Bài 76: Quyền Năng Của Chúa Giê-Xu (TT)

2859

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

MA-THI-Ơ 9

 

Trong Ma-thi-ơ đoạn 8, chúng ta đã biết 6 phép lạ chứng tỏ Chúa Giê-xu là Vua có năng lực và quyền năng để thực hiện những lẽ đạo mà Ngài đã công bố. Và đoạn 9 tiếp nối chủ đề đó. Chúa Giê-xu làm 6 phép lạ nữa, Ngài kêu gọi Ma-thi-ơ, tranh luận với người Pha-ri-si và tiếp tục sứ mạng của Ngài ở vùng Ga-li-lê. Chúng ta thấy Ngài làm những phép lạ chữa lành, một phép lạ mà được gọi là siêu nhiên (làm kẻ chết sống lại) và một phép lạ đuổi quỉ là phép lạ thuộc linh.

 

Chúa GIÊ-XU trở về thành Ca-bê-na-um

 

Ma-thi-ơ 9:1-2, “Đức Chúa Giê-xu xuống thuyền lại trở qua biển và đến thành mình. Nầy, có người đem lại cho Ngài một người đau bại nằm trên giường. Đức Chúa Giê-xu thấy đức tin của các người đó, thì phán cùng người bại rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.”

Chúa Giê-xu rời xứ của người Ga-đa-ra, vì những người tại đó không muốn Ngài vào xứ của họ, và Ngài trở về thành Ca-bê-na-um. Chúng ta có thêm những chi tiết này trong sách Tin lành Mác về sự kiện xảy ra ở đây.  Sách Tin lành Mác cho biết người bại này được thòng dây đưa xuống xuyên từ mái nhà.  Chúa Giê-xu chữa lành bịnh ông và tha tội cho ông. Sự chữa lành bịnh và sự tha thứ có liên hệ với nhau.

 

Ma-thi-ơ 9:3, “Khi ấy, có một vài thầy thông giáo đều nghĩ thầm rằng: Người nầy nói lộng ngôn.”

Những thầy thông giáo nghĩ rằng Chúa không thể làm cho kẻ đau bại này bước đi được. Chúa biết ý nghĩ của họ và lòng ác độc của họ. Ngài hỏi họ: “Trong hai lời nầy: một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn.” (Ma-thi-ơ 9:5)

 

Ma-thi-ơ 9:6-7, “Vả, hầu cho các ngươi biết Con người ở thế gian có quyền tha tội, thì Ngài phán cùng người bại rằng: Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi. Người bại liền dậy mà trở về nhà mình.”

Khi người bại này đứng dậy và đi được, điều đó có nghĩa là Đấng làm cho ông ta đi được là Đấng có thẩm quyền tha thứ tội lỗi.

Chúng ta không thể tha tội – chỉ có Chúa Giê-xu có thể làm điều đó. Và vì không thể tha tội, chúng ta không thể chữa lành cho người khác được. Ma quỉ là kẻ dối gạt. Chúng ta cần xem xét rõ về những cái gọi là “phép lạ chữa lành” mà chúng ta nghe nói ngày nay bởi con người. Xin đừng chen vào điều mà Đức Chúa Trời đang làm, và mọi sự hãy quy vinh hiển về Ngài.

 

Chúa GIÊ-XU kêu gọi Ma-thi-ơ

 

Ma-thi-ơ 9:9, “Đức Chúa Giê-xu đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đương ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người liền đứng dậy, mà theo Ngài.”

Tác giả Ma-thi-ơ đã khiêm nhường ghi lướt qua về việc Chúa Giê-xu kêu gọi ông với chỉ một câu này. Trong sách Tin lành Lu-ca kể rằng Ma-thi-ơ đã dọn một buổi ăn tối rất long trọng để tỏ lòng tôn quý Chúa Giê-xu (Lu-ca 5:27-29). Rõ ràng là sự kiện tiếp theo đã xảy ra trong bữa ăn tối này. Ma-thi-ơ đã mời nhiều người bạn thâu thuế đến dự buổi ăn tối, vì ông muốn họ cũng được biết về Chúa Giê-xu Christ.

 

Ma-thi-ơ 9:10-11, “Vả, đương khi Đức Chúa Giê-xu ngồi ăn tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết đến ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài. Người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy?”

Những người Pha-ri-si không ngồi ăn với những người thâu thuế và những kẻ tội lỗi. Ngày nay, nhiều người cho mình thánh thiện cũng giữ suy nghĩ như vậy. Chẳng có gì là tổn hại khi mời những kẻ tội lỗi dự tiệc, vì họ là những người cần được biết đến Đấng Christ. Chúng ta cần có những liên hệ với họ để làm chứng.

 

Ma-thi-ơ 9:12, “Đức Chúa Giê-xu nghe điều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh.”

Chúa Giê-xu là Bác sỹ Đại tài, Ngài đã đến để chữa cho con người được lành khỏi nan đề căn bản của họ là tội lỗi. Điều này cần được nói nhiều với những nhóm Cơ Đốc nhân thường tổ chức buổi tiệc, và những buổi nhóm thông công cần nên mời những người chưa được cứu đến dự. Nếu những người chưa được cứu đến dự, các Cơ Đốc nhân cần có thái độ chào đón nồng nhiệt với họ. 

 

Ma-thi-ơ 9:13, “Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.”

Ma-thi-ơ nói đến điều này một lần nữa, trích dẫn sách tiên tri Ô-sê 6:6 trong Cựu ước. Khi Chúa Giê-xu phán: ‘Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.’  Ngài cũng bao gồm những người Pha-ri-si, bởi vì họ cũng là những tội nhân. Thật sự, tất cả chúng ta cũng bao gồm trong đó. ‘Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.’ (Rô-ma 3:23)

 

Câu chuyện ẩn dụ về miếng nỉ cũ và cái bình cũ

 

Ma-thi-ơ 9:14, “Khi ấy, các môn đồ của Giăng đến tìm Đức Chúa Giê-xu, mà thưa rằng: Cớ sao chúng tôi và những người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đồ thầy không kiêng ăn?

Các môn đồ của Giăng Báp-tít đã theo quan sát hành động Chúa Giê-xu. Một số môn đồ vốn là môn đồ của Giăng. Chúng ta biết họ là Anh-rê và Phi-líp.  Họ đã đến theo Chúa Giê-xu, và có lẽ các môn đồ khác của Giăng nói: ‘Coi kìa, có một số điều xảy ra hơi khác với cách của chúng ta, chúng ta không biết tại sao như vậy.’ 

Giăng Báp-tít, như đã được nói đến trong những đoạn trước là một tiên tri của thời Cựu ước. Ông đi ra khỏi thời kỳ Cựu ước đi vào thời kỳ Tân ước để công bố một điều quan trọng, theo như tiên tri Ma-la-chi đã báo trước, một sứ giả sẽ đến để dọn đường cho Chúa Giê-xu. Giăng nói: ‘Tất cả những gì ta làm là để dọn đường cho Chúa. Ngài sắp đến đây.” Và Chúa Giê-xu đến như Giăng đã nói.

Giờ đây, Chúa của chúng ta sắp công bố một nguyên tắc vĩ đại và bày tỏ sự kiện là các mạng lệnh phải được thay đổi.

 

Ma-thi-ơ 9:15, “Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới, thì những bạn hữu đó có thể nào buồn rầu được ư? Nhưng đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mới kiêng ăn.”

Mặc dù với các Cơ Đốc nhân ngày nay, sự kiêng ăn có giá trị thực, nhưng chúng ta không bắt buộc phải kiêng ăn, đó là việc tự nguyện. Sự kiêng ăn phải được làm với ý nghĩa chúng ta nằm sấp mình trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta thật là cần sự thương xót và cứu giúp của Ngài.  Đây là ý nghĩa phía sau hành động kiêng ăn. 

 

Hãy lắng nghe Chúa Giê-xu giải thích về sự thay đổi từ luật pháp của thời Cựu ước sang ân điển của thời Tân ước.

Ma-thi-ơ 9:16-17, “Không có ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; vì nếu làm vậy, miếng nỉ mới sẽ chằng rách áo cũ, và đàng rách trở nên xấu hơn. Cũng không có ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra, và bầu phải hư; song ai nấy đổ rượu mới vào bầu mới, thì giữ được cả hai bề.”

 

Chúa của chúng ta nói như thế này: Giao ước cũ, mạng lệnh cũ của Luật pháp đang chấm dứt, và Ngài không đến để dựng lên hay tiếp tục thời kỳ đó. Thực sự, Ngài đến để ban cho một chiếc áo mới, và chiếc áo mới đó là cái áo công nghĩa mà Ngài ban cho những ai tin cậy Ngài.

Cái ‘bình’ là cái bầu da đựng rượu nho thời đó. Nó được làm bằng da thú. Có thể thấy ở đây là khi rượu mới được đổ vào bình da mới, cái bình sẽ phình ra. Nhưng cái bầu da cũ đã phình ra tới mức tối đa rồi. Khi nó chứa đầy rượu mới, thì tự nhiên nó sẽ bị nứt ra, và rượu sẽ bị chảy ra ngoài mất đi.

Chúa Giê-xu nói như thế này: ‘Ta không đến để vá cái áo cũ.  Ta đến để ban cho một cái áo mới, một cái hoàn toàn mới.’ Điều này rất đặc biệt. Giăng tóm tắt trong sách Tin lành của ông khi ông nói: ‘Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-xu Christ mà đến.’ (Giăng 1:17)

 

Chúa Giê-xu chữa lành người đàn bà và KÊU KẺ CHẾT sống lại

 

Chúng ta đi đến phép lạ thứ 8 và thứ 9 là hai phép lạ có liên hệ với nhau. Cả hai đều là phép lạ chữa lành và trong một khung cảnh thật lạ lùng.

 

Ma-thi-ơ 9:18, “Đang khi Đức Chúa Giê-xu phán các điều đó, xảy có người cai nhà hội kia bước vào, quì lạy trước mặt Ngài mà thưa rằng: Con gái tôi mới chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống.”

Trong sách Tin lành Lu-ca nói cho chúng ta biết thêm rằng, trước hết người cai nhà hội này đến với Chúa Giê-xu cầu xin Chúa chữa lành cho con gái của ông. Lu-ca 8:41-42, “Có người cai nhà hội tên là Giai-ru đến sấp mình xuống nơi chơn Đức Chúa Giê-xu, xin Ngài vào nhà mình. Vì người có con gái một, mười hai tuổi, gần chết…”

Đứa con gái nhỏ đang ở trong tình trạng bệnh nặng gần chết, và trong lúc người cha đợi để nói chuyện cầu xin với Chúa Giê-xu, một người đầy tớ đến và báo cho ông biết là cô bé đã chết.

 

Ma-thi-ơ 9:19, “Đức Chúa Giê-xu bèn đứng dậy, cùng môn đồ Ngài đều đi theo người.”

Khi Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài đứng dậy đi theo ông Giai-ru đến nhà của ông, một đám đông rất lớn cũng tụ tập lại chung quanh đó.

 

Ma-thi-ơ 9:20, “Nầy, có một người đờn bà mắc bịnh mất huyết đã mười hai năm, lại gần sau lưng mà rờ đến trôn áo Ngài.”

Chúng ta có thể nhận ra điều đáng chú ý trong đoạn này. Cô bé gái 12 tuổi và người đàn bà này bị bệnh mất huyết đã 12 năm, 12 năm của sự sáng đang rời khỏi đời sống của cô bé, và 12 năm của sự tối tăm sắp sửa chấm dứt khi sự sáng xuyên nhập vào đời sống của bà. Ở đây có sự tương phản giữa sự sáng và sự tối tăm.

Hãy chú ý về điều người đàn bà đã làm trong những câu trước.  Chúa Giê-xu đã không chạm đến bà như Ngài đã làm trong nhiều phép lạ khác, nhưng chính bà đã chạm đến Ngài. Dĩ nhiên, đó không phải là cách chữa lành, vì chính đức tin của bà mới làm cho bà được chữa lành.

 

Ma-thi-ơ 9:21-22, “Vì người đờn bà ấy tự nghĩ rằng: Nếu ta chỉ rờ áo Ngài, thì cũng sẽ được lành. Đức Chúa Giê-xu xây mặt lại, thấy người đờn bà, thì phán rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành. Liền trong giờ đó, người đờn bà lành bịnh.”

Bác sĩ Lu-ca cho chúng ta biết nhiều chi tiết về phép lạ này.  Ông kể rằng bà đã thực sự chạm đến Chúa Giê-xu và bà được chữa lành. Liền sau đó, Chúa Giê-xu rời khỏi bà và tiếp tục đi đến nhà của Giai-ru.

 

Ma-thi-ơ 9:23-24, “Khi Đức Chúa Giê-xu đến nhà người cai nhà hội, thấy bọn thổi sáo, và chúng làm om sòm, thì phán rằng: Các ngươi hãy lui ra; con gái nhỏ nầy chẳng phải chết đâu, nhưng nó ngủ. Chúng nghe thì chê cười Ngài.”

Không ai trong căn nhà này tin Chúa Giê-xu có thể làm cho kẻ chết sống lại, nhưng Ngài vẫn đi đến chỗ cô bé nằm.

 

Ma-thi-ơ 9:25, “Bọn đó đã bị đuổi ra rồi, Ngài bèn vào, cầm lấy tay đứa gái, thì nó liền chờ dậy.”

Đây là lần đầu phép lạ đầu tiên làm cho kẻ chết sống lại xảy ra trong các sách Tin lành. Có 3 phép lạ làm kẻ chết sống lại được ghi chép. Một lần nữa, Lu-ca đi vào chi tiết hơn Mác. Lu-ca cho biết thêm là Ngài đã phán với cô bé một cách yêu thương: ‘Hỡi con gái nhỏ, hãy chờ dậy.’ Cách Chúa Giê-xu kêu kẻ chết sống lại luôn luôn giống nhau. Ngài phán trực tiếp với kẻ chết.

Sau khi chữa lành người đàn bà bệnh mất huyết và kêu con gái của Giai-ru sống lại từ kẻ chết, danh tiếng của Chúa Giê-xu loan truyền ra khắp nơi. Tin nầy đồn ra khắp cả xứ đó (Ma-thi-ơ 9:26).

 

Chúa GIÊ-XU mở sáng mắt hai người mù

 

Phép lạ thứ 10 là về hai người mù đi theo Chúa Giê-xu.

Ma-thi-ơ 9:27, “Đức Chúa Giê-xu ở đó ra đi, có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu vua Đa-vít, xin thương chúng tôi cùng!”

Cần ghi nhớ là hai người mù xưng Chúa Giê-xu là ‘Con cháu vua Đa-vít.’  Điều này rất quan trọng vì sách Tin lành Ma-thi-ơ trình bày Chúa Giê-xu là Vua.

 

Ma-thi-ơ 9:28-30, “Khi Ngài đã vào nhà rồi, hai người mù đến; Ngài bèn phán rằng: Hai ngươi tin ta làm được đều hai ngươi ao ước sao? Họ thưa rằng: Lạy Chúa được. Ngài bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. Mắt hai người liền mở. Đức Chúa Giê-xu lấy giọng nghiêm phán rằng: Hãy giữ, đừng cho ai biết chuyện nầy.”

Đây là một trường hợp đặc biệt nữa, Chúa Giê-xu căn dặn những người này đừng nói cho ai biết về điều đã xảy ra cho họ.  Ngài đã nói điều này với người bị bệnh phung. Có một vài lý do khiến Chúa căn dặn như vậy, nhưng một lý do được kể ra rất rõ ràng trong phân đoạn Kinh Thánh này. Việc loan truyền ra công chúng những tin tức về các phép lạ của Ngài làm cho đoàn dân đông vây quanh Ngài và cản trở công việc của Ngài.

Ma-thi-ơ 9:31, “Song lúc hai người ra khỏi nhà, thì đồn danh tiếng Ngài khắp cả xứ.”

Hai người được sáng mắt trở lại này đã không thể cầm giữ được nỗi vui mừng của họ. Họ loan truyền danh tiếng Ngài khắp cả xứ.

 

Chúa GIÊ-XU chữa lành ngưòi câm bị quỉ ám

 

Bây giờ chúng ta đến với phép lạ thứ 11. Một người đàn ông khác bị quỉ ám được chữa lành. Đây là lần thứ ba sự kiện quỉ ám được ghi lại trong đoạn 8 và đoạn 9 của sách Tin lành Ma-thi-ơ.

 

Ma-thi-ơ 9:32-33, “Khi đi khỏi chỗ đó, thì người ta đem tới cho Ngài một người câm bị quỉ ám. Quỉ bị đuổi ra rồi, thì người câm nói được. Đoàn dân lấy làm lạ mà nói rằng: Không hề bao giờ thấy sự như vậy trong dân Y-sơ-ra-ên.”       

Hãy chú ý đến phản ứng của những người Pha-ri-si: “Nhưng người Pha-ri-si lại nói rằng: Người nầy cậy phép chúa quỉ mà trừ quỉ.”  (Ma-thi-ơ 9:34)

Họ không phủ nhận là Ngài đã làm cho người câm nói được, người mù thấy được, người bại liệt đi được. Điều họ tố cáo là Ngài đã làm được những điều này bởi quyền phép của Sa-tan. Qua việc này, chúng ta đừng nản lòng khi có ai “chụp mũ” gán cho mình những tiếng xấu, trong khi chúng ta làm việc tốt.

 

Ma-thi-ơ 9:35, “Đức Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh.”

Chỉ có một Tin lành, nhưng có nhiều mặt khác nhau của Tin lành. Tin lành của nước Đức Chúa Trời là sự công bố rằng nước thiên đàng đã đến. Có nghĩa là hãy sẵn sàng ra mắt vị Vua. Nó đòi hỏi tấm lòng chấp nhận và sống theo vị Vua là Đấng sẽ lên thập tự giá.

‘Và chữa lành các thứ tật bịnh.’ Chúng ta thấy đi thấy lại là Ma-thi-ơ ghi thêm vào tin tức về hàng ngàn người được chữa lành trong ngày ấy. Đây là lý do những kẻ thù của Ngài không bao giờ đặt câu hỏi về sự kiện Ngài đã làm những phép lạ. Vì điều đó quá hiển nhiên.

Trong ngày đó có hàng ngàn người đã được Chúa Giê-xu chữa lành khi Ngài hiện diện với họ. Ngày hôm nay Ngài cũng chữa cho ai để Ngài hiện diện trong đời sống.  Chúng ta cần tìm kiếm thuốc men tốt nhất mà mình có thể tìm kiếm được để chữa bịnh, nhưng chúng ta cần nhận biết rằng khả năng của các bác sĩ, các thầy thuốc có giới hạn. Nhưng Chúa Giê-xu không bị giới hạn. Chúng ta có thể tin chắc là Ngài sẽ giải quyết cho chúng ta theo ý chỉ toàn thiện của Ngài. Và chúng ta cần tin cậy Ngài cho dầu bất cứ điều gì đang xảy ra.

 

Ma-thi-ơ 9:36, “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ khốn cùng, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.”

Lòng thương xót là kết luận của đoạn Kinh Thánh này. Thật lạ lùng và đáng nhớ phải không?

Những vị vua và người lãnh đạo tốt của Đức Chúa Trời là những người chăn chiên. Cả Môi-se và Đa-vít là những người chăn chiên trước khi họ lãnh đạo dân sự của Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa cho có những con gặt trong cánh đồng của Ngài, hãy cầu nguyện là Ngài sẽ ban cho họ tấm lòng của một người chăn chiên. Hãy cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta một tấm lòng thương xót những kẻ thất lạc. 

 

Ma-thi-ơ 9:37-38, “Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.”  

Sau khi nói điều này với các môn đồ, Ngài sai phái họ ra đi.  Khi cầu nguyện cho một điều gì đó, chúng ta phải luôn luôn có ý định chính mình muốn làm điều đó.  Khi Chúa của chúng ta kêu gọi các môn đồ cầu nguyện cho có những con gặt, Ngài gởi đến cánh đồng những con người mà Chúa kêu gọi, hãy cầu nguyện như vậy.  Điều này rất đáng chú ý.  Nhiều năm trước đây, một mục sư của một hội thánh đã nói:  ‘Khi một người cầu nguyện cho mùa bắp, Chúa muốn người đó nói ‘A-men’ với một cây cuốc sẵn sàng.”  Chúng ta không nên cầu nguyện về bất cứ điều gì, trừ khi chính mình sẵn sàng làm điều đó.

Chúa Giê-xu là Đấng quyền năng, Ngài thể hiện quyền năng của Ngài qua việc chữa bịnh, đuổi quỉ, quở sóng gió, kêu kẻ chết sống lại v.v… Lời nói và hành động của Ngài hòa hiệp với nhau. Chúa Giê-xu có lòng thương xót những ai đến cùng Ngài. Chẳng những Ngài có quyền năng chữa bịnh, nhưng Ngài cũng có quyền tha thứ tội lỗi. Hãy đến cùng Chúa Giê-xu để nhận sự tha thứ của Ngài. Qua lời cầu nguyện đơn sơ, chân thành, “Lạy Chúa, con là người có tội, xin hãy tha thứ cho con và tiếp nhận con làm con của Ngài.”

 

 

Bài trướcBài 76: Ba Sự Thật Về Ơn Cứu Rỗi
Bài tiếp theoNgày Yên Nghỉ Thánh Phước Hạnh