Núi Tha-bô – Chúa hóa hình
Kinh Thánh: Lu-ca 9:28-36, Mác 9:2-9, Ma-thi-ơ 17:1-8
Tha-bô và Hẹt-môn đều vui mừng vì danh Chúa (Thi 89:12)
Từ thời đại Đa-vít núi Tha-bô là một ngọn núi thánh cho dânY-sơ-ra-ên, nó là một biểu tượng và chứng cớ về vinh quang của Thiên Chúa, và cũng để nhớ lại các bài ca chiến thắng của Đê-bô-ra khi bà hát nơi chân núi. Ngọn núi đặc biệt này chắc chắn phải là một nơi thánh cho Chúa Giê-xu, Cứu Chúa của chúng ta.
Núi Tha-bô nằm trong khu vực lân cận của Na-xa-rét, nên có thể Chúa Giê-xu thường nhìn thấy, thậm chí từng đến đó vui đùa hay khám phá trong thời niên thiếu. Làm sao Ngài không cảm thấy bị thu hút đặc biệt bởi núi nầy? Tại nơi đây, chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu kinh nghiệm sự kiện hóa hình vào cuối cuộc sống trần gian của Ngài.
Về phương diện nhân tánh có thể Chúa Giê-xu không biết trước là có những sự kiện lớn lao chờ đón Ngài trên núi Tha-bô, nhưng chúng ta có thể cảm nhận rằng đó là một ngày đầy niềm vui của Cha Thiên Thượng để biểu lộ vinh quang của Con trong sự hóa hình, vì Chúa Giê-xu là Con yêu quý của Cha. Biểu lộ vinh quang cao đẹp của Con trước nhân loại cũng là biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng biết bao nhiêu lần Cha đã không tôn vinh Con, sự vinh quang của Con bị che kín, vì đây là điều cần thiết trong kế hoạch của Thiên Chúa để cho đến khi Con hoàn thành việc cứu chuộc loài người tội lỗi.
Trước khi Chúa Giê-xu lên núi Tha-bô với các môn đệ, Ngài đã chịu nhiều đau đớn vì sự hiểu lầm và công kích bởi các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vì Ngài tiếp xúc với đoàn dân yêu quí. Và bây giờ khi Cha Thiên thượng sắp cho Con của Ngài chịu mọi đắng cay, hổ thẹn, khinh khi, sỉ nhục và tra tấn đến chết đau thương trên thập tự như một phạm nhân trong cuộc sống nơi trần gian để làm hy lễ đền tội cho chúng ta, lòng Cha có lẽ không làm gì khác hơn là thêm sức cho Con Ngài thông qua việc hóa hình và tiết lộ Con Ngài trong vinh quang cho ba môn đồ mật thiết nhất trên đỉnh núi cô quạnh này trước khi Con của Ngài phải chịu đựng sự thống khổ và bị khước từ bởi nhân loại. Thiên Chúa muốn tiết lộ danh tính thực sự của Chúa Giê-xu: Ngài là Con của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa với dung mạo tỏa sáng như mặt trời, và đến một ngày, Ngài sẽ rọi sáng thành Thánh của Thiên Chúa và cả vũ trụ với sự rạng rỡ uy nghi của tình yêu và vinh quang Thiên Thượng. Ngài là Con của Đức Chúa Trời, trong dáng vẻ khác thường đầy uy quyền, áo Ngài sáng rực và thanh khiết hơn cả tuyết. Sự sáng chói của vinh hiển đó bởi Ngài, trong Ngài, và từ Ngài.
Giờ hóa hình cho thấy sự vinh quang lớn lao Thiên Chúa tiết lộ thông qua đau khổ, vì sự hóa hình trên núi Tha-bô xảy ra khi đối mặt với đau thương, như Chúa Giê-xu ra đi theo con đường thương đau và sầu não (Mat 26:38) đưa dẫn đến Thập tự.
Núi Tha-bô, núi Chúa hoá hình, cho chúng ta biết rằng Cha không chỉ hóa hình Con độc sanh của Ngài, nhưng Ngài ban ân sủng của Ngài và biến hóa tất cả những người được cứu chuộc bởi Con của Ngài. Do đó, chẳng phải tên “Núi Tha-bô” gợi lên trong lòng chúng ta một sự khao khát sâu xa, để được chiến thắng, được biến đổi như hình ảnh của Thiên Chúa sao? Chúng ta là những con người đã được tạo ra trong hình ảnh của Ngài, và Chúa Giê-xu đã cứu chuộc chúng ta, để chúng ta có thể phản ảnh hình ảnh của Thiên Chúa một lần nữa. Thật vậy, những người được hóa hình: “khi ấy những người công chính sẽ tỏa sáng như mặt trời trong Vương Quốc của Cha mình.” (Ma-thi-ơ 13:43).
Tuy nhiên, sự hóa hình của Chúa Giê-xu cho thấy rằng cách duy nhất để chiến thắng và biến đổi thành hình ảnh của Thiên Chúa – là tiếp nhận Cứu Chúa và chịu khổ vì Ngài, như Phao lô nói: Phi-líp1:29: Ngài nhân Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa; Hê-bơ-rơ 2: 9b-10: vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng. Ấy vậy, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus đã vì mọi người nếm sự chết. Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm.
Trên đường đua thuộc linh, chúng ta được Thiên Chúa sửa phạt thanh trừ những điều ác ở trong chúng ta là những tội nhân, để cho linh hồn của chúng ta sẽ được tràn ngập nhiều hơn và nhiều hơn nữa bởi ánh sáng của Chúa Giê-xu và bản chất của Ngài cho đến khi chúng ta hoàn toàn được biến đổi. Sau đó hình ảnh của Ngài sẽ được nhìn thấy trong chúng ta: tình yêu, sự khiêm nhường, sự ôn hòa, lòng thương xót, sự tha thứ. Thật vậy, tình yêu sẽ tỏa sáng thật rạng rỡ từ những người được biến hóa, quyền lực và vinh quang như trong Chúa Giê-xu, ngay cả cơ thể của chúng ta sẽ được tràn ngập sự sáng. Đây sẽ là điều hiển nhiên cho đến tất nhiên, vì lời Kinh Thánh đã viết, chúng ta “sống lại là vinh quang” (1 Cô-rinh-tô 15:43)
Chỉ với tấm lòng đầy sự tôn kính chúng ta mới có thể được lên “núi Tha-bô”, ngọn núi nơi Chúa hóa hình, được tỏa sáng như mặt trời và được mặc “chiếc áo choàng” của sự hoá hình như Chúa Giê-xu. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể hiểu rằng, chúng ta, những con người tội lỗi, bẩm sinh thiên nhiên đang chìm trong bóng tối và trong sự thống trị của Sa-tan, được xem là xứng đáng để kinh nghiệm hoá hình và phản ảnh các thuộc tính của Thiên Chúa một lần nữa! Chúng ta không còn gì hơn là thờ phượng Thiên Chúa, Đấng đã ban cho ân huệ tuyệt vời nầy.
Cùng một lúc, “núi Tha-bô” đòi hỏi chúng ta sẵn sàng trả giá. Chúng ta, có như Chúa Giê-xu, sẵn sàng để đi xuống núi và bước vào thung lũng của sự sỉ nhục? Chúng ta có sẵn sàng đi theo đường thập tự, khiêm nhường, hạ mình dưới gánh nặng của thập tự như Chúa Giê-xu đã làm? Vì không có cách nào khác hơn là được biến hóa (biến đổi nên mới trong vinh hiển của Chúa Cứu Thế). Và chỉ những người được biến hoá sẽ thừa kế vinh quang của Thiên Chúa mãi mãi và mãi mãi. Do đó, thông điệp của núi Tha-bô rất quan trọng cho chúng ta ngày hôm nay!
Thiên Chúa mong muốn in sâu vẻ đẹp của hình ảnh của Ngài một lần nữa trong chúng ta, những đứa con tội lỗi của Ngài. Còn gì tuyệt vời hơn nữa? Sự hoá hình của Con Người là điều đảm bảo, vì bởi sự cứu chuộc của Ngài, Ngài đã đến để biến đổi chúng ta trở nên giống như Ngài.
Thời điểm của Chúa Giê-xu là khi Ngài phải chiến đấu tại vườn Ghết sê ma nê, Ngài cô đơn và sầu não, đối diện với chén đắng của đau khổ và cái chết. Là thành viên của thân thể của Ngài, chúng ta chỉ có thể nhận được ân sủng của sự biến hoá của Chúa, mà Ngài đã đắc thắng dành cho chúng ta, bằng cách đi cùng con đường của Ngài – con đường thập tự.
Lời cầu nguyện trên Núi Tha-bô
Lạy Chúa Giê-xu, chúng con cảm tạ Ngài vì tại nơi đây lòng chúng con nhận biết sự hoá hình của Ngài trong vinh quang Thiên Thượng. Chúng con cảm tạ Ngài vì một ngày trong tương lai chúng con sẽ được chiêm ngưỡng Ngài trong vinh quang cao hơn nữa. Ôi Chúa Giê-xu, chúng con tôn thờ Ngài trong vẻ đẹp của Ngài khi hoá hình.
Chúng con cảm tạ Chúa, sự hoá hình của Ngài cho chúng con thấy rằng chúng con sẽ được thay đổi từ vinh quang đến vinh quang kể từ khi Chúa đã mua chuộc chúng con để chúng con được trở nên giống như Ngài. Lạy Chúa, sự rạng rỡ của Chúa giống như mặt trời. Chúng con hết lòng ngợi khen Chúa đã cứu chúng con, để chúng con có thể tỏa sáng như mặt trời trong Vương Quốc Ngài. Chúng con tôn thờ Chúa vì Chúa ban sự kêu gọi quá lớn lao cho chúng con, những đứa con tội lỗi của Ngài.
Lạy Chúa Giê-xu, con muốn được nung đúc trở lại vào hình ảnh tình yêu rạng rỡ của Ngài với bất cứ giá nào. Do đó, nguyện xin Ngài thanh tẩy con, như một thợ kim hoàng thanh lọc vàng, trong lửa thánh hóa của Ngài, để hình ảnh của Thiên Chúa sẽ tỏa sáng ra qua con và con sẽ thừa hưởng vinh quang đời đời trong một ngày tương lai và suốt cõi vĩnh hằng. Con xin cam kết bước theo sự đưa dẫn bẻ trách, thánh hóa của Ngài.
Xin giúp con. Cảm tạ Chúa. Amen.
UB. Phụ Nữ TLH
Theo Mt. Tabor – The Holy land todayp. 304-M. Baselia Schlinck