Ý Nghĩa Đích Thực Của Cuộc Cải Chánh Tin Lành

3408

Năm 2017, Hội Thánh Tin Lành Việt nam chúng ta đã long trọng kỷ niệm 500 năm cuộc cải chánh Tin Lành. Giáo hội Tin Lành Luther đều dành ngày Chúa nhật cuối tháng 10 hằng năm là “Chúa nhật Cải chánh: (Reformation Sunday) để kỷ niệm.

Nhân ngày 31 tháng 10 là ngày Cải chánh Tin Lành, chúng tôi xin dịch và giới thiệu với quí tôi con Chúa bài viết về ý nghĩa của cuộc cải chánh của Mục sư Reid Karr, Mục sư Hội Thánh Tin Lành Breccia di Roma San Paolo. 

Cải cách: Thế giới chúng ta nói nhiều về cải cách. Dường như tất cả chúng ta trong chừng mực nào đó cũng ao ước cải cách. Có cải cách về y tế và cải cách giáo dục. Cải cách nông nghiệp và cải cách xã hội. Cải cách về tư pháp và chắc chắn cũng có cải cách tôn giáo.

Cải cách đòi hỏi tâm trí phải có ý tưởng tiến bộ để đạt được kết quả mong muốn. Đó là một từ gợi lên sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên với cách dùng khá rối rắm của từ ngữ này sẽ làm mất đi tác dụng và hiệu quả của nó. Do đó, khi người ta nói về cuộc cải cách Tin Lành thì sự cải cách được mong đợi và ca ngợi có thể bị mất đi trong một biển từ đồng nghĩa được sử dụng và sự mơ hồ và sự phong phú của từ này bị pha trộn và lẫn lộn.

Giáo hội Công giáo La Mã cũng nói về cải cách và thừa nhận nhu cầu này trong giáo hội. Họ kêu gọi cải cách như cuộc cải cách Tin Lành đã làm trước đây. Có lẽ vẫn còn nhức nhối về cuộc Đại phân liệt giữa Đông và Tây giáo hội vào năm 1054, cho nên Giáo hội nghị Constance (1414-1418) đã tìm kiếm sự cải cách sâu rộng trong giáo hội. Điều này cũng không thay đổi từ nhiều thế kỷ rồi và Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục kêu gọi sự cải cách.

Vì vậy, khi chúng ta kỷ niệm Ngày Cải chánh, chính xác là chúng ta đang kỷ niệm về điều gì? Điều gì khiến cuộc Cải chánh Tin Lành khác biệt với những cuộc cải tổ và cải cách khác? Điều gì khiến cho cuộc Cải chánh Tin Lành khác biệt với sự cải cách mà Giáo hội Công giáo mong muốn và tìm kiếm? Tại sao chúng ta vẫn còn kỷ niệm nó dù đã 500 năm rồi?

Trả lời những câu hỏi này sẽ bày tỏ cho chúng ta biết ý nghĩa đích thực của cuộc cải chánh Tin Lành và cũng giải thích vì sao sự kiện này còn tồn tại qua nhiều thế kỷ, và vẫn được kỷ niệm hôm nay và sẽ còn tiếp tục được kỷ niệm.

Trả Lại Quyền Tối Thượng Của Đức Chúa Trời

Điều gì đến trong tâm trí khi bạn xem xét về cuộc cải chánh Tin Lành? Bạn nghĩ những đặc điểm nổi bật của nó là gì? Chắc chắn Năm Sola sẽ nằm ở đầu danh sách. Chỉ đức tin trong Đấng Christ, duy bởi ân điển, bày tỏ qua Kinh Thánh mà thôi và vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà thôi. Có lẽ đây là những đặc điểm được nhìn nhận nhiều nhất về cuộc Cải chánh. Như vậy có phải ý nghĩa đích thực của cuộc cải chánh nằm ở đây? Phải chăng chúng là lý do khiến cuộc cải chánh Tin Lành tồn tại hơn năm thế kỷ qua?

Không còn nghi ngờ gì nữa, trở lại với những lẽ thật này là điều rất đặc biệt. Chúng được kỷ niệm để làm sáng tỏ ý nghĩa và những phạm vi rõ ràng mà chúng tạo ra cho đức tin Cơ Đốc.

Không có gì lẫn lộn mập mờ liên quan đến thẩm quyền của Kinh Thánh chống lại thẩm quyền của truyền thống. Sự cứu rỗi dứt khoát là sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời mà thôi, và không liên quan gì đến việc làm. Chúng không cho phép sự mập mờ, sự thờ ơ hay trung lập. Chúng là sự trở lại với trái tim của đức tin Cơ Đốc và Tin Lành của Thánh Kinh. Có chắc đúng không khi cho rằng 5 so-la (duy chỉ) giải thích ý nghĩa đích thực của cuộc cải chánh Tin Lành?

Hoặc có lẽ ý nghĩa đích thực nằm ở những nhà cải chánh vĩ đại như Martin Luther và John Calvin? Chắc chắn cuộc Cải chánh thành công phần lớn là nhờ vào công lao của những người này. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ về cuộc Cải chánh bày tỏ ý nghĩa đích thực của nó không nằm ở 5 khẩu hiệu được lưu hành hoặc với những công thức của bất kỳ tuyên bố hay tuyên ngôn có tính cách giáo lý nào.  Ý nghĩa đích thực vượt lên trên các nhà cải chánh và thậm chí vượt trên cả việc trở về với Kinh Thánh như là nguồn tối hậu của thẩm quyền và lẽ thật. Nó còn đi xa hơn nữa. Ý nghĩa đích thực của cuộc Cải chánh bắt nguồn từ chính Đức Chúa Trời. Đó là sự phục hồi của quyền cao cả, tối thượng của Đức Chúa Trời trên mọi sự. Đó là sự phục hồi địa vị độc tôn của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh, trong lịch sử và trong lòng con người. Đó là công tác cấp tiến của Đức Chúa Trời có quyền chủ tể trên hoàn vũ của Ngài.

Đức Chúa Trời Đòi Lại Những Gì Thuộc Về Ngài

Tuy nhiên, đây không phải là một mặc khải mới. Không phải là bí mật đối với các Nhà cải chánh. Họ thừa biết rằng không ai có thể tạo ra một cuộc cải cách cấp tiến. Đó phải là công tác của chính Đức Chúa Trời. Luther hiểu điều này rất rõ. “Hội Thánh có nhu cầu cải cách, nhưng nó không thể là công việc của một người… cũng không phải là của nhiều người….mà đúng hơn nó phải là công tác của Đức Chúa Trời mà thôi.”

Luther nói tiếp “không gươm giáo nào có thể kêu gọi hoặc giúp đỡ cho lý do này, chỉ có Đức Chúa Trời có thể làm như vậy mà không hề có sự can thiệp của con người nào cả”. Mặc dù là một người có những ân tứ lớn lao và tâm trí vĩ đại, ông cũng khó lòng đối phó với cuộc xung đột lớn lao và quan trọng này. Chính ông đã thừa nhận “tôi thật sự thú nhận rằng nỗ lực này không phải một hành động của riêng cá nhân tôi…. Nó là thực sự kết quả của một mình Đức Chúa Trời mà thôi.”

Luther không phải là nhà cải chánh duy nhất chia sẻ điều này. Calvin cũng nhìn nhận khía cạnh phi thường của cuộc Cải chánh và biết rằng không ai có thể hoàn thành một kỳ công như thế. Khi viết thư cho vua Charles V, Calvin đã làm sáng tỏ điều này khi nói với vua rằng cuộc cải chánh giáo hội là công tác của Đức Chúa Trời, không lệ thuộc vào hy vọng và ý kiến của con người, giống như sự sống lại của người chết vậy. “Các nhà cải chánh chỉ là công cụ trong tay của Đức Chúa Trời toàn năng và tể trị của Đức Chúa Trời.”

Thật vậy, không người nào, cũng không có đạo quân nào của con người có thể đương đầu với Giáo hội Công giáo La Mã cùng sức mạnh và ảnh hưởng trong tay họ. Cuộc cải chánh phải là công tác của chính Đức Chúa Trời. Nó đòi hỏi ý chí và hành động của Đức Chúa Trời là Đấng tể trị hoàn vũ. Phúc âm đang lâm nguy và vì thế Đức Chúa Trời đã hành động một cách mạnh mẽ để đòi lại lời của Ngài và thẩm quyền của Ngài. Điều này cũng đã xảy ra trong thời của Giô-suê, A-sa, Ê-xê-chia, Ê-xơ-ra, Nê-hê-mi và các sứ đồ.  Đó là điều Đức Chúa Trời đang hành động xuyên suốt lịch sử, và đó là điều đã xảy ra trong thời kỳ Cải chánh. Đức Chúa Trời đã can thiệp để đòi lại những gì thuộc về Ngài.

Nhà Cải Chánh Thật Sự

Nhà thần học người Ý Pietro Bolognesi nắm bắt trung tâm của điều đang lâm nguy này: Cuộc cải chánh “không chỉ là sự xung đột giữa con người và ý tưởng, nhưng giữa Đức Chúa Trời và chính ma quỉ.” Thật vậy, cuộc Cải chánh Tin Lành phụ thuộc hoàn toàn vào Đức Chúa Trời. Cuộc cải chánh thuộc về Ngài mà thôi. Ngài mới thực sự là “Nhà cải chánh vậy.”

Sự nhìn nhận về điều này của các nhà cải chánh đã biệt riêng họ ra một bên. Sự vĩ đại của họ không phải nhờ sự thông minh xuất chúng hay sự nhạy bén thần học. Sự vĩ đại của họ được bày tỏ qua sự khiêm nhu nhìn nhận sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và bàn tay Ngài hành động để thay đổi lịch sử. Những nhà cải chánh chỉ là những công cụ trong tay của Đức Chúa Trời toàn năng và tể trị, và họ biết cũng như công khai thừa nhận điều này. Họ không phải là những nhà đổi mới hay những kiến trúc sư của cuộc Cải chánh. Họ chỉ là những tôi tớ của Đức Chúa Trời.

Bolognesi nói, “Cuộc cải chánh phải được hiểu như một hành động từ trời mà xuống; nơi nào chống lại, tức Phản cải chánh, là nỗ lực phục hồi từ dưới đất mà lên. Cuộc cải chánh bắt nguồn nơi con người đang phục vụ cho Đức Chúa Trời, và cuộc phản cải chánh bắt nguồn từ con người đang phục vụ cho con người”. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không phục tùng ai cả. Cuộc Cải chánh Tin Lành là công việc của Ngài và của Ngài mà thôi. Qua cuộc cải chánh, Ngài hành động để tái lập sức mạnh và thẩm quyền của Lời Ngài. Đây mới là ý nghĩa đích thực của cuộc Cải chánh.

Có phải cuộc cải chánh đã qua rồi?

Với đà gia tăng đối thoại giữa các Hội Thánh trên thế giới, và với cuộc kỷ niệm 500 năm cải chánh vừa qua, câu hỏi đặt ra và thường được bàn cải, thảo luận là “Cuộc cải chánh đã qua rồi chăng?

Một vài nhà Tin Lành và Công giáo khẳng định rằng sự bất đồng về thần học đã dẫn đến sự chia rẽ trong Cơ Đốc giáo Phương Tây thì nay đã được giải quyết. Một thí dụ điển hình cho điều này là Bản Tuyên bố chung về giáo lý Xưng công chính năm 1999 (Joint Declaration on the Doctrine of Justification (JDDJ), là một tài liệu được soạn thảo và được sự đồng ý của Liên hiệp Giáo hội Luther Thế giới và Hội đồng thuộc Giáo hoàng nhằm khuyến khích tinh thần Đại kết Cơ Đốc (PCPCU) của Giáo hội Công giáo. Tài liệu này xác nhận rằng cả hai giáo hội bây giờ cùng chia sẻ một sự hiểu biết chung về sự xưng công chính nhờ ân điển bởi đức tin trong Đấng Christ. Mặc dù điều này Giáo hội Công giáo chưa bao giờ bãi bỏ lời nguyền rủa ghi trong Công đồng Trent (1545-1563), một trong những lời xác nhận rõ ràng trong giáo lý: “nếu ai nói rằng bởi đức tin thôi mà được xưng công chính thì kẻ nghịch đạo ấy đáng bị nguyền rủa” (Canon IX on Justification).

Bản Tuyên bố chung về giáo lý xưng công chính bởi đức tin gọi tắc JDDJ, cùng với nhiều cuộc đối thoại đại kết Cơ Đốc ngày nay nhằm nhắc nhở chúng ta vì sao cần phải thường xuyên tự hỏi Cuộc Cải chánh có thực sự qua đi không. Khi chúng ta khảo cứu cuộc cải Chánh Tin Lành, và khi chúng ta xem xét sự cải cách thực sự theo Kinh Thánh là gì và nó đòi hỏi điều gì, thì chúng ta nhanh chóng hiểu rằng, nó không phải là sản phẩm của những tuyên ngôn giáo lý, cũng không phải là cuộc đối thoại đại kết hay bài giảng thuyết thần học. Thông thường những cố gắng này đưa Đức Chúa Trời đến chỗ phụ thuộc vào con người và chương trình của con người. Chúng chỉ là những khởi đầu từ cơ sở mà thôi.

Sự cải cách thật sự là công tác và sự can thiệp của chính Đức Chúa Trời vào lịch sử,vào Hội Thánh và vào tấm lòng con người. Cuộc cải chánh hạ bệ, truất phế con người và đặt Đức Chúa Trời lại đúng vị trí tối cao trên mọi sự.

Trung tâm điểm của cuộc Cải chánh không phải là vấn đề xác định 5 Sola (duy chỉ). Nó không phải là vấn đề khẳng định thần học của Martin Luther hay Calvin. Nó là vấn đề khẳng định và xác quyết quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Nó là sự theo đuổi mối quan hệ với chính Đức Chúa Trời qua công tác chuộc tội của Chúa Giê-xu Cơ Đốc trên thập tự giá. Đây là điều đã xảy ra trong cuộc Cải chánh Tin Lành. Điều này mới là ý nghĩa đích thực của cuộc cải chánh—và là lý do vì sao nó sẽ tiếp tục cho đến khi Đức Chúa Trời cai trị tối cao và con người hoàn toàn đầu phục sự vinh hiển, Lời Chúa và thẩm quyền của Ngài. Đây là lý do vì sao ngày nay nó vẫn còn được kỷ niệm và vì sao chúng ta sẽ kỷ niệm cuộc cải chánh này cho kỳ chung kết đời.

Mục sư Reid Karr
Người dịch: Trịnh Phan
Nguồn: Desiring God

Bài trướcLễ Tấn Phong Mục Sư Tại Gia Lai
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Mục sư – Truyền đạo Tại Quảng Nam