Bài 1: Kinh Thánh Quan Trọng Nhất

7148

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

KINH THÁNH QUAN TRỌNG NHẤT

VÀ LÀ CUỐN SÁCH DUY NHẤT

 

 

Kính chào quý vị. Đây là chương trình Tìm Hiểu Kinh Thánh . Trong chương trình này chúng ta sẽ học xuyên suốt Kinh thánh. Tôi mong ước quý thính giả đón xem liên tục chương trình Học Xuyên Suốt Kinh thánh và giới thiệu cho người khác cùng xem.

 

Trước khi bắt đầu tìm hiểu các sách trong Kinh thánh, tôi muốn cùng quý vị tìm hiểu về chính Kinh thánh. Vì sao Kinh thánh là quyển sách quan trọng nhất? Vì sao Kinh thánh là quyển sách duy nhất, không có sách nào khác giống như Kinh thánh? Làm sao chúng ta biết Kinh thánh đến từ Đức Chúa Trời?

 

Kinh thánh mà chúng ta sẽ tìm hiểu là quyển sách quan trọng nhất đã được viết. Đây là quyển sách bị nhiều người công kích hơn mọi sách khác, nhưng Kinh thánh lại được nhiều người đọc hơn tất cả các sách khác.  Đây là quyển sách đã đổi mới đời sống cho hằng triệu người trên thế giới trong mấy ngàn năm qua. Đây là quyển sách có ảnh hưởng lớn lao trên từng gia đình và đáng được mọi người suy gẫm, bất kể giới tính hay tuổi tác.

 

Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời ban cho con người. Nói cách khác, Lời Đức Chúa Trời đến với con người trong dạng thức mà con người có thể nhận biết được.

 

Chúng tôi tin chắc rằng Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cần được giảng dạy cho mọi người. Kính mời quý vị cùng học và tìm hiểu Kinh thánh với chúng tôi, và chúng ta sẽ học có hệ thống, có phương pháp xuyên suốt Kinh thánh, từ sách đầu tiên là sách Sáng Thế ký đến sách cuối cùng là sách Khải huyền. Tất cả 66 sách trong toàn bộ Kinh thánh, chúng ta lần lượt học từng đoạn, và có những đoạn học từng câu. Thời gian kéo dài là năm năm. Nếu quý vị học liên tục chương trình này, tôi tin chắc rằng Kinh thánh sẽ đổi mới đời sống quý vị. Đó có thể là một từng trải mà quý vị chưa hề có trước đây.     

 

Kinh thánh đã ảnh hưởng trên những con người vĩ đại và từ đó họ đã tạo ảnh hưởng trên thế giới mà họ đang sống. Tôi xin trích dẫn một số trường hợp đó.

 

Trước đây có vị hoàng tử của Nam Phi đến viếng thăm nữ hoàng Anh, Victoria. Hoàng tử hỏi nữ hoàng một câu hỏi rất quan trọng. Ông hỏi rằng, “Bí quyết nào làm cho nước Vương Quốc Anh trở thành vĩ đại?” Nữ hoàng bèn lấy quyển Kinh thánh rồi chỉ cho hoàng tử Nam Phi và nói rằng, “Đây là bí quyết làm cho Vương Quốc Anh trở nên vĩ đại.” Nước Anh rất hùng mạnh trong thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20. Nhưng rất tiếc ngày nay Vương Quốc Anh không còn đứng đầu thế giới nữa mà tuột xuống hàng thứ nhì, thứ ba. Lý do chính là Vương quốc Anh xem nhẹ Lời của Đức Chúa Trời.

 

Một nhà lãnh đạo đã nói rằng “Tôi đã tra xét kỹ lưỡng và thấy rằng Kinh thánh là quyển sách tốt nhất của thế giới.”

 

Khoa học gia tên tuổi là Michael Faraday đặt câu hỏi, “Tại sao người ta đi lầm đường lạc lối trong khi họ có cuốn sách của Đức Chúa Trời để hướng dẫn?”

 

Một vị Tổng thống nói thêm, “Tôi tra xét Kinh thánh và thấy rằng Kinh thánh là quyển sách vượt trội hơn mọi sách khác, trải qua mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh của con người. Kinh thánh không phải chỉ được đọc một hai lần, rồi để qua một bên, nhưng cần phải đọc một phân đoạn mỗi một ngày.”

 

Vị lãnh đạo quốc gia nào tôn kính Lời của Đức Chúa Trời thì vị ấy sẽ đưa quốc gia mình đến chỗ thạnh vượng, còn những quốc gia nào bỏ qua Lời của Đức Chúa Trời điều bị lụn bại và không có giải pháp nào để giải quyết những khó khăn của đất nước mình.

 

Đó là lý do quan trọng tại sao Lời của Đức Chúa Trời cần phải được giảng dạy cách rộng rãi cho mọi dân tộc. Tôi tin chắc rằng đó là giải pháp tốt nhất, chúng ta cần phải trở lại với Lời của Đức Chúa Trời.

 

Các trường học ngày nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc gây dựng thế hệ trẻ vươn lên, bởi vì học đường bỏ qua việc giảng dạy Kinh thánh cho học sinh.

 

Đa-vít, vị vua nổi tiếng của nước Do thái khi xưa đã viết trong sách Thi thiên của ông như sau:

 

  Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,

  Chẳng đứng trong đường tội nhân.

  Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.

  Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va,

  Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm,

  Người ấy sẽ như cây trông gần dòng nước,

  Sanh bông trái theo thời tiết,

  Lá nó cũng chẳng tàn héo,

  Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng. (Thi thiên 1:1-3)

 

Vua Đa-vít nói, những ai sống và làm theo Lời của Chúa thì sẽ thành công trong đường lối mình. Ông nói tiếp, “Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, Ánh sáng cho đường lối tôi.”  (Thi thiên 119:105)

 

Kinh thánh là quyển sách quan trọng nhất mà tôi và quý vị cần phải học trong thời gian kéo dài năm năm. Tôi mong ước quý vị kiên nhẫn và bền đổ theo học chương trình tìm hiểu Thánh Kinh này. Tôi mời gọi quý vị để thì giờ đọc Kinh thánh mỗi ngày và cố gắng đọc trọn quyển Kinh thánh trong vòng một năm. Nếu quý thính giả nào chưa có quyển Kinh thánh riêng cho mình, xin tiếp xúc với Hội thánh Tin lành địa phương hỏi mua một quyển. Nhiều người đã đọc xuyên qua Kinh thánh nhiều lần và đã tìm thấy phước hạnh dồi dào trong lãnh vực tư tưởng và hành động của đời sống trong mình. Trong vòng năm năm tới, chúng tôi sẽ cùng học Lời Kinh thánh với quý vị, xin mời quý vị đồng hành với chúng tôi để cùng học xuyên suốt Kinh thánh.

  

KINH THÁNH LÀ QUYỂN SÁCH CÓ MỘT KHÔNG HAI

 

Kinh thánh mà chúng ta sẽ học và tìm hiểu là quyển sách như thế nào? Kinh thánh là quyển sách lạ thường, không giống như những quyển sách khác vì những điều sau đây:

 

1- Kinh thánh có hai tác giả

 

Đức Chúa Trời là tác giả thật của Kinh thánh và trên một phương diện khác, con người cũng là tác giả hay là trước giả Kinh thánh. Thật vậy, Kinh thánh được viết ra bởi 40 tác giả trong khoảng thời gian 1500 năm. Đa số những người này không hề quen biết nhau, chỉ có vài người làm việc chung với nhau mà thôi. Họ ở những nơi khác nhau, sống trong những thời kỳ khác nhau, nhưng các tác giả này đã viết Kinh thánh một cách liên tục, thông suốt, hiệp nhất rất kỳ diệu mà không có sách nào có được như vậy. Tác giả đầu tiên là Môi-se viết Ngũ Kinh vào khoảng năm 1400 Trước Công nguyên, sau thời gian ông làm con nuôi của công chúa Ai Cập. Vua Đa-vít viết sách Thi thiên vào khoảng năm 1050 Trước Công nguyên, tiên tri Ê-sai viết sách tiên tri dự ngôn về Chúa Cứu Thế giáng sanh vào khoảng năm 700 Trước Công nguyên. E-xơ-ra và Nê-hê-mi viết sách lịch sử hồi hương của dân Do Thái vào khoảng năm 500 Trước Công Nguyên. Sứ đồ Phao-lô viết các thơ tín gởi cho các hội thánh vào những năm 55-60 Sau Công Nguyên. Sứ đồ Giăng là tác giả sau cùng viết sách Khải huyền vào khoảng năm 95 Sau Công Nguyên. Mỗi tác giả bày tỏ cảm xúc, tư tưởng trong thế hệ của mình dưới sự đồng công và soi dẫn của Đức Thánh Linh. Đó là lý do tại sao Kinh thánh có hai tác giả. Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời ban cho con người.

 

2- Kinh thánh được ban cho mọi người

 

Lời Chúa viết cho mọi dân tộc, cho mọi người, mọi giới tính, từ người giàu đến người nghèo, từ người học thức cao đến người đơn sơ. Chẳng hạn như Bác sĩ Lu-ca viết tiếng Hy Lạp cách thông thạo, tuyệt vời trong thời kỳ mà tiếng Hy Lạp rất thông dụng, thịnh hành. Nhưng Si-môn Phi-e-rơ là người đánh cá cũng viết tiếng Hy Lạp. Ông không phải là người tài giỏi nhưng Chúa Thánh Linh dùng cả hai người này. Ngài để cho họ diễn tả chính xác ý tưởng, cảm nghĩ trong phương cách mà Thánh Linh hướng dẫn để nói đúng những gì Ngài muốn nói. Cho nên dầu tôi và quý vị là người Việt, người Hoa, người dân tộc hay bất cứ là người có quốc tịch nào, khi chúng ta đọc Kinh thánh cũng có cảm nhận là lời đó viết cho chính mình. Vì thế quý vị thấy Kinh thánh là quyển sách rất kỳ diệu.

 

3- Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời cho con người trong mọi thời đại

 

Dầu quý vị sanh ra tại đâu, hay đang ở lứa tuổi nào, Lời Chúa vẫn có thể truyền đạt đến cho quý vị. Kinh thánh được viết cách thời đại chúng ta rất lâu, nhưng hôm nay tôi và quý vị đọc Kinh thánh thấy Kinh thánh vẫn còn thích ứng với mình. Có một số sách của con người viết cũng khá hay nhưng chỉ thích ứng cho một nhóm đọc giả và lưu hành trong một khoảng thời gian nào đó rồi bị bỏ qua vì không còn thích hợp nữa. Nhưng ngày nay Kinh thánh vẫn còn nhiều người học hỏi, quý trọng bởi vì Kinh thánh được viết cho con người trong mọi thời đại.

 

4- Kinh thánh là quyển sách của Đức Chúa Trời

 

Vì trong Kinh thánh có hơn 2500 lần ghi là: Đức Chúa Trời nói… Chúa phán…  Lời Chúa phán rằng… Thật rõ ràng, Lời Chúa đang nói với chúng ta qua Kinh thánh. Cho nên Kinh thánh là quyển sách đem lại sự sống cho quý vị. Quý vị có thể trở thành con cái Đức Chúa Trời, được sanh ra không phải bởi hạt giống hay hư nát, nhưng bởi hạt giống chẳng hay hư nát, đó là Lời sự sống của Đức Chúa Trời đang ở trong quý vị, và sẽ ở trong người nào tiếp nhận Lời Chúa.

 

Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời với những đặc điểm mà không có sách nào khác của con người sánh được.

 

a- Kinh thánh có năng quyền

Lời Kinh thánh nói điều gì, thì điều đó được xảy ra, được hiệu nghiệm.

 

b- Kinh thánh đầy đủ

Kinh thánh là một quyển sách chỉ nam đầy đủ về mọi lẽ đạo. Kinh thánh khải thị những gì con người cần hiểu biết để hướng dẫn đời sống mình. Đó là những qui tắc giáo lý và thực hành đầy đủ. Kinh thánh cho biết những gì cần thiết để con người tin nhận và thực hành. Kinh thánh chỉ rõ con đường cứu rỗi cách hiển nhiên để con người lầm lạc, xa cách Chúa có thể quay trở lại. Kinh thánh khải thị chương trình của Đức Chúa Trời với hội thánh của Ngài và tất cả các hoạt động của hội thánh. Kinh thánh chỉ dẫn lối sống người nam, người nữ cần noi theo. Kinh thánh vén bức màn che phủ lên để con người thấy, biết những gì sẽ xảy ra trong thế giới tương lai. 

 

c- Kinh thánh còn đến muôn đời

Kinh thánh chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho con người cho đến ngày tận thế. Như thế không có nghĩa là sẽ không có những giải thích mới mẻ về Kinh thánh, hay những chân lý mới được rút ra từ Kinh thánh. Kho tàng Kinh thánh là vô tận. Không thời đại nào, cả quá khứ lẫn tương lai có thể khám phá hết chân lý của Kinh thánh. Nhưng sứ điệp của Kinh thánh là sứ điệp cuối cùng.

 

Chúa Giê-xu tuyên bố rằng, “Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.” (Ma-thi-ơ 24:35)

 

Quý vị không bao giờ tìm đâu có quyển sách nào khác giống như Kinh thánh. Các sách khác là sách của con người, nói về sự sống cơ thể, về tình cảm, tinh thần, không có sách nào nói về sự sống đời đời, hoặc nếu đề cập thì chỉ nói cách mơ hồ. Duy chỉ có Kinh thánh là lời sự sống, ban sự sống cho những ai tiếp nhận Ngài. 

 

CÔNG DỤNG CỦA KINH THÁNH

 

Kinh thánh tái tạo lòng người

Khi một người nghe lời Kinh thánh và tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình, Đức Chúa Trời sẽ dùng chính Lời Ngài và quyền năng của Thánh Linh để tái sanh người ấy, khiến người ấy trở nên con cái Đức Chúa Trời. “Anh em đã được sanh lại, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 1:23). Khi đi làm chứng, tôi thường mời người thân hữu đọc những câu Kinh thánh mà tôi trưng dẫn. Tôi tin vào quyền năng lời Chúa bắt phục người nghe, cáo trách tội lỗi và giúp họ “đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy…” (I Ti-mô-thê 1:15), khiến họ tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình.

 

Kinh thánh bày tỏ sự cứu rỗi

Sau khi Chúa Giê-xu sống lại, Ngài đã hiện ra và đi cùng hai môn đồ trên đường về làng Em-ma-út. “Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi Đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh.” (Lu-ca 24: 27). Kinh thánh bày tỏ về Chúa Cứu Thế Giê-xu, đồng thời cũng bày tỏ trọn vẹn về phương cách tin nhận Chúa để được cứu rỗi (Giăng 3:16, 36). Kinh thánh cũng bày tỏ sự cứu rỗi trọn vẹn (Hê-bơ-rơ 7:25), bảo đảm sự cứu rỗi (Ê-phê-sô 4:30; 1:13,14) và phước hạnh về sự cứu rỗi (Ê-phê-sô 1:3; Giăng 14:1-3). Kinh thánh cho biết chúng ta được cứu là nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời  (Ê-phê-sô 2: 5, 8), bởi lòng yêu thương của Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:8), bởi sự thương xót của Ngài (Tít 3:5).

 

Sự cứu rỗi chỉ có trong Đức Chúa Giê-xu Christ mà thôi. Chẳng có một ai trên thế gian nầy có thể ban cho người ta sự cứu rỗi (Công vụ 4:12).

 

Kinh thánh khiến người tin nên thánh

Người tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình liền được tái sanh, có được bản chất thánh của Đức Chúa Trời trong người. Người đó trở nên “người thánh và rất yêu dấu của Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 3:12). Nhưng trong người đó còn tánh xác thịt, có chiều hướng ưa thích “gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, gây gỗ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy.” (Ga-la-ti 5: 19-21). Làm sao người theo Chúa có thể ra khỏi những điều nầy để “ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mình… là người thánh và rất yêu dấu của Đức Chúa Trời?” (Ê-phê-sô 4:1) Xin thưa, nhờ học Kinh thánh vì lời Chúa có công dụng khiến con cái Ngài nên thánh như lời Chúa Giê-xu đã cầu nguyện, “Xin Cha lấy chân lý khiến họ nên thánh; lời Cha tức là chân lý.” (Giăng 17:17). Nhờ dạy Kinh thánh cho tín hữu nên họ biết chân lý, và “chân lý sẽ buông tha” họ (Giăng 8:32) và khiến họ nên thánh.

 

Kinh thánh giúp chống trả ma quỉ

Khí giới duy nhất giúp chúng ta dùng để chống trả ma quỉ là lời Đức Chúa Trời. Thời nay có đến 90% con cái Chúa không ý thức “Kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (I Phi-e-rơ 5:8) Chữ “nuốt” không có nghĩa là bắt lấy chúng ta, làm cho chúng ta mất lấy sự cứu rỗi, vì “chẳng ai cướp nó (chiên của Chúa) khỏi tay” Chúa (Giăng 10:28). Chữ “nuốt” đây có nghĩa là “bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó.” (II Ti-mô-thê 2:26). Ma quỉ cũng biết dùng Kinh thánh để tấn công, cám dỗ chúng ta làm theo ý muốn nó. Nó đã cám dỗ Chúa Giê-xu bằng phương cách nầy. Chúa Giê-xu đã dùng lời Đức Chúa Trời để chống trả ma quỉ và chúng liền bỏ đi ( Ma-thi-ơ 4:1-11).

 

Phao-lô đã khuyên Cơ đốc nhân, “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ.” Khí giới của Cơ đốc nhân gồm có: 1) “Lấy chân lý làm dây nịt lưng.”  2) “Mặc áo giáp bằng sự công bình”;  3) “Dùng sự sẵn sàng của Tin lành bình an mà làm giày dép.”  4) “Lại phải lấy thêm đức tin mà làm thuẫn.”  5) “Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ.”  6) “Cầm gươm của Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 5:14-17) Trong sáu thứ khí giới này thì năm thứ để bảo vệ và chỉ có một thứ để tấn công: “gươm Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” Chẳng lẽ điều nầy không giúp chúng ta học lời Chúa, dạy lời Chúa và giúp nhau dùng lời Chúa để chống trả ma quỉ hay sao?

 

Kinh thánh rất quan hệ cho đời sống chúng ta vì Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời đến với con người, như quý vị và tôi. Kính mời quý vị cùng đồng hành với chúng tôi để cùng nhau Tìm Hiểu Thánh Kinh.

 

 

Bài trướcBài 263: Ác, Thiện và Thiện, Ác
Bài tiếp theoNgày Cơ Đốc Giáo Dục Tại HT Long Xuyên An Giang (11/9/2011).