Ngày 9/12/2015: Loan Báo Tin Mừng Mọi Nơi Mọi Lúc

1120

Công Vụ 17:16-34 

 “Vậy, người biện luận trong nhà hội với người Giu-đa và người mới theo đạo Giu-đa; lại mỗi ngày, với những kẻ nào mình gặp tại nơi chợ” (câu 17).


Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã sử dụng hình ảnh nào để khởi đầu lời làm chứng của ông tại A-thên? Nội dung chính của sứ điệp mà Sứ đồ Phao-lô rao giảng là gì? Bạn học được gì về nơi chốn và sứ điệp mà Sứ đồ Phao-lô rao giảng?

 

Khác với Giê-ru-sa-lem, nơi mà mọi người thờ phượng Đức Chúa Trời, A-thên là trung tâm văn hóa và tôn giáo của thế giới thời bấy giờ. Do đó, đối với nhiều người, việc thờ lạy thần tượng ở khắp mọi nơi là điều dễ hiểu và bình thường. Nhưng đối với Sứ đồ Phao-lô không phải là điều bình thường khi mà quyền lực của sự tối tăm đang hành động và làm đui mù tâm linh nhiều người (câu 16). Là con của sự sáng, chúng ta có thái độ nào khi hằng ngày nhìn thấy hàng triệu triệu người Việt Nam làm nô lệ cho tội lỗi, thờ cúng thần tượng? Chúng ta sẽ không thể là một chứng nhân cho Chúa cho đến khi nào biết giận dữ với điều ác và thương cảm những linh hồn hư mất.

 

Sự tức giận của Sứ đồ Phao-lô không dừng lại ở cảm xúc nhưng ông đã đứng lên và hành động để chống trả với ma quỷ và đem Phúc Âm đến cho mọi người. Ông đến với người Giu-đa trong nhà hội và người Hy Lạp tại nơi phố chợ (câu 17). Đối với ông Phao-lô, mọi người đều cần Phúc Âm và bất cứ nơi đâu cũng có thể được dùng để rao giảng Phúc Âm. Một trong những thất bại của nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay là đã phân chia đời sống mình thành nhiều phần. Ở mỗi nơi họ sẽ sống với những phần khác nhau của mình. Họ chỉ nói về Chúa trong nhà thờ, nhưng khi đến nơi làm việc họ chỉ là một nhân viên, ra phố chợ họ chỉ là người mua sắm. Họ quên rằng họ là người của Đấng Cơ Đốc (Cơ Đốc nhân), và cuộc đời của người theo Chúa là làm chứng nhân của Ngài.

 

Sứ đồ Phao-lô đang đối diện với những người không thật sự tìm kiếm Phúc Âm, họ chỉ là những người tò mò, thích tranh luận, và muốn đánh bại lý luận của ông Phao-lô (câu 18-21). Có lẽ ông Phao-lô biết động cơ của họ nhưng ông không quan tâm, vì điều quan trọng đối với ông là nói về Chúa. Ông đã khởi đầu bài chia sẻ của mình bằng hình ảnh ngay trước mắt các thính giả của ông – hình ảnh của một “chúa không biết” (câu 23). Và từ đó ông trình bày về một Đức Chúa Trời sáng tạo (câu 25-27), yêu thương (câu 28-29), là Đấng đoán xét chung cuộc (câu 31), và lời kêu gọi mọi người ăn năn, tin nhận Chúa và thờ phượng Ngài (câu 30).

 

Có thể đối với nhiều người, làm chứng là một công việc khó khăn. Nhưng hãy học bài học của Sứ đồ Phao-lô: Nắm lấy những cơ hội dù nhỏ nhất, và dùng những hình ảnh, hoàn cảnh quanh mình để từ đó nói về Đức Chúa Trời, về tình yêu, và ân sủng của Ngài. Khi chúng ta mạnh dạn chia sẻ Phúc Âm của Chúa, giống như ông Phao-lô, có thể chúng ta cũng gặp phải những chống đối, nhạo báng của người nghe (câu 32-33), nhưng rồi hãy sống với lòng tin chắc rằng hạt giống Phúc Âm được gieo ra sẽ có lúc gặt hái những kết quả (câu 34).

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm thần mạnh mẽ để rao báo Phúc Âm của Chúa Giê-xu cho mọi người ở khắp mọi nơi.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 9.

Bài trướcThư gửi con: “Tin Lành cho Muôn Dân”
Bài tiếp theoKhai Mạc Khóa Bồi Dưỡng Mục Vụ “Vai Trò Người Vợ Truyền Đạo”.