Bài 147: Sách Ô-sê, Kinh Nghiệm Đau Khổ Của Ô-sê

3823

Trong chương trình lược khảo các sách tiên tri, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về sách Ô-sê. Ô-sê là một trong 12 tiên tri được gọi là tiên tri nhỏ. Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên được gọi là tiên tri lớn. Cách phân biệt tiên tri nhỏ và tiên tri lớn dễ đưa đến một ngộ nhận đó là các vị tiên tri nhỏ thua sút các vị tiên tri lớn. Thật ra việc gọi các vị tiên tri lớn hay nhỏ tùy thuộc vào độ dài của sách mà họ viết ra. Sách của các vị tiên tri lớn dài hơn và sách của tiên tri nhỏ ngắn hơn.

Trở lại vào thời tuyển chọn Kinh Thánh Cựu Ước thì sự phân loại khác với ngày hôm nay. Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên được gọi là “Các tiên tri trước”, còn Ô-sê cho đến Ma-la-chi gọi là “Các tiên tri sau”. Đây là một cách đặt tên tốt hơn vì nó không khiến chúng ta có cảm giác là các vị tiên tri nhỏ kém hơn các vị tiên tri lớn.

Tất cả các vị tiên tri từ Ô-sê cho đến Ma-la-chi đều rất quan trọng. Mười hai sách của họ được gom chung lại thành một bộ. Một lần nữa chúng tôi xin khẳng định rằng 12 vị tiên tri nầy không có điểm gì yếu kém hơn các vị tiên tri khác.  Có lẽ họ xuất sắc hơn là đàng khác vì họ đã có khả năng trình bày sứ điệp cách ngắn gọn hơn.

Một trong mười hai vị tiên tri đầu tiên mà chúng ta học hỏi đó là Ô-sê. Ô-sê là vị tiên tri nói về tình yêu của Đức Chúa Trời. Ông đã trải qua kinh nghiệm thật khác thường. Chúa hiện ra cùng ông và nói rằng, “Ta muốn ngươi cưới một phụ nữ giang hồ”. Người phụ nữ đó tên là Gô-me. Chúa phán, “Ngươi hãy yêu Gô-me và đối với nàng như là người phụ nữ đoan trang”. Ô-sê không hiểu điều nầy, nhưng ông vâng lời Chúa. Sau khi Ô-sê cưới Gô-me một thời gian, yêu nàng bằng một tình yêu vô điều kiện, tình yêu thương của Đức Chúa Trời, thì Gô-me vốn ngựa quen đường cũ, quay trở về với tình nhân của mình, làm cho lòng của Ô-sê tan vỡ. Ô-sê trải lòng mình ra trước mặt Chúa, Ngài phán với ông rằng, “Hãy tìm Gô-me và đem nàng về, biệt riêng Gô-me trong một thời gian, rồi hãy sống với Gô-me, với các con và yêu Gô-me như người phụ nữ đoan chính”. Dĩ nhiên lần nầy Ô-sê cũng không sao hiểu nổi, nhưng vâng lời Chúa Ô-sê đem Gô-me về. Khi đã trải qua kinh nghiệm cá nhân nầy, thì Đức Chúa Trời dùng Ô-sê như là vị tiên tri để rao giảng về tình yêu của Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên.

Chỉ có hai tiên tri Ô-sê và A-mốt rao giảng Lời Chúa cho vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía bắc. Tất cả những vị tiên tri còn lại phần lớn phục vụ Chúa tại vương quốc Giu-đa ở phía nam. Giô-na rao giảng Lời Chúa cho Ni-ni-ve là thủ đô của A-si-ry, kẻ thù của vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc, Kinh Thánh không hề ghi chép việc ông hầu việc Chúa tại vương quốc phía bắc hay phía nam. Nếu xem xét về nơi thi hành chức vụ thì chỉ có Ô-sê và A-mốt là hai tiên tri rao giảng Lời Chúa cho nước Y-sơ-ra-ên ở phía bắc. Ô-sê và A-mốt đã đưa ra những lời tiên tri nghiêm trọng đối với Y-sơ-ra-ên.

A-mốt sống ở nước Giu-đa phía nam, ông không phải là tiên tri. Nhưng Chúa đã kêu gọi trong lúc ông chăn chiên và hái trái vả, Ngài sai ông đến nước phía bắc để công bố những sứ điệp nẩy lửa cho quốc gia nầy. Nhiều lần ông bị những người lãnh đạo tôn giáo tại đó yêu cầu hãy về lại quê hương của ông mà kiếm sống.

Ô-sê sống ở nước phía bắc, ông đóng vai của một Giê-rê-mi cho quốc gia nầy. Ô-sê nói trước việc quân A-si-ry sẽ lưu đày vương quốc phía bắc. Nhưng sứ điệp chính của ông là nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Một điều đáng ngạc nhiên là ngày nay dầu có nhiều sách, nhưng đề tài “tình yêu của Đức Chúa Trời” không được nói đến nhiều. Lẽ ra phải có nhiều sách viết về tình yêu của Đức Chúa Trời vì đây là một chủ đề quan trọng. Ô-sê là người viết về chủ đề đó.

Ô-sê giảng về tình yêu của Đức Chúa Trời khi mà dân Y-sơ-ra-ên đang quay lưng đối với Ngài và sống băng hoại trong tội lỗi. Họ thờ lạy thần tượng, tình trạng thuộc linh và đạo đức xuống dốc. Ô-sê đã thu hút được sự chú ý của thính giả vì ông nói về Đức Chúa Trời bằng chính kinh nghiệm đau xót của mình. Ô-sê kể lại câu chuyện tình giữa ông và Gô-me. Ông cho biết thế nào ông đã yêu Gô-me cách vô điều kiện dựa theo lời Chúa phán dạy. Thế nhưng Gô-me đã phũ phàng phản bội ông, quay về với tình nhân cũ của nàng. Ô-sê được Chúa bảo hãy tìm Gô-me và vẫn cứ yêu nàng. Sau khi thuật lại câu chuyện của mình thì Ô-sê lên tiếng rằng, “Đó là hình ảnh của Đức Chúa Trời và các ngươi. Các ngươi đã đối với Đức Chúa Trời giống như Gô-me đối với ta. Khi thờ phượng thần tượng ngoại bang là các ngươi đã phạm tội tà dâm thuộc linh và không trung thành với Đức Chúa Trời. Khi các ngươi sống đời sống băng hoại, dìm mình vào trong những thú vui tội lỗi là các ngươi đang phạm tội tà dâm thuộc linh. Những gì các ngươi đang làm giống như Gô-me đã làm cho ta”. Đó là trọng tâm sứ điệp của tiên tri Ô-sê, ông nhấn mạnh đến tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho tuyển dân của Ngài.

Khi học qua sách Ca Thương, chúng tôi đã thưa với quí thính giả rằng các tiên tri của Cựu Ước được biết đến qua những sứ điệp của thạnh nộ và phán xét, nhưng thật ra họ còn là tiên tri của hy vọng. Mười hai vị tiên tri nhỏ đều giảng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Họ đều nói đến tình yêu vô điều kiện của Ngài. Chúng ta hãy hình dung cảnh nhà tiên tri Giê-rê-mi ngồi trong một hang động để viết sách Ca Thương. Ông nói, “Tôi biết rằng tình yêu của Ngài không bao giờ chấm dứt. Ngài không bao giờ thôi yêu chúng tôi, đó là niềm hy vọng của tôi. Vì lẽ đó mà tôi tin rằng Ngài sẽ cứu chuộc chúng tôi”. Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài đã chịu đóng đinh ngay tại nơi mà Giê-rê-mi đã ngồi mà viết sách Ca Thương.

Tình yêu mà Giê-rê-mi đề cập đến giống như tình yêu của Ô-sê đã rao giảng. Đây là tình yêu thương của Đức Chúa Trời được Phao-lô mô tả trong I Cô-rinh-tô 13. Phao-lô cho biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời là một tình yêu không phai tàn vì đây là một tình yêu vô điều kiện. Tình yêu của Chúa cũng là tình yêu đem lại nguồn khích lệ lớn lao cho người được yêu. Ô-sê là sách hay nhất nói về tình yêu của Đức Chúa Trời.

Một Mục sư kể lại kinh nghiệm trong chức vụ của ông như sau, “Trong công tác chăn bầy tôi thường gặp những người đau khổ vì sự không chung thủy của người phối ngẫu. Đôi khi là người chồng với tấm lòng tan vỡ giống như Ô-sê vì sự không chung thủy của người vợ. Đôi khi là người vợ đau khổ vì sự phản bội của người chồng. Người tin Chúa sẽ làm gì trong trường hợp nầy? Với tư cách là Mục sư, tôi nói với họ rằng, “Theo ý định của Đức Chúa Trời thì hôn nhân của quí vị phải dựa trên tính chung thủy. Nếu người phối ngẫu của quí vị phản bội lời hứa nguyện thì tôi không nghĩ rằng Chúa buộc con cái của Ngài phải sống với người đó”. Nhưng rồi tôi cũng chia sẻ với họ câu chuyện của Ô-sê và giải thích, “Đức Chúa Trời có thể kêu gọi quí vị sống như Ô-sê. Chúa có thể ban ơn cho quí vị giống như Ngài đã làm đối với Ô-sê để yêu người phối ngẫu không trung thành bằng loại tình yêu mà Ô-sê đã yêu Gô-me”. Quí vị có quyền để lựa chọn. Kinh Thánh không dạy rằng con cái Chúa PHẢI lìa bỏ người phối ngẫu không trung thành. Có lúc Chúa kêu gọi người vợ hoặc người chồng yêu người phối ngẫu của mình giống như Ô-sê đã yêu Gô-me. Ô-sê đã nêu một gương sáng nhằm giúp những người đang gặp nan đề vì sự phản bội của người phối ngẫu.

Khi lược khảo toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy cách mà Đức Chúa Trời dùng để đào luyện các tôi tớ của Ngài. Khi Chúa muốn dùng họ làm người chăn bầy, thì Chúa đã kêu gọi ai để làm công tác nầy? Chúa đã gọi những người chăn chiên như Môi-se, Đa-vít và A-mốt. Ngài dùng những người làm nghề chăn chiên và biến họ trở nên những người chăn bầy thuộc linh. Trong Tân Ước, khi Chúa muốn dùng những người đi ra đánh lưới người thì Chúa đã kêu gọi ai? Ngài kêu gọi những người đánh cá, vì những người đánh cá hiểu thế nào là đánh cá, do đó họ biết được thế nào để đánh lưới người. Chúa kêu gọi những người có kinh nghiệm trong một số những lãnh vực nào đó để giữ chức vụ lãnh đạo thuộc linh. Nhờ những kinh nghiệm nầy mà sứ điệp của họ trở nên sống động. Ô-sê đã không giảng về tình yêu của Đức Chúa Trời bằng sách vở bằng lý thuyết, nhưng giảng bằng chính kinh nghiệm sống của mình.

Có lẽ quí vị đã nghe những lời mô tả về tình yêu của Đức Chúa Trời như sau, ‘Nầy tình yêu thương cao cả sâu rộng, không văn tả được, không bút nào phô. Vượt mọi ngôi sao cao ngất thiên đàng, sâu hơn hỏa ngục thăm thẳm vô cùng. Dầu mực tràn tuôn như biển mênh mông, giấy trắng thay bằng cả khung trời xanh. Vào rừng thu dùng cây thay viết để ghi hoài, tất cả nhân loại cố công miệt mài, không sao tả hết tình yêu của Ngài’. Và phần điệp khúc như sau: ‘Tình yêu Cứu Chúa thánh khiết vô cùng, cao sâu thắm tươi biết bao, sứ thánh chúc tán, thánh dân ca ngợi, tôn vinh thánh vương muôn đời’. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không chỉ là bài hát của các thiên thần mà còn là bài ca của Ô-sê.

Ô-sê là một người rao giảng Lời Chúa đầy ơn. Mặc dầu sứ điệp chính của Ô-sê là tình yêu thương của Đức Chúa Trời, nhưng đây không phải là nội dung duy nhất. Chúng tôi sẽ trích dẫn một số các bài giảng của ông để giúp quí vị hiểu được tình hình chính trị và tình trạng thuộc linh đương thời Ô-sê. Những bài giảng nầy cũng chứng tỏ ông là người rao giảng Lời Chúa cách xuất sắc. Các vị tiên tri thời xưa rất bộc trực. Bài giảng của họ thẳng thắn và mạnh mẽ. Họ có tài trong việc đối thoại với người khác. Thỉnh thoảng họ dùng các hành động để làm biểu tượng cho bài giảng giống như trường hợp của Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên. Bằng cách nầy hoặc bằng cách khác, họ đã thu hút được sự chú ý của người nghe.

Nguyên tắc đầu tiên của việc rao giảng đó là đối thoại chớ không phải trình diễn. Các vị tiên tri Cựu Ước biết rõ đây là nguyên tắc đầu tiên của việc rao giảng Lời Chúa. Họ không trau chuốt và làm cho bài diễn thuyết trở nên màu mè. Họ nói cách thẳng thừng không úp úp, mở mở gì cả. Ô-sê đã công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời như sau,

Ô-sê 4:
1 Hỡi con cái Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va; vì Đức Giê-hô-va có sự kiện cáo với dân đất nầy, bởi trong đất nầy chẳng có lẽ thật, chẳng có nhân từ, cũng chẳng có sự nhìn biết Đức Chúa Trời.
 2 Ở đó chỉ thấy những sự thề gian, thất tín, giết người, ăn trộm, và tà dâm; chúng nó làm sự tàn bạo, máu chồng trên máu.
 3 Vậy nên, đất ấy sẽ sầu thảm; hết thảy người ở đó sẽ hao mòn, những thú đồng và chim trời cũng vậy; những cá biển cũng sẽ bị lấy đi.

Trong thời của Ô-sê, có đến bốn vị vua bị ám sát nên ông dùng câu “máu chồng trên máu”. Ô-sê tiếp lời:

Ô-sê 4:
11 Sự dâm dục, rượu cũ và rượu mới cất lấy hết trí khôn chúng nó.
12 Dân ta hỏi tượng gỗ nó, thì gậy nó trả lời; vì lòng dâm làm lầm lạc chúng nó, và chúng nó phạm tội tà dâm mà lìa bỏ Đức Chúa Trời mình.

Lần đến chúng ta sẽ học về những bài giảng mạnh mẽ, thẳng thắn và hợp thời của Ô-sê. Kính mời quí vị đọc sách nầy trước để bài học của chúng ta có kết quả hơn.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcGiáo Phẩm Bình Thuận Gặp Mặt Đầu Năm
Bài tiếp theoBài 7:  NẾU PHẢI CHẾT, TÔI SẼ CHẾT