Truyện Ngắn Cơ Đốc: Màu Hoa Tím – BTMV 64

3423

 

Tác giả: Nhật Hạ

Phát thanh viên: Thu Uyên – Minh Thông

Cây bằng lăng trước sân nhà tôi bắt đầu lấm tấm những cành hoa tim tím. Màu tím yêu thương, tím gợi nhớ, tím đợi chờ… Tôi yêu màu tím man mác, nhè nhẹ của loài hoa ấy. Mà lạ thật, năm nào cũng thế, bằng lăng trổ bông đúng vào dịp lễ kỷ niệm sự Thương khó và Phục sinh của Cứu Chúa Giê-xu Christ. Cứ mỗi lần nhìn thấy màu hoa tím là tôi biết mùa Thương khó đang đến gần. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà bằng lăng tím lại nở hoa vào mùa này, mà nó như muốn gợi nhắc chúng ta một điều gì đó…

Tôi chợt nhớ đến chị – người bạn cùng trang lứa trong Ban Thanh niên thuở trước, cùng thích hoa bằng lăng tím giống tôi. Hồi đó chị hát hay lắm. Thích nhất là mỗi khi nghe chị hát bài Chúa Cao Quý vào dịp lễ Thương khó: “Giê-xu vì nhân thế chịu đau đớn xót xa, Ngài mang lấy bao ô tội ở Gô-tha. Bàn tay chịu đinh đóng làm đau buốt thấu tim, đầu mang lấy mão gai ghim tận trong xương. Dòng châu Ngài lai láng, bờ mi thắm mắt xanh… Tình yêu thật cao quý Chúa mang hình thay tôi dẫu cho bao đau đớn, sầu muôn lối. Vì tôi Ngài không tiếc chính ngôi trời vinh quang. Thế tôi mang đau đớn sầu đắng cay…” Bài hát hay và sâu lắng đến lạ, mỗi khi chị cất giọng lên hát bài hát nầy là tôi nổi cả da gà, tôi có cảm giác dường như sự kiện Cứu Chúa chịu đóng đinh vì tôi mới vừa diễn ra vậy. Nhưng lâu rồi tôi không nghe chị hát…

Hoài Thương – cái tên vừa hay, người lại vừa đẹp. Chị có vóc người cao ráo với mái tóc dài đen bóng. Lúc nào cũng cười để lộ chiếc răng khểnh dễ mến. Chỉ với vài điểm ấy thôi cũng đã làm say đắm lòng biết bao chàng trai cùng trang lứa. Đã thế, Thương còn hát hay và đánh đàn khá đỉnh. Nhiều anh chàng trong Hội Thánh yêu mến và trồng cây si ở nhà Thương suốt mấy năm liền. Nhưng người Thương chọn để sánh bước trên đường đời không nằm trong số những chàng trai ấy mà là một người đàn ông thành đạt ngoài xã hội. Kể từ đó chị sống xa quê, xa Hội Thánh và dần dần xa Chúa, không đàn cũng chẳng hát. Ta-lâng Chúa giao, chị cất giấu đâu mất. Bẵng đi những năm dài tôi không gặp Thương, bởi chị rất ít khi về quê. Thời gian đầu khi mới cưới, thi thoảng tôi có thấy Thương ghé về nhóm vài lần, nhưng chị đến khi buổi thờ phượng Chúa đã bắt đầu và ra về khi chưa đến giờ chúc phước, nên chẳng mấy ai gặp được, ngay cả tôi là cô bạn thân nhất. Vài lần tôi gọi điện nhưng không nghe chị trả lời. Hỏi thăm ba mẹ chị, lần nào cũng chỉ nhận vài câu tương tự: Nó bận, nên ít về lắm cháu à! Thấy hai bác có vẻ buồn nên tôi không tiện hỏi gì thêm. Phải chăng có những nhọc nhằn nào trong cuộc sống hay những nỗi buồn nào khiến chị không muốn liên lạc với bạn bè.

Thời gian dần trôi, nhan sắc con người tàn phai theo năm tháng, tình yêu giữa con người với con người cũng mờ nhạt theo, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là không thay đổi. Người chồng thành đạt của chị đã chạy theo người phụ nữ trẻ đẹp khác, để chị một mình cô đơn cay đắng. Cảm ơn Chúa vẫn luôn yêu chị, đợi chờ chị quay về trong nhà Ngài. Gần một năm nay, chị về nhóm với Hội Thánh, với Ban Thanh tráng cùng cô con gái nhỏ mười hai tuổi. Cô bé cũng lịch thiệp, vui tính và xinh đẹp giống mẹ bé ngày xưa. Đứa lớn là cháu trai nên phần nuôi không thuộc về chị. Tôi thấy chị ít cười, lạnh lùng hơn và ít nói như hồi trẻ. Có lẽ những nhọc nhằn trong cuộc sống khi ra ngoài ý Chúa trong mười mấy năm qua đã lấy đi nụ cười duyên dáng trên đôi môi chị, thay vào đó là những giọt nước mắt cay đắng và hối tiếc luôn chờ sẵn nơi bờ mi…

Tôi định nhấc máy gọi cho Thương, nhưng có một chút e dè khiến tôi lại thôi ý định đó. Đến sáng Chúa nhật, sau giờ thờ phượng Chúa, tôi gặp chị: – Bằng lăng năm nay nở hoa rồi kìa Thương. Chị nhìn tôi với ánh mắt khó tả: – Ờ, mình cũng vừa chợt nhìn thấy sáng nay trên đường đến nhà thờ. – Cậu vẫn nhớ mình thích hoa bằng lăng đấy à! Vậy là một mùa Thương khó nữa lại đến rồi nhỉ… Tôi thấy nỗi buồn chợt thoảng qua trên gương mặt Thương nên vội đáp: – Nhớ chứ, cái tên Hoài Thương của cậu sao mà quên được. – Mình cũng thích bằng lăng tím mà. Rồi tôi nói tiếp: – Tối Chúa nhật Phục sinh sắp đến, Ban Thanh tráng đảm trách chương trình truyền giảng, mình hướng dẫn chương trình, Thương góp phần hát ca ngợi Chúa một bài nhé! Tôi chưa kịp dứt lời, Thương đã đáp vội: – Cuộc đời mình bây giờ cay đắng có khác gì Na-ô-mi mà cậu kêu mình hát, thôi… thôi mình không hát đâu. Nghe chị nói căng thế, nên tôi nhẹ giọng: – Na-ô-mi chỉ cay đắng khi còn ở xứ Mô-áp thôi, chứ khi quay về quê hương, Na-ô-mi được đối đãi ngọt ngào lắm. Làm gì có ai quay về trong nhà Chúa mà còn cay đắng đâu Thương ơi. Có khi những cay đắng, những tổn thương trong cuộc sống đó là cơ hội để cậu quay về mà. Chúa vẫn luôn yêu thương và đợi chờ chúng ta. Cầu nguyện với Chúa rồi chuẩn bị bài hát đi nhé. Biết đâu khi cậu hát sẽ có nhiều người được khích lệ.

Năm ngày sau, Thương gọi cho tôi: – Mình sẽ hát bài Chúa Cao Quý mà khi xưa mình hay hát đó! Nhớ cầu nguyện cho mình nhé. Tôi thấy vui vì Thương nhận lời. Vậy là chị đang dần dần tươi mới trở lại khi quay về trong nhà Chúa.

Buổi truyền giảng diễn ra tốt đẹp, Chúa đã ban phước rất nhiều. Có đông thân hữu đến tham dự và nhiều người tiếp nhận Chúa hơn những lần trước. Vẫn bài hát ấy khi chị cất giọng lên, tôi nghe như mình được sống lại về một thời niên thiếu đã qua. Giọng chị bây giờ tuy có hơi trầm hơn một chút nhưng vẫn sâu lắng và ấm áp đến lạ… Mọi người ai cũng khen. Cuối buổi truyền giảng, chị gặp tôi mỉm cười: – Chúa cho có nhiều người tin Chúa vui quá ha! Ngập ngừng giây lát chị nói tiếp: – Mong sao những người mới tin Chúa luôn đứng vững trong Ngài và cả những bạn trẻ trong Hội Thánh đừng ai “mang ách chung với kẻ chẳng tin” (II Cô-rinh-tô 6:14) để phải xa rời nhà Chúa như Thương. Bao nhiêu năm qua, Thương đã hát rất nhiều lần câu này trong bài Thánh ca 258: “…Đời tôi nếu ra ngoài Chúa hư hỏng, buông tuồng…” Và chị đã kinh nghiệm như vua Đa-vít rằng: “Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác”  (Thi Thiên 16:2).

 

Bài trướcQuảng Nam: Chia Sẻ Tình Yêu Chúa Cho Đồng Bào Tại Thạnh Mỹ, Nam Giang
Bài tiếp theoMưu Cầu Hòa Bình – 2/4/2019