Tùy Bút: Xuân Quê Hương.

2213

 

Sáng nay dậy sớm đi làm, lái xe khỏi ngã ba rẻ phải là con đường dài thẳng tắp, hai bên hoa Anh Đào nở rộ một màu hồng. Sáng nay mưa phùn, mưa xuân… thì thầm nhẹ nhàng còn mờ trong màn sương, phải quạt kín xe mới thấy đường lái. Từ xa đàn chim én bay về tíu tít trên những cành đào, chúng tìm thức ăn. Sáng sớm đã có tiếng chim ca líu lo ngoài phố, tươi mới rộn ràng. Mùa xuân đã về, mùa xuân Lancaster.

 

Xuân là cái gì đó hoàn toàn mới, từ đất đai cây cối cho đến con người dường như được sống lại sau ba tháng chết mòn của giá rét mùa đông. Hạt mưa xuân nhẹ nhàng, mưa bụi đượm nhuần cho đất đai cây cối đâm chồi nảy lộc. Những nụ đào, nụ mai chuẩn bị sẵn sàng khoe sắc, tỏa hương… Nàng xuân sang trọng trong chiếc áo hồng, trắng tinh khiết như các nàng dâu trải rộng Sarê trước thềm ngày cưới. Mưa bay phơi phới trong những làn khói mơ còn chưa tan khiến các cô gái tuổi trăng tròn thường chống cằm bên cửa sổ rồi thả hồn theo mơ. Mơ làm chú chim bé bỏng để bay khắp nơi, mơ có chiếc áo Sarê trắng đội lúp trắng điểm vài bông bebe trắng, giày trắng, tay cầm bó hoa hồng trắng. Mơ từ xa một chàng hoàng tử cưởi bạch mã từ trong rừng đào lao nhanh đến nơi hẹn hò bên bờ sông đầy hoa đào rơi, rồi phút chốc ấy hai người cầm tay nhau chàng nâng nhẹ nàng lên yên bạch mã dạo chơi ngắm cảnh đối đáp làm thơ, rồi cất lên tiếng ca bài ca trữ tình của đôi uyên ương… Tôi cũng mơ trong thời ấy, mà có giấc mơ nào thành đâu. Đến bây giờ cũng còn mơ nữa đây, nhưng mơ một cách thực tế không lãng mạn xa vời… Nhớ lời Mục sư Huệ khích lệ: “hãy tạo cho mình những giấc mơ và xin Chúa cho nó chắp cánh bay xa khắp nơi trên thế giới”. Tôi mơ gì để rồi chắp cánh bay xa? Giấc mơ đó Chúa có chấp thuận không? lát nữa cuối bài sẽ bật mí nhé các bạn.

 

Mùa xuân là tháng ngày đẹp mang nhiều cảm xúc cho bao thi sĩ, nhạc sĩ… bao nhiêu bài thơ, bài ca tôn vinh cái đẹp của mùa xuân rộn ràng như chào đón một tình yêu mới, một tình yêu vừa chớm nở, đầy cảm xúc ngọt ngào. Nhà thơ Nguyễn Du miêu tả mùa xuân với sắc màu của cỏ non trải dài như tấm thảm đến chân trời, đất trời hoà điệu một màu xanh. Hoa lê trắng muốt điểm xuyến trên cao… tạo nên một bức tranh xuân vừa đến còn rón rén như một tình yêu thương thầm nhớ trộm chưa hề mở lời để ý ngắm nhìn từ xa.

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

 

Nhà thơ Nguyễn Bính thì mùa xuân trong không gian mát dịu mưa bay phơi phới quyện vào làn gió ấm áp từ trên cao. Hoa xoan không phải lưa thưa, lác đác mà lớp lớp đầy sân.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

 

Nhà thơ Hàn Mặc Tử đưa chúng ta vào một mùa xuân có ánh nắng sưởi ấm làn khói mơ. Nắng xuân vàng trên mái nhà tranh. Không gian thật yên tĩnh mới nghe rõ sột soạt của tà áo. Giàn thiên lí trổ hoa trong nắng xuân.

Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trên tà áo biếc

Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang.

 

Xuân về hoa đào rụng đầy như xác pháo, làm tôi miên man nhớ về ngày Tết quê hương. Người Việt Nam có Tết là muà xuân, Tết Việt Nam hay Tết cổ truyền ảnh hưởng bởi văn hoá phong tục Trung Hoa. Mặc dù sống ở Mỹ gần 10 năm nhưng nhắc đến Tết thì có nhiều kỷ niệm khó quên, nó gắn liền cuộc đời từ thời ấu thơ, nó là cuộc sống, văn hoá, là món ăn tinh thần, là cái gì đó rất riêng chân chất thắm đượm tình quê. Làm sao quên!

 

Quý cụ cao tuổi thường mong chờ ngày Tết con cháu về sum họp, thăm viếng quây quần bên mâm cơm, bánh chưng ngày Tết

Mồng một thì ở nhà cha

Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy

 

Người Việt quen tinh thần “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn”, đó là tinh thần kính trọng ông bà cha mẹ là những bậc sanh thành trưởng dưỡng. Kính trọng thầy người dạy chữ nghĩa truyền đạt bao nhiêu kiến thức, bên cạnh đó tình thầy trò gần gũi thân thiện… Khi đến nhà ông bà cha mẹ hay bất cứ gia đình nào hoặc nhà có khách thì những người trẻ luôn luôn khoanh tay cúi đầu và đến từng người “cháu chào ông, chào bà, chào cô…” Có khi chào cả họ hàng cả chục người mà vẫn phải giữ lễ giáo, không được nói “cháu chào cả nhà” như thế thiếu trân trọng chào hỏi có gì mà tiếc lời lẽ; mẹ tôi thường bảo vậy. Lễ nghĩa đã ăn sâu vào lòng người Việt qua bốn ngàn năm lịch sử.

 

Gia đình tôi tuy sống ở Sài Gòn, nhưng ăn Tết ba miền đầy đủ các loại thức ăn: bánh chưng, thịt đông, giò chả, bánh cốm Huế, thịt kho trứng, măng nấu giò heo… vì bố tôi người Bắc, mẹ người Huế, sống ở Sài Gòn thành ra Tết ba miền gom lại cũng hay. Chính vì thế mà tôi biết nhiều món ăn lạ và cũng tập tành nấu cho gia đình. Thường thì hai mươi bảy tôi giúp mẹ gói bánh chưng, món ăn một năm một lần thích thú lắm. Mỗi lần còn chiếc bánh cuối cùng thì tôi chẳng muốn ăn, sợ hết, để tủ lạnh rồi ngắm nhìn, có khi để qua rằm mới xơi đấy… Có bao giờ được thức đêm, duy lần này thử thức bên mấy cục gạch ngọn lửa hồng, nồi bánh cao chồng ngồng khói bay nghi ngút thơm lừng, rồi chị em tâm tình câu chuyện vui của năm cũ hàn huyên cho đến sáng.

 

Tết đến mẹ may hai chị em chiếc quần trắng kem và áo đỏ, không chỉ thế thôi mà khăn trải bàn đỏ màn đỏ bao lì xì đỏ quả dưa hấu đỏ cành mai điểm thêm mấy tấm phước lộc thọ đỏ… đâu đâu cũng màu đỏ, gam màu may mắn phước lộc… Ờ mà cũng lạ, vì sao người Việt thích màu đỏ trong khi các quốc gia khác thích gam màu dịu hay màu lạnh. Màu đỏ rực rỡ màu nóng… màu huyết Chúa Giê-xu mà, huyết Chúa nhiệm mầu ban phước ân hạnh phúc cho chúng ta. Dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa cũng có ngày mười bốn tháng giêng Lễ Vượt Qua, tất cả cửa cái phải bôi huyết chiên con, khi ấy Đức Chúa Trời ghé qua thì chúc phước cho gia đình đó. Ngày đầu năm mà có lời chúc phước ban phước thì vui biết bao phải không bạn!

 

Thời ấy, đêm giao thừa pháo nổ khói mịt mờ, tôi và ông anh thích chơi pháo lép, những tép pháo dùng búa đập nhẹ nổ lách tách. Mỗi nhà đều có ít nhất dây ba tấc, nhà khá hơn thì đốt cả thước, có pháo đại nổ ầm điến người như lựu đạn, loại này tôi không thích làm tim tôi thót lại…pháo giòn giã thì đủ rồi nhẹ nhàng mang âm hưởng mùa xuân. Ngày Tết thích lì xì, thích nghỉ học, quần áo mới, đi chơi, thức ăn phủ phê… có lẽ con nít thích nhất, nhưng với người lớn Tết là cả một nỗi lo

Tết đến sau lưng

Ông vải thì mừng

Con cháu thì lo

 

Người lớn có nhiều nỗi lo ngày Tết nợ nần phải trả hết, thanh toán hết cho năm cũ. Lo từng cái ăn mặc, lo trong lo ngoài, trên dưới quà cáp “đền ơn đáp nghĩa”, để năm mới mọi sự khởi đầu tốt đẹp. Mẹ tôi luôn dạy bốn chị em cuối năm gửi quà cho ông bà nội ngoại, quà cho thầy dạy học con mình, quà cho xếp. Nếu có khả năng quà cho người nghèo khó nào đó thì một chút chia xẻ cũng đủ ấm tình người. Nếu còn thù vặt thì phải bỏ hết cay đắng, giận hờn, buồn phiền… kết thúc năm cũ bước vào ngày đầu năm mọi sự tốt lành vui vẻ, sức khỏe, hòa bình, thịnh vượng… những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.

 

Có những ngày xuân vui như các buổi nhóm đầu năm được nghe câu chuyện làm chứng lời cảm tạ về ơn Chúa trong năm qua đầy phước hạnh, dù lời lẽ rất ngắn gọn nhưng nét mặt tâm hồn sáng tươi chứa đầy cảm xúc chân thật. Cụ trưởng lão lớn tuổi trong Hội Thánh, luôn luôn tiên phong đầu tiên trước micro cảm ơn Chúa cho sức khoẻ dồi dào, con cái yêu mến Chúa, còn trí nhớ để đọc và thuộc Kinh Thánh mỗi ngày và cuối cùng cụ luôn gửi Hội Thánh một câu gốc. Hình ảnh cụ như tấm gương sống đạo và kính Chúa, khiến tôi luôn cảm phục và được nhắc nhở. Khi đến nhà thăm chúc Tết cụ, cụ thường khuyên bảo các con phải chăm lo học lời Chúa, yêu Chúa, hầu việc Chúa, siêng năng… vì khi về già như cụ thì muốn làm mà chẳng được đôi khi gây phiền toái cho con cháu, nhưng cụ luôn nói lời Chúa cho chúng nó nghe khi nghe rồi chúng im lặng và làm theo.

 

Không thể quên những ngày thăm viếng chúc Tết. Có lần sáng mồng hai tôi và các anh thanh niên lái xe đường dài vào Bình Trị Đông thăm một gia đình nọ. Phải qua hai cây cầu sắt, theo đường mòn đất đỏ dọc theo con sông, khi xe dừng lại trước một ngôi nhà, ồ không! không phải nhà mà túp lều tranh hai quả tim vàng và một thằng nhóc 2 tuổi. Bước vào nhà nhìn dáo dác rồi tôi cố nghẹn cho nước mắt chảy ngược vào trong, đầu năm mà khóc lóc thì người ta mắng cho. Ngồi nói chuyện một hồi tôi cảm nhận tình yêu của hai vợ chồng dành cho Chúa thật thắm thiết, anh chị không hề phàn nàn về cuộc sống mà bảo “Chúa cho…Chúa cho…Chúa làm…Chúa thương…” rồi anh đọc những câu Kinh Thánh mà anh thuộc từ hồi nào trong khi vừa làm báp-têm chưa tròn ba tháng. Anh còn ca nhà xiêu vách nát, kèo cột lung lay, Giê-xu ngự vào hoá thiên cung ngay. Ha-lê-lu-gia… Chúng tôi chúc Tết cầu nguyện và gửi anh chị quà, chỉ là món quà cỏn con thôi thế mà anh chị vui mừng như chưa bao giờ nhận quà rồi xúc động rươm rướm nước mắt. Ngày Tết quê hương sao thắm đượm tình!

 

Xin mượn lời ca của anh Thủ Chí sáng tác trước đây để gửi Tâm Sự Đầu Xuân đến các ông bà anh chị em:

Giòng thời gian trôi,

Như cái bóng câu hút qua cửa sổ,

Chợt biến đi

Sẽ không thể trở lại giúp ta ăn năn điều chi

Ngày đâu xuân sang

Những giây phút năm mới ta đón lấy

Từ ơn Cha trên cao Chúa nhân từ

 

Trong ơn Chúa yêu thương ngày qua

Tay Chúa chăm nom ta ngày đêm

Còn đâu thiếu thốn chi

Chương trình mọi suy tính cho tương lai

Nguyện hiến Chúa quản cai cả cuộc đời

.

Người bạn thân yêu ơi

Cầu chúc thắm thiết gửi bạn đấy nhé

Nguyện Chúa Xuân

Kết bông trái Thánh Linh luôn tươi thơm ngát hương

Từng bàn chân xuân xanh

Tia sáng thánh khiết Chúa soi bước

Đừng hồ nghi

Đặt niềm tin phó hết cho Ngài

 

Vị vua khôn ngoan của lịch sử viết trong Nhã Ca về mùa xuân cũng rất riêng mang nét đặc thù xứ Do Thái:

Vì kìa, mùa đông đã qua,

Mưa đã dứt hết rồi;

Bông hoa nở ra trên đất;

Mùa hát xướng đã đến nơi,

Và tiếng chim cu nghe trong xứ;

Cây vả đang chín trái xanh tươi của nó,

Và nho trổ hoa nực mùi hương

Hỡi bạn tình ta, người đẹp của ta ơi, hãy chổi dậy và đến!

 

Chim cu là một loại chim vóc nhỏ hơn bồ câu, chúng biết dời chổ ở tùy theo mùa. Mùa xuân chúng bay về Palestin không chỉ tìm thức ăn thôi mà bởi khí hậu ấm áp. Nét đặc thù trong câu thơ trên gợi cho chúng ta nghe tiếng chim cu êm dịu tha thiết không xôn xao tíu tít như đàn én.

 

Vả và nho là hai loại cây tiêu biểu được trồng khắp xứ đất nước này. Cây vả lá lớn dày, đến nổi vợ chồng ông A-đam và Ê-va lấy vả đóng khố che thân, bóng cây sum suê có thể che mắt con người. Hàng năm cuối đông lá rụng hết cho đến tháng ba nảy mụt trái ở bên lộc non, lá dài và quả cũng vậy, đến tháng sáu cuối xuân trái chín gọi là trái vả đầu mùa nhẫn nhẫn vị rất ngon.

 

 Đặc biệt khắp xứ Palestin đều có nho vì đất và khí hậu thích hợp trồng nho. Thời Cựu ước Môi-se kêu gọi mười hai thám tử đi do thám xứ, họ đến khe Ếch-côn, cắt tại đó một nhành nho có một chùm nho; và hai người khiêng bằng cây sào mới nổi. Vườn nho trổ hoa vào tháng ba, tháng tư… ngợp mùi hương. Thời điểm mà các cô gái hay các chàng thanh niên ra thăm vườn, chăm sóc vườn rủ nhau ca hát nhảy múa nhộn nhịp chào đón mùa xuân mới. Những câu thơ giản dị nhưng không đơn sơ như chúng ta nghĩ ấy là một cách tả cảnh của Sa-lô-môn nhưng hàm chứa bao ý nghĩa thiêng liêng. Vả và nho là hai loại cây nói lên sự no ấm an ổn của con người, nếu cây sai hoa sai quả thì bình an phước hạnh cho quốc dân. Vườn nho là sự chúc phước dư dật sự ban ơn qúy giá của Đức Chúa Trời dành cho con dân Ngài.

 

Chúng ta hãy dừng một chút ngẫm nghĩ xem ai đã làm nên mùa xuân? Ai đã vẽ một bức tranh tuyệt diệu chỉ có chín mươi ngày? Không chỉ mùa xuân thôi đâu mà cả ba mùa còn lại đều có nét đặc biệt khác nhau. Ai đã cho chúng ta những hoa thơm đủ loại vóc dáng hình hài màu sắc khác nhau, sắc màu tự nhiên. Ai cho chúng ta những quả ngọt, những vườn rau xanh đầy đủ dinh dưỡng nuôi sống chúng ta một đời, không chỉ thế mà tiếp nối qua nhiều thế hệ nhiều thế kỷ? Ai đã ban cho chúng ta sự sống? Có bao giờ bạn tự hỏi như thế không? Hoặc hỏi cha mẹ, bạn bè… về những câu hỏi mà bao người cho là vớ vẩn? Chắc chắn một ai đó, một Đấng lạ lùng kì diệu đầy khôn ngoan và quyền năng tạo nên mùa xuân xinh đẹp cho chúng ta hưởng phải không bạn!

 

Thật vậy Thượng Đế chính là Chúa Xuân, Ngài là Đấng Tạo hoá sáng lập vũ trụ, Ngài cũng ban cho chúng ta một mùa xuân tươi mới trong tâm hồn để chúng ta có thể chiêm ngưỡng xúc động và viết ra những vần thơ xuân bất hủ như Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…, những dòng nhạc tuôn chảy làn điệu du dương trầm bổng của nhạc sĩ như Hoa Xuân của Phạm Duy, Lời Tỏ Tình Của Mùa Xuân của Thanh Tùng, Lạc Mất Mùa Xuân của Dương Thụ… hay Xuân Đến Bên Nhà, Mừng Xuân của Mục sư Lê Phước Thiện, thể hiện qua các giọng ca vàng mà mỗi lần nghe đến làm con tim chúng ta thổn thức. Những tấm ảnh lưu niệm ngày xuân trải qua bao tháng ngày không bao giờ phôi pha và kí ức vẫn còn đấy như lời nhắc nhở hay hạnh phúc ngọt ngào.

 

Mùa xuân đem đến cho tâm hồn chúng ta nhiều ước mơ, hy vọng, tin yêu, một điều gì đó rất mới, có thể tư tưởng mới hướng đi mới hay cuộc sống mới… hoạch định cho năm mới bước vào tuổi mới… Riêng tôi thường hay nghĩ thế, xuân mới kế hoạch mới, hầu việc Chúa một cách mới hơn,… tức là còn vài điều còn ấp ủ trong năm qua để sang năm mới thực hiện và xin Chúa đồng hành giúp đỡ cho nên việc. Bạn có ước mơ gì không? Tôi chỉ có một ước mơ cỏn con được viết, được đọc ca hát, tập tành sáng tác để rao truyền danh Chúa, đó là niềm đam mê của tôi, tình yêu thiêng thượng làm sao câm nín được phải không bạn! Tôi tin rằng với niềm đam mê yêu Chúa chắc chắn Ngài sẽ thêm ơn, thêm sức cho tôi và qua bao tháng ngày Chúa đã cho tôi kinh nghiệm điều đó. Chúa cũng dùng người phối ngẫu bên cạnh ân thầm tận tụy giúp đỡ rất nhiều về mặt kĩ thuật, tư tưởng.

 

Mùa xuân theo năm tháng cũng trôi qua, cụ Nguyễn Du nói thế này khi về già:

Xuân sắc một năm chín chục ngày

Xuân quang phung phí đáng thương thay

 

Nuối tiếc thời gian khi mỗi năm chỉ có chín mươi ngày xuân. Cảm thức về thời gian sự tàn phai của đời người trong những ngày xuân sắc qua mau. Nhưng có một mùa xuân không phai tàn, xuân vĩnh viễn… ấy khi chúng ta ở trong Chúa Giê-xu, Ngài chính là mùa xuân trong tâm linh. Một nhạc sĩ mô tả mùa xuân trong Chúa là tình yêu, mà tình yêu thì vĩnh viễn cho dù chỉ một ngày huống chi trọn đời:

Một ngày đời con có Chúa,

Là mùa xuân mãi mãi không phai tàn.

 

Nếu bạn cảm thấy mình yếu mòn, buồn phiền, sầu muộn thì xin bạn hãy đến với Ngài bất cứ lúc nào. Ngài sẵn sàng giang rộng đôi tay ôm bạn chúc mừng bạn. Chúa xuân mãi mãi trong tâm hồn và chẳng có quyền lực nào ganh tị để cướp lấy nó được. Tôi tin như thế!

 

Mùa hát xướng đã đến nơi…

Hỡi bạn tình ta, người đẹp của ta ơi, hãy chổi dậy và đến!

 

Xem hoa xuân cười,

Nụ tầm xuân chúm chím,

Gió xuân vui đùa,

Mưa xuân nhảy nhót,

Nắng xuân xôn xao…

 

Lời hay ý đẹp

Dành riêng Chúa thôi

Vì Ngài xứng đáng

Để con ca ngợi

 

Hãy đến xem và sáng tác

Trao gửi tình yêu muôn thuở

Trọn cả tấm lòng

Dâng lên Chúa Xuân.

Amen.

 

Thi Thiên

 

Bài trướcBữa Ăn Cuối Năm (AL) Cho Người Tâm Thần Tại Quảng Nam.
Bài tiếp theoPhát Quà Cho Người Nghèo Tại Phường 14, Quận 10, Nhân Dịp Tết Giáp Ngọ 2014.