Con yêu dấu,
Buổi chiều cao nguyên, cái lạnh se sắt như thấm vào từng tế bào, rồi len vào tận tâm can, dù vậy mẹ lại nghe lòng mình thật ấm áp.
Mẹ vừa cùng dì Năm trở về, sau khi dự lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh với con dân Chúa ở các làng trong rừng sâu. Mẹ vẫn còn nghe tiếng hát vang vọng của mọi người già trẻ, lớn bé hòa vào tiếng lá xào xạc trong gió nhẹ và lạnh. Đó là ban hát hay nhất mà mẹ được nghe từ xưa đến giờ. Cũng dễ hiểu thôi, họ hát để dâng lên lòng tôn thờ Con Trời giáng hạ. Chuyến đi thật vui và ý nghĩa, rất quý đối với mẹ, nhất là bây giờ sức lực mẹ còn chẳng bao nhiêu.
Thời gian này khắp phố đã vang vọng những ca khúc Giáng Sinh. Nhà nhà đã chớp chớp ánh đèn xanh xanh, đỏ đỏ… Những trang trí đó đã trở thành truyền thống cho mùa Giáng Sinh, mà nhiều người xem như ngày hội lớn trong năm để vui chơi, ăn uống, quà cáp. Nhìn lại thì ngay cả chúng ta là con của Chúa mà cũng làm nhiều việc chẳng liên quan gì đến sự Giáng Sinh của Con Trời. Nhưng nếu Chúa giáng sinh cho chúng ta có thêm ngày hội vui chơi, hay bận rộn với việc thiện lành thì cuộc đời chúng ta khốn khổ hơn bao giờ hết con ạ!
Mẹ trở lại với chuyến đi vừa trở về. Dì vẫn ở nhà của ông bà, căn nhà cũ kỷ có lần con viếng thăm đó. Đặc biệt của ngôi nhà đó là nhiều người được nuôi dưỡng, lớn lên, không chỉ thân xác mà cả tâm linh, trong đó có mẹ. Nơi đây ôm đầy những kỷ niệm của mẹ, nên dù đi đâu, xa cách bao lâu, khi trở lại mẹ vẫn cảm nghĩ như mình mới lên tỉnh hôm qua, bữa nay trở về.
Thôn nghèo này không mấy thay đổi. Cái thay đổi đáng mừng là ngày xưa khi ông bà đến lập nghiệp, chỉ có gia đình ông bà tin Chúa. Cũng vì tin Chúa mà ông bà bị cả dòng tộc ép ông cố đuổi ông bà ra khỏi làng, một ngôi làng được dòng tộc lập ở miền trung xa xôi. Với đôi chân trần, bàn tay trắng cùng niềm tin vững vàng, Chúa đưa dẫn ông bà đến đây. Ngày nay Chúa cho ở đây có ngôi nhà thờ nho nhỏ, khang trang. Hàng tuần có gần trăm con dân Chúa đến thờ phượng Chúa. Ngôi làng gần kề cũng bắt đầu với nhóm học Kinh Thánh, rồi dần dần thành chi hội… Mẹ tin việc này vẫn tiếp tục, vì mỗi người trong dân tộc mình cần biết “Tin Mừng cho Muôn Dân”. Dù vùng đất chữ S thân yêu của mình vẫn còn nhiều khó khăn, giới hạn, nhưng tình yêu và ân sủng Chúa dành cho người Việt mình vẫn dư tràn, nên Tin Mừng vẫn đến với những dân tộc ở các vùng đồi núi cao, xa của miền Bắc, vẫn lan vào những vùng đất khô cằn sỏi đá của người miền Trung, không từ bỏ những người sống hang cùng ngỏ hẽm của các thành phố, và tiếp tục đến vùng đầm lầy của miền Nam … “Tin Mừng” không thể cất giữ cho riêng mình, cho dù môi trường, hoàn cảnh thuận hay không thuận lợi thì vẫn tiếp tục lan ra, lan ra mãi. Đó là huyền nhiệm phải không con? Chúng ta tạ ơn Chúa cho mình được sống trong huyền nhiệm của ân sủng.
Trở lại với gia đình mình. Cả tháng nay, con rất bận rộn với những chuẩn bị cho chương trình lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh. Nào là tập hát với các bạn thanh niên, tập múa tập kịch cho các em thiếu nhi, nhi đồng, nào là chuẩn bị quà cáp cho những chương trình truyền giảng, quà đi thăm đồng bào nghèo…v.v… Việc nào cũng cần, chương trình nào cũng hay. Mẹ vui với tuổi trẻ và tính năng động của con, mẹ tạ ơn Chúa về lòng yêu Chúa và tình yêu thương nhân loại trong con, nhưng lắm lúc mẹ cảm thấy bối rối khi nghĩ đến sự bận rộn của con.
Mỗi mùa Giáng Sinh về, mẹ thường dành thì giờ ngồi đọc câu chuyện Kinh Thánh ghi lại sự vào đời của Con Trời. Mỗi nhân vật liên quan đến sự ra đời của Hài Nhi Giê-xu đều có nhiều bài học cho mình. Là người nữ, nên mẹ thường suy ngẫm về những người nữ. Mẹ thích người thiếu nữ yên lặng mà sâu sắc, đơn thành và đầu phục trọn vẹn: cô Ma-ri. Nói vậy chứ sự đơn sơ và đầu phục của cô Ma-ri không phải là bài học dễ cho mình đâu con ạ.
Sáng nay, khi đọc Phúc Âm Lu-ca, lúc thiên sứ đến gặp cô Ma-ri và chào: “Người được ơn, chúc mừng cô! Chúa ở cùng cô!” Trong lời chào là sự mời gọi và cả thách thức, nên cô Ma-ri bối rối. Rồi thiên sứ cho cô biết sứ mệnh trọng đại mà cô được giao phó. Nếu là người thiếu lòng yêu kính Chúa, thiếu sự nhu mì khiêm nhường chắc không dám nhận một sứ mệnh đầy sự hiểm nguy kề cận đó dù là đặc ân. Cô Ma-ri biết mình chỉ là “một tớ gái”, đương nhiên phải vâng lời Chủ; nhưng điều quan trọng hơn, cô biết “Chúa ở cùng cô.” Khi có Chúa ở cùng thì hanh thông hay nguy hiểm, sự sống hay sự chết đều không phải là mối bận tâm, vì tin chắc cuộc đời mình, công việc của mình đều ở trong bàn tay thương yêu của Đấng Toàn Năng. Đây là điều mẹ rất vui và cũng thường khiến mẹ bối rối. Vì không ít những sự việc trong đời sống mình thiếu ‘Chúa ở cùng’. Hằng ngày mình dễ tính toán theo sự khôn ngoan của mình, nhìn thấy khả năng mình có thể đạt thành công. Cả ông Sam-sôn và Vua Sau-lơ đều cho thấy những ngày cuối đời khốn đốn vì không biết Chúa đã lìa khỏi mình.
Con người tội lỗi chúng ta không thể đến với Chúa và cũng không thể đến với nhau. Biết sự vô vọng trong mối tương quan của chúng ta với Chúa Trời và với nhau, nên Em-ma-nu-ên đã đến, – Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta. Đấy là tin lành cho muôn dân, nghĩa là cho mọi người, có con và mẹ. Chúng ta chỉ có thể nói, rao báo, truyền rao Tin Mừng khi có Chúa ở cùng. Nhưng làm sao con nói Chúa ở cùng con mà con sống thiếu trách nhiệm với gia đình – con tích cực trong công tác của Hội Thánh, chuyện trò, liên hệ với mọi người thân quen mà không hề chú ý người phối ngẫu của con vất vả ngược xuôi cho mọi chi phí của gia đình, rồi còn dạy dỗ, kèm bài vở cho từng đứa con…; ngay trong công tác của Hội Thánh con muốn mọi người làm theo đề nghị của con, đó là ‘tinh thần gia trưởng’ của xã hội xưa cũ; tinh thần Cơ Đốc giáo là xem người khác tôn trọng hơn mình con ạ. Mẹ không đòi sự bình quyền, nhưng mẹ nhắc con mỗi người đều bình đẳng, và Chúa Giê-xu đến trần gian để chết cho tội lỗi của mọi người.
Mẹ ngừng ở đây với đề nghị, con dành thời gian đến với Chúa, đến với Lời Chúa cho mùa Giáng Sinh, rồi nhìn lại mình trong thái độ và cách sống trước khi con bước vào mùa Giáng Sinh với sứ mệnh đem Tin Mừng cho mọi người kế cận con.
Thương con nhiều,
Mẹ
Ái Tâm