Bài 36: Khi Đức Chúa Trời Quyết Định (tt)

2054

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sách Dân số ký dạy chúng ta nhiều bài học thuộc linh thực tiễn để áp dụng vào đời sống hằng ngày. Chương 14 là chương đáng lưu ý nhất trong sách Dân số ký. Tại thời điểm này, dân Y-sơ-ra-ên còn lang thang trong đồng vắng. Từng hồi từng lúc, Chúa bày tỏ rằng Ngài đang ở cùng họ, Ngài thi hành các phép lạ, cố gắng xây dựng một nền tảng đức tin cho họ. Chúa muốn nâng đức tin họ lên để họ tin rằng, họ có thể vượt qua sông Giô-đanh và tiến chiếm đất hứa Ca-na-an.

 

Vì sao họ không đi từ Gô-sen ở Ai-cập thẳng vào Ca-na-an mà phải vượt biển Đỏ, ngược xuống núi Si-nai rồi đến Ca-đe-Ba-nê-a. Họ đã đi vòng vòng suốt 40 năm trường. Mở đầu sách Phục truyền luật lệ ký cho biết, họ chỉ cần 11 ngày để đi thẳng từ Ai-cập đến Ca-na-an. Tại sao họ không đi thẳng như vậy? Vấn đề không đơn giản như chúng ta tưởng. Những người đang cư ngụ tại Ca-na-an rất hiếu chiến, cần có can đảm phi thường để đương đầu với những kẻ thù này. Đó chính là lý do vì sao người Y-sơ-ra-ên không làm được. Họ không có đức tin để tiến chiếm đất hứa. Đã 10 lần Đức Chúa Trời thi thố những phép lạ kỳ diệu để họ có lòng tin mạnh dạn mà tiến chiếm đất hứa; nhưng họ chỉ đi vòng vòng mà thôi. Không những vậy, nhiều lần họ phạm tội nghiêm trọng đến nỗi Môi-se phải vừa đóng vai của tiên tri, vừa đóng vai thầy tế lễ. Ông đã lên núi Si-nai với tư cách là thầy tế lễ để cầu thay cho họ với Đức Chúa Trời. Ông đã khẩn khoản thưa với Chúa để Ngài tha thứ cho họ. Thật, Môi-se là một nhân vật rất đặc biệt; và Đức Chúa Trời đã tha thứ cho dân Y-sơ-ra-ên.  Điều này cứ lặp đi, lặp lại.

 

Chương 14 là một trong những chương đau buồn trong Kinh thánh. Môi-se lên núi Si-nai để kêu cầu ơn khoan hồng của Chúa:

 

Đức Giê-hô-va vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhơn tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời.

 

 Tôi xin Chúa tha tội gian ác của dân nầy tùy theo ơn lớn của Chúa, như Chúa đã tha từ xứ Ê-díp-tô đến đây.  (Dân số ký 14:18-19)

 

Và Chúa đã trả lời ông như thế nào?

 

 Đức Giê-hô-va đáp rằng: Ta đã tha như lời ngươi xin.  Nhưng ta chỉ sự hằng sống ta mà quả quyết rằng, sự vinh quang của Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp trái đất! Trong mọi người đã thấy sự vinh quang ta, phép lạ ta đã làm tại xứ Ê-díp-tô và nơi đồng vắng, là các ngươi đã thử ta mười lần và đã không nghe lời ta,  thì chẳng một ai sẽ thấy xứ mà ta thề hứa cho tổ phụ chúng nó. Chẳng ai mà đã khinh ta sẽ thấy xứ đó đâu! Những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Các ngươi mà người ta đã tu bộ, hết thảy bao nhiêu cũng vậy, từ hai mươi tuổi sắp lên, là những kẻ đã lằm bằm cùng ta, thì chẳng hề được vào xứ mà ta đã thề cho các ngươi ở, ngoại trừ Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê, và Giô-suê, con trai của Nun.

 

Nhưng ta sẽ đem vào xứ những con trẻ của các ngươi mà các ngươi có nói rằng: Chúng nó sẽ bị làm một miếng mồi; rồi chúng nó sẽ biết xứ các ngươi đã chê bai. Còn những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy.(Dân 14:20-33)

 

Khi Môi-se tường thuật lại những lời này, một sự buồn bã bao trùm trên dân Y-sơ-ra-ên. Sáng hôm sau, họ thức dậy sớm và chuẩn bị tiến vào vùng đất hứa. Mọi sự sẵn sàng và họ nói, “Chúng tôi biết mình phạm tội, nhưng chúng tôi sẽ tiến chiếm vùng đất mà Chúa đã hứa cho chúng tôi.” Môi-se đáp rằng, “Trễ quá rồi, các ngươi không vâng lời, đừng tiến công. Nếu không, quân thù sẽ tiêu diệt các ngươi. Chúa không ở cùng các ngươi. Các ngươi đã lìa bỏ Đức Chúa Trời và Ngài đã lìa bỏ các ngươi.”

 

Đây là một trong những chương đau buồn nhất trong Kinh thánh. Nó đề cập đến mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, chương này không hề đề cập đến sự cứu rỗi. Môi-se đã cầu nguyện và Đức Chúa Trời đã tha cho dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, chương này nói đến đời sống của người tin Chúa, đời sống đức tin, đời sống thuộc linh hơn là sự tha thứ. Nó cũng nói đến đời sống làm sáng danh Chúa bằng sự phục vụ Ngài; và lấy đức tin để tiếp nhận mọi điều Ngài dành cho chúng ta.

 

Sứ đồ Phao-lô đã mô tả như thế này, “Chúng ta được cứu nhờ ân điển bởi đức tin.” Theo Phao-lô chúng ta không được cứu bởi việc thiện mình làm; nhưng chúng ta được cứu để làm các việc thiện mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Phao-lô khẳng định rằng, Chúa đã chuẩn bị trước các việc này cho chúng ta. Nói cách khác, chúng ta được cứu với một mục đích. Ngài muốn chúng ta nhắm đến mục đích đó. Vùng đất hứa là một minh họa cho chân lý nầy.

 

Đức Chúa Trời là Đấng rất kiên nhẫn, vô cùng kiên nhẫn. Ngài là Đấng giàu ân sủng. Dân số ký đoạn 14 dẫn chúng ta đến chỗ mà chúng ta phải quyết định phải chọn một trong hai: hoặc là vâng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời; hoặc là không vâng theo ý chỉ của Ngài.

 

Đây không phải là vấn đề của sự cứu rỗi, vì sự cứu rỗi chỉ do ân điển chớ không phải việc làm. Nhưng chương này liên quan đến ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta; mục đích Ngài tạo dựng chúng ta và mục đích Ngài cứu chúng ta. Tương tự như cách Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã tỏ mình cho chúng ta hằng chục lần. Chúa cố gắng giúp chúng ta thấy ý muốn của Ngài, và Chúa khích lệ chúng ta thực hành ý chỉ của Ngài. Đoạn 14 này cho biết rằng, chúng ta đã đến một mức mà Đức Chúa Trời phán rằng, “Như vậy là đủ rồi.”

 

Rô-ma chương 1, Phao-lô đã 3 lần nói rằng, “Đức Chúa Trời phó con người cho tội lỗi”. Sự thật thì Phao-lô không có ý nói rằng, Chúa khiến con người phạm tội; nhưng để cho con người làm điều họ muốn làm. Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta với ý chí tự do. Chúa không ép buộc chúng ta mặc dầu Ngài có quyền điều động mọi sự khiến chúng ta thấy và làm theo ý chỉ của Ngài. Sẽ đến một thời điểm, một mức độ mà Ngài phán rằng, “Được rồi, ngươi có quyền chọn lựa và làm điều ngươi muốn, Ta sẽ tìm một người khác làm công việc ta.”

 

Ê-xơ-tê được xem là người cứu tinh cho dân Y-sơ-ra-ên. Người Y-sơ-ra-ên đang bị âm mưu quét sạch khỏi Mê-đi Ba-tư. Họ liền tiếp xúc với Ê-xơ-tê, người đã trở nên hoàng hậu của Ba-tư. Đây là một vị trí mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn để đặt Ê-xơ-tê tại đó, giống như Ngài đặt Giô-sép tại Ai-cập, Đa-ni-ên tại Ba-by-lôn, Môi-se tại cung điện Pha-ra-ôn. Ê-xơ-tê được đặt tại hoàng cung Ba-tư. Khi người Y-sơ-ra-ên đứng trước nguy cơ diệt chủng, họ đến với Ê-xơ-tê và nói, “Xin hãy ra mắt Vua mà thỉnh nguyện cho chúng tôi.”

 

Xin nhớ rằng, nếu ai đó không được mời mà bạo gan đến gặp mặt vua Ba-tư; và nếu nhà vua không đưa phủ việt lên thì kể như người đó bị chết bởi vì không được mời mà dám gặp vua. Ê-xơ-tê thừa biết điều đó, nên bà nói, “Vua đã không mời gọi tôi trong suốt hai tháng.” Cậu của bà là một người kính sợ Đức Chúa Trời bèn nói,

Vì nếu ngươi làm thinh trong lúc nầy, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao? (Ê-xơ-tê 4:14)

 

Ê-xơ-tê đã hành xử như một gương sáng chói. Bà đáp cùng Mạc-đô-chê rằng:

 

 Hãy đi nhóm hiệp các người Giu-đa ở tại Su-sơ, rồi hãy vì tôi mà kiêng cữ ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống gì hết; tôi và các nàng hầu của tôi cũng sẽ kiêng cữ ăn nữa; như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết. (Ê-xơ-tê 4:15-16)

 

Mạng sống bà như chỉ treo mành chuông; nhưng cuối cùng, Đức Chúa Trời đã giải cứu dân sự Ngài qua người phụ nữ này.

 

Bài học áp dụng câu chuyện của Ê-xơ-tê là gì? Nếu bạn không thi hành chương trình của Đức Chúa Trời, Chúa không phải là người thua cuộc. Đức Chúa Trời không cần bạn. Chúa sẽ dùng người khác hoặc cách khác để hoàn thành chương trình của Ngài. Xin làm ơn đừng hỏi, “Đức Chúa Trời sẽ làm gì nếu tôi không thi hành chương trình của Ngài?” Dầu không có bạn, Đức Chúa Trời vẫn khiến công việc của Ngài được hoàn thành. Chúa không cần một ai cả. Cuối cùng, bạn là người chịu tổn hại. Nếu bạn đang ở trong một trường hợp phải quyết định; và thay vì vâng phục, bạn lại cương quyết không đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Chúa sẽ quay lưng khỏi bạn và bạn là người chịu thua lỗ.

 

Chương 14 sách Dân số ký là một chương đau buồn, có thể nói là đau buồn nhất trong Kinh thánh. Dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị vũ khí vào sáng hôm sau, Môi-se cho họ biết rằng, “Đã quá trễ, hãy cất vũ khí qua một bên. Các ngươi đã lìa bỏ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời cũng lìa bỏ các ngươi.” Đây là một câu hết sức nghiêm trọng. 

 

Dân Y-sơ-ra-ên đã lang thang trong đồng vắng 40 năm. Bạn đã lang thang trong đồng vắng thuộc linh bao lâu? Bạn đã kinh nghiệm ơn cứu rỗi bao lâu? Đức Chúa Trời đã cứu bạn ra khỏi Ai-cập thuộc linh bao lâu? Đức Chúa Trời đã chỉ tỏ cho bạn thấy vùng đất hứa bao lâu rồi? Ngài đã cố gắng chỉ cho bạn thấy ý muốn tốt lành đẹp lòng và trọn vẹn của Ngài bao lâu? Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta một cách độc đáo. Bạn không giống ai và không ai giống bạn. Bạn không những đặc biệt mà chương trình của Ngài dành cho bạn cũng đặc biệt. Những gì mà Ngài dành cho bạn là đặc biệt, bất luận bạn là ai hoặc ân tứ của bạn là gì. Đức Chúa Trời có mục đích khi Ngài cứu bạn. Sự cứu rỗi liên quan đến cõi đời đời; dĩ nhiên, cõi đời đời rất quan trọng. Tuy nhiên, điều lưu ý tại đây là Đức Chúa Trời có mục đích cho bạn ngay trong đời này khi Ngài cứu bạn. Chúa cứu bạn vì có những việc mà Ngài muốn bạn phải hoàn thành.

 

Hãy suy nghĩ về nhân vật Phao-lô. Đức Chúa Trời nhìn xuống và thấy ông là người căm ghét Cơ đốc nhân. Không phải là người trực tiếp thủ tiêu Cơ đốc nhân, nhưng ông đi lùng bắt họ để lưu đày hay kết án tử hình. Tên của ông từng làm kinh hoàng nhiều Cơ đốc nhân đương thời. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời nhìn xuống Phao-lô và phán rằng, “Ta có một chương trình cho con người đó.” Bởi vậy, Ngài cứu Sau-lơ trên con đường đến Đa-mách. Chúa sai một người đứng tuổi tên là A-na-nia làm phép báp-têm cho Sau-lơ. A-na-nia từ chối và thưa với Chúa rằng:, “Sau-lơ là kẻ thù số một của hội thánh”. Đức Chúa Trời tỏ cho A-na-nia về chương trình của Ngài dành cho Sau-lơ, “Người sẽ làm chứng cho ta trước mặt các Vua, dân ngoại và người Do thái.” Đức Chúa Trời có chương trình vĩ đại cho Sau-lơ. Do đó, không lấy làm lạ gì khi Phao-lô nhấn mạnh về chân lý mà ông đã kinh nghiệm, đó là ý muốn của Đức Chúa Trời là tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn.

 

Thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời là sứ điệp của sách Dân số ký. Các sự dạy dỗ trong sách Dân số ký là hình bóng đáng lưu ý và quan trọng. Những sự dạy dỗ này nhằm thức tỉnh chúng ta. Chương thứ 14 của sách Dân số ký là hình bóng về một sự lựa chọn mà mỗi chúng ta phải quyết định. Chúng ta sẽ quyết định hoặc là vâng theo hoặc là khước từ ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống.

 

Còn bạn thì sao? Có khi nào bạn từ chối ơn cứu rỗi và tha thứ của Đức Chúa Trời chăng? Nếu đã tiếp nhận, có khi nào bạn từ chối vâng theo ý chỉ của Ngài? Xin hãy thuận phục Chúa ngày hôm nay trước khi quá trễ để khám phá ý muốn tốt lành đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời cho đời sống của bạn.

 

Bài trướcHuấn Luyện Giáo Viên Dạy Thánh Kinh Hè 2013 Tại Tỉnh Quảng Nam
Bài tiếp theoBài 36: Gia-Cốp Cướp Phước Lành Của Ê-Sau