Bài 15: Tổ Phụ Đức Tin

3372

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Ai cũng thích nghe câu chuyện thật về đời sống của các nhân vật nổi tiếng. Tờ báo “TIME” là một tạp chí rất phổ thông, đã nghiên cứu thị hiếu tự nhiên của con người. Họ biết rằng, những bài viết về các nhân vật nổi tiếng sẽ thu hút được độc giả. Thế nhưng, nhiều ngàn năm về trước, Đức Chúa Trời đã biết điều này; và Ngài đã dùng mẫu chuyện về các nhân vật để dạy dỗ chúng ta. Đó là lý do vì sao Ngài dùng khá nhiều trang để đề cập về các nhân vật trong Kinh thánh,  tron g đó ba nhân vật chiếm phần lớn sách Sáng thế ký là Áp-ra-ham, Gia-cốp và Giô-sép.

 

Đức Chúa Trời đã cho phép ghi lại cuộc đời của các nhân vật này với nhiều phân đoạn, vì Ngàu muốn chúng ta nhìn lại những cuộc đời đã qua của họ và học được ý nghĩa cho hôm nay.

 

 

Đức tin rất quan trọng. Chương 11 sách Hê-bê-rơ là một chương về đức tin,  trong Tân ước cho biết  nếu không có đức tin thì không thể nào đến cùng Đức Chúa Trời cũng như không thể nào sống hài lòng Đức Chúa Trời. Chắc chắn, Đức Chúa Trời muốn chúng ta đến gần Ngài và sống đẹp lòng Ngài. Do đó, Ngài muốn chúng ta hiểu về đức tin. Nếu không có đức tin, chúng ta không thể nào hiểu và áp dụng chân lý cứu rỗi mà Kinh Thánh đề cập đến. Đức tin thật quan trọng, vì chúng ta được cứu bởi đức tin.

 

Vì tầm quan trọng của đức tin và Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu về đức tin, Ngài kể cho chúng ta về cuộc đời của Áp-ra-ham. Đây là một nhân vật phi thường. Ông được đề cập trong Tân ước nhiều hơn hẳn những người khác. Bất cứ khi nào Tân ước muốn trình bày về đức tin, Áp-ra-ham luôn luôn được nhắc đến. Do đó, muốn hiểu về đức tin, chúng ta cần hiểu về Áp-ra-ham.

 

Áp-ra-ham là một định nghĩa sống động và là một minh họa sống động của đức tin. Cuối chương 11 và đầu chương 12, ông có tên là Abram. Tên Abram nghĩa là “cha của nhiều con trai”. Mặc dầu mang tên này nhưng cho đến khi 75 tuổi ông vẫn chưa có người con nào cả. Chúng ta có ngạc nhiên về điều này không? Qua Áp-ra-ham, chúng ta định nghĩa về người lạc quan như thế nầy, “người lạc quan là người đã lập gia đình, vẫn không con vào tuổi 75 nhưng dám xây nhà gần trường học.” Đó là định nghĩa về người lạc quan. Áp-ra-ham thuộc loại mẫu người này. Nếu chúng ta gặp ông, ông sẽ giới thiệu rằng, “Tên tôi có nghĩa là cha của nhiều con trai.” Chắc Áp-ra-ham sẽ được hỏi, “Vậy ông có nhiều con lắm phải không?” Áp-ra-ham chỉ trả lời, “Không, tôi chưa có một đứa con nào cả; nhưng nếu ông tin tôi, một ngày nào đó, con cháu tôi sẽ nhiều như cát trên bãi biển hoặc như sao trên trời.” Nghe như vậy, có lẽ chúng ta sẽ hỏi, “Thưa ông, ai nói với ông như vậy?” Áp-ra-ham sẽ trả lời, “Đức Chúa Trời nói với tôi như vậy.” Sau đó, cho đến khi 90 tuổi, Đức Chúa Trời đổi tên của ông. Dù vẫn chưa có đứa con nào nhưng Chúa vẫn đổi tên ông thành Áp-ra-ham, nghĩa là “Cha của nhiều dân tộc.” Giả như chúng ta gặp ông và chào ông là cha của nhiều con trai, ông sẽ đáp rằng, “Xin lỗi quý vị, tôi đã đổi tên. Tên tôi bây giờ không còn là cha của nhiều con trai nữa, mà là cha của nhiều dân tộc.” Nghe đến đây chúng ta vội chúc mừng: “Ồ! vậy thì có phước quá. Ông đã có một cháu trai rồi phải không?” Ông không ngần ngại trả lời: “Không, tôi chưa có một đứa con nào cả, nhưng nếu ông tin tôi, một ngày nào đó con cháu tôi sẽ đông như cát trên bãi biển hoặc đông như sao trên trời.” Chắc chắn rằng, ông đã tuyên bố như vậy từ năm nầy qua năm khác.

 

Có một câu trong Sáng thế ký được trích lại trong sách Rôma để đúc kết con người của Áp-ra-ham, đó là “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và Ngài kể điều đó là công bình cho người.” Đức Chúa Trời nhìn xuống cụ già này và nói rằng, “Ta đã hứa với Áp-ra-ham về dòng dõi của người khi người đã cao tuổi mà không con, nhưng người vẫn tin ta. Ta hài lòng về điều đó và ta kể Áp-ra-ham là người công bình.” Vậy thế nào là người công bình? Chúa kể một người là công bình khi người đó tin điều Chúa phán. Định nghĩa của đức tin được rút ra từ chính con người của Áp-ra-ham.

 

Khi học về các nhân vật trong Kinh thánh, chúng ta lưu ý đến 2 phương diện của câu chuyện. Trước tiên là phương diện của Đức Chúa Trời; và thứ hai là phương diện của con người. Nó giống như hai mặt của đồng tiền. Trong trường hợp của Áp-ra-ham là sự xuất hiện của Đức Chúa Trời đối với ông. Ngài đã hiện ra hay đối thoại với Áp-ra-ham khoảng 8 lần. Tôi tin rằng, khi Kinh thánh nói Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ra-ham thì điều này cũng giống như khi Ngài hỏi Ađam “Ai đã nói với ngươi như vậy?” Hẳn còn nhớ, chúng ta không nghe giọng nói của Đức Chúa Trời. Trong tiếng Hê-bơ -rơ, câu đó có nghĩa “Ai khiến ngươi biết điều đó?” Chúng ta có nghĩ rằng, Đức Chúa Trời có quyền khiến chúng ta biết điều nào đó không? Hiển nhiên, câu trả lời là có. Sự hiện ra của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham cũng được hiểu theo nghĩa này.

 

Chúng ta muốn hiểu vai trò của Đức Chúa Trời trong câu chuyện hay khảo sát sự xuất hiện của Ngài đối với Áp-ra-ham? Tưởng cũng nên nhắc lại, nếu Đức Chúa Trời không khiến cho bụi gai cháy không tàn để tạo trong Môise sự kinh ngạc, chúng ta sẽ không hề được biết đến cuộc đời của Môi-se. Đức Chúa Trời luôn luôn khởi đầu trong việc đối thoại với con người. Chúa luôn luôn là nguyên nhân đầu tiên đưa con người đến chỗ nhận biết Ngài. Phao-lô đã nói rằng, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Nếu một người nào đó tìm kiếm Chúa thì thật sự đây chỉ là một sự đáp ứng đối với việc Đức Chúa Trời đã tìm kiếm họ. Đức Chúa Trời luôn luôn là Đấng khởi đầu việc này. Khi học về sự hiện ra của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, chúng ta sẽ thấy hiện tượng nầy. Trong khi đọc, xin chúng ta tìm hiểu vì sao Đức Chúa Trời chỉ hiện ra tại một số biến cố nhất định nào đó trong cuộc đời của Áp-ra-ham. Tại sao Đức Chúa Trời lại cho rằng, tại một thời điểm nào, đó Áp-ra-ham cần được gặp Ngài hay được Chúa mặc khải. Sự hiện ra của Chúa đối với Áp-ra-ham giúp chúng ta hiểu khía cạnh của Đức Chúa Trời đối với mối liên hệ này.

 

Sự đáp ứng của Áp-ra-ham đối với Đức Chúa Trời là Đấng hiện ra với ông là gì? Áp-ra-ham xây 4 bàn thờ. Khi đọc về câu chuyện của Áp-ra-ham, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu Áp-ra-ham muốn thưa điều gì với Đức Chúa Trời khi ông xây những bàn thờ này. Ví dụ Êtiên nói trong Công vụ chương 7 rằng, Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ra-ham một thời gian dài trước khi ông quyết định ra khỏi quê hương của mình. Chúa nói với ông rằng, “Hãy ra đi và đến đồng vắng Canaan. Hãy theo ta.”

 

 

Chúng ta có khuynh hướng đi theo tiếng gọi của quốc gia, giáo hội hay tổ chức. Có bao nhiêu người trong chúng ta đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời? Đi theo tiếng gọi của Chúa nhiều khi khiến chúng ta khó để giải thích cho người khác thông cảm? Giả sử, chúng ta khăn gói chuẩn bị lên đường và người vợ của chúng ta hỏi, “Anh đi đâu vậy?” Nếu chúng ta trả lời, “Anh đi theo tiếng gọi của Chúa!” thử xem chúng ta có gặp trở ngại gì không? Liệu chúng ta không gặp khó khăn nào nếu chúng ta giải thích với mọi người rằng, “Tôi đi vào đồng vắng để gặp Chúa tại đó?; sau đó, tôi cũng chẳng biết là mình sẽ đi đâu nữa. Tôi chỉ biết một điều là tôi đang bước đi theo Đức Chúa Trời.” Đây chính là điều mà Đức Chúa Trời muốn Áp-ra-ham thực hiện. Trong suốt một thời gian dài, Ngài đã kêu gọi ông lìa khỏi quê hương và thân tộc nhưng ông không chịu ra đi. Có bao nhiêu lần Đức Chúa Trời đã hiện đến để đối thoại với chúng ta, cố gắng dẫn dắt chúng ta vào trong một chương trình mà Ngài dành sẵn nhưng chúng ta vẫn không đáp ứng gì cả.

 

Cho đến khi cha của Áp-ra-ham qua đời, ông mới quyết định dời gót đến  Ca-na-an theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời là Đấng đã hiện ra cùng ông. Ông đã dựng bàn thờ đầu tiên tại đồng bằng Mô-rê. Chữ Mô-rê nghĩa là “dạy dỗ” hay “tìm kiếm”. Áp-ra-ham muốn nói rằng, “Tôi muốn học hỏi và tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ dạy tôi. Ngài muốn tôi di cư đến một nơi mà tôi tin rằng, Ngài sẽ bày tỏ cho. Tôi muốn biết đó là nơi nào ”

 

 

Chúng ta gọi bàn thờ đầu tiên của Áp-ra-ham là “bàn thờ của sự đáp ứng”, bởi vì nó đã được xây lên để đáp lại sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Khi Ngài hiện ra cùng ông tại đó, ông tiếp tục di chuyển và xây một bàn thờ khác.

 

Bàn thờ thứ nhì nằm giữa 2 địa điểm A-hi  và  Bê-tên. Theo tiếng Hê-bơ-rơ,  Bê-tên nghĩa là “nhà của Đức Chúa Trời.” Tại thời điểm này  chưa có đền thờ của Đức Chúa Trời; bởi vậy, chữ  đó chỉ về một nơi mà Đức Chúa Trời ngự. Nơi có sự hiện diện của Đức Chúa Trời là Bê-tên ở về hướng Tây. Hướng đông là thành A-hi. Theo tiếng Hê-bơ-rơ, A-hi chỉ về sự chết, sự hủy diệt hay sự đau khổ. Kinh thánh dạy rằng, kết quả của tội lỗi là sự chết. Mùa gặt của tội lỗi chính là sự đau khổ, tăm tối và tuyệt vọng. Đi xa hơn về hướng đông của Ahi là Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham đã xây bàn thờ thứ hai ngay giữa A-hi và Bê-tên. Phải chăng đây là sự trả lời của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham khi ông hỏi Ngài tại bàn thờ đầu tiên. Áp-ra-ham đã hỏi, “Xin dạy con phải làm chi để biết nơi mà Ngài muốn con đến.” Tại bàn thờ thứ hai, Đức Chúa Trời trả lời cho ông và nói rằng, “Áp-ra-ham, con đang lừng khừng. Con chưa quyết định nơi mà con sẽ đến.”

 

 

Nhiều chỗ trong Kinh thánh dạy chúng ta, “Ước gì ngươi nóng hoặc lạnh chớ đừng có hâm hẩm.” Ê-li đã thách thức dân sự Đức Chúa Trời với câu hỏi này, “Các ngươi đứng giẹo hai bên cho đến chừng nào. Nếu Chúa là Đức Chúa Trời hãy theo Ngài, nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời hãy theo hắn.” Chúa Jêsus dạy rằng, không được làm tôi hai chủ. Đừng giằng co giữa hai bên. Chúng ta gọi đây là bàn thờ của sự ăn năn. Khi con người đến với Đức Chúa Trời bởi đức tin, đó là đáp ứng đầu tiên của họ. Tuy nhiên, nó chỉ là bước đầu. Điều này quan trọng. Người Trung hoa có câu, “Cuộc hành trình dài đến đâu thì cũng phải bắt đầu với bước đi đầu tiên.” Bạn phải đáp ứng, song đây chưa phải là kết thúc.

 

Đức tin là một tiến trình để đi đến một đích sau cùng. Cuộc đời của các nhân vật này nói lên điều đó. Trong các cuộc nói chuyện của Chúa Jêsus với những người đương thời, Chúa không hề bảo đảm về sự cứu rỗi cho đến khi Ngài giải thích ăn năn có nghĩa gì đối với họ. Họ phải ăn năn. Họ phải suy nghĩ lại; hay nói cách khác, là  phải quay lại và đi về một hướng ngược hoàn toàn lúc ban đầu. Khi Chúa gặp những người đang sống trong tội lỗi, để theo Ngài họ phải quay lưng khước từ nó. Đây là ý nghĩa của chữ ăn năn.

 

Trong bài đến, chúng ta sẽ học tiếp bàn thờ thứ 3 và thứ 4 từ cuộc đời của Áp-ra-ham.

 

Bài trướcBài thứ 111: Yếu Đuối
Bài tiếp theoBài 15: Con Cháu Của Ca-in Và Những Dân Tộc Bất Kính