Bài 45: Dòng Dõi Của Ê-Sau

5930

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Sáng thế ký 36

 

Trong Sáng thế ký đoạn 36 nói về toàn bộ gia đình của Ê-sau, và sau này dòng dõi của ông trở thành quốc gia Ê-đôm. Vì thế có thể không thích thú lắm đối với một số người, nhưng đoạn này là một đoạn học hỏi tốt, cho những ai theo tên của con cháu Ê-sau mà tìm ra những dân tộc hình thành sau đó. Chúng ta sẽ tìm thấy một tên tuổi được đề cập ở đoạn Kinh Thánh này, giờ đây đã trở thành những địa danh nổi tiếng trong sa mạc Ả-rập thời nay. Ô-ma là người xây trại, cũng như Thê-ma, Xê-phô, Kê-na, Cô-ra. Đó là con cháu gia đình của Ê-sau, hiện nay họ vẫn còn sinh sống tại khu vực đó.

 

Gia đình của Ê-sau sinh sống ở Ê-đôm, thuộc về hướng Đông-Nam gần biển Chết. Đây là một khu vực đồi núi, và thủ đô Ê-đôm với thành phố nổi tiếng là Phét-tra vẫn còn di tích ngày nay. Có nhiều sách tiên tri nói về Ê-đôm và được ứng nghiệm cách đầy đủ như các tiên tri: Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, và Áp-đia.

 

Quốc gia Ê-đôm đến từ dòng tộc Ê-sau. Trong Sáng thế ký 36 này nói đến ba lần và xác định cách rõ ràng Ê-sau là tổ phụ của dân Ê-đôm, cho nên hai tên Ê-sau và Ê-đôm tương đồng với nhau. Nhưng chúng ta để ý sẽ thấy sự khác biệt giữa Ê-sau và Ê-đôm. Trước tiên khi chúng ta gặp Ê-sau là con trai của gia đình Y-sác. Ông là người thích hoạt động bên ngoài, thích thể thao, khỏe mạnh, nhìn rất đẹp trai. Vóc dáng bên ngoài của Ê-sau nhìn rất hấp dẫn, nhưng ông là con người của xác thịt.

 

Có câu chuyện xảy ra mấy năm trước đây, một cô gái trẻ là tín hữu Tin lành gặp một chàng thanh niên rất đẹp trai ở thành phố. Cả hai nhìn rất là xứng đôi đẹp mắt. Cha mẹ của cô là người làm ăn giàu có ở thành phố, còn chàng thanh niên là một nhân viên thơ ký nghèo làm việc cho một công ty. Anh chàng trông rất đẹp trai và hấp dẫn. Anh để ý nhiều đến gia cảnh giàu có của cô gái trẻ. Anh tìm cách làm quen với cô gái này, và cô yêu chàng trai đó, rồi tiến đến việc lập gia đình. Cô ta mong ước rằng chàng thanh niên này sẽ trở lại đạo. Hai người đem việc đó nói với mục sư và nhờ làm lễ cưới. Qua sự trao đổi, mục sư nhận biết là chàng thanh niên không có ý định tin Chúa, nên ông không chịu làm lễ cưới cho họ, nhưng cô gái rất yêu chàng trai này và muốn làm đám cưới. Cô gái trẻ rất giận dữ với mục sư. Sau đó, họ tổ chức đám cưới theo nghi thức của người ngoại đạo. Thời gian ngắn sau đó, cô trở lại và nói cho mục sư hay rằng cô đã ly dị chồng. Ông hỏi cô vợ trẻ, việc gì đã xảy ra? Cô kể lại rằng, trước đây cô nghĩ chồng cô là người đẹp trai, hào hoa, lịch sự. Nhưng khi về chung sống thời gian ngắn, cô mới biết bản tánh thật của chồng cô, anh chỉ thích tiền bạc và thể xác của cô, anh đối xử với cô rất thô bạo, còn tâm trí của anh không hề nghĩ đến vấn đề tâm linh. Cho nên cô không thể tiếp tục chung sống với người chồng như vậy nữa.

 

Chúng ta thấy, có thể chàng trai này giống Ê-sau là con người xác thịt, anh có dáng vóc hấp dẫn bên ngoài, anh thích của cải, nhưng không có sự hiểu biết hay lưu tâm đến vấn đề tâm linh.

 

Có lẽ vài người muốn biện luận với Đức Chúa Trời về việc chọn Gia-cốp thay vì Ê-sau. Ê-sau trông bề ngoài rất đẹp trai. Có thể nào Chúa nhầm lẫn chăng? Qua lời tiên tri của Áp-đia, chúng ta thấy được sự tỏ bày tại sao. Từ dòng tộc Ê-sau sanh sản ra hằng ngàn con cháu. Với bản chất như ông cha của họ. Bây giờ chúng ta nhìn thấy quốc gia này đến từ con cháu của Ê-sau. Nó thể hiện rõ ra bản tánh của Ê-sau. Chúng ta thấy rằng họ là những quốc gia rất kiêu ngạo. Cho nên Đức Chúa Trời nói với Ê-đôm: “Hỡi ngươi là kẻ ở trong khe vầng đá, trong nơi cao, ngươi nói trong lòng mình rằng: Ai sẽ có thể xô ta xuống đất? Sự kiêu ngạo của lòng ngươi đã lừa dối ngươi. Dầu ngươi lên cao như chim ưng, dầu ngươi lót ổ giữa các ngôi sao, ta cũng sẽ xô ngươi xuống khỏi đó, Đức Giê-hô-va phán vậy!” (Áp-đia 1:3-4)

 

Sự kiêu ngạo của tấm lòng là lời tuyên bố của tâm hồn rằng, mình có thể sống không cần Đức Chúa Trời. Đó chính là thái độ của Ê-sau và con cháu của ông.

 

Trong sách cuối cùng của Cựu ước, Đức Chúa Trời nói rằng: “Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.” Đức Chúa Trời không hề nói điều đó cho đến hơn một ngàn năm sau, nhưng Chúa đã biết lòng của Ê-sau từ lúc ban đầu. Trải qua đoạn đường lịch sử dài chúng ta thấy rằng lời của Đức Chúa Trời rất chính xác.

 

Ê-SAU DI CHUYỂN TỪ CA-NA-AN ĐẾN SÊ-I-RƠ

 

Sáng thế ký 36:1-8, “Đây là dòng dõi của Ê-sau, tức là Ê-đôm vậy. Ê-sau cưới các vợ trong bọn con gái xứ Ca-na-an, là A-đa, con gái Ê-lôn, người Hê-tít; Ô-hô-li-ba-ma, con gái A-na, cháu ngoại của Xi-bê-ôn, người Hê-vít,  cùng Bách-mát, con gái Ích-ma-ên, và là em gái của Nê-ba-giốt. còn Ô-hô-li-ba-ma sanh Giê-úc, Gia-lam và Cô-ra. Ấy đó là các con trai của Ê-sau sanh tại xứ Ca-na-an. Ê-sau dẫn các vợ, con trai, con gái mình, mọi người nhà, các bầy chiên, lục-súc, và tài vật mình đã gây dựng tại xứ Ca-na-an, dời qua xứ khác, cách xa Gia-cốp, em mình. Vả, vì cớ hai anh em của cải nhiều, bầy súc vật đông, xứ đương kiều ngụ không đủ đất dùng nữa, nên ở chung nhau chẳng được. Vậy, Ê-sau, tức là Ê-đôm, ở trên núi Sê-i-rơ.”

 

Chúng ta nhớ lại là Ê-sau cưới vợ người Ca-na-an. Và hãy nhớ đến Áp-ra-ham và Lót cũng rơi vào khó khăn tương tự, đó là không có đủ đất và đồng cỏ cho hai người ở chung nhau, vì mỗi người có nhiều súc vật. Tại đây chúng ta thấy hoàn cảnh của hai anh em Gia-cốp và Ê-sau phân rẽ nhau cũng vì thiếu đất cho hai người. Ê-sau rời đất hứa, tìm đất khác riêng cho mình theo hoàn cảnh kinh tế.

 

Tác giả sách Sáng thế ký cho chúng ta thấy đến lúc Ê-sau phải lìa xa Ca-na-an, vốn đã dứt khoát dành cho em mình là Gia-cốp. Chúng ta khó xác định rằng Ê-sau đi vào trước hay sau, khi Gia-cốp từ xứ Mê-sô-bô-ta-ni hồi hương hay ít lâu sau đó. Ấy vì bầy chiên của Ê-sau và của Gia-cốp không đủ chỗ sống chung được, chưa kể đến bầy chiên của Y-sác chia cho Gia-cốp. Lời giải thích trường hợp nầy, hợp lý hơn là Gia-cốp có những bầy chiên và bò đông đúc, vừa từ xứ Mê-sô-bô-ta-ni hồi hương làm cho vấn đề hóa ra gây cấn. Nhưng về phần Ê-sau lúc nầy đã nhường quyền ưu tiên cho em, là người được chúc phước tốt hơn. Khi sắp có thể xảy ra cuộc xung đột thì Ê-sau dường như thận trọng bằng cách nhượng bộ sớm.

 

Hiển nhiên Ê-sau được Đức Chúa Trời Toàn Năng ban phước cho và trở nên giàu có. Vả lại, các vị tộc trưởng này đang ở trong tình trạng rất bất lợi, vì Ca-na-an là xứ họ đang kiều ngụ. Vậy họ chỉ khai thác được những khu đồng cỏ chẳng ai nhận, dầu vậy họ được giàu có hơn những người bản xứ. Cho nên lòng ghen ghét của người bản xứ làm cho địa vị họ càng khó khăn hơn.

 

Ê-sau di chuyển gia đình về ở xứ Sê-i-rơ trong xứ Ca-na-an, nơi mà Gia-cốp trở về từ Pha-đan A-ram (Sáng thế ký 32:3).

 

DÒNG DÕI CỦA Ê-SAU

 

Sáng thế ký 36:9-14, “Đây là dòng dõi Ê-sau, tổ phụ dân Ê-đôm, ở trên núi Sê-i-rơ. Đây là tên các con trai Ê-sau: A-đa vợ người, sanh Ê-li-pha; Bách-mát, cũng vợ người, sanh Rê-u-ên.  Con trai của Ê-li-pha là Thê-ma, Ô-ma, Xê-phô, Ga-tham và Kê-na. Thim-na, vợ lẽ Ê-li-pha, con trai của Ê-sau, sanh A-ma-léc cho người. Đó là cháu của A-đa, vợ Ê-sau. Còn đây là con trai của Rê-u-ên: Na-hát, Xê-rách, Sam-ma và Mích-xa. Ấy là các cháu của Bách-mát, cùng vợ Ê-sau. Và mấy người nầy là con trai của Ô-lô-li-ba-ma, vợ của Ê-sau, con gái A-na, cháu ngoại Xi-bê-ôn. Nàng sanh cho Ê-sau Giê-úc, Gai-lam, và Cô-ra.”

 

Bắt đầu từ lịch sử của Ê-sau và con cháu từ vùng núi Sê-i-rơ, để phân biệt rõ với thời ông ở xứ Ca-na-an. Từ đây bắt đầu hình thành dân tộc A-ma-léc. Tiếp theo các thế kỷ sau đó, những chi tộc này lan rộng ra nhiều hướng. Cũng có rất nhiều người trong số họ đi xuyên qua miền bắc Phi-châu. Tất cả các chủng tộc Ả-rập đến từ con cháu Áp-ra-ham, qua bà A-ga là người Ai-cập hay là qua bà Kê-tu-ra mà Áp-ra-ham cưới sau khi bà Sa-ra qua đời. Có nhiều sự cưới gả qua lại với các chủng tộc này. Nhưng tất cả các chủng tộc này ra từ cùng một gia đình.

 

Hiện nay ở vùng Trung Đông vẫn còn có sự thù nghịch giữa người Ả-rập và người Do Thái, nhưng khi truy tầm về nguồn gốc trước đây thì họ là anh em bà con với nhau.     

 

Sáng thế ký 36:15-19, “Đây là các trưởng tộc trong vòng con cháu Ê-sau: Các con trai Ê-li-pha, con trưởng nam của Ê-sau, là trưởng tộc Thê-man, trưởng tộc Ô-ma, trưởng tộc Xê-phô, trưởng tộc Kê-na, trưởng tộc A-ma-léc. Đó là các trưởng tộc do nơi Ê-li-pha sanh tại xứ Ê-đôm, và là các cháu của A-đa. Đây là các con trai của Rê-u-ên, con Ê-sau: trưởng tộc Na-hát, trưởng tộc Xê-rách, trưởng tộc Sam-ma, và trưởng tộc Mích-xa. Đó là các trưởng tộc do nơi Rê-u-ên sanh ra tại xứ Ê-đôm, và là các cháu của Bách-mát. Đây là các con trai của Ô-hô-li-ba-ma, vợ Ê-sau: trưởng tộc Giê-úc, trưởng tộc Gia-lam, và trưởng tộc Cô-ra. Đó là mấy trưởng tộc do Ô-hô-li-ba-ma, vợ Ê-sau, con gái của A-na, sanh ra. Ấy là các con trai của Ê-sau, tức là Ê-đôm, và đó là mấy trưởng tộc của họ.”

 

Tại đây thế giới bắt đầu dùng chữ ‘trưởng tộc.’ Từ đây bắt đầu giới quý tộc. Họ mang một tước vị, và mỗi người con trai của Ê-sau trở thành trưởng tộc. Từ đây họ có công việc xứng hợp với tước vị của mình. Con cháu của Ê-sau dùng tước vị rất sớm, họ là người cai trị một ngàn người hay một ngàn gia đình. Chúng ta thấy là họ có các trưởng tộc trong từng gia đình. Nhiều người hôm nay có thể truy tầm nguồn gốc của họ có thể ra từ những tộc tưởng này.

 

Sáng thế ký 36:20-30, “Đây là các con trai của Sê-i-rơ, người Hô-rít, thuở xưa ở tại xứ đó: Lô-than, Sô-banh, Xi-bê-ôn, A-na,  Đi-sôn, Et-xe, và Đi-san. Đó là mấy con trai của Sê-i-rơ, trưởng tộc dân Hô-rít, ở tại xứ Ê-đôm. Các con trai của Lô-than là Hô-ri và Hê-man; còn Thim-na là em của gái Lô-than. Đây là các con trai của Sô-banh: Anh-van, Ma-na-hát, Ê-banh, Sê-phô, và Ô-nam. Đây là các con trai của Xi-bê-ôn: Ai-gia và A-na. Ấy là A-na có tìm đặng suối nước sôi nơi đồng vắng, trong khi chăn lừa cho Xi-bê-ôn, cha nàng. Đây là con cái của A-na: Đi-sôn và Ô-hô-li-ba-ma, con gái người. Đây là con trai của Đi-sôn: Hem-đan, Ech-ban, Dít-ran và Kê-ran. Đây là con trai của Et-xe: Binh-han, Xa-van và A-can. Đây là con trai của Đi-san: Ut-sơ và A-ran. Còn đây là các trưởng tộc dân Hô-rít: trưởng tộc Lô-than, trưởng tộc Sô-banh, trưởng tộc Xi-bê-ôn, trưởng tộc A-na, trưởng tộc Đi-sôn, trưởng tộc Et-xe, và trưởng tộc Đi-san. Đó là các trưởng tộc của dân Hô-rít, ở tại xứ Sê-i-rơ.”

 

Mục đích của phân đoạn này cốt tỏ ra những ai là dòng dõi của Sê-i-rơ, một dân quan trọng khác kết hợp thành dân Ê-đôm, đây là nhóm người có cội nguồn từ trước khi con cháu Ê-đôm đến. Dân Sê-i-rơ thường chỉ về xứ của người Ê-đôm, nằm ở phía nam của biển Chết. Họ thành dân tộc Hô-rít (nghĩa là kẻ ở trong đá). Có bảy trưởng tộc trong dân Hô-rít.

 

Về các trưởng tộc Ê-đôm hoặc Hô-rít chẳng có lời nào xác định là họ đã tiếp tục cai trị. Trái lại, chúng ta nhận thấy họ là con cháu của cùng một thế hệ và cai trị cùng một lúc. Họ không phải là người cai trị trong khoảng thời gian như vua và truyền ngôi tiếp tục cho con cháu.

 

Sáng thế ký 36:31-39, “Trước khi dân Y-sơ-ra-ên chưa có một vua nào cai trị, thì đây là các vua trị vì xứ Ê-đôm; Bê-la, con trai Bê-ô, trì vì xứ Ê-đôm; tên thành người là Đin-ha-ba. Vua Bê-la băng, Giô-báp, con trai Xê-rách, người Bốt-ra, lên kế vị. Vua Giô-báp băng, Hu-sam, người xứ Thê-man, lên kế vị. Vua Hu-sam băng, Ha-đát, con trai Bê-đát, lên kế vị. Ấy là vua nầy đánh thắng dân Ma-đi-an tại đồng Mô-áp; và tên thành người là A-vít. Vua Ha-đát băng, Sam-la, người Ma-rê-ca lên kế vị. Vua Sam-la băng, Sau-lơ, người Rê-hô-bốt ở trên mé sông, lên kế vị. Vua Sau-lơ băng, Ba-anh-Ha-man, con trai Ac-bồ, lên kế vị. vua Ba-anh-Ha-nan băng, Ha-đa lên kế vị. Tên thành người là Ba-u; vợ người là Mê-hê-ta-bê-ên, con gái của Mát-rết, cháu ngoại Mê-xa-háp.”

 

Cho tới ngày nay, các nhà phê bình vẫn cho rằng phân đoạn này được viết sau thời Môi-se. Một vài nhà phê bình quả quyết như vậy mà chẳng bỏ công ra nghiên cứu để đưa ra bằng cớ. Ấy là điều mà nhà chú giải Kinh Thánh vô tư phải nhìn nhận là đối với một người như Môi-se thì lời minh xác ấy rất tự nhiên, nếu ông biết rõ rằng Đức Chúa Trời cũng định cho dòng dõi Y-sơ-ra-ên có vua trong tương lai. Vả, trước đó Môi-se đã nêu rõ rằng trong dòng dõi Y-sơ-ra-ên sẽ có nhiều vua sanh ra, như được chép trong Sáng thế ký 35:11, “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy sanh sản và thêm nhiều; một dân cho đến nhiều dân đều sẽ do nơi ngươi mà sanh, cùng các vua sẽ do nơi mình ngươi mà ra.”

 

Như vậy mọi lời quả quyết rằng danh sách các vua Ê-đôm, chắc chắn đã có đương thời Sau-lơ, hoặc Đa-vít hoặc Sa-lô-môn không có cớ chứng minh được. Có thể giải thích điểm này dễ dàng bằng sự thật rằng, Môi-se vốn thông thạo đề mục biện luận, đã ghi chép vua cuối cùng đồng thời với lúc ông chép sách. Chính Môi-se chẳng biết Ê-sau còn sanh thêm bao nhiêu vua nữa, hoặc còn bao lâu nữa nước Y-sơ-ra-ên mới có vua. Nhưng qua những đoạn diễn tả sự phát triển mạnh của người Ê-đôm, thì chắc chắn rất thích ứng, vì ông tỏ ra trong vấn đề lập ngôi vua, họ tiến trước dân Y-sơ-ra-ên nhiều lắm.

 

Nếu các vua bắt đầu cai trị khoảng thế hệ thứ ba sau Ê-sau, nghĩa là khoảng một thế hệ sau khi các trưởng tộc bắt đầu cai trị, tức là vào khoảng năm 1850 TC. Môi-se viết sách Sáng thế ký vào khoảng 1450 TC., thì dường như có tám vị vua trong danh sách này. Có lẽ nước Ê-đôm thành lập một thế kỷ sau niên hiệu được dự đoán này, thì ý kiến này được ủng hộ bởi sự thực các trưởng tộc và vua đồng thời cai trị xứ Ê-đôm. Lại nữa trong những thế kỷ này người ta sống lâu hơn. Và có một thời gian không có vua, giữa các vua liệt kê trong danh sách này. Và cũng cần ghi nhận rằng, ngôi vua của xứ Ê-đôm chẳng phải là do cha truyền con nối. Trong số tám vua này chẳng có một vua nào nối ngôi cha mình. Công việc thành lập các vị vua không phải do chương trình của Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài. Nhưng đây là lối sống của dân tộc Ê-đôm. Họ có các trưởng tộc và các vua cai trị họ. Nếu chúng ta thuộc về gia đình của Ê-sau, chúng ta cũng cần phải có một tước vị, bởi vì những người này thích quyền hành. Chú ý là dân tộc Ê-đôm có vua rất lâu trước dân tộc Do Thái. Cho đến mãi sau này khi dân tộc Do Thái nói cùng tiên tri Sa-mu-ên: “Bây giờ hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, như các dân tộc khác đã có rồi” (I Sa-mu-ên 8:5). Họ có thể nói, các anh của tôi là Ê-đôm có vua, chúng tôi cũng muốn có vua như họ.    

 

Sáng thế ký 36:40-43, “Đây là trưởng tộc do nơi Ê-sau sanh ra, kể theo chi tộc, địa hạt và tên mình: trưởng tộc Thim-na, trưởng tộc Anh-va, trưởng tộc Giê-hết, trưởng tộc Ô-hô-li-ba-ma, trưởng tộc Ê-la, trưởng tộc Phi-nôn, trưởng tộc Kê-na, trưởng tộc Thê-man, trưởng tộc Mép-xa, trưởng tộc Mác-đi-ên và trưởng tộc Y-ram. Đó là các trưởng tộc của Ê-đôm, tùy theo nhà ở trong xứ của họ. Tổ phụ của dân Ê-đôm là Ê-sau.”

 

Đây là lịch sử của dòng tộc bị khước từ. Trong đoạn này cho chúng ta bảng tóm lược sau chót. Phân đoạn này liệt kê danh sách cách trưởng tộc.

Đây là một đoạn rất lý thú cho những ai muốn nghiên cứu về nhân chủng học. Đoạn này cho chúng ta một gia phả dài của một gia đình.

Các trưởng tộc này sống nhiều nơi và lập sản nghiệp, họ là con cháu của Ê-sau hình thành nước Ê-đôm.

Chúng ta sẽ thấy lời tiên tri của Áp-đia và Ma-la-chi liên quan đến dân tộc Ê-đôm. 

 

Hãy suy nghĩ gì về cuộc sống của mình và các thế hệ con cháu nối tiếp theo sau của chúng ta. Đời sống của ông bà cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con cháu. Vì thế chúng ta phải đi theo con đường thờ kính Đức Chúa Trời, để làm gương cho con cháu của mình.

 

Vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta. (Xuất Ê-díp-tô ký 20:5-6)

Bài trướcBồi Dưỡng Giáo Viên Trường Chúa Nhật Tại Chi Hội Phước Long – Bình Phước.
Bài tiếp theoQuà Tết Cho Anh Em Nghèo Khó Tại Tỉnh Kiên Giang