Bài 15: Con Cháu Của Ca-in Và Những Dân Tộc Bất Kính

3012

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sáng thế ký 4-5 

 

Chúng ta thấy rằng Ca-in đi ra khỏi mặt Đức Chúa Trời, và thành lập nên một dân tộc xa cách Chúa. Con cháu của Ca-in là một dân tộc không tôn thờ Đức Chúa Trời.

 

 

          Sáng thế ký 4:16, Ca-in bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va, và ở tại xứ Nốt, về phía đông của Ê-đen.”

 

          Ngày hôm nay, cũng có nhiều người đi ra trong xứ “Nốt” là những nơi có đời sống xa cách Đức Chúa Trời. Nếu ai đang thấy sự khốn khổ khi sống xa cách Đức Chúa Trời, hãy quay trở về với lòng ăn năn, chắc chắn Chúa sẽ tiếp nhận.

 

          Sáng thế ký 4:17-19 “Đoạn, Ca-in ăn ở cùng vợ mình, nàng thọ thai và sanh được Hê-nóc; Ca-in xây một cái thành đặt tên là Hê-nóc, tùy theo tên con trai mình. Rồi, Hê-nóc sanh Y-rát; Y-rát sanh Nê-hu-đa-ên; Nê-hu-đa-ên sanh Mê-tu-sa-ên; Mê-tu-sa-ên sanh Lê-méc. Lê-méc cưới hai vợ; một người tên là A-đa, một người tên là Si-la.”

 

          Tại đây bắt đầu chế độ đa thê, tức là có nhiều hơn một vợ. Lê-méc làm trái nghịch lại những gì Đức Chúa Trời mong muốn cho con người. Chúng ta không tìm thấy nơi nào trong Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời cho phép con người có nhiều vợ hay nhiều chồng. Nếu đọc những câu chuyện này cách kỹ lưỡng, chúng ta thấy Đức Chúa Trời kết án việc đa thê, đa phu. Nhưng Đức Chúa Trời cho chúng ta những bản ký thuật này là để ghi lại những sự kiện lịch sử.

 

          Từ đây chúng ta thấy bắt đầu một văn hóa, hay một dân tộc, dân tộc của Ca-in.

 

 

          Sáng thế ký 4:20  A-đa sanh Gia-banh; Gia-banh là tổ phụ của các dân ở trại và nuôi bầy súc vật.

          Gia-banh là tổ phụ của các dân ở trại, ở trong lều. Đây là lối xây dựng nhà đầu tiên. Và Gia-banh cũng là chủ nông trại gia súc đầu tiên.

 

 

          Sáng thế ký 4:21, “Em người là Giu-banh, tổ phụ của những kẻ đánh đờn và thổi sáo.”

 

          Tại đây, chúng ta thấy bắt đầu có những người biết dùng dụng cụ âm nhạc. Khi chúng ta nghe âm nhạc hiện thời, chắc chắn rằng các nhạc sĩ bắt nguồn theo nhạc cụ của con cháu Ca-in.

 

 

          Sáng thế ký 4:22- 24, “Còn Si-la cũng sanh Tu-banh-Ca-in là người rèn đủ thứ khí giới bén bằng đồng và bằng sắt. Em gái của Tu-banh-Ca-in là Na-a-ma. Lê-méc bèn nói với hai vợ mình rằng: Hỡi A-đa và Si-la! hãy nghe tiếng ta; Nầy, vợ Lê-méc hãy lắng tai nghe lời ta: Ừ! Ta đã giết một người, vì làm thương ta, Và một người trẻ, vì đánh sưng bầm ta.”

 

          Lê-méc có lẽ nói là: ‘Ca-in đã giết người thì ta cũng có thể làm vậy, Ca-in không giết người để tự vệ, nhưng tôi giết người để tự vệ.’ Ca-in đã không nêu hình ảnh tốt cho con cái mình noi theo. Chúng ta nên tha thứ nhau hơn là báo thù.

 

 

          Sáng thế ký 4:25-26, A-đam còn ăn ở với vợ mình; người sanh được một con trai đặt tên là Sết; vì vợ rằng: Đức Chúa Trời đã cho tôi một con trai khác thế cho A-bên mà đã bị Ca-in giết rồi.  Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.”

 

          Chúng ta đã tìm hiểu qua sách Sáng thế ký đoạn thứ 4, chúng ta thấy hậu quả tội lỗi rất là tệ hại. Tội lỗi chìm ngập trong tội lỗi. Chỉ có một phương cách giúp chúng ta thoát khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, ấy là nhờ Đấng Cứu Chuộc, là Đức Chúa Giê-xu Christ.

 

          GIA PHỔ A-ĐAM

          Trong phần thứ nhất của sách Sáng thế ký, từ đoạn 1-11, chúng ta thấy những biến cố quan trọng của thế giới như: Nguồn gốc sự tạo dựng, sự sa ngã của loài người, và trận đại hồng thủy (từ đoạn 5-9). Trong đoạn 5 của sách Sáng thế ký ghi chép về dòng dõi của A-đam đến Sết. Dòng dõi của Ca-in, chúng ta đã nghe đề cập qua trong Sáng thế ký đoạn thứ tư, và giờ đây không nói đến nữa. Chúng ta chuyển sang đến dõng dõi tin kính, tức là con cháu A-đam ra từ Sết và hậu tự của Sết. Đây là mô thức được sắp đặt trong sách Sáng thế ký.

 

          Trong khía cạnh nào đó, chúng ta thấy đoạn 5 này là đoạn thất vọng, và được xem như một đoạn phụ trong Thánh Kinh. Vì nó giống như khi chúng ta đi ngang qua nghĩa trang.

 

 

          Đức Chúa Trời nói với A-đam: “Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng thế ký 2:17)

 

 

          Tất cả những người này đều chết, bởi vì họ là con cháu của A-đam. Phao-lô nói trong sách I Cô-rinh-tô 15:22, “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại.”

 

 

 

          ĐOẠN CUỐI VỀ TIỂU SỬ A-ĐAM

 

 

          Sáng thế ký 5:1-2, “Đây là sách chép dòng dõi của A-đam. Ngày mà Đức Chúa Trời dựng nên loài người, thì Ngài làm nên loài người giống như Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ, và trong ngày đã dựng nên, đặt tên là người.”

 

 

          Được tạo dựng giống như Đức Chúa Trời, không có nghĩa là chúng ta được dựng nên giống như hình dạng của Chúa, vì Đức Chúa Trời không có hình thể vật chất. Nhưng chúng ta là một tạo vật phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời. Chúng ta cảm nhận mình có lý trí, óc sáng tạo, lời nói, sự khôn ngoan để quyết đoán sự việc, những điều này xác nhận con người là ảnh tượng của Chúa. Và đầy đủ hơn, toàn thể con người chúng ta phản chiếu ảnh tượng Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ không bao giờ giống hoàn toàn như Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa tối cao của chúng ta. Nhưng chúng ta có khả năng phản chiếu bổn tính của Ngài trong tình yêu thương, sự nhịn nhục, lòng tha thứ, sự nhơn từ và trung tín. Chúng ta là con người có giá trị vì được dựng nên trong ảnh tượng của Chúa. Phao-lô nói thêm trong sách I Cô-rinh-tô  6:17: “Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài.”   

 

 

          Chúa ban phước cho con người trong ngày Chúa dựng nên họ và đặt tên theo tên của A-đam, không theo tên Ê-va. Tương tự ngày nay khi con cái được sanh ra thì được đặt tên và lấy theo họ cha.     

 

          “Đây là sách chép dòng dõi của A-đam.” Đây là sự diễn tả lạ lùng. Nó xảy ra tương tự như vậy khi khởi đầu sách Ma-thi-ơ của Tân ước: “Đây là sách Gia phổ của Chúa Giê-xu Christ.” Có hai sách, chúng ta nghe nói về hai dòng dõi hay dòng tộc, mà nó đối nghịch lẫn nhau. Cuộc tranh chiến đang xảy ra giữa dòng dõi của Sa-tan và dòng dõi của Đấng Christ, là dòng dõi được chấp nhận. Dòng dõi mà chúng ta đang tìm hiểu trong đoạn 5 này là dòng dõi của Sết, và từ dòng dõi này Đấng Christ được sanh ra.

 

 

          Tại sao trong Kinh Thánh ghi chép gia phổ? Người Do-thái truyền đạt niềm tin qua lời truyền khẩu. Trong suốt nhiều năm tại nhiều nơi, khi văn tự còn sơ khai hoặc chưa có. Các chuyện tích được kể lại cho con cháu từ đời này sang đời khác. Trong nhiều thế kỷ gia phổ được thêm vào và truyền lại từ gia đình này đến gia đình khác. Các gia phổ được chép lại, để xác quyết lời hứa của Kinh Thánh là Đấng Mê-si sẽ đến, và sẽ sanh ra trong dòng dõi Áp-ra-ham.                  

      

 

          Sáng thế ký 5:3, “Vả, A-đam được một trăm ba mươi tuổi, sanh một con trai giống như hình tượng mình, đặt tên là Sết.”

 

          Khi A-đam sanh Sết ông được 130 tuổi, Sết rất giống như A-đam, và A-đam giống như Đức Chúa Trời.

 

 

          Sáng thế ký 5:4-5, “Sau khi A-đam sanh Sết rồi, còn sống được tám trăm năm, sanh con trai con gái. Vậy, A-đam hưởng thọ được chín trăm ba mươi tuổi, rồi qua đời.”

 

          Khi chúng ta đọc qua phân đoạn này, có thể chúng ta cảm giác như mình đang đi qua nghĩa trang. A-đam sanh con cái, hưởng thọ 930 tuổi, đây là tuổi thọ rất cao. Nhưng sau đó điều gì xảy đến cho ông? A-đam qua đời.

 

 

          Khi chúng ta đọc câu 8, thấy điều gì xảy ra cho Sết? Ông hưởng thọ 912 tuổi rồi qua đời. Sết có người con tên là Ê-nót, rồi điều gì xảy ra cho ông? Trong câu 11 nói ông hưởng thọ 905 tuổi rồi qua đời. Kê-nan có người con Ma-ha-la-le, rồi điều gì xảy ra, ông hưởng thọ 910 rồi qua đời. Sau đó điều gì xảy ra cho con ông? Ma-ha-la-le hưởng thọ 895 tuổi rồi qua đời. Còn Giê-rệt thì sao? Sau khi sanh Hê-nóc, Giê-rệt hưởng thọ 962 tuổi rồi qua đời. Dẫu con người khi xưa có tuổi thọ cao, nhưng đều đi đến một kết cuộc đó là sự chết. 

 

 

          CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG CỦA HÊ-NÓC

 

 

          Sáng thế ký 5:21-24, “Hê-nóc được sáu mươi lăm tuổi, sanh Mê-tu-sê-la.  Sau khi Hê-nóc sanh Mê-tu-sê-la rồi, đồng đi cùng Đức Chúa Trời trong ba trăm năm, sanh con trai con gái. Vậy Hê-nóc hưởng thọ được ba trăm sáu mươi lăm tuổi. Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi.”

 

          Gia-rệt trước khi qua đời sanh Hê-nóc. Sau đó Hê-nóc có chết không? Không, ông không chết. Trong đoạn đen tối này lại ló lên một ánh sáng.

 

          Đây là một câu chuyện đáng chú ý, trong số những người chết có một người được cất lên khỏi đất. Trong đoạn Kinh Thánh này nói rằng, Hê-nóc “đồng đi cùng Đức Chúa Trời.” Đây là điều nổi bật, đáng chú ý. Chỉ có hai người được Kinh Thánh nói là họ đồng đi với Đức Chúa Trời. Hê-nóc được nói trong đoạn 5, và đoạn 6 nói đến Nô-ê đồng đi với Chúa. Đây là hai người đồng đi với Chúa trước thời kỳ đại hồng thủy. Chỉ có hai người không chết được Kinh Thánh Cựu ước nói đến, một là Hê-nóc và hai là tiên tri Ê-li (II Các Vua 2).

 

          Hê-nóc là một trong số ít người được Kinh Thánh ký thuật trước thời kỳ nước lụt. Hê-nóc không chết, nhưng được Đức Chúa Trời cất đi. Ông được cất đi từ trái đất, ông được cất bỏ thân thể cũ, trở thành người mới và được cất lên trời.

 

          Khi chúng ta nghe đọc đoạn Kinh Thánh này, nói Hê-nóc lúc 65 tuổi sanh Mê-tu-sê-la, và sau đó ông đồng đi với Đức Chúa Trời. Không biết những điều gì xảy ra trong thời gian 65 tuổi đầu đời của ông. Có thể ông sống giống như mọi người khác. Nhưng khi Hê-nóc có thêm người con là Mê-tu-sê-la, đời sống ông được thay đổi. Sự ra đời của đứa con này đưa dẫn ông trở lại cùng Đức Chúa Trời.

 

          Đôi khi Chúa ban cho gia đình chúng ta có thêm người con với mục đích tốt lành. Đó là dẫn chúng ta đến gần với Chúa hơn. Nếu không với mục đích đó thì một điều khác sẽ xảy ra cho chúng ta.

 

          Có một vài cặp vợ chồng kể lại từng trải của mình sau khi sanh con như sau: “Khi chúng tôi có con thì thường xuyên cầu nguyện cho con mình và gần gũi với Chúa hơn.” Có đôi vợ chồng nói: “khi có con thì cố gắng sống đời sống gương mẫu để dạy con mình noi theo.” Có khi lúc sanh con, người vợ gặp khó khăn nên vợ chồng hết lòng cầu nguyện xin Chúa cho sự bình an, và có lời hứa nguyện phục vụ Chúa mạnh mẽ hơn.

 

          Hê-nóc sau khi sanh Mê-tu-sê-la, và sanh thêm con trai con gái khác nữa, trong suốt thời gian 300 năm sau đó Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời. Sau đó ông có chết không? Không, ông không chết. Ông đồng đi với Đức Chúa Trời và được Ngài đem ông lên trời.

 

          Có em bé gái đi học Kinh Thánh trong lớp trường chúa nhật, sau đó về nhà nói với mẹ về bài học mà em nghe, cách nào Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời. Khi mẹ hỏi em bé gái, Hê-nóc đồng với Chúa cách nào? Em nói cô giáo kể như vầy: ‘Mỗi ngày, Chúa đến gần nhà Hê-nóc và mời Hê-nóc đi bộ với Ngài. Hê-nóc rời nhà mình, ra cổng nhà và đi bộ với Chúa. Sau đó Chúa trở lại và nói ‘Hãy cùng đi bộ với Ta.’ Hê-nóc tiếp tục đi bộ với Chúa. Điều này xảy ra rất thường xuyên, đến một ngày kia, Chúa đến cùng Hê-nóc và nói rằng: ‘Hãy đi bộ với Ta, Ta có nhiều điều muốn nói với ngươi.’ Hê-nóc đi với Chúa từ sáng đến trưa, rồi đến chiều. Đoạn Hê-nóc nói với Chúa, ‘hãy để tôi trở về nhà.’ Sau đó Chúa nói với Hê-nóc ‘Con đang ở gần nhà của Ta hơn nhà của con, vậy tốt hơn con về nhà Ta thay vì trở về nhà của con.’ Và Hê-nóc về nhà của Chúa.

 

          Tất nhiên Hê-nóc đồng đi với Chúa không phải theo cách đó, nhưng đó là hình ảnh có thể mình họa rất tốt cho một người đồng đi gần gũi với Chúa, và được Chúa tiếp rước về nhà Ngài trên trời.

 

          Ngày nay chúng ta đồng đi với Chúa qua thời giờ chúng ta cầu nguyện, cầu nguyện tức là nói chuyện và tương giao với Chúa, như hai người bạn thân, cầu nguyện không chỉ là cầu xin như chúng ta thường nghĩ.

 

          Tất cả những lẽ thật trong sách Sáng thế ký này rất là thích đáng. Đây là bức tranh về những gì sẽ đến, đó là sự cất lên của Hội Thánh. Trước khi có sự đoán phạt bằng nước lụt đến, Đức Chúa Trời cất Hê-nóc lên trước.

 

 

          TỪ THẾ HỆ CỦA HÊ-NÓC ĐẾN NÔ-Ê.

 

          Sáng thế ký 5:27,Vậy, Mê-tu-sê-la hưởng thọ được chín trăm sáu mươi chín tuổi, rồi qua đời.”

 

 

          Mê-tu-sê-la sống lâu hơn A-đam. Hai người này nối được khoảng thời gian từ khi tạo dựng con người, đến khi có trận đại hồng thủy. Căn cứ vào bản ký thuật về gia phổ, chúng ta thấy Mê-tu-sê-la còn sống, để nói lại cho Nô-ê mọi điều về tạo dựng thế gian. Tại đây chúng ta biết một lý do tại sao Chúa ban cho con người ngày xưa sống lâu trên đất.                            

 

          Tên của Mê-tu-sê-la có nghĩa là ‘gởi tới.’ Có người cho rằng tên Mê-tu-sê-la còn có nghĩa là: ‘được gởi.’ Điều được gởi đó là gì? Đó là cơn nước lụt. Khi Mê-tu-sê-la còn sống cơn nước lụt không đến. Căn cứ vào bản ký thuật về gia phổ, chúng ta thấy vào năm Mê-tu-sê-la qua đời, thì cơn nước lụt đến.

 

 

          Tại sao Mê-tu-sê-la sống lâu hơn mọi người khác? Đức Chúa Trời cho ông sống lâu để tỏ bày cho thế gian biết, Ngài là Đấng nhịn nhục và nhơn từ. Ngài cũng đang chờ đợi mỗi chúng ta, cả đời sống của chúng ta. Sứ đồ Phi-e-rơ nói sự nhịn nhục lâu dài của Chúa như sau:  “Về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người.” (I Phi-e-rơ 3:20)

 

 

          Tương tự như trong thời của chúng ta ngày nay, chúng ta đang chờ đợi sự trở lại của Chúa Giê-xu, có người nói sao lâu quá rồi mà Chúa Giê-xu chưa trở lại. Vì Ngài đang bày tỏ sự nhịn nhục, nhơn từ với chúng ta. Sứ đồ Phi-e-rơ viết tiếp: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.  Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (II Phierơ 3:8-9)

 

          Thời gian mà Đức Chúa Trời cho con người còn sống trên đất này với mục đích tốt lành, đó là để những ai chưa tin có cơ hội trở lại tiếp nhận Chúa Giê-xu. Còn nhưng ai đã tin nhận Chúa Giê-xu vẫn còn sống trên đất hiện nay, đó là thời gian tốt và cơ hội quý báu cho chúng ta phục vụ Chúa.

 

          Hai câu chót của sách Sáng thế ký đoạn 5 viết như sau: Vậy, Lê-méc hưởng thọ được bảy trăm bảy mươi bảy tuổi, rồi qua đời. Còn Nô-ê, khi đến năm trăm tuổi, sanh Sem Cham và Gia-phết.” (Sáng thế ký 5:31-32)

 

 

          Có một thuyết rất phổ thông được nhiều người chấp nhận, và đi đến kết luận rằng: Có nhiều triết học nói về bản tánh con người là tốt, vì nó do bẩm sinh và thiên phú. Nó có thể phát triển khá hơn. Cho nên ngày nay có nhiều chương trình được thực hiện cách rộng rãi, vì cho rằng khi cố gắng cải tiến môi trường sống của con người và tánh di truyền, sẽ làm cho con người trở nên tốt hơn. Cho nên có nhiều quốc gia hôm nay, đang cố gắng cải thiện con người, để họ trở thành người tốt. Con người muốn đạt đến sự giải thoát bằng năng lực của chính mình.  

 

          Có nhiều người lắng nghe theo các chủ thuyết này và cuối cùng, họ mới nhận thức thực trạng trái ngược, vì đời sống đạo đức của con người ngày nay không tốt hơn, mà lại tệ hơn. Tội lỗi gian ác của con người gia tăng vượt bực, không cải thiện nổi.

 

 

          Đó là những gì mà Đức Chúa Trời nói về con người. Đức Chúa Trời nói con người xấu xa và tội lỗi. Rô-ma 3:10-18, “Như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. Chúng nó có chơn nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu. Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn, Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an. Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó.”

 

          Lời Chúa cho chúng ta hình ảnh rõ ràng tình trạng tội lỗi của con người. Chính vì con người tiếp tục đi theo con đường tội lỗi, và sau đó hậu quả đoán phạt đến.

 

          Nhưng ai nhận biết tình trạng hư hoại của mình và muốn thoát khỏi hậu quả của nó, hãy quay trở về cùng Đức Chúa Trời, Ngài vẫn đang chờ đợi.

 

Bài trướcBài 15: Tổ Phụ Đức Tin
Bài tiếp theoĐêm Thương Khó Phước Hạnh Tại HT Nguyễn Tri Phương, TP. HCM.