Bài 61: Lễ An Táng Gia-Cốp, Giô-Sép Qua Đời Ở Ai-Cập

2586

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 


Sáng thế ký 50                                                   

 

NHỮNG LỜI SAU CHÓT VÀ SỰ CHẾT CỦA GIA-CỐP

 

Sáng thế ký 49:29-30, “Đoạn, người ra lịnh cho các con trai mà rằng: Cha sẽ về nơi tổ tông, các con hãy chôn cha chung cùng tổ phụ, nơi hang đá tại đồng ruộng Ep-rôn, người Hê-tít, tức là hang đá ở trong đồng Mặc-bê-la, ngang Mam-rê, thuộc về xứ Ca-na-an, mà Áp-ra-ham đã mua làm mộ địa luôn với đồng ruộng của Ep-rôn.”

 

Chúng ta thấy sự chết không phải là điều tận cùng đối với Gia-cốp. Ông đang sẵn sàng đi với dân sự của mình. Ông muốn xác ông được chôn ở hang đá mà Áp-ra-ham đã mua. Ông muốn chắc chắn là ông ở trong xứ đó cho đến ngày ông sẽ được sống lại từ kẻ chết để sống trong xứ đó.

 

Chúng ta có thể thấy ông biết rất nhiều về gia phả của dòng họ mình. Có thể ông không mang theo trong mình một bản được ghi chép trong thời đó, vậy mà ông có thể giữ những chi tiết này trong trí của mình.

 

Sáng thế ký 49:31, “Ấy nơi đó, người ta đã chôn Áp-ra-ham và Sa-ra, vợ người; Y-sác và Rê-bê-ca, vợ người; mà lại nơi đó cha cũng đã chôn Lê-a nữa.”

Ông không chú trọng vào việc được chôn cạnh Lê-a (Ra-chên được chôn ở Bết-lê-hem), nhưng ông muốn được chôn nơi ông sẽ được sống lại từ kẻ chết, để cho ông sẽ được ở ngay nơi Đức Chúa Trời làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài với nước Y-sơ-ra-ên.

 

Sáng thế ký 49:32-33, “Cái đồng ruộng cùng hang đá ở tại đó đã mua của dân họ Hếch vậy. Khi trối mấy lời nầy cho các con mình xong, thì Gia-cốp để chơn vào giường lại, rồi tắt hơi, được về cùng tổ tông mình.” 

 

Chú ý là đến phút cuối cùng Gia-cốp đã giữ chân của ông trên sàn. Ông đã khởi đầu đời sống của mình như là một con người của xác thịt. Ông nắm lấy gót chân của người anh lúc chào đời và đó là lý do tại sao ông được gọi là Gia-cốp, kẻ tranh giành. Ông sống theo cái tên đó và đó là bản tính của ông. Ông cầm giữ tất cả mọi sự mà ông có thể kiếm được, và ông đã luôn luôn tranh đấu để là người đứng đầu. Ông khởi đầu cho mình với các điều đó và ông dùng đủ mọi cách để lấy cho được những gì ông muốn. Khi còn là một chàng trai trẻ, ông đi bằng hai chân của mình với sức riêng và khả năng riêng của mình. Ông dựa vào sự khôn ngoan và mưu trí riêng của mình. Ông nghĩ rằng ông có thể tự xây dựng cho chính mình và chẳng cần Đức Chúa Trời. Ông có tính tự mãn, độc đoán, tự quyết, xông xáo, khinh thường, và đê tiện.

 

Ở Phê-ni-ên Đức Chúa Trời đã đánh cho ông bại xụi. Đức Chúa Trời đã ‘bẻ gãy’ ông ra để nắm giữ ông lại. Sau đó, ông trải qua một cuộc sống khập khểnh. Với việc phải dùng một cây gậy, bởi vì ông không còn có thể tự đi được nữa. Ở đây, trước khi chết, ông ngồi trên giường, dựa vào cây gậy. Bây giờ là lúc giờ đã đến. Ông rút chân mình vào giường, đặt cây gậy xuống, và nằm xuống chết. Đây là cuộc đời Gia-cốp. Ông đã đi một con đường dài của sự sống. Ông chấm dứt với một hành động sau cùng là đức tin, nhìn đến ngày ông sẽ được sống lại từ kẻ chết trong lòng đất theo như lời hứa của Đức Chúa Trời. 

 

“Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất.” (Hê-bơ-rơ 11:13)

 

Trong đoạn 50 nầy, nói đến việc chôn cất của Gia-cốp tại Ca-na-an và việc chôn cất của Giô-sép tại Ai-cập. Vì thế có sự đau buồn ở đoạn cuối sách Sáng thế ký. Chúng ta được nhắc nhở để chú ý nhấn mạnh sự chết trong sách Sáng thế ký. Đức Chúa Trời đã nói với A-đam, “nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng thế ký 2:17). Phao-lô cũng viết, “…Sự chết trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Sáng thế ký có nhiều hình ảnh về thực chất của tội lỗi và của sự chết. Sách Sáng thế ký được mở ra với Đức Chúa Trời và con người trong vườn Ê-đen, và kết thúc là quan tài ở Ai-cập. Sách nầy được kể lại tội lỗi đã vào trong nhân loại, nhưng cũng nói đến sự thành tín của Đức Chúa Trời cung ứng con đường sự sống cho con người.

 

GIA-CỐP ĐƯỢC ĐƯỢC CHÔN Ở CA-NA-AN

 

Sáng thế ký 50:1-2, “Giô-sép bèn cúi đầu xuống mặt cha mình, hôn người và khóc. Đoạn, Giô-sép biểu mấy thầy thuốc hầu việc mình, dùng thuốc thơm xông cho xác cha; thầy thuốc bèn xông cho Y-sơ-ra-ên.”

 

Dĩ nhiên Giô-sép rất đau buồn khi cha qua đời và thương yêu cha của ông. Các anh em khác cũng buồn rầu như vậy, thế nhưng không ghi chép vào đây, vì Giô-sép là người gần gũi với cha hơn những người con khác, cho nên Giô-sép đau đớn nhiều hơn. Nỗi buồn rầu tự nhiên thường bật ra tiếng khóc, Giô-sép khóc cha mình. Dấu hiệu cuối cùng của lòng thiết tha trìu mến giữa hai cha con là Giô-sép hôn từ biệt cha mình.

 

Chúng ta biết rằng người Ai-cập rất chuyên môn trong việc ướp xác. Chúng ta có nghe về việc ướp xác của người Ê-díp-tô, họ có thuốc để giữ cho tử thi khỏi hư thối trong nhiều ngày, ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa học được phương cách này của người Ai-cập. Vì vậy, Giô-sép mời các thầy thuốc đến để ướp xác cho Gia-cốp. Nhờ cách ướp xác này mà Giô-sép có thể giữ thi hài của cha lâu hơn, để thực hiện cuộc hành trình an táng rất xa về quê hương.

 

Xin nhớ rằng, Gia-cốp có yêu cầu chôn ông ở tại Mặc-bê-la, bởi vì ông có  hy vọng sống lại trong thế gian. Khi ông sống lại từ sự chết, ông sẽ ở tại vùng đất của dân Do Thái. Sự hy vọng của những người tin nhận Chúa trong ngày hôm nay, những thành viên hội thánh của Cứu Chúa Giê-xu Christ là sẽ gặp Đấng Christ trong không trung và sẽ đi đến nơi gọi là Giê-ru-sa-lem mới. Họ có hai hy vọng khác biệt và cả hai đều vinh hiển.

 

Sáng thế ký 50:3, “Bốn mươi ngày xông thuốc hầu qua, vì ấy là hạn ngày dùng xông thuốc; dân Ê-díp-tô khóc người trong bảy mươi ngày.”

Họ ướp xác cho Gia-cốp 40 ngày, có nhiều tiến trình liên hệ đến việc ướp xác. Chúng ta thấy người Ai-cập đã than khóc cho Gia-cốp. Gia-cốp đã trở thành người thánh trong vùng đất của Ai-cập, ông được sự kính trọng vì là cha của Giô-sép. Giô-sép là người giải cứu dân Ai-cập thoát khỏi nạn chết đói.

 

Sáng thế ký 50:4-7, “Khi mãn tang rồi, Giô-sép bèn nói cùng quần thần Pha-ra-ôn rằng: Nếu tôi được ơn trước mặt các ngươi, xin hãy thuật lại lời nầy cho Pha-ra-ôn nghe: Cha tôi có biểu tôi thề mà rằng: Nầy, cha sẽ chết, con hãy chôn cha nơi mộ địa ta đã mua sẵn rồi trong xứ Ca-na-an. Vậy bây giờ, tôi phải lên đó chôn cha tôi, rồi sẽ trở xuống. Pha-ra-ôn bèn phán rằng: Hãy trở lên chôn cha ngươi, y như lời người đã bắt thề đó. Giô-sép dời xác cha mình trở lên chôn; quần thần Pha-ra-ôn, các bực trưởng lão trong đền, các bực trưởng lão trong xứ Ê-díp-tô.”

 

Chúng ta có thể thấy Gia-cốp được sự kính trọng thế nào, được thương yêu và tôn cao trong xứ Ai-cập. Đây có thể là một đám tang lớn nhất trên thế giới mà chúng ta chưa hề thấy, trong suốt đoạn đường an táng khởi sự từ Ai-cập đến Hếp-rôn xứ Ca-na-an.

 

Pha-ra-ôn có lòng tử tế đối cùng Giô-sép, cho phép ông đi về Ca-na-an chôn cha mình. Dầu Giô-sép là người rất cao trọng, nhưng địa vị của ông vẫn kém hơn Pha-ra-ôn, cho nên Giô-sép xin ý kiến của Pha-ra-ôn trong việc quan trọng này.

 

Người ta khó mà tưởng tượng được có đông đảo người dự đám tang của Gia-cốp như thế. Nhiều giai cấp cảm thấy mình có phận sự dự phần trong cơ hội long trọng này. Với các đài kỷ niệm còn lưu lại tỏ ra rằng người Ai-cập rất thích những đám tang huy hoàng và trọng thể.

 

Sáng thế ký 50:8, “hết thảy nội nhà Giô-sép, các anh em và nội nhà cha mình đều đi lên theo đưa với người; trong Gô-sen chỉ còn những đứa trẻ và chiên, cùng bò của họ mà thôi.”

 

Phải chăng khi Pha-ra-ôn muốn họ để lại các trẻ em cùng mọi gia súc, để chắc chắn rằng họ sẽ trở về? Có thể Pha-ra-ôn không muốn mất Giô-sép bởi vì ông vẫn đang cần sự giúp đỡ của Giô-sép.

 

Sáng thế ký 50:9-13, “Lại cũng có đem ngựa và xe theo lên nữa: thật là một đám xác rất đông thay! Khi đến sân đạp lúa của A-tát, ở bên kia sông Giô-đanh, thì họ làm lễ khóc than rất nên trọng thể tại đó; đoạn, Giô-sép để tang cha trong bảy ngày. Dân Ca-na-an, tức là dân xứ ấy, thấy khóc than nơi sân đạp lúa A-tát, thì nói rằng: Ay là một đám khóc than trọng thể của dân Ê-díp-tô đó! Bởi cớ ấy người ta gọi cái sân nầy tên là A-bên-Mích-ra-im ở bên kia sông Giô-đanh. Vậy, các con trai Gia-cốp làm theo lời cha trối lại, dời xác người về xứ Ca-na-an, chôn trong hang đá của đồng Mặc-bê-la ngang Mam-rê, mà Áp-ra-ham đã mua luôn với đồng ruộng Ep-rôn, người Hê-tít, để dùng làm mộ địa.”

 

Cảnh khóc than của đám đông phần lớn là người Ai-cập, và lúc này có lẽ bề ngoài hoàn toàn là Ai-cập, thật kỳ lạ đến nỗi thổ dân nhận xét và cho là một đám tang trọng thể, bày tỏ nỗi buồn thấm thía. Sau khi kết thúc sự khóc than bi ai, các con trai Gia-cốp đóng vai chánh và thi hành nhiệm vụ của mình, họ đặt cha mình đến nơi yên nghỉ cuối cùng như lời trăn trối của cha.

 

Có thể ngạc nhiên tại sao Gia-cốp không được chôn với Ra-chên tại Bết-lê-hem, mà nơi đó không xa hơn hai mươi dặm về hướng phía bắc. Lý do được bày tỏ ở tại đây. Áp-ra-ham có mua một miếng đất, Gia-cốp muốn được chôn với cha của ông, nơi nầy là nơi được mua và trả tiền, chắc chắn ông được ở nơi đất nầy. Vì vậy, ông được chôn cất với những tổ phụ trong gia tộc. Vì tất cả họ có cùng hy vọng của sự sống lại.

 

GIÔ-SÉP LÀM GIẢM SỰ SỢ HÃI CỦA CÁC ANH

 

Sáng thế ký 50:14-17, “Chôn cha xong rồi, Giô-sép cùng các anh em và các người đi lên theo đưa xác cha, đều trở xuống xứ Ê-díp-tô. Các anh Giô-sép thấy cha mình chết rồi, thì nói với nhau rằng: Có lẽ Giô-sép sẽ ganh ghét chúng ta, và trả thù việc ác chúng ta đã làm cho người chăng. Các anh bèn sai người đến nói cùng Giô-sép rằng: Trước khi qua đời, cha em có trối rằng: Hãy nói lại cho Giô-sép như vầy: Ôi! xin hãy tha điều ác, tội phạm của các anh con đi, vì chúng nó đã lỗi cũng con đó; nhưng bây giờ cha xin con hãy tha tội kẻ tôi tớ của Đức Chúa Trời cha. Nghe qua mấy lời nầy, Giô-sép bèn khóc.”

 

Thật ra những người anh của Giô-sép đến với Gia-cốp trước khi ông qua đời và họ đã khóc hối tiếc về những sự việc đã xảy ra. Họ lo sợ là Giô-sép sẽ nhớ lại chuyện cũ và chống lại họ khi cha mất đi. Vì vậy, Gia-cốp có lời nhắn cùng Giô-sép, và ông chắc rằng Giô-sép sẽ không có bắt bớ các anh hoặc tìm cách đánh trả thù họ. Khi các anh đến Giô-sép để xin lỗi, Giô-sép khóc với các anh mình. Bây giờ các anh thật sự ăn năn về tội lỗi của họ.

 

Cớ tích tội lỗi của các anh Giô-sép bị quấy động trở lại làm cho họ âu lo bị trả thù, cho đến khi chính họ nghe thêm lời xác nhận tha thứ của Giô-sép, làm cho lòng các anh thật sự an tâm.

 

Sáng thế ký 50:18, “Chánh các anh người đến sấp mình xuống dưới chơn mà nói rằng: Các anh đây thật là kẻ tôi tớ của em đó.”

Chúng ta thấy lời tiên tri về các anh của Giô-sép quì trước mặt Giô-sép đã thành sự thật.

Sáng thế ký 50:19, “Giô-sép đáp rằng: Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao?”

Giô-sép đã dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời trong mọi trường hợp.

Bây giờ, trong câu Kinh Thánh tại đây đáng được chú ý.

 

Sáng thế ký 50:20, “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo.”

 

Đức Chúa Trời có mục đích xa phía trước mà bạn và tôi không thể thấy được. Phải thú nhận rằng, con người của tôi không biết trước được bao nhiêu, bởi vì tôi không thể thấy những gì xa hơn lỗ mũi của tôi, khi sự khó khăn xảy ra cho tôi, tôi hỏi, “Tại sao Đức Chúa Trời cho sự việc nầy xảy ra?” Chúng ta nên nhớ rằng Ngài có mục đích tốt trong khi nhìn về tương lai. Ngài sẽ không để những sự việc đó xảy ra cho chúng ta, cho đến khi nó được hoàn tất và có mục đích tốt cho đời sống của bạn.

Bây giờ, chúng ta hãy lắng nghe lời của Giô-sép.

 

Sáng thế ký 50:21-23, “Vậy, đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh. Đoạn, Giô-sép an ủy các anh, và lấy lời êm dịu mà nói cùng họ. Giô-sép cùng nhà cha mình kiều ngụ tại xứ Ê-díp-tô; người hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người thấy được các con cháu Ép-ra-im đến đời thứ ba, và cũng có được nâng niu trên gối mình các con của Ma-ki, tức con trai của Ma-na-se, nữa.”

 

Giô-sép làm cho các anh yên trí lần thứ hai, ông nói ‘đừng sợ’ và hứa cấp dưỡng cho gia đình các anh. Sự kiện này không ngụ ý là nạn đói còn tiếp diễn, song khiến cho chúng ta nhận thấy rằng các anh của Giô-sép nhờ quyền thế của em mình bảo vệ, binh vực họ. Giô-sép nói lời rất êm dịu cho họ an lòng.

 

Đức Chúa Trời ban cho Giô-sép sống đến 110 tuổi, tại nơi đây chúng ta thấy Giô-sép sống thọ và trở thành ông cố.

 

GIÔ-SÉP QUA ĐỜI ĐƯỢC CHÔN Ở AI-CẬP

 

Sáng thế ký 50:24-26, “Kế, Giô-sép nói cùng các anh em rằng: Em sẽ chết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Giô-sép biểu các con trai của Y-sơ-ra-ên thề mà rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em; xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ nầy. Đoạn, Giô-sép qua đời, hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người ta xông thuốc thơm cho xác Giô-sép, và liệm trong một quan tài tại xứ Ê-díp-tô.”

Đây là cách kết thúc sách Sáng thế ký. Bắt đầu bằng sự sáng tạo trời và đất, và kết thúc với quan tài trong xứ Ê-díp-tô. Đã có những sự việc xảy ra trong dòng dõi của loài người, Ấy là tội lỗi đã xen vào sau sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.           

 

Tại sao Giô-sép không được mang về Ca-na-an chôn trong lúc nầy? Tôi nghĩ rằng dĩ nhiên Giô-sép là người có công lớn của xứ Ê-díp-tô và gia đình ông không được phép mang thi hài ông khỏi Ê-díp-tô trong lúc nầy. Tôi nghĩ rằng ông là một trong những người nổi bật và được người Ai-cập tôn kính. Và rất có thể họ xây một đài tưởng niệm cao trên ngôi mộ của ông.

 

Nhưng Giô-sép đã nói với những anh em của ông, “Khi các anh trở lại xứ Ca-na-an, xin đừng để hài cốt tôi lại đây!” Chúng ta có thể thấy Giô-sép có sự hy vọng giống như Gia-cốp; đó là sự tin tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ cho họ xứ Ca-na-an làm sản nghiệp đời đời và họ muốn được sống lại từ sự chết trong vùng đất của họ. Giô-sép tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho những người của Ngài ở trên thế gian hưởng đất hứa.

 

Trong sách Hê-bơ-rơ có nói, giống như hành động nổi bật đức tin trong đời sống của Giô-sép. “Bởi đức tin, Giô-sép lúc gần qua đời nói về việc con cháu Y-sơ-ra-ên sẽ đi ra, và truyền lệnh về hài cốt mình.” (Hê-bơ-rơ 11:22) 

 

Trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 13, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời đã làm việc rất kỳ diệu cho Giô-sép và đáp lời những điều ông cầu xin. Môi-se và dân sự của ông đã đem hài cốt của Giô-sép với họ khi rời khỏi Ai-cập.    

 

Hôm nay chúng ta đến kết thúc sách Sáng thế ký. Trước khi rời sách Sáng thế ký chúng ta cùng tóm lược những điểm chính yếu.

 

Sách Sáng thế ký có 50 đoạn, được chia làm hai phần chính:

 

Phần một từ đoạn 1-11: bao gồm thời gian khoảng 2000 năm. Có bốn biến cố quan trọng phần này.

 

1-      Đức Chúa Trời tạo dựng nên vũ trụ, trời đất và con người trong bảy ngày. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa.

2-      Con người sa ngã phạm tội không vâng lời Đức Chúa Trời, khi ăn trái cây mà Chúa cấm không cho ăn trong vườn Ê-đen. Kết quả dẫn đến sự chết.

3-      Cơn nước lụt xảy ra, vì Đức Chúa Trời đoán phạt tội lỗi gian ác của con người. Chỉ trừ có gia đình Nô-ê được sống sót khi ông tin vào lời tiên tri mà đóng chiếc tàu trước khi nước lụt xảy đến.

4-      Tại Ba-bên, con người xây tháp cao chống lại Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời làm lộn xộn thứ tiếng nói và làm cho tản lạc khắp nơi.

 

Phần thứ hai từ đoạn 12-50: bao gồm thời gian khoảng 350 năm, với bốn nhân vật quan trọng.

 

1-      Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin, ông nghe lời kêu gọi của Đức Chúa Trời đi đến đất hứa mà Chúa hứa ban cho, đó là xứ Ca-na-an.

2-      Y-sác là người con được yêu quý, ông được sanh ra theo như lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham và Sa-ra, và con cháu sẽ đông như sao trên trời, như các bờ biển.

3-      Gia-cốp là con người mà Đức Chúa Trời yêu thương, sửa phạt và uốn nắn, trong thời thanh niên ông sống theo bản ngã xác thịt, gian dối. Đức Chúa Trời yêu thương Gia-cốp cải sửa ông cho đến cuối cuộc đời ông trở nên người có đức tin.

4-      Giô-sép, một người gặp nhiều đau khổ từ khi còn thiếu niên, nhưng luôn giữ lòng trung tín với Đức Chúa Trời không phạm tội ác với Chúa. Giô-sép được Chúa ban cho làm chức tể tướng ở Ai-cập, ông cứu dân Ai-cập và gia đình ông khỏi chết trong nạn đói lớn.

 

Sáng thế ký là sách đầu tiên của Kinh Thánh là một sách rất quan trọng, chúng ta thỉnh thoảng sẽ quay lại tìm hiểu thêm khi học những sách khác trong Kinh Thánh, mà nó liên lệ đến sách Sáng thế ký.

 

 

 

Bài trướcBài 61: Ý Nghĩa Của Sự Mua Chuộc
Bài tiếp theoThông Báo & Thư Mời Dự Lễ Cảm Tạ 60 Năm Thành Lập HTTL Vũng Tàu