Truyện Ngắn Cơ Đốc: Mùa Thu Chuyển Tiếp – BTMV 64

2007

 

Tác giả: Quỳ Thiên

Phát thanh viên: Thiên Hương – Lâm Thư Bích

Chị Thanh thương!

Hẳn chị ngạc nhiên lắm vì bức thư này phải không? Thời đại này, liên lạc với nhau qua internet một loáng xong ngay, nhưng em vẫn muốn viết thư tay cho chị. Đôi dòng này để cảm ơn chị, cũng là kỷ niệm cho nhau. Chữ em viết cũng không tệ chị nhỉ? Hi!

Em trai xin cảm ơn chị gái nhiều lắm (em xin được gọi chị như thế vì chị đã như chị ruột của em từ lâu). Nhờ có chị mà ba má con em đã biết đến Chúa, được sống đời sống mới bình an và có niềm hy vọng về cõi đời đời trong nước Ngài. Cá nhân em, nhờ Chúa biến đổi đời sống mà đã thoát khỏi sự tối tăm trong thế giới ảo của games, bạo lực và cô đơn. Giờ đây, Chúa còn cho em cơ hội học tập nơi nước Úc văn minh, tự do, giàu có. Thật điều đó là phước hạnh quá lớn cho em, chị nhỉ! Chắc chị đã thầm cảm ơn Chúa hàng ngàn lần vì điều đó phải không?

Tuy vậy, em vẫn nhìn thấy có chút gì đó u buồn, day dứt trong chị mỗi khi nhìn thấy em. Vì em quá giống anh Khương phải không? Chị từng chia sẻ, bút danh Khánh Thương của chị chính là ghép hai cái tên Khương và Thanh, đọc lái, thêm dấu sắc biểu hiện sự tiến bước về phía trước. Bút danh này chị chủ ý để nhắc bản thân mình về câu chuyện của anh, để nhớ bài học nói về Chúa cho người đang cần nghe Tin Lành cứu rỗi, phải không chị? Chị nói rằng, sau này khi lớn lên, chị vào học y khoa trên thành phố, tham gia vào ban hướng dẫn thanh niên, được học biết Lời Chúa nhiều chị mới nhìn nhận lại chính mình. Đối với anh Hai của em, chị thấy rằng, sai lầm của chị là đã không kiểm soát lời nói, còn thiếu sót nghiêm trọng của chị là đã không nói về Chúa cho anh Khương khi anh lâm bệnh nặng, mà lúc đó chị chỉ cầu thay cho anh ấy mà thôi. Em biết, em hiểu nỗi lòng của chị từ sau lần chị đến tìm ba mẹ con em và làm chứng về Chúa. Chị à, em nghĩ có lẽ Chúa đã đặt gánh nặng về anh Hai của em trong chị, để hôm nay mọi người có một bác sĩ ung bướu hết mực thương yêu bệnh nhân, một tín đồ hết mình trong công tác truyền giảng, một nhà văn với những “đứa con” có chiều sâu và lời văn minh triết, là tác giả Khánh Thương chị hôm nay đấy. Trong ngành Y mình, khi một ai đó bằng lòng hiến thân cho khoa học, người ta thường ví von họ như hình ảnh của một ngọn nến sắp tàn truyền lại ngọn lửa sự sống cho những đèn cầy tắt lịm khác, để thắp lên ngọn lửa sự sống. Anh Khương đã ra đi, một linh hồn hư mất nhưng lại khiến chị mang một kho giống Tin Lành, khao khát rải ra khắp muôn phương, hiện tại nhiều hạt đã kết quả, “hạt ra một trăm, hạt ra sáu chục, hạt ra ba chục”. Vậy, chị ơi, chúng ta cũng đã được an ủi phần nào phải không? Thật cảm ơn Chúa! Em mong chị gái em đừng mãi day dứt như thế nữa! Em sẽ nặng nề, ưu tư về chị đấy.

Qua bức thư này, em trai chỉ muốn nói rằng, em mong mỏi chị gái hãy luôn vui vẻ sống trong ơn yêu thương, tha thứ của Chúa và luôn là chỗ dựa trần thế cho em trai nhé, chị yêu! Em đi nhé, hẹn gặp lại chị trên diễn đàn khoa học quốc tế! Chúa ở cùng gia đình nhỏ của chị, trên chị và đặc biệt trên công tác truyền giáo của chị trong Hội Thánh!

Kí tên:

Nhật Anh, em trai của chị, bác sỹ tương lai của Chúa.”

Đọc đến đây, Thanh thấy môi mình mặn chát vì đôi dòng nước mắt đã chan hòa nơi khóe miệng từ lúc nào chẳng hay. Cô khóc vì xúc động của cảm kích hay vì thương đau của hối tiếc? Hình ảnh một buổi sáng mùa thu tang tóc cách đây hai mươi tư năm như hiện về rõ mồn một:

– Ê mày, xe bệnh viện chở thằng Khương về nhà rồi. Tụi mình lên thăm nó đi!

– Ừ, ừ… Mấy giờ đi? Mua gì cho nó?

Tiếng xì xầm bàn tán của đám học sinh lớp 7 làm cả khoảng sân trường náo động, nhưng là chuyện không vui. Thanh chỉ im lặng, rụng rời nghe theo sắp xếp của lớp trưởng. Thanh không thể tưởng tượng nổi rằng, lời nói ác mồm hôm nào của Thanh và một bạn nữ kia, hôm nay lại thành sự thật. Khương là người bản tính hiền lành, chăm chỉ, chỉ mỗi tội là… học giỏi quá, giỏi quá mức quy định nên có nhiều bạn không thích, trong đó có Thanh. Một buổi chiều nào đó, sau một hồi nói xấu Khương thoải thích, bọn bạn của Thanh kết luận xanh rờn: “Thằng đó giỏi quá, thấy ghét, ước chi hắn chết quách đi cho xong”, rồi cả bọn hả hê cười. Và rồi hôm nay, bệnh viện trả Khương về, Khương bị ung thư gan, đang ở giai đoạn cuối, sự sống của Khương lúc này chỉ đếm bằng ngày.

Bọn Thanh đến khi Khương đang khó nhọc nuốt từng muỗng cháo loãng. Thấy bạn lên thăm, Khương mừng lắm, mặt tự nhiên sáng lên vui tươi. Tuy rất muốn nhưng Khương không thể ngồi dậy được, thân thể lúc này quá yếu ớt. Thanh không còn thấy người bạn trắng trẻo, hồng hào ngày nào nữa, mà tại đây một tấm thân gầy đét, chi chít những sẹo mổ ngang rốn, bụng trướng lên to lắm (sau này học y khoa, Thanh mới biết đó là tình trạng “cổ chướng” của bệnh nhân bị giảm đạm máu trầm trọng). Khương bảo rất khó thở và đau, nên suốt buổi Khương chẳng nói gì nhiều được.

Mẹ Khương kể, đêm qua Khương mơ thấy có ông bụt hiện ra chữa hết bệnh cho Khương, Khương lại được đi học, vui lắm. Bọn Thanh nghe xong, chỉ im lặng nhìn Khương một cách xót xa. Tội nghiệp Khương quá! Trong đầu óc trẻ thơ của bọn bạn Thanh, ai cũng nghĩ giá có ông bụt hiện ra, giá có phép màu xảy đến thì hay quá. Riêng Thanh, Thanh đã được ba dạy rằng, trên đời bụt chả có quyền uy gì cả, chỉ có Chúa mới là Đấng chữa lành mọi tật bệnh. Trong niềm ăn năn vô hạn về lời nói vô tình trước đây của mình, Thanh nhắm mắt lại và bắt đầu cầu nguyện cho Khương: “Lạy Chúa, xin Chúa cho Khương được sống,…”, Thanh cứ nhắm mắt như thế, các bạn cũng tò mò không biết Thanh làm gì nhưng không ai dám hỏi.

Mười bốn ngày sau, Khương qua đời, khi vừa qua tuổi 12 mấy ngày. Đám tang một đứa trẻ, các đứa trẻ và thầy cô òa khóc nức nở, chỉ có một đứa trẻ không hề rơi một giọt nước mắt nào. Đứa trẻ đó chỉ cuối gằm mặt suốt buổi đưa tang, thỉnh thoảng lại ngước đầu nhìn quan tài được đưa đi chầm chậm. Sáng sớm thứ Bảy ngày 29/9 năm đó, trời vào thu, hàng tá hương được đốt lên nghi ngút, người ta đi và khóc, mắt nhòe đi, không phân biệt được đâu là khói hương, đâu là sương sớm.

            Bạn ra đi mùa thu

            Lá vàng mãi rơi mãi

            Lối mòn xưa hóa đá

            Bóng ai cũ mịt mờ.

Ngoài trời, mưa đang xối xả, Lưu Ly đang ngồi học bài, ba nó bận trực ở bệnh viện nên không về. Đêm nay chỉ có hai mẹ con ở nhà. Cảm giác trống trải, mông lung, Thanh lôi cuốn tự truyện ra định trải lòng. Chợt, Lưu Ly thấp thò ngoài cửa. Nhìn thấy tập bản thảo cạnh tay mẹ, sát cuốn tự truyện, Lưu Ly hỏi ngay:

– Mẹ ơi, mẹ viết tác phẩm mới hả mẹ?

– Đúng rồi con gái. Tác phẩm này tên là “Mùa Thu chuyển tiếp” đó con gái.

– “Mùa thu chuyển tiếp” là gì hở mẹ – Cô bé gãi gãi đầu, vẻ ngô nghê khó hiểu.

– Thế Lưu Ly cho mẹ biết mùa thu thường có gì nào?

– Dạ… dạ…

Vò đầu, bứt tóc một hồi cô bé mới nghĩ ra:

– A, mùa thu có lá vàng rụng đẹp tuyệt cú mèo, hả mẹ?

– Đúng rồi! Thế con nói xem, lá muốn rụng thì trước tiên phải thế nào?

– Dạ… dạ…

Lại bí, con bé lí lắc cái đầu, nhăn mày ra bộ suy nghĩ nhiều lắm, hệt như mẹ nó mỗi lúc bí bách trước câu hỏi khó. Điệu bộ đó của con làm Thanh bật cười. Cuối cùng, cô bé cũng nặn ra câu trả lời, cơ chừng chưa chắc ăn lắm:

– Lá phải… phải… lớn hả mẹ?

– Đúng rồi! Giỏi lắm! Mà muốn lớn, lá phải hoạt động rồi ngủ nữa đó. Thế con có muốn lớn như lá không?

– Dạ muốn ạ!

– Vậy đi ngủ nào, lá non của mẹ!

Con bé lửng khửng đi vào phòng riêng, vừa đi vừa nghêu ngao bài hát mà nó nghĩ là dành cho nó: “Đóa hoa lưu ly nhã ái, nhắc người xin đừng quên tôi…”, đến phòng, cô bé cố vọng ra vớt vát:

– Nhưng con không muốn rụng đâu mẹ ơi!”

Câu lý sự đó khiến Thanh lại bật cười:

– Hôm nay nhiệm vụ của con là đọc ba lần Thi Thiên 131 đấy nhé!

– Dạ!

Đợi đèn phòng Lưu Ly tắt hẳn, Thanh mới trở lại với tập bản thảo. Bất giác, người mẹ vớ lấy một cuốn sổ khác, sổ này dùng để viết những tâm tình dành riêng cho cô con gái, Thanh dự định khi nào Lưu Ly đủ lớn cô sẽ trao lại cho con.

Ánh đèn vàng hắt bóng trên tường gỗ màu xám gi, một nét hanh hao của người mẹ có nhiều gánh nặng. Từng chữ, từng chữ khắc khoải, rõ ràng: “Lưu Ly à, sau này con sẽ hiểu mỗi cuộc đời đều phải lớn lên, trưởng thành, già nua và chết đi. Như chiếc lá con thấy nó cũng một thuở mùa xuân đọt non, rồi xanh lá khúc hạ, xong lại vàng úa mùa thu và cuối cùng lìa cành vào một sớm mùa đông. Nhưng con biết không, khi lá rụng, rơi xuống đất kia, nó sẽ dần dần được môi trường trong đất phân giải, cuối cùng chất dinh dưỡng của lá sẽ thành mùn hữu cơ giúp cây lớn thêm. Mặt khác, trên cành kia, ngay chỗ chiếc lá vừa rụng, một mầm non khác lại lú nhú cựa quậy, một mai sẽ nứt mầm ra một chiếc lá khác. Con có thấy cuộc đời mỗi chúng ta cũng tương tự như vậy không? Người bạn của mẹ (sẽ có lúc mẹ kể con nghe về người bạn này) tuy chưa kịp lớn lên, chưa kịp sống động trong mùa hạ rực rỡ, đã phải đi qua mùa đông băng giá của cuộc đời. Để rồi trên cành cây sự sống, cuộc đời theo Chúa của mẹ nứt mầm, vỡ lẽ một lý lẽ giá trị, cho một bác sỹ như mẹ: “Điều cần thiết đối với bệnh nhân là phải chữa bệnh ung thư thuộc linh, quan trọng hơn cả chữa bệnh ung thư thuộc thể”. Từ khi có suy nghĩ này, cuộc đời mẹ đã theo hướng khác và mẹ đã lớn lên theo hình ảnh chiếc lá xanh hình trái tim. Quãng đời đã qua của mẹ đã nói lên điều đó, phải không con?

Đó chính là ý nghĩa – mùa thu sớm rụng của bạn mẹ đã chuyển tiếp cho mùa xuân thức tỉnh của mẹ trong cuộc đời đó, con yêu à!

Mẹ – Khánh Thương”

Bài trước“Chúa Là Lẽ Thật” – Bản Tin Mục Vụ Số 67
Bài tiếp theoCon Đường Vinh Hiển –  20/10/2018