Truyện Ngắn: Nội Nghèo – BTMV48

3207

 

Tác giả: Vũ Hướng Dương
Phát thanh viên: Thiên Lý – Bích Ngọc – Lưu Ly

Sau những năm tháng bôn ba nơi đất khách quê người, ba tôi lại đem cả cái gia đình nhỏ xíu gồm năm con người trở về quê nội. Đây là lần đầu tiên tôi được về Quảng Nam, bởi lúc còn ở Quảng Trị, Huế,… tôi chỉ gặp được các cô, chú hoặc thím ra thăm, chưa được một lần gặp nội.

Nhà nội không rộng, nhưng khu vườn thì lớn lắm. Ở thành phố thì không thể nào có được một khu vườn như vậy. Tuy không có nhiều cây trái, nhưng chỉ với vài chục cây nhãn, ổi, mít, mãng cầu, trứng gà (lêkima)… cũng đủ làm cho ba chị em chúng tôi thấy vô cùng hấp dẫn. Chiều chiều, mấy chị em chúng tôi cứ ra vườn “ngắm cảnh”, nói thì cho văn vẻ như vậy, chứ ai nấy cũng chỉ chăm nhìn lên trời mà thôi, xem thử có trái nào chín chưa, đặng mà hái. Thằng cu Em thì nghịch ngợm hơn, không những ăn trọn những trái ổi xá lị ngon lành, mà những chùm nhãn chín trên cao, một mình nó cũng hưởng hết, ăn nhưng còn để nguyên vỏ, nguyên chùm, đến khi người khác hái xuống mới hỡi ôi, ai cũng tưởng là dơi ăn…

Nhà của chúng tôi ở chính giữa vườn, bà nội tôi ở một mình trong ngôi nhà phía gần cổng, để cho tiện việc đi chợ búa. Nội nói vậy, chứ ba tôi thì bảo, từ khi ông qua đời, nội muốn ở một mình cho thanh thản. Ba tôi còn nói, nếu như ngày xưa, thời phong kiến, thì nội đã được tặng danh hiệu “Tiết hạnh khả phong” rồi, vì nội vẫn sống nuôi con cho đến ngày khôn lớn, cho dù hồi ông nội mất, bà vẫn còn rất trẻ. Lúc đó tôi còn quá nhỏ, chưa hiểu gì nhiều về điều bà nói, chỉ đoán rằng, đó là điều gì thật là vinh dự lắm.

Nội là người rất tiết kiệm, mà tôi lại cho rằng, chỉ những người nghèo mới tiết kiệm như vậy. Hôm đầu tiên, khi ăn cơm xong, vừa thấy tôi để chén xuống, nội liền cầm lấy, và ăn sạch những hạt cơm tôi còn bỏ sót. Nội nói, bỏ phí một hạt cơm là phạm tội hoang phí đấy con, người ta cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt ra, mới có được hạt gạo cho mình ăn. Chúa cho mình dù không giàu có hơn người khác, nhưng cũng có miếng ăn ngày ba bữa, vì vậy, không nên phung phí… Đôi ba lần như vậy, khiến tôi chột dạ và làm theo, tuy rằng cũng chưa ý thức được những điều nội dạy, nhưng tôi vẫn thấy hay hay. Kể từ đó, chén cơm của tôi bao giờ cũng sạch sẽ trước khi bỏ xuống, và cho đến mãi bây giờ, tôi thầm cảm ơn nội đã dạy tôi điều ấy.

Mỗi lần nội mua gì về cho cả nhà ăn, ba tôi thường dặn, đừng có khen ngon. Lúc đầu, tôi cũng không hiểu được ý của ba. Hôm đó, nội mua rau sống ở chợ đem về. Rau nhà quê không thuốc, không hóa chất nên màu sắc xanh tươi, hương vị rất thơm. Cả nhà ăn rất ngon lành và tôi buộc miệng nói với nội, con chưa bao giờ thấy rau ngon như vậy. Thế là hai hôm sau, nội lại mua rau nữa, nhưng lần này nhiều gấp đôi lần trước, khiến cho cả nhà ăn mệt nghỉ. Ba thì cười cười, nhìn tôi và trách, cái thằng thiệt!… Vậy là bây giờ tôi mới hiểu được ý của ba nhắc nhở tôi lúc trước.

Nội nghèo, vì bữa sáng, tôi chẳng bao giờ thấy nội ăn bún, bánh mì như chúng tôi, mà chỉ thấy cơm hoặc khoai nấu (có nơi người ta gọi là khoai luộc). Những củ khoai lang to bằng cả bàn tay, bột rất nhiều, nội nói đó là khoai lang Trà Đõa. Tuy ăn ngon, nhưng chúng tôi chỉ thử vài ba lần thôi, chứ ăn “quanh năm suốt tháng” như nội thì đành bó tay. Tuy vậy, lâu lâu, có gì ngon, nội cũng luôn để dành cho mấy chị em chúng tôi, nhất là thằng cu Em, vì nội thương nó nhất, út mà.

Tôi nghe ba nói, ngày xưa, nội rất giàu, đất nhiều, xây vài ba chục căn nhà, cả một dãy phố dài để cho người ta thuê. Hồi đó, tuy giàu, nhưng nội sống rất giản dị, nội thường dạy con cháu, khi mình có, cũng đừng sống quá hoang phí, biết đâu sau này, gặp lúc khó khăn thì mình vẫn có thể chịu đựng được. Có lẽ ba má chúng tôi và các cô chú đều chịu ảnh hưởng của nội, nên ai nấy cũng đều sống rất đơn giản…Tôi hỏi ba, vậy gia tài của nội đâu (đúng hơn là “kho báu” vì hồi đó chúng tôi hay dùng từ này). Ba tôi cười, thì dùng để nuôi ba và mấy cô chú ăn học, chắc còn lại là để dành cho tụi con đó.

Nghe ba nói, ông bà nội tin Chúa từ hồi chiến tranh, khi tình cờ gặp được một người bạn đi phát truyền đạo đơn cho đồng bào. Gặp lại bạn cũ, nội tôi mời ông ấy về nhà nghỉ lại, chỉ một đêm nói chuyện, sáng ngày, ông nội kêu hết mọi người trong gia đình tuyên bố, từ nay ông theo đạo của Chúa Giê-xu. Bà nội tôi thì phản đối kịch liệt vì sợ ông bà không ai thờ cúng. Tuy nhiên, bị người bạn của ông nội thuyết phục, cuối cùng bà cũng chấp nhận đi nhà thờ một cách miễn cưỡng, vì lòng thương yêu chồng.

Ông nội tôi rất sốt sắng, được bầu làm Thư ký Hội Thánh trong thời gian dài, nhưng về sau, do có nhiều bất đồng trong Hội Thánh, ông lại sống một cuộc đời cô lập, ít giao tiếp với ai. Ba tôi nói, ông nội rất “trực tính”, thấy gì không vừa ý là ông nói ngay. Thời đó, nhiều tín hữu vẫn còn non nớt, hay dùng bia để đãi tiệc trong gia đình. Họ nói, sống với thế gian, phải hòa đồng thì mới có cơ hội làm chứng cho người ta. Nội tôi thì không đồng ý. Chính vì vậy, ông thường không đến dự những bữa tiệc có đãi bia của tín hữu trong Hội Thánh. Vị Quản nhiệm cũng vì vị nể những người khác, nên không có biện pháp mạnh mẽ, không những vậy, ông cũng không ngăn cấm con cháu trong gia đình. Nội buồn lắm, tuy vẫn giữ sự nhóm lại cùng Hội Thánh, nhưng sự nhiệt thành buổi ban đầu đã không còn.

Sau khi ông qua đời, bà nội rất hụt hẫng. Mọi người trong Hội Thánh cứ tưởng rằng, nội tôi sẽ “rớt” luôn. Mà thật vậy, một thời gian dài, hầu như nội không tiếp xúc với ai, chỉ đi nhà thờ rồi về. Tuy vậy, nội không bỏ qua một buổi nhóm nào của Hội Thánh. Rồi một hôm, nội nghe được bài giảng của vị Mục sư mới về quản nhiệm Hội Thánh, nội như bừng tỉnh. Ba tôi cũng chỉ nghe kể lại, hình như vị Mục sư đó nói về tinh thần hầu việc Chúa của mọi người. Cả Hội Thánh như bừng tỉnh sau bài giảng, và đặc biệt ở nội tôi. Tất cả những mặc cảm xưa kia hầu như đã không còn tồn tại, nội đã khóc, ăn năn với Chúa, tự hứa sẽ nổ lực rao giảng Tin Lành để bù lại những năm tháng yếu đuối của mình. Từ đó, nội tham gia vào Ban Chứng đạo, hằng tuần, bỏ ra vài ba ngày, cùng mọi người đi phát sách chứng đạo, làm chứng về Chúa cho mọi người. Hồi xưa, ba tôi kể, nội và mấy cụ chỉ đi bộ, vậy mà đã dẫn dắt được cả trăm người về với Chúa. Sau này, khi tuổi đã cao, nội trở về với nếp sống cũ, buôn bán qua ngày. Nhờ có nội, mà cả gia đình chúng tôi, vẫn thịnh vượng về thuộc thể lẫn thuộc linh, con cháu, dâu rể, đều vẫn giữ được niềm tin trong Chúa, tuy rằng đức tin mạnh yếu có khác nhau, nhưng không một ai bỏ Chúa. Trong những người con, nội thương ba tôi nhất, không phải vì ba tôi là trưởng nam, mà vì ba tôi hay đi làm xa đây đó, ít khi được về gần nội. Khi ba má tôi qua đời, nội gần như sụp đổ tinh thần. Nội sống lặng lẽ hơn, nhưng lại chăm chút cho mấy chị em chúng tôi nhiều hơn. Nhờ có nội mà chúng tôi yên tâm học hành đến nơi đến chốn, nội đã lo cho ba má tôi, nay lại đến lượt lo cho chúng tôi. Điều tôi nhớ nhất, đó là lời dặn của nội, làm gì thì làm, nhưng tuyệt đối không được bỏ Chúa, bỏ Chúa là mất phước. Chỉ mấy lời, nhưng tôi biết, đó là một kinh nghiệm được đúc kết từ bao đời, từ hồi ông nội tôi đến bây giờ.

Hồi trước, ở đầu làng, có một ngôi nhà thờ, vắng bóng người đã lâu. Quản nhiệm không có, nên mọi người phải lên nhà thờ trên huyện mà thờ phượng Chúa. Chỉ có chú Tám là chịu khó ở lại, giữ nhà thờ, chăm sóc vườn cây, dựng lại hàng rào, thành thử nó cũng không đến nỗi hoang tàn. Đến khi Giáo hội cử một Thầy Truyền đạo trẻ về, cả Hội Thánh như có luồng sinh khí mới, ai nấy đều trở nên sốt sắng lạ thường, hăng hái, nhiệt tình và hết lòng thờ phượng Chúa. Tất cả già trẻ, lớn bé trong làng, đi nhóm lại cũng được gần trăm người. Nhiều nhà lâu nay không đi nhóm, nay cũng “tự nhiên” mạnh mẽ trở lại. Nội tôi cũng vui lắm, vì những ngày trước, muốn đi nhà thờ phải nhờ con cháu chở; nay thì không cần, chỉ cần đi bộ cũng tới được. Sáng Chúa nhật nào, con đường làng cũng trở nên đông vui hơn mọi ngày. Thường ngày, mọi người vác cuốc, dắt trâu ra đồng, còn hôm đó, ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ để đến nhà thờ.

Ngôi nhà thờ trong làng được xây dựng cũng trên 50 năm rồi, nên bây giờ đã xuống cấp trầm trọng. Hội Thánh vận động tín hữu dâng hiến để thay mái ngói, sửa lại tư thất và khuôn viên nhà thờ. Nội tôi có lẽ là người tích cực nhất. Bỏ cả việc buôn bán ngoài chợ, suốt cả tháng trời, nội không về nhà, ở lại luôn nhà thờ để dâng công. Nội nói, nội già rồi, không làm được việc gì thì cũng nấu được miếng nước cho người ta uống, đi chợ mua đồ về cho họ ăn… Hết “chiến dịch”, hình như nội lại khỏe hơn xưa rất nhiều. Tôi thấy nội vui hẳn lên. Nội nói, người chết không đem theo được gì hết, nên dâng cho Chúa là việc phải làm, vì nghĩ cho cùng, mọi sự mình có đều là của Chúa ban cho, với cơ nghiệp, con cháu thành đạt như hiện nay, nội đã thỏa lòng, không mong gì hơn.

Giáng sinh năm đó, sau khi đi nhà thờ về, nội nằm nghỉ trên tấm phản nhỏ. Khoảng 15 phút sau, lúc cô, chú tôi vừa về đến nhà, thì nội đã không còn. Nội ra đi mà không chút ốm đau. Hàng xóm nói là nội tôi có phúc, không làm phiền con cháu. Mấy chị em chúng tôi ở xa về, chỉ gặp mặt được nội lần cuối, khi nội đã không còn biết gì nữa, nhớ lại mà thật xót lòng.

Nội qua đời, chẳng để lại một chút gì, trong tủ của nội cũng chỉ có một ít tiền lẻ mà thôi. Không nói ra, nhưng trong nhà, ai cũng ngạc nhiên, không ngờ nội lại nghèo quá vậy. Theo nguyện vọng của nội, tang lễ cũng được cử hành đơn sơ, gọn gàng. Khi làm lễ, Thầy Truyền đạo rất xúc động khi nói về tấm lòng của nội. Không chỉ dâng công, nội còn dâng khá nhiều tiền, có thể nhiều nhất trong Hội Thánh, nhưng yêu cầu không cho ai biết cả. Đó là tiền để dành của nội bao nhiêu năm nay, bởi trước đây nội rất giàu mà, ba tôi thường nói vậy.

Nhưng đó cũng chưa phải là chuyện bất ngờ nhất. Mấy ngày sau, có rất nhiều người lạ đến thăm nhà chúng tôi. Họ là những người buôn bán với nội ở chợ, hoặc quen biết từ những Hội Thánh xa. Hóa ra, trong những năm qua, nội đã dùng tiền dành dụm của mình giúp cho những người đó mượn trong những lúc khó khăn. Nay, họ đến chia buồn và gởi lại một phần tiền mà nội đã cho mượn ngày trước. Tôi nghe chị Hai nói, tổng cộng số tiền lên đến mấy chục cây vàng.

Chiều đó, thằng cu Em hỏi chị Hai tôi:

–    Sao nội cho người ta mượn mà không có sổ ghi chép chi hết rứa chị?

Chị Hai tôi cười:

–    Thì tính nội mà, không biết à. Hà tiện với mình, nhưng lại rộng rãi với người khác.

–    Rứa thì chắc còn nhiều người khác thiếu tiền nội mà không trả.

–    Ai biết, nhưng bà không quan tâm thì mấy chị em mình quan tâm làm chi. Cho đi là không luyến tiếc.

Câu nói của chị Hai có vẻ hơi văn vẻ, nhưng tôi thấy cũng có lý. Tôi hỏi:

–    Rứa bà nội giàu hay nghèo hả chị?

Chị Hai tôi ngẫm nghĩ rồi nói:

–    Nghèo thì cũng có, mà giàu thì cũng có.

–    ??

–    Nội sống như rất nghèo, nhưng lại thật giàu lòng thương người. Trên đất này nội là người nghèo, nhưng chắc chắn nội là người giàu có trên thiên đàng.

Vâng, nội là người giàu có trên thiên đàng. Tôi ước ao sau này, mình cũng sẽ được như nội, có khó không nhỉ. Nhưng nội đã làm được thì tôi cũng sẽ cố gắng.

Bài trướcHội Đồng Bầu Cử Ban Đại Diện Tin Lành Tỉnh Sóc Trăng
Bài tiếp theoKhích Lệ Nhau Thờ Phượng Chúa – 7/9/2017