Bài 29: Y-Sác Ra Đời, Ích-Ma-Ên Bị Đuổi Đi

4807

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới


Sáng Thế ký 21:1-21

                                                                                               

Trong Sáng thế ký đoạn 20, chúng ta thấy tội lỗi cần phải được giải quyết, được xưng tội và được cất đi trước khi Y-sác có thể được sanh ra cho Áp-ra-ham và Sa-ra. Bây giờ trong đoạn 21 nói đến Y-sác được sanh ra.

 

Y-SÁC ĐƯỢC SANH RA

 

Sáng thế ký 21:1-2, “Đức Giê-hô-va đến viếng Sa-ra, theo như lời Ngài đã phán, và làm cho nàng như lời Ngài đã nói. Sa-ra thọ thai, sanh một con trai cho Áp-ra-ham trong khi tuổi đã già, đúng kỳ Đức Chúa Trời đã định.

 

Tác giả ghi chép biến cố này, với một lời lập lại long trọng chỉ về niềm vui mừng trọng thể, do sự kiện Chúa giữ lời hứa đã hoãn lại từ lâu. Nếu chỉ minh xác sự ứng nghiệm cách giản dị, không nhấn mạnh, thì hầu như không thích đáng. Thành ngữ đặc biệt ‘viếng’ hay ‘chăm sóc’ mô tả Đức Chúa Trời đến gần con người, hoặc để tỏ lòng thương xót, hoặc tỏ sự nghiêm khắc, nó tỏ bày  một bằng chứng là Ngài lưu tâm đến con người.

 

Chúng ta chú ý đến sự sanh ra giữa Y-sác và Chúa Giê-xu có sự tương tự. Sự sanh ra của Y-sác cho nhân loại hình ảnh về một lẽ thật lớn trước khi Đấng Christ đến. Y-sác được sanh ra theo thời điểm mà Đức Chúa Trời đã hứa, Phao-lô nói trong Ga-la-ti 4:4 “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp.”

 

Sáng thế ký 21:3-7, “Áp-ra-ham đặt tên đứa trai mà Sa-ra đã sanh cho mình là Y-sác. Đúng tám ngày, Áp-ra-ham làm phép cắt bì cho Y-sác theo như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn. Vả, khi Y-sác ra đời, thì Áp-ra-ham đã được một trăm tuổi. Sa-ra nói rằng: Đức Chúa Trời làm cho tôi một việc vui cười; hết thảy ai hay được cũng sẽ vui cười về sự của tôi. Lại nói rằng: Há ai dám nói với Áp-ra-ham rằng Sa-ra sẽ cho con bú ư? Vì tôi đã sanh một đứa trai trong lúc người già yếu rồi.”

 

Chúa đã báo tin và đặt tên cho đứa trẻ trước khi nó được sanh ra là Y-sác (17:17-19). Trong phân đoạn này nói đến tiếng cười vui vẻ bởi đức tin Áp-ra-ham là nguyên nhân chánh trong việc chọn tên. Đồng thời, về phần Sa-ra thì tên Y-sác nhắc cho nhớ tiếng cười vì bà đã không tin (18:12). Nhưng trong đoạn này bày tỏ tiếng cười vì cảm kích, vì lời tiên tri được ứng nghiệm mới mẻ với khả năng tìm tàng trong tên ấy. Như Sa-ra đã nêu lên, tên “Y-sác” phản ảnh niềm hoan hỉ thánh khiết trong mọi người có thiện cảm, với điều tốt lành xảy đến cho bà. Bước từng trải của Sa-ra không thể khiến bà thành trò cười, nhất là ở Đông phương. Chính là sự cất bỏ sỉ nhục của một đời, qua một biến cố rất hiếm có. Cho nên Sa-ra nói “Đức Chúa Trời làm cho tôi một việc vui cười.” Đức Chúa Trời ban sự vui vẻ cho một hy vọng gần bế tắc. Đức Chúa Trời ban sự thương xót cho bà Sa-ra, cho bà làm người vui mừng trong khi tuổi rất già. Chắc chắn chúng ta cũng sẽ được sự vui mừng khi trông cậy vào lời hứa của Ngài. 

 

Có vài lẽ thật đáng chú ý tại đây chúng ta cần nên nắm giữ. Trước nhất, Sự sanh ra của Y-sác là một phép lạ. Nó trái ngược với sự bình thường. Trong sách Rô ma 4:19 Phao-lô nói: “Người thấy thân thể mình hao mòn, vì đã gần đầy trăm tuổi, và thấy Sa-ra không thể sanh đẻ được nữa, song đức tin chẳng kém.”

 

Trong sự chết Chúa mang đến sự sống: Đây là phép lạ được sanh ra. Chúng ta cần lưu ý đến sự thật rằng, Đức Chúa Trời lòa ra ánh sáng, khi Chúa Giê-xu giáng sinh một cách siêu nhiên vào trong thế gian như là một việc gì mới lạ. Ngài bắt đầu chuẩn bị điều đó cho con người, vì thế chúng ta cần quay lại tại đây với sự sanh ra của Y-sác. Chúng ta thấy có phép lạ của sự sanh ra.

 

Chúng ta cũng tìm thấy tại đây, Đức Chúa Trời giải quyết với Sa-ra và Áp-ra-ham. Họ phải nhận biết rằng họ không thể làm gì được, đó là họ không thể nào sanh con được. Áp-ra-ham 100 tuổi, Sa-ra đã 90 tuổi. Nói cách khác, việc Y-sác được sanh ra là điều mà tự họ không thể làm được.

 

Sáng thế ký 21:8, “Đứa trẻ lớn lên, thì thôi bú. Chánh ngày Y-sác thôi bú, Áp-ra-ham bày một tiệc lớn ăn mừng.”

 

Trong những ngày đầu đứa bé nầy được nuôi sống bằng sữa của mẹ, nhưng thời gian sau đó nó bị dứt sữa. Điều nầy có một bài học cho chúng ta. Trong sách I Phi-e-rơ 2:2 nói là“..hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn.”

 

Khi người mẹ chuẩn bị bình sữa sẵn cho con trong nôi, tất cả mọi điều trong cơ thể của nó điều được hoạt động. Đứa trẻ nầy đưa hai chân và tay lên, bé la lớn lên – bé muốn bình sữa của bé!  “Như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên, mà được rỗi linh hồn mình.”

 

Đó là điều tuyệt diệu cho một người mới trở thành tín đồ Đấng Christ với sự ham thích sữa của Đạo, giống như trẻ con mới đẻ vậy. Nhưng ngày sẽ đến, khi bạn sẵn sàng cho sự tăng trưởng như một người tin cậy. Thay vì chỉ đọc Thi thiên 23 và Giăng 14, hãy cố gắng đọc xuyên qua trong Kinh thánh để được tăng trưởng. Đừng như trẻ con mãi. Xin lưu ý lời khuyên của Đức Chúa Trời trong Hê-bơ-rơ 5:13-14, “Kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặt để cho kẻ thành nhân…” Hãy trở nên người trưởng thành.

 

A-GA VÀ ÍCH-MA-ÊN BỊ ĐUỔI RA KHỎI NHÀ

 

Sáng thế ký 21:9-10, “Sa-ra thấy đứa trai của A-ga, người Ê-díp-tô, đã sanh cho Áp-ra-ham, cười cợt, thì người nói với Áp-ra-ham rằng: Hãy đuổi con đòi với con nó đi đi, vì đứa trai của con đòi nầy sẽ chẳng được kế nghiệp cùng con trai tôi là Y-sác đâu.”

 

Sự sanh ra của đứa trai trẻ Y-sác trong gia đình, chắc chắn rằng đã làm cho sự khó khăn tăng nhiều hơn. Chúng ta thấy đứa con trai của A-ga là Ích-ma-ên đã chế nhạo. Bây giờ, chúng ta bắt đầu thấy bản chất và tánh tình của Ích-ma-ên. Trước lúc này, cậu có cái nhìn rất là dễ thương, nhưng bây giờ, với sự hiện diện của một đứa con trai khác trong gia đình, thì bản tánh thật sự của Ích-ma-ên lộ hẳn ra.

 

Thật sự một người tin Chúa vẫn có hai bản tánh. Cho đến khi bạn được biến đổi, bạn vẫn còn bản tánh cũ, và bản tánh cũ vẫn còn chế ngự bạn. Bạn có thể làm điều gì bạn muốn. Trong một bài hát của dân gian có hát: “Làm điều gì đến cách tự nhiên.” Tất cả những điều bạn làm cách tự nhiên không phải đều là tốt cả đâu. Nhưng khi bạn được sự tái sanh, bạn sẽ nhận được bản tánh mới. Và khi bạn nhận được bản tánh mới, đó là lúc mà bạn bắt đầu gặp nhiều sự khó khăn. Phao-lô nói về sự tranh chiến bản tánh cũ và bản tánh mới trong Rô-ma 7:19 như sau, “Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” Đó là điều mà bản tánh mới không muốn làm, nhưng bản tánh cũ muốn làm điều đó, và bản tánh cũ vẫn còn chế ngự trên đời sống ông. Thời gian đến, chúng ta phải quyết định với bản tánh nào bạn sẽ sống. Bạn phải có sự xác định điều đó với Chúa. Bạn có để Đức Thánh Linh vào trong đời sống bạn không, hay là bạn sẽ đi vào đời sống bị kềm chế bởi xác thịt.        

    

Ở đây không có con cháu đời thứ ba của Đức Chúa Trời. Con cháu của người nô lệ sẽ bị đẫy ra ngoài. Điều nầy chắc chắn chúng ta được nghe trong Sáng thế ký, con trai của con đòi A-ga bị đuổi ra khỏi.

 

Sáng thế ký 21:11, “Lời nầy lấy làm buồn lòng Áp-ra-ham lắm, vì cớ con trai mình.”

 

Sau mọi chuyện đó, xa hơn nữa thịt và huyết được quan tâm, Ích-ma-ên là con trai của Áp-ra-ham cũng giống như Y-sác. Y-sác chỉ mới được sanh ra, chỉ là một đứa trẻ nhỏ và còn là một em bé, nên không biết nhiều về chính mình. Nhưng Ích-ma-ên đã ở trong nhà nhiều năm – bây giờ ở tuổi thiếu niên, và Áp-ra-ham rất là gần gũi với cậu. Nó là điều rất đau khổ, nếu đuổi Ích-ma-ên đi chỗ khác. Đức Chúa Trời không có chấp nhận việc mà Áp-ra-ham và Sa-ra đã làm, Đức Chúa Trời không chấp nhận Ích-ma-ên, vì đó là tội lỗi. Đức Chúa Trời không chấp nhận điều đó và Ngài nhất quyết không chấp nhận. Điều đó đã làm cho trái tim Áp-ra-ham bị tan vỡ, nhưng trong sự sắp đặt, để giảm bớt đi sự tủi hổ, ông phải đuổi Ích-ma-ên đi khỏi nhà. Bà Sa-ra buồn khổ và không thể để Ích-ma-ên ở chung quanh, bởi vì nó đang chế nhạo bà. Như chúng ta là một người tin nhận, bạn không thể sống trong sự hòa hợp của hai bản tánh. Bạn là người phải quyết định. Trong Gia cơ 1:8 “Ấy là một người phân tâm, phàm làm việc gì điều không định.” Đây là sự giải thích bất ổn và không an toàn, giữa những Cơ Đốc nhân ngày hôm nay. Họ muốn đi với thế gian và cũng muốn đi với Chúa nữa.

 

Họ có thể làm cả hai, nhưng các bạn không thể làm vậy. Người Hy Lạp trong cuộc đua ngựa, họ đặt hai con ngựa chung với nhau, người cưỡi ngựa đứng một chân bên con nầy và một chân bên con kia. Và cuộc đua bắt đầu. Vâng, điều đó rất tốt, nếu hai con ngựa đi chung hướng với nhau. Chúng ta có hai bản tánh, giống như một con ngựa đen và một con ngựa trắng. Thật tốt khi nó đi chung với nhau. Nhưng nó không đi chung nhau, con ngựa trắng đi một đường và con ngựa đen đi một nẻo. Khi điều đó xảy ra, chúng ta phải suy nghĩ trong trí chúng ta sẽ đi với ngã nào – dẫu rằng chúng ta sẽ sống bởi bản tánh cũ hay mới. Đó là tại sao chúng ta nói với chính mình: “Hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời … và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như đồ dùng công bình” (Rô-ma 6:13). Phao-lô tiếp tục nói, những gì luật pháp không thể làm qua xác thịt yếu đuối, Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể làm trọn. (Xin xem thêm trong Rô-ma 8:3-4).

 

Luật pháp cố gắng kềm chế bản tánh cũ con người và thất bại. Bây giờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban năng lực cho bản tánh mới, có thể làm trọn những gì mà luật pháp không thể làm được.         

          

Tánh tình của Ích-ma-ên, con trai của A-ga bắt đầu được bày tỏ. Đó là bản tánh mà sau này chúng ta thấy được sáng tỏ ra trong dân tộc đó. Một dân tộc đối nghịch và họ chống lại anh em của họ. Đây là hình ảnh của ông đã đi vào trong nhiều thế kỷ qua.

 

Như đã nói trước đây, trong sự ra đời của Y-sác, cho chúng ta có một hình bóng trước về sự giáng sanh của Cứu Chúa Giê-xu Christ. Đức Chúa Trời không đột nhiên chỉ cho nhân loại sự sanh ra của nữ đồng trinh. Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta qua vài sự việc sanh ra lạ lùng trước đó, như sự ra đời của Giăng Báp-tít, sự ra đời của Sam-sôn và đây là sự ra đời của Y-sác.

 

Xin các bạn chú ý đến, so sánh giữa sự sanh ra của Y-sác và sự giáng sanh của Cứu Chúa Giê-xu Christ.

 

(1) Sự sanh ra của Y-sác và sự giáng sanh của Chúa Giê-xu Christ cả hai đều có lời hứa. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham ra khỏi U-rơ của Cha-ran 25 năm trước đó, Đức Chúa Trời nói với ông, “Ta sẽ ban cho ngươi và Sa-ra một đứa con trai.” Bây giờ 25 năm đã qua và Đức Chúa Trời làm thành lời hứa của Ngài. Đức Chúa Trời cũng nói với dân tộc Do thái, “Một gái đồng trinh sẽ chịu thai và sanh một con trai.” Khi đến thời kỳ, Chúa Giê-xu được sanh ra tại Bết-lê-hem, điều nầy đã ứng nghiệm lời tiên tri. Cả hai sự sanh ra đều đã được hứa trước.

 

(2) Cả hai sự sanh ra đều chờ đợi lâu dài, từ lúc được hứa đến khi được ứng nghiệm. Thật vậy, có 25 năm từ khi Đức Chúa Trời hứa cho đến khi Y-sác sanh ra. Với sự giáng sanh của Đấng Christ phải chờ đợi nhiều thế hệ. Đức Chúa Trời hứa là sẽ có Đấng Cứu Thế ra đời từ dòng dõi Đa-vít, cho đến hằng ngàn năm trước khi Chúa Giê-xu được sanh ra. Đây là sự tương đồng kỳ lạ.

 

(3) Sự báo tin cả hai việc sanh ra khó tin và khó có thể xảy ra với Sa-ra và  Ma-ri. Hãy nhớ lại rằng, tôi tớ của Đức Chúa Trời đã viếng thăm Áp-ra-ham khi họ trên đường đi đến thành Sô-đôm, họ báo trước sự sanh ra của Y-sác. Đó dường như là chuyện khó có thể xảy ra. Sa-ra cười và nói, “Điều nầy khó có thể xảy ra. Đó là điều khó tin.” Sau những sự đó, Ai là người đầu tiên có câu hỏi về gái đồng trinh sanh?  Đó chính là Ma-ri. Khi thiên sứ báo trước, cô nói, “Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó.” (Lu-ca 1:34)

 

(4) Y-sác và Chúa Giê-xu được đặt tên trước khi được sanh ra. Áp-ra-ham và Sa-ra được báo trước rằng họ sẽ sanh một con trai và tên là Y-sác.

 

Sự giáng sanh của Chúa Giê-xu, chúng ta thấy Ngài cũng được đặt tên trước. Thiên sứ nói với Giô-sép trong Ma-thi-ơ 1:21 “Ngươi khá đặt tên là Giê-xu, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.”

 

(5) Hai sự sanh ra được xảy đến đúng thời điểm báo trước của Đức Chúa Trời. Trong câu 2 của đoạn nầy nói rằng, trong thì giờ Chúa nói với họ, Sa-ra sanh Y-sác. Liên hệ đến việc giáng sanh của Chúa Giê-xu. Phao-lô có nói trong Ga-la-ti 4:4 “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp.”

 

(6) Hai sự sanh ra điều là một phép lạ. Sự sanh ra của Y-sác là một phép lạ, chắc chắn sự sanh ra của Chúa Giê-xu cũng như vậy – Con người không thể làm được điều đó.

 

(7) Cả hai người con nầy đem đến sự vui mừng cho cha của họ. Chúng ta thấy rằng “Áp-ra-ham gọi tên của đứa con trai của ông đã sanh cho ông, bởi Sa-ra là Y-sác, nghĩa là cười. Đây là tên mà ông đã đặt cho con trai ông, bởi vì khi Đức Chúa Trời báo trước, ông cười vì ông có đầy sự vui mừng trong lòng. Đề cập đến Chúa Giê-xu, chúng ta đọc trong Ma-thi-ơ 3:17, có tiếng phán từ trời phán rằng “Nầy là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” Hai người con trai là sự vui mừng.

 

(8) Hai người con trai đều vâng lời cha mình, cho dù là phải chết. Trong đoạn 22 chúng ta thấy người con trai Y-sác được dâng làm tế lễ bởi cha mình. Cậu ta không phải là đứa trẻ tám hoặc chín tuổi. Việc đó xảy ra vào lúc Y-sác khoảng hơn 30 tuổi. Cậu đã vâng lời cha mình dầu biết rằng mình sắp chết. Đó là sự thật đã xảy ra cho Y-sác, và điều đó cũng chắc chắn xảy ra cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đó là một hình ảnh kỳ diệu của sự sanh ra và đời sống của Đấng Christ và Y-sác.

 

(9) Cuối cùng, Phép lạ sanh ra của Y-sác là hình ảnh sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta cũng biết Phao-lô có nói rằng Áp-ra-ham “Người thấy thân thể mình hao mòn… và thấy Sa-ra không thể sanh đẻ được nữa” (Rô-ma 4:19). Ra khỏi sự chết đến sự sống – Các bạn thấy, đó là sự sống lại. Sau khi Phao-lô nhấn mạnh điều nầy, ông nói đến Chúa Cứu Thế Giê-xu. Rô ma 4:25 “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta.” Ở đây chúng ta có hình ảnh rất nổi bật của Chúa Cứu Thế Giê-xu Christ.

 

Bây giờ, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đối xử với Áp-ra-ham đầy ân điển thế nào, cũng như với A-ga và Ích-ma-ên.    

 

Chúng ta trở lại nghe tiếp Sáng thế ký 21:12,“Nhưng Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Ngươi chớ buồn bực vì con trai và con đòi ngươi. Sa-ra nói thể nào, hãy nghe theo tiếng người nói; vì do nơi Y-sác sẽ sanh ra dòng dõi lưu danh ngươi.”

 

Phải nhận xét rằng lời minh xác này, sự không tán đồng của Áp-ra-ham căn cứ trên lòng thương mến con trai, chớ không căn cứ trên những suy nghĩ cao quý hơn. Đứa con trai mà ông yêu quý rất đặc biệt, vì nó là con sanh muộn trong lúc tuổi già, cho đến khi Y-sác ra đời thì nó vẫn còn là quý báu với ông. Đức Chúa Trời làm cho rõ với Áp-ra-ham rằng, Ngài sẽ không chấp nhận Ích-ma-ên như con trai mà Ngài đã hứa.

 

Sáng thế ký 21:13, “Ta cũng sẽ làm cho đứa trai của con đòi trở nên một dân, vì nó cũng do một nơi ngươi mà ra.”

 

Đức Chúa Trời nói rằng: “Dòng dõi của ngươi sẽ thành một dân tộc,” vì vậy Ngài nói, bây giờ dòng dõi của Ích-ma-ên cũng đã trở nên một dân tộc lớn.

 

Sáng thế ký 21:14-21, “Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu nước, đưa cho A-ga; để các món đó trên vai nàng, và giao đứa trai cho nàng, rồi đuổi đi. Nàng ra đi, đi dông dài trong đồng vắng Bê-e-Sê-ba. Khi nước trong bầu đã hết, nàng để đứa trẻ dưới một cội cây nhỏ kia, đi ngồi đối diện cách xa xa dài chừng một khoảng tên bắn; vì nói rằng: Ôi! tôi nỡ nào thấy đứa trẻ phải chết! Nàng ngồi đối diện đó, cất tiếng la khóc. Đức Chúa Trời nghe tiếng đứa trẻ khóc, thì thiên sứ của Đức Chúa Trời từ trên trời kêu nàng A-ga mà phán rằng: Hỡi A-ga! Ngươi có điều gì vậy? Chớ sợ chi, vì Đức Chúa Trời đã nghe tiếng đứa trẻ ở đâu đó rồi. Hãy đứng dậy đỡ lấy đứa trẻ và giơ tay nắm nó, vì ta sẽ làm cho nó nên một dân lớn. Đoạn, Đức Chúa Trời mở mắt nàng ra; nàng bèn thấy một cái giếng nước, và đi lại múc đầy bầu cho đứa trẻ uống. Đức Chúa Trời vùa giúp đứa trẻ; nó lớn lên, ở trong đồng vắng, có tài bắn cung. Nó ở tại trong đồng vắng Pha-ran; mẹ cưới cho nó một người vợ quê ở xứ Ê-díp-tô.”

 

Tất cả mối quan tâm từ ái đến hai kẻ bộ hành lạc đường nầy của Đức Chúa Trời, hoặc thiên sứ của Đức Chúa Trời, vì biến cố nầy hoàn toàn không nằm trong phạm vi không thuộc về giao ước của Đức Giê-hô-va. Chẳng có gì tỏ ra rằng A-ga thấy Đức Chúa Trời xuất hiện. Nhưng chắc chắn nàng đã thấy thiên sứ của Đức Chúa Trời, vì Ngài xuất hiện qua thiên sứ, cũng chính là Đấng mà trước kia đã hiện ra với A-ga trong Sáng thế ký 16:7 dưới danh hiệu “thiên sứ của Đức Giê-hô-va.”

 

“Tiếng đứa trẻ” đã làm cho Đức Chúa Trời cảm động và thương xót. Bằng câu hỏi: “Ngươi có điều gì vậy?” Thiên sứ nhắc cho A-ga nhớ rằng nàng không có cớ gì mà kinh hoảng: ấy vì nàng đã quên điều Đức Chúa Trời đã hứa cho mình ở Sáng-thế-ký 16:10. Thiên sứ bảo nàng chớ sợ hãi nữa, vì Đức Chúa Trời hay thương xót và từ ái, Ngài đã nghe tiếng kêu la của đứa trẻ đang thống khổ khóc la.  

 

Trong Kinh Thánh không có nói nhiều về dòng dõi của Ích-ma-ên, nhưng con cháu của ông là người Ả-rập, ngày hôm nay họ còn sinh sống ở trong sa mạc.

 

Trong Sáng-thế-ký đoạn 21 này cho chúng ta thấy hai đứa con của Áp-ra-ham, thứ nhất là Ích-ma-ên đứa con được sanh ra theo ý riêng của con người và bị Đức Chúa Trời khước từ. Thứ hai là Y-sác đứa con của lời hứa, nên được Chúa chấp nhận và từ đó dòng tộc này tiếp tục dẫn đến sự giáng sanh của Chúa Cứu Thế.   

 

Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta luôn làm mọi điều theo ý muốn tốt lành của Ngài.

 

 

 

 

Bài trướcPhổ Biến, Triển Khai Quy Chế Chấp Sự Tại Thành Phố Đà Nẵng.
Bài tiếp theoBài thứ 2: Một Năm Thi Ân