Ru-tơ tiêu biểu cho ai và tiêu biểu cho điều gì? Na-ô-mi tiêu biểu cho ai và tiêu biểu cho điều gì? Lần đến chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các vấn đề này.

 

Bài trướcNgày 22/10/2015: Đấng Hằng Chăm Sóc
Bài tiếp theoBài 61: Lễ An Táng Gia-Cốp, Giô-Sép Qua Đời Ở Ai-Cập