Ước vọng của người mẹ!

1880

Vài dòng tâm tình đến quý phụ huynh và các bậc cha mẹ thuộc linh…

Thảm trạng những đứa con èo uột, còm cõi!       

Có không ít người mẹ đến nói với tôi trong thất vọng và mệt mỏi:

Em mất con mình rồi cô ơi! Vợ chồng em làm lụng vất vả lo cho nó bằng bạn bằng bè. Nào ngờ! Nó hư từ khi nào, vợ chồng em cũng không biết. Ở nhà, nó rất ngoan, nhưng người ta cho biết nó hút thuốc, uống bia, đánh bài… Dù năm nay nó chỉ mới học lớp 9.

Người mẹ khác tâm sự: Em đơn thân, cuộc đời mình đã lầm lỡ, một lần gãy gánh; nên em dành hết tình thương cho con gái. Em cho nó học thêm hầu hết các môn như bạn bè. Nó cần gì, em cũng cố gắng chu cấp đầy đủ. Năm nay, nó học đại học năm thứ nhất. Em phát hiện khi vào thành phố, nó không đi học mà la cà với bạn bè, ăn chơi và làm nhiều điều tội lỗi. Nó trách em không dành thời gian chăm sóc nó từ nhỏ, chỉ biết có tiền, tiền! Em đau lắm cô ơi!       

Là một người mẹ, cũng là người mang trọng trách chăn bầy nhỏ trong Hội Thánh của Chúa. Tôi nhận biết cách rõ ràng rằng, mỗi tuần một bài học Trường Chúa nhật thật sự không đủ để “nuôi” đời sống tâm linh các em suốt một tuần và càng không đủ để giữ các em được vững vàng trong đức tin.

Con chúng ta ra sao khi mỗi ngày phải tiếp xúc, vui chơi và kể cả học tập cùng với những người không biết Chúa?

Con chúng ta sẽ lấy gì làm chuẩn mực, khi tiêu chuẩn đạo đức của con người đang thay đổi mỗi ngày theo chiều hướng tiêu cực? 

Phải chăng con chúng ta đang sống đầy đủ về vật chất, nhưng thật sự đang èo uột, còm cõi?

Đứng trước thực trạng ấy, tôi thật sự ao ước có được một tài liệu để giúp trẻ tự tĩnh nguyện, lắng nghe Lời Chúa mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu những hoạt động khác; và khi kết thúc một ngày, trẻ cùng gia đình thiết lập giờ lễ bái để cha mẹ và các con được thảo luận Lời Chúa, được ngồi lại với nhau, lắng nghe tiếng của Chúa, lắng nghe nhau và cầu nguyện cho nhau… Đó là một ao ước đầy thách thức! Tôi bắt đầu lập kế hoạch và dâng trình kế hoạch đó lên Chúa; rồi  tiếp tục tìm hiểu và chờ đợi một tài liệu thích hợp.

Tìm được phương thuốc hay

Tạ ơn Chúa, Ngài đã làm thành điều lòng tôi ao ước và đáp lời tôi cầu xin. Một cơ hội tôi được biết đến tài liệu THẾ GIỚI MỚI TUỔI THƠ (TGMTT), cầm bộ tài liệu tôi vui mừng tạ ơn Chúa và bắt đầu kế hoạch đã định cho chính gia đình nhỏ của mình trong hai tháng. Thấy các con thích thú, giữ sự trung tín mỗi ngày và đồng thời được lớn lên trong Lời Chúa cách rõ nét. Tôi bắt đầu áp dụng điều đó cho các em thiếu nhi trong Hội Thánh. Khích lệ Phụ huynh và các giáo viên giữ sự cam kết cùng trẻ lớn lên trong Lời Chúa qua giờ tĩnh nguyện và gia đình lễ bái.

“ Bắt đầu một ngày mới với Lời của Chúa mọi thứ đều tốt lành”

Đó là câu khẩu hiệu được các em từ ba đến mười ba tuổi hô lên cách rập ràng trong tinh thần của sự quyết tâm “Nếu chưa học Lời Chúa thì chưa ăn sáng”. Dễ thương làm sao! Nước mắt tôi cứ tuôn ra, lòng thầm nguyện và tin vào sự bảo hộ của Chúa trên những cuộc đời trẻ thơ khi biết tìm kiếm ý muốn của Chúa mỗi ngày. Bắt đầu từ hôm ấy, Phụ huynh và cả các bạn nhỏ tập thức sớm hơn mọi khi chỉ mười phút thôi, ngồi vào một góc riêng của mình, tự đọc Kinh Thánh và đọc phần nhận biết, áp dụng trong tài liệu TGMTT, cầu nguyện rồi mới ăn sáng, đi học…Tối đến, cả nhà cùng nhau quây quần đọc lại phần Kinh Thánh mà buổi sáng trẻ đã đọc để cả nhà cùng thảo luận, giúp các con trả lời những câu hỏi trong tài liệu đã soạn, có thể mở rộng bằng những trò chơi, và cho trẻ tự trình bày bài học mình nhận được để khích lệ cả nhà…

Cách dùng thuốc

Học Kinh Thánh cần có phương cách phù hợp; giống như uống thuốc cần có chỉ dẫn riêng, để có tác dụng lâu dài. Cũng vậy, chúng tôi duy trì việc học loạt bài “Kinh Thánh Hằng Ngày Cho Thiếu Nhi” trở thành thói quen cho trẻ và hơn thế nữa, điều đó trở thành nếp sống của một thiếu nhi Cơ Đốc.

Chúng tôi tạo điều kiện để mỗi sáng Chúa nhật các em được tĩnh nguyện cùng nhau, phân công lịch hướng dẫn bài học Kinh Thánh theo tài liệu, sau đó các giáo viên sẽ ôn lại tất cả những gì trẻ đã tĩnh nguyện trong tuần tại nhà riêng qua chương trình đố Kinh Thánh. Những em lớn hơn cũng được phân công soạn năm câu đố mỗi tuần để cùng hiệp tác với giáo viên trong giờ đố Kinh Thánh. Nếu trẻ nào không trả lời được chúng tôi thầm hiểu là trẻ chưa giữ giờ tĩnh nguyện, rồi tìm cơ hội riêng khích lệ, hỏi thăm những khó khăn, trở ngại và trao đổi với phụ huynh để cùng học Lời Chúa với trẻ.

Quả thật, đó là một chặng đường đầy khó khăn, thách thức không ít nước mắt và khó nhọc. Chỉ những ai đứng vào công tác đó mới hiểu hết những khó khăn phải đương đầu.

Tận tình chăm sóc và kết quả

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã đồng hành, ban phước trên chương trình này đến nay đã gần ba năm! Nhìn thấy bông trái của Thánh Linh nảy nở trong cuộc đời của các em, nhìn thấy những cuộc đời được lớn lên trong sự thông biết Chúa, và nghe được lời chứng tốt từ Phụ huynh về nếp sống và thói quen tĩnh nguyện mỗi ngày của các em, chúng tôi nức lòng mừng rỡ về những điều Chúa đã làm trên Hội Thánh của Ngài, trên từng gia đình và đời sống cá nhân của từng trẻ nhỏ.

Không ngừng lại ở đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức mỗi quý một lần tạo sân chơi cho trẻ qua những game ôn bài, đố Kinh Thánh với nhiều hình thức khác nhau… nhưng vẫn xoay quanh các bài tĩnh nguyện trong quý đó, nhằm giúp trẻ ôn đi ôn lại Lời Chúa và áp dụng vào thực tế. Chỉ mong sao “… dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).

Quả thật, “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28). Việc gieo trồng Lời Chúa vào tấm lòng của trẻ nhỏ, khiến con trẻ trở nên những môn đồ của Đấng Christ chẳng phải sự cố gắng của một người mà được. Chúng tôi tin đó là việc của Chúa và chính Ngài đã thôi thúc, đặt gánh nặng đó vào lòng của những giáo viên Trường Chúa Nhật. Ngài “mở mắt” các phụ huynh để thấy nhu cầu tâm linh cần được đáp ứng của con mình. Ngài dấy lên những người được ơn để soạn thảo những tài liệu học Kinh Thánh có hệ thống nhằm giúp trẻ vui thích học Lời của Chúa…Ngài hiệp chúng ta lại với nhau để tiếp tục duy trì một dòng dõi thánh cho Đức Chúa Trời.

Điều kiện để hy vọng thành hiện thực

Để được như thế! Cần lắm những giáo viên Trường Chúa Nhật luôn yêu trẻ như Chúa đã yêu, sẵn sàng chịu khó nhọc, bằng lòng thay đổi chính mình theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh, trang bị Lời của Chúa và phục vụ trong tinh thần “được dạy Lời Chúa cho trẻ là một đặc ân”, tận dụng mọi cơ hội đem Lời Chúa cho trẻ qua chính đời sống áp dụng  Lời Chúa vào đời sống hằng ngày của mình.

Nếu muốn chuẩn bị một tương lai hạnh phúc cả thuộc thể lẫn thuộc linh cho con:

+ Cả cha mẹ phải quyết tâm đặt việc học Lời Chúa là ưu tiên hàng đầu trong gia đình của mình.

+ Sống làm gương cho các con trong nếp sống Cơ Đốc.

+ Dành thì giờ ngồi lại với con dù chỉ là mười phút mỗi ngày để cùng con học Lời Chúa.

+ Luôn quan tâm và trao đổi với giáo viên về đời sống tâm linh của con mình trong tinh thần cởi mở và sẵn sàng lắng nghe.

Vì con trẻ là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời trao cho chúng ta quản lý, hãy trở nên những người quản lý trung thành.

Thực trạng hiện nay, rất thiếu những tài liệu học Kinh Thánh, những trò chơi, những ấn phẩm Cơ Đốc phù hợp với trẻ về nội dung, màu sắc, hình ảnh, đa dạng… để chúng ta có thể đem Lời Chúa đến với trẻ cách ngọt ngào, dễ dàng, giúp trẻ thích thú trong việc học Kinh Thánh.

Cần lắm những người cầu thay, khích lệ để hết thảy chúng ta đủ ơn, đủ sức từ Chúa làm đúng vai trò người dìu dắt, giúp đỡ trẻ trở nên những người “thành nhân”. Phản chiếu hình ảnh của Cứu Chúa Giê-xu Christ trong mỗi cuộc đời của trẻ.

Đọc đến đây, quý phụ huynh quyết định sẽ làm gì cho con mình ngay hôm nay? Các bậc cha mẹ thuộc linh sẽ có những kế hoạch, những công tác nào dành cho bầy chiên của mình? Hội Thánh địa phương sẽ đầu tư thế nào cho tương lai của Hội Thánh? Những câu hỏi này cần sự trả lời của mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể!  

Ti-mô-thê Tạ

Bài trướcTình Yêu Thương Chẳng Kiếm Tư Lợi – 21/1/2021
Bài tiếp theoỦy ban Phụ nữ: Thư Chúc Mừng Ngày Phụ Nữ Tin Lành